K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

25 tháng 10 2021

Viết một bài văn trình bày cảm nhận về đoạn trích kiều ở lầu ngưng bích được trích trong truyện kiều của Nguyễn Du

  
4 tháng 11 2021

Tham khảo:

 

Nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh từng khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, còn nhà thơ Chế Lan Viên lắng sâu và tinh tế khi cất lên lời thơ: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Bao thế kỉ qua, Truyện Kiều đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi người dân Việt Nam. Những trang thơ có sức cuốn hút diệu kỳ, vương vấn mãi tâm hồn ta, mang đến cho ta niềm cảm thương sâu sắc với “tấm gương oan khổ” Thúy Kiều, đem lại cho ta những khoái cảm thẩm mĩ đặc biệt trước những lời thơ như hoa, như gấm:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Tám câu thơ trích trong đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Đây là những vần thơ có sức ám ảnh nhất của đoạn trích, diễn tả thành công "nỗi lòng tê tái" của Kiều trong những ngày đầu tiên của kiếp đoạn trường.

Hai tiếng "buồn trông" được lặp lại bốn lần trong đoạn trích, vừa như gói trọn tâm thế của Kiều "trước lầu Ngưng Bích", vừa tạo nhịp điệu đều đều, buồn thương cho đoạn thơ. Ở nơi "khóa xuân", Kiều chỉ biết lấy thiên nhiên làm điểm tựa, và từ điểm tựa đó nàng nhận thức về số kiếp của mình. Tầm nhìn của nàng trước hết hướng ra xa, vì nơi xa đó là nhà nàng, là nơi có những người thân yêu nhất:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Không gian xa rộng, quạnh hiu nơi cửa bể như càng làm nổi rõ hơn thân phận nhỏ bé, cô đơn của Kiều. Không gian ấy cộng hưởng cùng thời gian "chiều hôm" - thời khắc gợi nhớ, gợi buồn - khiến như thấm sâu hơn vào tâm hồn người con gái nơi xứ lạ nỗi niềm xót xa. Giữa khung cảnh ấy, trái tim cô đơn, tâm hồn trống vắng cần lắm một hơi ấm, một sự hiện diện của sự sống:

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

"Thuyền" chính là hình ảnh biểu tượng cho sự sống con người. Nhưng đó là sự hiện hữu mờ mờ, như có như không, được diễn tả qua hai từ "thấp thoáng", "xa xa". Sự xuất hiện mờ ảo của cánh buồm không làm cho khung cảnh thêm thân mật, ấm áp mà càng gợi sầu, gợi cảm giác cô liêu cho con người. Không tìm thấy sự sẻ chia từ nơi cửa biển xa xăm, Kiều hướng tầm mắt về "ngọn nước" gần mình hơn:

Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Giữa dòng nước, cánh hoa trôi man mác như gợi nhắc thân phận cảnh bèo trôi dạt của người trong cảnh. Câu hỏi tu từ như xoáy vào tâm hồn người đọc. Thân phận cánh hoa hay chính là những trăn trở, xót xa cho số kiếp mỏng manh, phiêu bạt của Kiều? Hai tiếng "về đâu" cuối câu thơ với thanh không càng tạo cảm giác xa vắng, vô định, như tương hợp với tâm thế hiện thời của Kiều. Tìm đến với thiên nhiên đó mong sao vơi bớt mối sầu chất chứa trong lòng nhưng càng nhìn cảnh, tâm trạng lại càng rối bời. Dường như nước gợi lên sự lạnh lẽo, bất định, chảy trôi nên Kiều tìm về với bờ cỏ xanh, với mặt đất:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Nhưng cỏ cũng mang tâm trạng buồn thương của người: "rầu rầu". Đâu còn là "cỏ non" xanh tận chân trời trong tiết thanh minh khi Kiều còn sống những ngày tháng "Êm đềm trướng rủ màn che". Cảnh nơi xứ lạ như thấu cảm nỗi niềm của Kiều nên nhuốm màu tâm tư của kiếp người phiêu bạt. Nỗi "rầu rầu" ấy tràn ngập, lan tỏa khắp không gian:

