(4,0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
ĐỜI KHỔ
(Lược phần đầu: Năm 1961, vợ chồng nhân vật tôi được quân đội cấp cho một căn nhà nhỏ ở khu tập thể Phúc Xá, vùng đất nghèo ven sông Hồng. Dù điều kiện sống ban đầu còn thiếu thốn, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc với mái ấm đầu tiên của riêng mình. Những kỉ niệm giản dị như bữa cơm đầu tiên, tình làng nghĩa xóm bắt đầu hình thành đã trở thành kí ức đẹp đẽ không thể quên với nhân vật tôi. Trong dòng kí ức, nhân vật tôi nhớ đến chị Vách – một người hàng xóm tại khu tập thể.)
Chị Vách hơn tôi một con giáp, răng đen và vấn khăn. Chồng chị là thiếu tá ở một học viện chính trị, hơn tôi khoảng mươi mười lăm tuổi. Cấp thiếu tá ngày ấy là to lắm, là mơ ước gần như viển vông của đám thượng úy lau nhau. Tên ông thiếu tá là gì tôi không rõ, mặt ông tôi cũng quên, chỉ nhớ mang máng một người đàn ông có bộ dạng rất đứng đắn, có thể rất tốt bụng, nhưng không làm một việc gì, nói một lời nào để dãy xóm được nhớ. Mỗi lần gặp tôi ở đường, một năm khoảng đôi ba lần, ông đều chào trước thân thiện và nhạt nhẽo: “Đồng chí khỏe không? Tốt chứ?”.
Với gia đình ấy vợ chồng tôi chỉ biết có chị Vách, ông thiếu tá chồng chị là ông Vách, các con chị một lũ lôi thôi, lốc thốc là con bà Vách. Chị Vách rất hợp chuyện với vợ chồng tôi, chị là người dưới quê mới theo chồng lên sống ở tỉnh, vợ tôi cũng thế. Chị là một cán bộ xã vùng địch hậu thời đánh Pháp, vợ tôi là du kích, rồi là dân công gùi gạo theo bộ đội suốt mấy chiến dịch. Hai chị em mỗi lần được ngồi với nhau là dứt không ra. Chuyện đàn bà không đầu không cuối nhưng chị Vách đã lên tiếng, mình lại chót dại để tai nghe là cứ phải nghe đến cùng. Hết cả đọc, hết cả viết. Vì nó vui lắm, buồn cười lắm, cười đến đau ruột, đến não lòng.
Tôi nói:
– Có một bà vợ vui tính như chị chắc ông ấy được cười cả ngày.
Chị Vách nói:
– Quân tử ẩn hình, tiểu nhân lộ tướng. Ông ấy vẫn phê bình tôi nói năng vô chính trị, không được chín chắn như các bà cán bộ ở tỉnh. Người ta có trình độ cao lỡ lấy phải vợ dại cũng là khổ tâm lắm. Thời trước thì họ đuổi mình ra đường rồi. Giàu vì bạn, sang vì vợ, có một bà vợ như tôi ông chồng cũng hoá hèn, chị nói thế. Nên không bao giờ chị dám đi cùng chồng ra ngoài, đến thăm ai chồng đạp xe tới trước, vợ đi bộ tới sau, không xem hát, không xem chiếu bóng, chưa bao giờ tôi thấy vợ chồng họ đi sóng đôi cả. Mà chị đâu có xấu, là một phụ nữ xinh đẹp của một thời, gương mặt tươi tắn, cái miệng với hàm răng đen đều đặn khi nói khi cười duyên dáng lạ lùng. [...]
Chị Vách không biết chữ, đã là cán bộ phụ nữ xã mà không biết chữ, chỉ vạch được một chữ V thay chữ kí thôi. Một mình chị suốt những năm đánh Pháp vừa nuôi hai con, vừa nuôi mẹ chồng, mẹ ốm một mình chị chăm sóc, lúc chết một mình chị chôn cất ma chay. Mà vẫn không dám coi là có công, làm dâu, làm vợ, làm mẹ ắt phải thế, từ thời xửa thời xưa đã vẫn là thế. Chị đẻ hai đứa con gái đầu, ông chồng vắng nhà vì phải đi đánh giặc. Đẻ hai đứa con trai sau, ông chồng cũng vắng mặt nốt vì phải đi công tác. Chị sanh không được thuận vì đã lớn tuổi, lúc sát nhau, lúc băng huyết, chỉ có bạn bè tới thăm hỏi giúp đỡ, nằm dăm bảy ngày lại bò dậy ôm con ra viện, vài ngày sau đã giặt giũ cơm nước, da mặt vàng ủng nhưng nụ cười vẫn tươi tắn. Nghe chị nói nhà chị có sáu người nhưng hai mâm. Chồng một mâm, năm mẹ con một mâm riêng. Tiền nong chia đôi, tiêu cho chồng một nửa, năm mẹ con một nửa. Chị bảo, anh ấy phải làm việc trí óc nhiều, lại cao tuổi, lại lắm thứ bệnh không bồi dưỡng là nguy ngay. Còn năm mẹ con chị sao cũng được, nông dân vốn nuôi dễ. Tôi nói: “Bà cứ bày vẽ, ông ấy không là nông dân thì là cái gì, là trí thức hả?”. Chị cười rất tươi: “Ông ấy học cao lắm chú ạ, một rương vàng không bằng một nang chữ. Một đời chỉ biết đánh giặc với đọc sách thôi.”. Tôi hỏi: “Ông ấy cũng được đi học à?”. Chị có vẻ giận: “Con địa chủ không được đi học thì ai được học. May mà ông bố đã phá tan hết cơ nghiệp, nếu không cũng bị đấu hồi cải cách rồi.”. [...]
