(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Từ ngày muôn dặm phù tang(1),
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.
Vội sang vườn Thúy(2) dò la,
Nhìn phong cảnh cũ, nay đà khác xưa.
Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa.
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời…
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông(3).
Sập sè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa!
Chung quanh lặng ngắt như tờ,
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
Láng giềng có kẻ sang chơi,
Lân la sẽ hỏi một hai sự tình.
Hỏi ông, ông mắc tụng đình(4),
Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha.
Hỏi nhà, nhà đã dời xa,
Hỏi chàng Vương, cùng với là Thúy Vân.
Đều là sa sút khó khăn,
May thuê, viết mướn, kiếm ăn lần hồi.
Điều đâu sét đánh lưng trời,
Thoắt nghe, chàng thoắt rụng rời xiết bao!
Vội han di trú(5) nơi nào?
Đánh đường, chàng mới tìm vào tận nơi.
Nhà tranh, vách đất tả tơi,
Lau treo rèm nát, trúc cài phên thưa.
Một sân đất cỏ dầm mưa,
Càng ngao ngán nỗi, càng ngơ ngẩn người!
Đánh liều lên tiếng ngoài tường,
Chàng Vương nghe tiếng, vội vàng chạy ra.
Dắt tay vội rước vào nhà,
Mái sau, viên ngoại ông bà ra ngay.
Khóc than kể hết niềm tây:
“Chàng ôi, biết nỗi nước này cho chưa?
Kiều nhi phận mỏng như tờ,
Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng!
Gặp cơn gia biến lạ đường,
Bán mình nó phải tìm đường cứu cha.
Dùng dằng khi bước chân ra,
Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần.
Trót lời hẹn với lang quân,
Mượn con em nó Thúy Vân thay lời.
Gọi là trả chút nghĩa người,
Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên.”
[…] Ông bà càng nói càng đau,
Chàng càng nghe nói, càng rầu như dưa.
Vật mình vẫy gió, tuôn mưa,
Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai!
(Trích “Truyện Kiều”, Nguyễn Du, Nhà xuất bản Trẻ, 2015)
Chú thích:
(1) Phù tang: Chịu tang.
(2) Vườn Thúy: Nơi Kim Trọng từng trọ học, cũng là nơi Kim – Kiều cùng nhau tình tự, thề nguyền.
(3) Hoa đào… gió đông: Thôi Hộ đời Đường, nhân tiết Thanh minh, đi đến nơi kì ngộ, tìm người con gái đã gặp gỡ năm trước thì chỉ thấy cửa đóng, người đi đâu vắng, nhân đó mà làm bài thơ, trong đó câu: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (nghĩa là: “Mặt người không biết đi đằng nào/ Hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ).
(4) Tụng đình: Sân xử kiện, nơi xử kiện. Ở đây dùng với nghĩa chỉ việc kiện cáo.
(5) Han: Hỏi, di trú: Dời đi nơi khác.
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?
Câu 2. Văn bản là ngôn ngữ của ai?
Câu 3. Tóm tắt lại văn bản theo các sự kiện chính trong văn bản.
Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về hình ảnh “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”?
Câu 5. Nêu tác dụng của biện pháp tả cảnh ngụ tình trong đoạn trích:
Sập sè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa!