Đọc văn bản sau:
(Tóm tắt đoạn đầu: Hiền và Hoài là hai anh em ruột. Cả hai đều có niềm đam mê với chim bồng chanh đỏ. Hai anh em phát hiện một đôi chim bồng chanh đỏ rất đẹp ở đầm nước. Một hôm, Hiền rủ Hoài đi bắt đôi chim đó về nuôi, nhưng sau khi bắt được một con, Hiền quyết định thả nó về tổ.)
[...]
Cái lò gạch ở cuối cánh đồng đang phun lửa sáng rực và ánh đèn ô tô ngoài đường cái quét lên nền trời những luồng ánh sáng xanh biếc. Lúc về đường bao giờ cũng ngắn hơn lúc đi, người ta nói thế mà đúng, chỉ một loáng anh em tôi đã đến cổng làng. Từ sân phơi của hợp tác đội đến những âm thanh nghe vui như một đàn ong đang xây tổ. Tôi nghĩ bụng, biết thế này ở nhà mà lăn ra nằm tán dóc với mấy thằng bạn dưới chân một đống rơm nào đó lại hơn. Chuyện lạ đời, thả con bồng chanh đã bắt được ra! Liệu lát nữa kể lại chuyện này chúng nó có tin không? Thế nào cũng có đứa bảo mình là nói điêu cho mà xem. Càng nghĩ tôi càng thấy giận anh Hiền. Ông ấy vẫn có vẻ thanh thản lắm, chẳng bù cho ban nãy, cứ lom khom lom khom, lại còn “xì” cảnh cáo tôi khi tôi trót làm động nữa! Được rồi, đêm mai tôi sẽ có cách, tôi sẽ rủ thêm mấy thằng bạn ra đó, những đứa không làm hỏng việc, mà cũng có thể tôi đi một mình, như thế hành động sẽ mau lẹ hơn.
Hôm sau, ở trường về là tôi ra đồng ngay. Tôi muốn được nhìn thấy chú bồng chanh mà đêm qua mình đã túm gọn. Nấp sau mô đất cao, tôi đưa mắt tìm kiếm quanh đầm nhưng chẳng thấy bóng dáng con chim màu đỏ ấy. Hay là cả hai vợ chồng nó đều đi kiếm ăn cả rồi?
Có tiếng chân người phía sau đi đến, tôi giật mình quay lại. Tưởng ai, hoá ra là anh Hiền.
– Đừng chờ vô ích – anh nói – chúng nó sơ tán đến chỗ khác rồi.
– Thế còn các con nó?
– Nó cắp theo chứ sao. Bồng chanh chuyển tổ là thường, thấy động là chúng đi ngay.
– Lẽ ra hôm qua phải bứng lấy chúng – Tôi nổi xung lên nói với anh.
– Mày tồi lắm, tao hỏi, nếu có đứa nào phá rối nhà mày thì mày tính sao?
– Thì nên cho chúng một trận chứ sao?
– Vậy thì mày có muốn đóng vai thằng ăn cướp đối với gia đình con bồng chanh không? Cũng may con bồng chanh đó nó không biết chống cự đấy, nếu không thì nó tha gì mày.
Đuối lí, tôi đành nằm im, lơ đãng nhìn ra ngoài đầm.
[...] Tôi nằm trên bờ đầm lơ đãng nhìn ra xa mà nghĩ ngợi miên man. Tôi thương đôi vợ chồng bồng chanh bây giờ đã tha con đến một cánh đồng nào, ở một đầm nước xa lạ, chúng lại phải cùng nhau xây tổ để tránh mưa tránh nắng và con chồng lại lang thang kiếm tôm tép mang về nuôi con. Cuộc sống của chúng có chắc được yên ổn không, hay rồi cũng sẽ bị một lũ trẻ như tôi rình mò bắt bớ. Chúng đang nghĩ về chúng tôi như thế nào sau buổi tối hôm qua, hẳn chúng phải oán giận lắm. Tôi thầm kêu lên: "Bồng chanh, bồng chanh ơi, hãy yên tâm mà trở về đầm này. Chúng tao yêu mày và ở đây mày cũng đỡ vất vả. Nhà cửa có sẵn cả rồi, đồng tao tôm tép nhiều, mày đỡ phải lặn lội. Vợ mày cứ ngồi trước tổ mà trông con cái, và soi mình xuống nước rỉa lông, làm dáng...".
(Bồng chanh đỏ, In trong Truyện mùa hạ, tập hai, Đỗ Chu, NXB Văn học, 2010)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định ngôi kể của văn bản trên.
Câu 2. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 3. Nêu một đặc điểm của thể loại truyện ngắn được thể hiện trong văn bản trên.
Câu 4. Những lời "thầm kêu" sau cho thấy điều gì ở Hoài?
"Bồng chanh, bồng chanh ơi, hãy yên tâm mà trở về đầm này. Chúng tao yêu mày và ở đây mày cũng đỡ vất vả. Nhà cửa có sẵn cả rồi, đồng tao tôm tép nhiều, mày đỡ phải lặn lội. Vợ mày cứ ngồi trước tổ mà trông con cái, và soi mình xuống nước rỉa lông, làm dáng...".
Câu 5. Từ văn bản trên, anh/chị hãy nêu giải pháp bảo vệ các loài động vật hoang dã.