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Cái nhìn bao quát từ "chân mây" xa xăm đến "mặt đất" gần gũi, tất cả đều "một màu xanh xanh". Nó khác lắm cái sắc xanh tràn ngập nhựa sống của tiết trời mùa xuân:

Cỏ non xanh tận chân trời và cũng không giống màu áo xanh tinh khôi của chàng Kim trong ngày đầu gặp gỡ:

Tuyết in sắc ngựa câu giòn.
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.

Màu xanh của không gian nơi lầu Ngưng Bích là màu xanh gợi buồn. Nỗi buồn của người pha vào cảnh vật, mang theo bao tái tê. Không gian trở nên rợn ngợp, cô liêu. Sự vắng lặng bao trùm cảnh vật càng tô đậm tiếng lòng thổn thức của người trong cảnh. Kiều cảm thấy cần một tiếng vọng của sự sống con người nhưng đáp lại nàng chỉ có những thanh âm hào hùng của thiên nhiên:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Gió thổi, nước trôi... tất cả đều gợi sự chảy trôi, như thân phận "Bên trời góc bể bơ vơ" của nàng Kiều. Âm thanh của tiếng sóng ầm ầm như tiếng gào thét của lòng người trong cảnh ngộ bẽ bàng, tê tái. Tầm nhìn của Kiều hướng từ xa về gần, từ cao đến thấp, mong mỏi kiếm tìm một sự đáp vọng. Thanh âm duy nhất đáp lại nàng là tiếng sóng "ầm ầm" "kêu quanh ghế ngồi". Nó không làm cho không gian vang động hơn mà càng khắc sâu thêm tâm trạng đau đớn lẫn dự cảm lo âu về tương lai của Kiều. Xót xa biết bao, đớn đau biết bao! Chỉ có thiên nhiên bên nàng, sẻ chia "tấm lòng'' với nàng. Đó chính là thời khắc Kiều thấm thía nhất nỗi niềm tự thương thân.

Thơ ca chỉ tìm được bến neo đậu nơi lòng người khi đó là tiếng lòng tha thiết, được tạo tác bởi tài năng nghệ thuật chân chính. Đoạn thơ này của Nguyễn Du đã làm được điều đó. Nó không chỉ khắc họa thành công nỗi lòng xót xa, tâm trạng bẽ bàng của Kiều mà còn cho ta thấy nghệ thuật tả cảnh ngụ tình bậc thầy của đại thi hào dân tộc. Âm hưởng của những câu thơ này đã, đang và sẽ vang đọng mãi trong tâm trí người đọc.

4 tháng 11 2021

Tham khảo

Nguyễn Du không chỉ xuất sắc trong nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật mà còn là người có biệt tài miêu tả thiên nhiên, ngụ tâm tình, tình cảm của con người. Mỗi bức tranh dưới đôi bàn tay Nguyễn Du luôn luôn thực hiện hai chức năng chính: thể hiện ngoại cảnh và thể hiện tâm trạng. Tám câu thơ cuối trong bài “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã cho thấy rõ biệt tài này của ông.

Sau khi bị lừa bán vào lầu xanh, Kiều sống trong đau đớn, ê chề, với bản tính là con người trọng nhân phẩm, Kiều đã tìm đến cái chết để giải thoát nhưng không thành công. Thúy Kiều bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, chờ đến ngày thực hiện âm mưu mới. Những ngày ở lầu Ngưng Bích nàng sống trong đau đớn, tủi hổ, cô đơn, tuyệt vọng đến cùng cực.

