

Nguyễn Văn Định
Giới thiệu về bản thân



































Câu 1: Truyện ngắn "Con chim vàng" của Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa một cách chân thực và đầy xót xa số phận của những đứa trẻ nghèo trong xã hội cũ. Nhân vật Bào – một đứa trẻ mười hai tuổi phải đi ở đợ vì món nợ của mẹ – trở thành nạn nhân của sự tàn nhẫn và bất công. Con chim vàng, biểu tượng cho vẻ đẹp tự do, lại trở thành nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Bào. Bị ép buộc phải bắt chim cho cậu chủ, Bào phải đối mặt với những trận đòn roi, sự hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Khi cuối cùng bắt được con chim, Bào ngã từ trên cây xuống, bị thương nặng, nhưng điều khiến người đọc đau lòng hơn cả là thái độ vô cảm của mẹ con nhà chủ – họ chỉ quan tâm đến xác con chim chứ không hề đoái hoài đến mạng sống của Bào. Qua đó, tác giả tố cáo sự tàn ác của giai cấp thống trị và sự bất công trong xã hội phong kiến. Câu chuyện không chỉ là lời tố cáo mà còn là tiếng kêu cứu cho những số phận bé nhỏ, bị chà đạp trong xã hội cũ.
Câu 2: Tình yêu thương là thứ tình cảm thiêng liêng, là cội nguồn của mọi hạnh phúc và sự sống. Nó như ánh mặt trời ấm áp xua tan bóng tối lạnh lẽo của cô đơn, như dòng nước ngọt lành làm dịu đi cơn khát của những tâm hồn khô héo. Trong cuộc sống, tình yêu thương không chỉ giúp con người gắn kết mà còn là động lực để vượt qua nghịch cảnh, như câu chuyện đau lòng của Bào trong "Con chim vàng" đã cho thấy sự thiếu vắng tình thương đã dẫn đến bi kịch như thế nào. Tình yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không vụ lợi. Nó có thể xuất phát từ tình cảm gia đình, tình bạn, tình người, hay thậm chí là lòng trắc ẩn với những số phận bất hạnh. Khi được yêu thương, con người có thêm sức mạnh để đương đầu với thử thách. Như trong "Con chim vàng", nếu Bào được đối xử tử tế, có lẽ cậu đã không phải chịu đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Một xã hội tràn ngập yêu thương sẽ giảm bớt bạo lực, hận thù, thay vào đó là sự bao dung và cảm thông. Khi trao đi yêu thương, ta cũng nhận lại niềm vui và sự thanh thản trong tâm hồn. Câu chuyện của Bào là minh chứng rõ nhất cho hậu quả của sự độc ác và vô tâm. Mẹ con thằng Quyên chỉ coi Bào như công cụ, không hề quan tâm đến nỗi đau của cậu. Điều này khiến người đọc không khỏi xót xa và căm phẫn. Mỗi người cần biết yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Dù chỉ là một lời động viên, một cử chỉ quan tâm nhỏ, cũng có thể thắp lên hy vọng cho ai đó. Tình yêu thương là thứ duy nhất càng chia sẻ càng nhân lên. Nếu con người biết sống vị tha, bao dung, thế giới sẽ trở nên ấm áp hơn. Như nhà văn Maxim Gorky từng nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương". Hãy để trái tim mình rộng mở, vì yêu thương chính là lẽ sống đích thực của con người.
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là: biểu cảm Câu 2: Theo tác giả, chúng ta cần phải kính trọng những điều: tuổi già, nỗi khổ, tình mẹ con, kẻ tật nguyền, sự vất vả và cái chết Câu 3: Phép điệp cấu trúc: nếu là….con hãy. Được lặp di lặp lại 4 lần có tác dụng: - Nhấn mạnh lời cha dạy con có cách ứng xử phù hợp với những tình huống có thể gặp trong cuộc đời để con trở thành 1 người tử tế, biết quan tâm, không bị ảnh hưởng bởi cái xấu - Tạo sự liên kết, logic cho văn bản Câu 4: Theo em, thông điệp có ý nghĩa nhất là: phải biết giúp đỡ những người gặp hoạn nạn. Vì khi chúng ta mở rộng tấm lòng, chia sẻ với người khác những niềm vui,nỗi buồn của mình, học cách lắng nghe, đồng cảm, sẻ chia với những buồn vui, khó khăn của người khác. Khi đó, ta sẽ thấy yêu đời và yêu người hơn, cuộc sống này ấm áp yêu thương và đáng sống biết bao.
Câu 1: Mark Twain từng khẳng định: "Hai mươi năm sau, bạn sẽ hối hận vì những điều bạn không làm hơn là những điều bạn đã làm." Câu nói này như một lời thức tỉnh, nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự dám dấn thân và trải nghiệm. Cuộc sống không phải là hành trình tránh né rủi ro, mà là cách ta đối mặt với thử thách để không nuối tiếc vì những cơ hội bị bỏ lỡ. Những con tàu chỉ an toàn khi neo đậu tại bến, nhưng chúng được sinh ra để vượt đại dương. Con người cũng vậy, nếu mãi sống trong vùng an toàn, ta sẽ đánh mất cơ hội khám phá bản thân và thế giới. Hành động có thể dẫn đến thất bại, nhưng không hành động chắc chắn dẫn đến hối tiếc. Chẳng hạn, nhiều người từ bỏ ước mơ vì sợ khó khăn, để rồi sau này day dứt vì đã không dũng cảm theo đuổi nó. Câu nói của Mark Twain là lời cổ vũ để chúng ta sống trọn vẹn, can đảm tháo dây neo và tiến về phía chân trời mới. Bởi lẽ, dù kết quả thế nào, những trải nghiệm ấy sẽ trở thành hành trang quý giá, giúp ta không phải thở dài khi nhìn lại quá khứ. Câu 2: Trong truyện ngắn Trở về, Thạch Lam đã khắc họa hình ảnh người mẹ với vẻ đẹp tần tảo, giàu đức hi sinh và tình yêu thương vô bờ dành cho con, qua đó thể hiện niềm xót xa trước sự vô tâm của thế hệ trẻ. Trước hết, người mẹ hiện lên là một phụ nữ nghèo khổ, cô đơn và già nua theo năm tháng. Khi Tâm trở về, bà xuất hiện trong bộ áo "cũ kỹ", mái nhà "gianh xơ xác", gợi sự nghèo nàn, tàn tạ. Chi tiết tiếng guốc "chậm hơn trước" và hình ảnh bà "đã già đi nhiều" cho thấy thời gian đã lấy đi sức khỏe của bà, nhưng không thể xóa nhòa tình mẫu tử. Dù con trai bỏ quên mình suốt sáu năm, bà vẫn đón chào Tâm bằng ánh mắt "âu yếm", giọt nước mắt xúc động: "Con đã về đấy ư?" – câu hỏi giản dị nhưng chất chứa bao mong nhớ khôn nguôi. Điều khiến người đọc xúc động nhất là tấm lòng vị tha và sự quan tâm sâu sắc của người mẹ. Dù bản thân sống trong cảnh cô độc, bà không một lời trách móc con, chỉ ân cần hỏi han: "Bây giờ cậu đã khỏe hẳn chưa?" – câu nói cho thấy bà vẫn theo dõi từng bước đi của con dù chẳng được gặp mặt. Thậm chí, bà biện minh cho sự vắng mặt của mình bằng lời tự trách: "Quê mùa chả biết tỉnh thế nào mà đi". Khi Tâm hờ hững, bà vẫn cố gắng duy trì cuộc trò chuyện bằng những tin tức làng quê, dẫu biết con chẳng màng nghe. Tất cả chi tiết ấy đều cho thấy tình yêu thương vô điều kiện – thứ tình cảm không đòi hỏi sự đáp đền. Qua nhân vật người mẹ, Thạch Lam không chỉ phản ánh số phận lam lũ của người phụ nữ nông thôn mà còn lên án sự bạc bẽo của lớp người trẻ mải chạy theo vật chất. Bà cụ đại diện cho những giá trị truyền thống: sự thủy chung (như cô Trinh vẫn chờ đợi Tâm), tình làng nghĩa xóm (nhắc đến "con bác Cả" với sự gắn bó), và đặc biệt là đức hi sinh thầm lặng. Trái lại, Tâm – kẻ được hưởng nền giáo dục thành thị – lại dửng dưng với quá khứ, coi đồng tiền có thể thay thế tình cảm. Hành động "run run đỡ lấy gói bạc" của bà cụ là lời tố cáo đầy đau đớn: tiền bạc không thể lấp đầy khoảng trống tinh thần. Bằng ngòi bút tinh tế, Thạch Lam đã khắc họa thành công hình tượng người mẹ với vẻ đẹp giản dị mà cao quý. Qua đó, nhà văn gửi gắm thông điệp về sự trân trọng gia đình, quê hương. Câu chuyện khiến độc giả day dứt trước nghịch lý: những người như bà cụ dành cả đời yêu thương, nhưng cuối cùng chỉ nhận lại sự lãng quên. Phải chăng, tác phẩm là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những đứa con đang dần xa rời cội nguồn?
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận. Câu 2. Hai lối sống mà con người từng đôi lần trải qua được tác giả nêu trong đoạn trích: - Lối sống buông xuôi, trì trệ, khước từ sự vận động. - Lối sống chấp nhận sự an toàn trong thụ động, bỏ quên khát khao và ước mơ. Câu 3. - Biện pháp tu từ được sử dụng: So sánh. - Tác dụng: Giúp người đọc có được hình dung cụ thể, sinh động về cuộc đời con người; đồng thời nhấn mạnh thông điệp, lời khích lệ của tác giả rằng chúng ta cần không ngừng vận động, nỗ lực để vươn xa hơn trong cuộc đời. Câu 4. - "Tiếng gọi chảy đi sông ơi" là một hình ảnh ẩn dụ thể hiện khát vọng sống mãnh liệt trong mỗi con người. Đó là lời thúc giục từ sâu thẳm bên trong, thôi thúc ta không ngừng tiến về phía trước, vượt qua sự trì trệ và vùng an toàn để khám phá những chân trời mới. Tiếng gọi ấy đại diện cho ý chí vươn lên, khao khát trải nghiệm và khẳng định bản thân, giống như dòng sông luôn chảy về biển lớn, không ngừng vận động để tìm đến những điều rộng lớn hơn, ý nghĩa hơn trong cuộc sống. Câu 5. - Qua văn bản, em rút ra được bài học cho chính mình đó là cần biết sống chủ động, tích cực hơn, không ngừng vận động, nỗ lực vươn lên, vượt thoát khỏi vùng an toàn để có thể chạm tay đến thành công. Bởi cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi mỗi cá nhân vận động, không ngừng phát triển, giống như con sông cần chảy ra biển lớn, tuổi trẻ cần vươn xa để khẳng định bản thân.