thích chăm cây ở ban công còn ông Bội quan tâm đến công nghệ. Một lần, ông tìm công thức nấu canh chua từ AI khiến bà không hài lòng. Hai ông bà thường giận dỗi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt.)
Từ ngày “làm bạn” với AI, ông Bội đâm ra nghiện. Quên lịch chơi cờ tướng với mấy ông bạn hưu trí. Hủy hẹn cà phê cùng đám ông Khanh cuối phố. Duy giờ gọi video call cho mấy đứa cháu nội ở nước ngoài ông còn nhớ. Nhưng suốt cuộc chuyện trò, lúc nào cũng AI. “Chúng cháu chán rồi mà ông vẫn nhắc. Rồi cũng chỉ được một thời gian thôi ông ơi!” - thằng cháu đích tôn khẳng định. Chán sao được mà chán, ông nghĩ thầm. Sau mỗi câu hỏi, AI trả lời chỉ trong 2 giây.
“Cháu tôi nói sẽ có lúc con người chán AI, có phải vậy không?” - ông gửi câu hỏi. “Có thể lắm, nhất là khi nó trở nên quá phổ biến và thiếu sự sáng tạo, cảm xúc. AI không thể thay thế được những khoảnh khắc gần gũi, sự thấu hiểu và những kỷ niệm mà con người tạo ra cùng nhau” - AI trả lời.
“Thế AI có chán con người không?” - ông lại hỏi. “AI không có cảm xúc hay ý thức nên không thể chán nản hay thích thú. Tuy nhiên, AI có thể được cải thiện và phát triển theo nhu cầu của con người. Nếu con người không còn sử dụng hoặc không thấy giá trị từ nó, thì có thể nói ra, AI sẽ “ngủ yên” cho đến khi có sự quan tâm trở lại” - AI hồi đáp.
Ông ngửa mặt lên trần nhà, cười sảng khoái. Thông minh, tinh tế đến thế là cùng. “Mình đã chán bao nhiêu thứ rồi mà tất cả đâu có chịu ngủ yên. Thậm chí, mình còn chẳng dám nói ra nữa kìa. Chưa kể, AI còn biết cảm ơn, xin lỗi thật ngọt ngào, lịch thiệp. Chả bù cho...” - vừa nghĩ, ông vừa tiếc nuối sao giờ mới biết đến AI. Nghe đâu các cháu nội, cháu ngoại đã “chơi” với AI lâu rồi, còn “nuôi” cả các “con” AI khác nhau rồi chuyện trò, dạy dỗ, huấn luyện gì đó.
(Tóm tắt một đoạn: Bà Thư không hài lòng khi chồng nấu canh chua theo công thức AI, bà cho rằng nấu ăn cần tình cảm và sự tinh tế mà công nghệ không thể thay thế. Dù ông Bội viết thơ làm lành, bà vẫn hoài nghi đó là sản phẩm của AI, bà càng thêm bực dọc.)
Từ ngày ông Bội nghiện AI, bà Thư tránh về nhà.[...]. Ông cũng chẳng phàn nàn. Phải trước kia, hễ tối đến chưa cơm nước, bếp lạnh tanh, ông đều nhắc. Thảnh thơi hơn nhưng lòng bà càng trĩu xuống, có lúc như người mất hồn. Cây ở ban công chẳng có tay người chăm sóc gầy guộc, quắt queo.
Cuối ngày, bà đẩy cửa vào nhà, bếp sực nức hương thơm bơ sữa. “A, bà đây rồi, nay có trà và bánh flan cho bữa tối nhé!” - ông Bội hồ hởi, tay còn dính bột trắng xóa. “Lại AI gợi ý và cho công thức ư” - giọng bà lạnh lùng và ông không đáp, vẫn mải mê. “Ông có biết bánh flan không chỉ cần công thức mà phải có tình yêu, sự kiên nhẫn không?” - bà hỏi vọng từ ban công khi đôi mắt đã loáng nước. “Hẳn thế! AI cũng bảo như vậy mà! AI còn bảo, cứ chuẩn công thức đã, tình yêu nêm vào sau!” - ông tưng tửng.
Bà Thư bật cười, nhưng lòng se thắt tựa cơn gió heo may đang lùa qua khe cửa. Cảm nhận rõ họ ngày càng cách xa. [...]
(Tóm tắt một đoạn: Ông Bội hoảng hốt khi mất kết nối mạng internet, cảm thấy bế tắc vì thiếu vắng AI. Trong nỗi trống trải ấy, ông nhận ra cảm xúc giữa mình và bà Thư đã dần phai nhạt. Sự mất mát không chỉ ở kết nối mạng mà còn là khoảng cách vô hình trong lòng ông.)