Trong nỗi cô đơn, dường như ai cũng một lòng hướng về gia đình. Người con gái trong ca dao, dù lấy chồng, nhưng trong những khoảnh khắc ngày tàn vẫn tha thiết nhớ về quê mẹ:

Chiều về ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Huống chi là nàng Kiều, thân phận nổi trôi, bán mình cứu gia đình, thì nỗi nhớ gia đình lại càng da diết hơn bao giờ hết:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Không gian mênh mông của cửa bể kết hợp với hình ảnh thuyền thấp thoáng phía xa gợi lên không gian rợn ngợp, hoang vắng. Cánh buồm dường như trở nên nhỏ bé hơn trong không gian rộng lớn ấy. Thân phận nàng cũng chẳng khác gì cánh buồm kia, lênh đênh, nhỏ nhoi giữa cuộc đời bất định. Đồng thời ông cũng rất khéo léo lựa chọn thời gian cho nỗi nhớ, ấy là “chiều hôm”. Trong văn học không gian buổi chiều thường gợi ra nỗi buồn man mác, ở đây trong hoàn cảnh của Kiều nỗi buồn ấy gắn với khát khao được sum họp, đoàn tụ, được trở về bên quê hương, gia đình.

Sau nỗi buồn tha hương, xa xứ, nàng nghĩ về thân phận mình mà lại càng đau lòng hơn: “Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu?”. Hình ảnh ẩn dụ “hoa trôi” là biểu trưng cho thân phận của nàng Kiều. Ngọn nước mới sa kia có sức mạnh ghê gớm, là những giông bão, sóng gió trong cuộc đời đã vùi dập cuộc đời nàng. Những cánh hoa trôi man mác cũng như thân phận bé bỏng, mong manh của nàng. Cuộc đời nàng lênh đênh theo dòng đời, không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu. Câu hỏi tu từ “biết là về đâu” như một lời than, một lời ai oán cho số phận bất hạnh. Qua đó càng nhấn mạnh hơn nữa thân phận chìm nổi, bèo bọt của nàng.

 

Trong tác phẩm của Nguyễn Du, sắc xanh đã xuất hiện nhiều lần, mỗi lần xuất hiện đều mang ý nghĩa khác nhau. Nếu như trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, sắc xanh tượng trưng cho sự sống, tươi tốt mơn mởn, thì trong đoạn trích này màu xanh lại mang một ý nghĩa khác: “Buồn trông nội cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”. Nội cỏ chỉ mang một màu tàn lụi héo úa. Sắc xanh cũng nối chân trời mặt đất với nhau nhưng lại nhạt nhòa, đơn sắc. Tất cả những màu sắc đó hòa điệu với nhau càng khiến cho tâm trạng Kiều trở nên ngao ngán, chán nản hơn. Kiều nhìn ra bốn phía để tìm được sự đồng điệu, tìm sự sẻ chia. Vậy mà, khung cảnh chỉ càng làm nàng thêm u sầu, ảo não. Quả thực “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Dưới con mắt tuyệt vọng của nàng, khung cảnh nào cũng chỉ thấm đầy nỗi buồn chán, bế tắc và vô vọng. Điều đó càng đẩy Kiều rơi vào sâu hơn hố sâu của sự sầu muộn, tuyệt vọng.

Hai câu thơ cuối cùng có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, sự hoang mang, rợn ngợp của Kiều đã được tác giả tập trung bút lực thể hiện rõ nhất trong hai câu thơ này:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Cảnh cuối thiên nhiên hiện ra thật dữ dội, đó không chỉ còn là ngoại cảnh mà còn là tâm cảnh, Kiều tưởng mình không còn ngồi ở lầu Ngưng Bích mà đang ngồi giữa biển khơi mênh mông, xung quanh là sóng biển gào thét như muốn nhấn chìm nàng xuống biển. Đặc biệt từ láy “ầm ầm” vừa diễn tả một khung cảnh khủng khiếp vừa diễn tả tâm trạng buồn lo, hoảng loạn của Thúy Kiều. Nàng đang dự cảm những giông bão của số phận, rồi đây sẽ nổi lên và nhấn chìm cuộc đời mình.

