Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Phần II. Tự luận (3 điểm) SVIP
Tải đề xuống bằng file Word
(0,5 điểm) Trình bày một số thành tựu ứng dụng virus trong thực tiễn mà em biết.
Hướng dẫn giải:
Một số thành tựu ứng dụng virus trong thực tiễn:
- Sản xuất vaccine: Virus được sử dụng để tạo ra nhiều loại vaccine phòng ngừa các bệnh do virus gây ra như cúm, sởi, bại liệt, viêm gan B,...
- Sản xuất chế phẩm sinh học: Sử dụng virus để sản xuất insulin điều trị bệnh tiểu đường, interferon, kháng thể,…
- Sản xuất thuốc trừ sâu sinh học: Một số loại virus có khả năng gây bệnh cho côn trùng gây hại cây trồng được sử dụng để sản xuất thuốc trừ sâu sinh học có tính đặc hiệu cao.
- Tạo sinh vật biến đổi gene: Ứng dụng chu trình tiềm tan của virus (cài gene vào tế bào chủ), có thể sử dụng virus như một vector chuyển gene giúp chuyển gene vào vi khuẩn, thực vật để tạo các giống sinh vật mới.
(1,5 điểm) Trình bày các giai đoạn nhân lên của virus trong tế bào chủ, từ đó giải thích cơ chế gây bệnh do virus.
Hướng dẫn giải:
Các giai đoạn nhân lên của virus và cơ chế gây bệnh như sau:
- Giai đoạn 1. Hấp phụ (bám dính): Virus bám dính vào bề mặt tế bào chủ một cách đặc hiệu. Sự bám dính này xảy ra thông qua các protein bề mặt của virus (gai glycoprotein hoặc protein capsid) tương tác với các thụ thể đặc hiệu trên màng tế bào chủ.
→ Cơ chế gây bệnh: Tính đặc hiệu của thụ thể quyết định loại tế bào chủ mà virus có thể xâm nhập và gây bệnh. Đây là lí do tại sao mỗi loại virus thường chỉ có thể gây bệnh ở một số loài hoặc ở một loại tế bào nhất định. VD: Virus viêm gan B chỉ xâm nhập vào tế bào gan và gây viêm gan ở người.
- Giai đoạn 2. Xâm nhập: Sau khi bám dính, virus xâm nhập vào bên trong tế bào chủ. Cơ chế xâm nhập khác nhau tùy thuộc vào loại virus và tế bào chủ.
→ Cơ chế gây bệnh: Một số virus khi xâm nhập ở bước này cũng có thể sản sinh độc tố gây độc cho tế bào chủ.
- Giai đoạn 3. Sinh tổng hợp: Virus sử dụng các nguyên liệu và bộ máy sinh tổng hợp của tế bào chủ hoặc của chính nó để tổng hợp vật chất di truyền và các thành phần cấu tạo khác (lớp vỏ protein, màng ngoài,…).
→ Cơ chế gây bệnh:
+ Virus có khả năng ức chế các quá trình tổng hợp khác của tế bào chủ và kiểm soát theo hướng có lợi cho chúng → Làm rối loạn các quá trình sinh lí, sinh hóa của tế bào.
+ Một số virus khi chưa đi vào chu trình sinh tổng hợp này sẽ cài hệ gene của chúng vào hệ gene của tế bào chủ (như phage, virus HPV, viêm gan B,…) → Làm biến đổi gene tế bào chủ, dẫn tới các đột biến gene và có thể gây ung thư hay chết tế bào.
- Giai đoạn 4. Lắp ráp: Các thành phần virus mới được tổng hợp tự lắp ráp lại với nhau để tạo thành các hạt virus hoàn chỉnh.
- Giai đoạn 5. Giải phóng: Các virus mới thoát ra khỏi tế bào chủ để lây nhiễm sang các tế bào khác.
→ Cơ chế gây bệnh: Virus có thể phá hủy tế bào chủ để giải phóng đồng loạt các virus hoặc chui từ từ ra ngoài, tiếp tục nhân lên trong thời gian dài và làm chết tế bào dần dần.
(1 điểm) Phân biệt các hình thức sinh sản ở vi sinh vật nhân sơ và vi sinh vật nhân thực.
Hướng dẫn giải:
Sinh sản ở vi sinh vật nhân sơ | Sinh sản ở vi sinh vật nhân thực | |
Đại diện | Vi khuẩn | Nấm men, nấm mốc |
Kiểu sinh sản | Sinh sản vô tính | Sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính |
Các hình thức sinh sản | - Phân đôi (trực phân: không có thoi vô sắc) - Nảy chồi - Hình thành bào tử: Bào tử dạng nghỉ/Nội bào tử (chỉ nảy mầm thành cơ thể mới khi gặp điều kiện thuận lợi) - Một số vi sinh vật nhân sơ có sự trao đổi vật chất di truyền qua cơ chế biến nạp, tải nạp và tiếp hợp nhưng không phải là hình thức sinh sản hữu tính vì không có sự hình thành giao tử | - Phân đôi (có thoi vô sắc) - Nảy chồi - Bào tử vô tính: Bào tử được hình thành từ các sợi khí sinh, khi chín sẽ được phát tán và nảy mầm thành cơ thể mới - Bào tử hữu tính: Có giảm phân tạo giao tử và có sự tiếp hợp của các giao tử |