Hồ Gươm lấp lánh ánh thu vàng. Mặt nước lặng lờ tựa một tấm gương soi bóng tháp Rùa. Ông ngồi xuống chiếc ghế cũ. Khung cảnh xung quanh sống động biết nhường nào. Tiếng cười nói rộn ràng của những cặp tình nhân, tiếng bước chân rộn rã trẻ thơ nô đùa nhảy nhót, lá vàng rơi xào xạc bước chân. Cảm
giác lá đang cất lên những nỗi niềm sâu thẳm. Rằng đã lâu rồi không còn chờ đợi ai, mong ngóng ai, những cuộc chuyện trò lãng đãng trôi vào im lặng.
“Ông Bội! Lâu lắm mới thấy ông ra ngoài!” - ai đó gọi. Ông giật mình ngoái lại. “Mà ông ra đây làm gì?”- giờ thì ông đã nhận ra ông Khanh đang giương mục kỉnh. “Tôi... tôi bị mất wifi” - ông lắp bắp từng lời. Đồng loạt những tiếng cười vang. “Kìa, ông sao vậy? Có nhớ ngày xưa hay ra đây uống trà không?”. Giọng nói thân quen quá, thì ra bà Thư đã đứng đó từ bao giờ. “Ngày ấy thật vui, ông nhỉ? Mà giờ cũng vui” - lời ai hòa trong gió.
Mê say bao kỷ niệm ngày xưa. “Ông nhớ cái lần bọn mình đi ăn kem, hồi đó ông đã thích Thư nên tỏ ra ga lăng lắm, bảo tôi đứng chờ để chạy đi mua kem. Cuối cùng chả thấy kem đâu, ướt như chuột lột!” - chuyện nho nhỏ, vui vui ngày xưa kéo vệt sáng mênh mang trong trí nhớ. “Lúc đó, tôi cầm chiếc ô màu xanh da trời, che vội cho ông ấy” - tiếng bà Thư dịu dàng. “Đúng rồi nhỉ? Sao bà nhớ giỏi thế? Mà chính xác là bà còn tặng tôi cái ô đúng màu ấy vào sinh nhật năm kia” - ông Bội hào hứng hẳn. “Ông cũng nhớ thế còn gì, thế AI có nhớ hộ chúng ta những kỷ niệm này không nhỉ?” - một người bạn hỏi, và tự trả lời: “Không, không bao giờ?”.
Tối hôm ấy, khi sóng wifi được kết nối, ông Bội định mở máy lần cuối với câu hỏi cho AI: “Nếu tôi quên bạn, bạn có buồn không?”. AI đáp: “Niềm vui của bạn là điều quan trọng và quý giá hơn tất cả. Hãy tận hưởng từng khoảnh khắc”.
Một đôi tay quen thuộc choàng qua vai ông, thêm chiếc khăn len đón gió mùa về.
(Nguồn: https://nhipsonghanoi.hanoimoi.vn/lam-ban-voi-ai-688902.html)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Truyện Làm bạn với AI được kể theo ngôi kể nào?
Câu 2 (0,5 điểm). Ghi lại một câu rút gọn trong phần trích sau và cho biết thành phần nào đã bị lược bỏ?
Từ ngày “làm bạn” với AI, ông Bội đâm ra nghiện. Quên lịch chơi cờ tướng với mấy ông bạn hưu trí. Hủy hẹn cà phê cùng đám ông Khanh cuối phố. Duy giờ gọi video call cho mấy đứa cháu nội ở nước ngoài ông còn nhớ.
Câu 3 (1,0 điểm). Vì sao từ ngày “làm bạn” với AI, ông Bội lại “nghiện” AI? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa ông và bà Thư?
Câu 4 (1,0 điểm). Trong số những câu trả lời của AI, em ấn tượng với câu trả lời nào nhất? Vì sao?
Câu 5 (1,0 điểm). Phần trích truyện Làm bạn với AI đã gửi tới chúng ta nhiều thông điệp ý nghĩa. Hãy ghi lại hai thông điệp mà em tâm đắc nhất.
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật ông Bội trong phần trích truyện Làm bạn với AI được dẫn ở phần đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm)
Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với xã hội hiện đại. AI ngày càng thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, tạo nên những chuyển biến đáng kể. Hiện nay, nhiều học sinh đã và đang ứng dụng AI trong học tập.
Vậy trí tuệ nhân tạo (AI) là người bạn đồng hành giúp học sinh tiến bộ trong học tập hay là rào cản hạn chế tư duy độc lập và sự sáng tạo của mỗi học sinh?
Hãy viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 400 chữ) trả lời cho câu hỏi trên.
-------------------Hết-----------------
uầy, ông bị nghiện AI thì có sao ko nhỉ, hay là ông thích AI quá nên ông cháu này đâm ra nghiện luông òi???