Đoạn thơ đã vận dụng tài tình nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, mỗi cảnh là một tâm trạng, là một nỗi đau mà Kiều phải gánh chịu. Không chỉ vậy Nguyễn Du còn có sự miêu tả theo trình tự hợp lý: Từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt nhòa đến đậm nét, khắc họa nỗi buồn da diết của Kiều. Sử dụng hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, lớp từ láy giàu giá trị tạo hình và biểu cảm. Tất cả những yếu tố đó góp phần tạo nên thành công cho đoạn trích.

Tám câu thơ cuối là một tuyệt tác của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Bằng những bức tranh đặc sắc, Nguyễn Du đã khắc họa được những trạng thái xúc cảm, nỗi cô đơn, lo âu, sợ hãi về tương lai đầy sóng gió của nàng Kiều. Không chỉ vậy, qua bức tranh ấy, Nguyễn Du cho thể hiện niềm cảm thương sâu sắc cho số phận nàng nói riêng và số phận người phụ nữ nói chung dưới chế độ phong kiến.

21 tháng 11 2021

- Không gian: “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”, bốn bề bát ngát, cát vàng cồn nọ: Không gian được miêu tả từ cao, xa, rộng. Không gian trước lầu Ngưng Bích là một không gian rộng lớn, mênh mông, xa cách với cõi trần.

- Thời gian: Thời gian được miêu tả qua từ “mây sớm đèn khuya”, hình ảnh ánh trăng. Kiều luôn phải thức khuya, dậy sớm bởi một nỗi trằn trọc, tủi hận cho cuộc đời mình

- Các từ miêu tả tâm trạng: bẽ bàng, khóa xuân: Qua đó ta thấy Kiều đang lâm vào hoàn cảnh bị giam lỏng, bị ngăn cách với thế giới bên ngoài. Cô cảm thấy xót thương, xấu hổ cho thân phận của mình.

Đây là dàn ý mà lười ghi cả bài quá :))

 

16 tháng 11 2017

Truyện Kiều là kiệt tác của văn học Việt Nam và văn học thế giới. Bao nhiêu tinh hoa của tư tưởng dân tộc đều qui tụ vào kiệt tác này. Thế nhưng do truyện Kiều được sáng tác dựa theo Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nên phần nào là phần sáng tạo của Nguyễn Du, phần nào là phần vay mượn cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. 
 

Trong giới hạn bài này, chúng tôi sẽ so sánh đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.

Trước hết cần xác định ngay, mục đích của văn học so sánh là tìm sự giống và khác giữa các tác giả, các tác phẩm văn học, các trào lưu văn học, các dòng văn học và các giai đoạn văn học, chứ không phải truy tìm sự hơn kém. Các công trình nghiên cứu theo phương pháp so sánh từ trước đến nay vì không xác định mục đích so sánh nên dẫn đến tình trạng là so sánh để thấy được sự hơn kém mà không phải là tìm sự giống và khác. Kiểu so sánh này thường là hạ thấp tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và ca ngợi Truyện Kiều của Nguyễn Du. Chúng ta có thể thấy điều này ở Vũ Hạnh trong Đọc Lại Truyện Kiều, Lê Đình Kỵ trong Truyện Kiều và Chủ Nghĩa Hiện Thực của Nguyễn Du, Phan Ngọc trong Tìm Hiểu Phong Cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, các công trình nghiên cứu của Đặng Thanh Lê, Trọng Lai, Nguyễn Trung Hiếu . . . Còn Nguyễn Hữu Sơn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du trong Sự So Sánh với Truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân thì cho rằng, nhiều cái chúng ta cho là của Nguyễn Du thì đều đã có đầy đủ trong Truyện Kim Vân Kiều.

Theo Nguyễn Văn Dân, so sánh như vậy là chủ quan, kì thị và bất ổn. Do đó, hướng so sánh của bài này sẽ theo đúng mục đích của văn học so sánh, tìm ra phần nào là phần Nguyễn Du vay mượn của Thanh Tâm Tài Nhân, phần nào là sáng tạo của ông.

Như chúng ta đã biết, mối quan hệ tương giao giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện là mốiquan hệ giao lưu ảnh hưởng. Theo giáo sư Thạch Giang thì trong 214 trang của Kim Vân Kiều Truyện thì Nguyễn Du đã loại bỏ 142 trang. Ông chỉ sử dụng có 72 trang để  viết nên nên 1.313 câu trong tổng số 3.256 câu Truyện Kiều. 1.914 câu còn lại là sáng tạo của Nguyễn Du.

Vậy Nguyễn Du vay mượn gì ở Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và đã có những sáng tạo gì? 

Thứ nhất, Nguyễn Du lấy toàn bộ cốt truyện, hệ thống nhân vật, tên nhân vật của Kim Vân Kiều Truyện. Điều đó cho thấy cốt truyện của Kim Vân Kiều phải thú vị như thế nào đó Nguyễn Du mới lấy cốt truyện này để sáng tạo tác phẩm cho mình. Hơn nữa, mỗi nhân vật trong Kim Vân Kiều Truyện đều có cá tính riêng nên Nguyễn Du mới giữ nguyên hệ thống nhân vật này trong tác phẩm của mình. 

Thứ hai, về tư tưởng, Nguyễn Du đã tiếp thu thuyết tài mệnh tương đố của Kim Vân KiềuTruyện. Tuy nhiên, ông đã phát triển mở rộng thêm và có những đề xuất mới cho thuyết này. Ta hãy đọc và suy ngẫm mấy vần thơ sau đây trong Truyện Kiều sẽ thấy rõ điều ấy: Cũng liều nhắm mắt đưa chân / mà xem con tạo xoay vần đến đâu! / Kiếp xưa đã vụng đường tu / kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi! Rõ ràng, Nguyễn Du đã đưa thêm thuyết Nghiệp của Phật giáo vào để bổ sung cho thuyết Tài mệnh tương đố. Bởi nếu chỉ y cứ vào thuyết Tài mệnh tương đố, nỗi đoạn trường thống khổ của con người sẽ không thể giải quyết. Tất cả nỗi khổ niềm đau của con người đều do chính Tâm họ gây ra thì bây giờ cũng chính Tâm này tiêu diệt nó đi, không thể nhờ một thế lực bên ngoài nào khác tiêu diệt giúp được.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Hơn nữa, tư tưởng định mệnh không phải là tư tưởng chính, xuyên suốt của Kim Vân Kiều Truyện. Kiều trong Kim Vân Kiều truyện là chủ động. Kiều trong Truyện Kiều là thụ động. Nguyễn Du đã để cho mọi chuyện đến với Kiều một cách ngẫu nhiên. 

Thứ ba, về tinh thần nhân đạo, Kim Vân Kiều Truyện ra đời trong bối cảnh xã hội đầy bất công, tăm tối đối với con người. Nguyễn Du đã kế thừa tinh thần này.

Ba điều trên là nguồn tư liệu để cho Nguyễn Du sáng tạo nên tác phẩm của mình. Chúng ta thấy, Nguyễn Du có kế thừa và có sáng tạo. Nhưng sáng tạo của Nguyễn Du mới là điểm chính yếu làm nên giá trị Truyện Kiều.

Về thể loại truyện, Truyện Kiều của Nguyễn Du là đối lập với Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du dùng thể thơ truyền thống của dân tộc là Lục bát để viết Truyện Kiều.Thanh Tâm tài Nhân  dùng văn xuôi để viết Kim Vân Kiều Truyện. 

Kiều của Nguyễn Du khác Kiều của thanh tâm tài Nhân. Nguyễn Du xây dựng nhân vật Kiều theo tinh thần sáng tạo của ông. Kiều mang định mệnh, mang thân phận của người dân Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam trong một thời đại xã hội có nhiều biến động, đã đưa người phụ nữ tài sắc như Kiều phải: “Thanh y hai lượt thanh lâu hai lần”; đồng thời xã hội ấy buộc con người phải chừa bỏ cả sự trong trắng của mình: “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Và như vậy, phần nào đó, Kiều mang tâm sự của chính Nguyễn Du.

Vậy dù có vay mượn, kế thừa của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng trong qúa trình xây dựng tác phẩm, Nguyễn Du có những sáng tạo nghệ thuật độc lập. 

Ngoài ra, Nguyễn Du còn vay mượn rất nhiều yếu tố trong văn học cổ Việt Nam, văn học dân gian (ca dao, dân ca, tục ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày . . .), tư tưởng dân tộc Việt Nam (Phật, Nho, Lão), văn chương Trung Hoa và đặc biệt là vốn sống của chính ông khi viết truyện Kiều. Và đây mới là phần cốt yếu làm nên thiên tài Nguyễn Du và làm nên kiệt tác Truyện Kiều. 

Trong đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Thanh Tâm Tài Nhân trước nhất miêu tả về thiên nhiên quanh lầu: Ngôi lầu này từ phía đông trông ra biển xanh, phía bắc nhìn lên Kinh kỳ, phía nam ngó lại Kim Lăng, phía tây trông ra dãy núi Kỳ Sơn.

Nguyễn Du đã giữ nguyên nội dung miêu tả thiên nhiên này trong Truyện Kiều:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bùi hồng dặm kia.

Điểm khác ở đây là, Nguyễn Du đã vận dụng ngữ pháp tiếng Việt để tạo nên những vần thơ tả cảnh đặc sắc. Hình ảnh trong những câu thơ trên rất đẹp. Có tương phản: xa-gần, cát vàng- bụi hồng, cồn nọ- dặm kia và có kết hợp: ở chung. Có động: cát- bụi và có tĩnh: non- trăng. Cái hay của Đoạn thơ còn thể hiện ở cách ngắt nhịp. Thay vì ngắt ở chữ thứ tư ở những câu tám thông thường trong Lục bát (ví dụ: cát vàng cồn nọ/ bụi hồng dặm kia) thì nhịp được ngắt ở chữ thứ ba và thứ sáu: Vẻ non xa/ tấm trăng gần / ở chung. Hơi thơ, vì vậy, khác thường, không đều đều một điệu.

Tâm trạng của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích trong Kim Vân Kiều Truyện là buồn bã, nhớ người yêu. Truyện Kiều của nguyễn Du cũng giữ nguyên nội dung này. Nhưng trong truyện Kiều, ngoài nhớ người yêu, Kiều còn nhớ đến cha mẹ. Điểm khác nữa là Nguyễn Du đã bỏ mười bài Chẳng cùng nhau và bài thơ của Kiều. Cái buồn của Kiều chỉ được Thanh Tâm Tài Nhân miêu tả đại lược bằng mấy dòng: Thúy Kiều đối cảnh buồn bã, nhớ lại cái ngày cùng chàng Kim trao lời thề thốt, thân thiết biết chừng nào, mà nay vắng bặt tăm hơi, thê lương biết là dường nào. Cái buồn của Kiều qua những câu thơ Nguyễn Du thì thật là sắt se, thấm thía thể hiện qua sự lập lại bốn lần của từ buồn trông. Tâm người ngắm cảnh tràn vào cảnh, khoác lên cảnh cái sắc thái xa xa, man mác, dàu dàu, bàng bạc trong những câu thơ tài tình: 

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu.

Buồn trông nội cỏ dàu dàu

Chân mây mặt đất một màu xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

                Ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi. 


 

Đoạn Kiều bị Sở Khanh lừa, Nguyễn Du giữ nguyên ý của Thanh Tâm Tài nhân nhưng ông lược bỏ bớt một số chi tiết không quan trọng. Tối đó, trước khi Sở Khanh đến cùng Kiều thì Tú Bà lên lầu chuốt rượu mời Kiều đến khuya và chi tiết Kiều cùng Sở Khanh lên giường chung giấc mộng Vu Sơn Nguyễn Du đã lược bỏ đi. Nội dung bức thư Kiều gởi cho Sở Khanh và những lời thề thốt Nguyễn Du cũng lược bỏ. 

Sau khi Kiều cùng Sở Khanh bỏ trốn, trong Kim Vân Kiền Truyện, lúc Tú Bà đuổi kịp thì lại quát mắng om sòm, chửi Kiều một trận rồi mới áp giải về nhà đánh đập. Còn trong Truyện Kiều thì khi Tú Bà bắt được Kiều liền áp điệu một hơi lại nhà:

Một đoàn đổ đến trước sau,

Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời

Tú Bà tốc thẳng đến nơi,

Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà.

So đoạn này của Kim Vân Kiều Truyện với Truyện Kiều thì Kim Vân Kiều Truyện do thể loại văn xuôi của nó nên dài dòng, tỉ mỉ, nhiều khi sự tỉ mỉ đó không góp phần gì vào việc làm rõ tính cách nhân vật. Còn Nguyễn Du, ông có những câu thơ thật hàm súc nhưng vẫn chuyên chở được tất cả những gì ông cần nói. Những chi tiết ông lược bỏ không gây phương hại gì đến nội dung cần diễn đạt và tính cách nhân vật. Theo giáo sư  Thạch Giang, “điều này có một ý nghĩa rất hay là một mặt làm cho ta không phải khó chịu vì cái lối sính thơ của nhân vật, mà trái lại dẫn ta vào một địa hạt mông lung về cái ‘tài’ và cái ‘tình’ của nhân vật, đặt biệt là Thúy Kiều. Do đó, ấn tượng về cái mà Mộng Liên Đường chủ nhân gọi là ‘cái thông lụy’ xưa nay của kẻ giai nhân tài tử nên xót xa, đánh thức ở ta những biểu tượng về lí tưởng, làm cho ta khao khát mọi cái gì đẹp hơn, làm cho ta bất bình đến phát khóc với cái gì đã phũ phàng lên cái ‘tài’; cái ‘tình’ của con người.”

Hơn nữa, cũng theo giáo sư Thạch Giang, bỏ tất cả những bài thơ, những lời thề thốt là, Nguyễn Du muốn vượt lên cách kết cấu thường thấy của các truyện Nôm ta xưa mà xây dựng cho mình một phong cách độc đáo hơn, hoàn thiện hơn về kết  cấu, bố cục.

Để sáng tỏ thêm, ta xét chi tiết Kiều thảo thư gởi Sở Khanh và Sở Khanh phúc đáp. Thanh Tâm Tài Nhân tả là Kiều viết thư xong định ném qua cửa sổ nhưng không tiện. Đang ngần ngại ra ngoài dạo chơi thì gặp chú bé nhà Sở Khanh đi gánh nước. Kiều bèn nhờ nó gởi...

6 tháng 9 2018

1. Mở đoạn:

- Vị trí của đoạn thơ trong truyện.

- Đoạn thơ là bức tranh tâm tình, xúc động, biểu hiện tâm trạng Thuý Kiều.

2. Thân đoạn:

- Tâm trạng cô đơn, buồn tủi trước cảnh thiên nhiên rộng lớn bên lầu Ngưng Bích.

- Nỗi nhớ của Thuý Kiều:

    + Nỗi nhớ Kim Trọng, ân hận vì đã phụ thề.

    + Nỗi nhớ và xót thương cho cha, mẹ lúc già yếu, sớm chiều tựa cửa ngóng trông con.

- Nỗi buồn lo sợ trước những bão táp, tai biến ập đến, tấm thân sