(4 điểm) Đọc văn bản sau:
XUÂN SẦU (II)
Trăm hoa đua nở đẹp hơn cười
Một cái oanh vàng uốn lưỡi chơi
Phong cảnh chiều xuân vui vẻ thế
Xuân sầu chi để bận riêng ai!
Mười lăm năm trước xuân xanh
Tri Tri cất tiếng, Hữu Thanh gọi đàn
Tình nguyện vọng chứa chan non nước
Bạn tri âm man mác giời mây
Nở gan một cuộc cười say
Đường xa coi nhẹ gánh đầy như không
Phận nam nhi tang bồng là chí
Chữ trượng phu ý khí nhường ai
Non sông thề với hai vai
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son
Dư đồ rách, nước non tô lại
Đồng bào xa, trai gái kêu lên
Doanh hoàn là cuộc đua chen
Rồng Tiên phải giống ngu hèn, mà cam!
Tiếng gọi bạn nửa năm vừa dứt
Sức thua giời, trăm sức mà chi
Tình duyên đến lúc phân ly
Giang sơn bảng lảng, tu mi thẹn thùng
Xếp ngọn bút, đau lòng son sắt
Giã đàn văn, lánh mặt phong sương
Cho hay trần luỵ đa mang
Trăm năm duyên nợ văn chương còn nhiều
Thuyền một lá buông liều sông nước
Lái tám năm xuôi ngược dòng sông
Nực cười trận gió đông phong
Làm cho chú lái không công mất thuyền
Ngồi nghĩ lại mối duyên sao lạ
Dẫu kêu rằng món nợ cũng hay
Trần hoàn trả trả vay vay
Kể chi công nợ, cho rầy thanh tao
Mừng xuân mới, rượu đào khuyên cạn
Vắng tri âm mà bạn non xanh
Gan vàng, tóc bạc, non xanh
Thiên nhiên ai hoạ bức tranh xuân sầu?
(Tản Đà)
* Chú thích: Tản Đà là chủ bút của tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Bài thơ Xuân sầu (II) được sáng tác vào năm 1936, trong khoảng thời gian tờ An Nam tạp chí của ông bị đình chỉ nhiều lần, sau đó phải đóng cửa vĩnh viễn.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu giúp em nhận biết được thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản này là gì?
Câu 3. Nhận xét về không gian và thời gian trong văn bản.
Câu 4. Qua văn bản, nhân vật trữ tình gửi gắm những tâm trạng, cảm xúc gì?
Câu 5. Phân tích tác dụng của phép đối trong văn bản.