Chị Vách không biết chữ nên chị làm cấp dưỡng một bếp ăn tập thể của quân đội. Chị đi làm rất sớm và về rất muộn. Khi đi gánh đôi thùng không, khi về một bên là nước vo gạo, một bên là cơm thừa của bếp ăn tập thể. Cơm nước lợn gà, hầu bố và trông các em trong một ngày chị đều phó mặc cho đứa con gái đầu. Một người vác cái cày bảy người vác muỗng như chị thường nói. Năm tôi về ở Phúc Xá thì đứa con gái lớn của chị đã mười bốn, mười lăm tuổi. Con bé không được xinh, da đen, chân tay lòng khòng, cả ngày không nghe nó nói một câu, cứ lầm lì làm, hết làm thì lầm lì đứng một góc giương mắt nhìn xung quanh. Giống tính ông bố như hệt, nhưng nó không được học như bố nó, biết đọc biết viết là thôi vì đông em quá. Tôi hỏi chị Vách: “Tại sao chị không cho cháu đi học?”.
Chị nói:
– Con gái cần gì học nhiều.
– Ông ấy không bắt nó đi học à?
Lại thêm một dịp để chị khoe chồng:
– Về đến nhà là vùi đầu vào đọc sách đọc báo, không hỏi đến vợ con được một câu.
Tôi cười to: “Ông ấy cũng sướng nhỉ, sướng nhất khu đấy.”. Chị cũng cười: “Người khôn nhọc lo, người dại ăn no lại nằm. Tôi mới là người sướng chứ chú.”. Nói đến thế là hết.
(Lược phần cuối: Sau nhiều năm rời khu tập thể, nhân vật tôi trở lại thăm nơi này và chứng kiến cuộc sống của chị Vách càng khốn khó hơn: ông chồng mất, hai đứa con gái quá lứa lỡ thì không lấy chồng, một đứa con trai ngẩn ngơ điên dại. Lương hưu thấp nên dù đã bảy mươi tuổi chị Vách vẫn phải vất vả mưu sinh, làm xôi bán để có thêm tiền lo cho các con. Chị tự nhận vì mình ngu đần, vụng dại nên con cái mới vậy, nếu chồng chị còn sống thì chúng nó đâu đến nỗi. Suy nghĩ của chị khiến nhân vật tôi cổ tắc nghẹn lại, muốn bật khóc.)
(Nguyễn Khải, Đời khổ, in trong Tuyển tập Nguyễn Khải, NXB Văn hoá thông tin, 2014, tr. 190 – 192)
* Chú thích: Sát nhau (hay sót rau): chỉ tình trạng sót nhau thai sau khi sinh con – một biến chứng sản khoa nguy hiểm.
Câu 1. Xác định ngôi kể và điểm nhìn của truyện ngắn trên.
Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của chị Vách.
Câu 3. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ liệt kê trong các câu văn sau: “Một mình chị suốt những năm đánh Pháp vừa nuôi hai con, vừa nuôi mẹ chồng, mẹ ốm một mình chị chăm sóc, lúc chết một mình chị chôn cất ma chay. Mà vẫn không dám coi là có công, làm dâu, làm vợ, làm mẹ ắt phải thế, từ thời xửa thời xưa đã vẫn là thế.”.
Câu 4. Nêu vai trò của chi tiết “Chị cười rất tươi: “Ông ấy học cao lắm chú ạ, một rương vàng không bằng một nang chữ. Một đời chỉ biết đánh giặc với đọc sách thôi”.”.
Câu 5. Từ câu nói của chị Vách “Người khôn nhọc lo, người dại ăn no lại nằm. Tôi mới là người sướng chứ chú.”, anh/ chị suy nghĩ gì về cách để con người vượt qua khi phải đối diện với những nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống?
Bài này cũng hay như bài trước
Cô kết bạn với em đi ạ! Em muốn đọc thêm nhiều văn thơ lắm á 😁😁😁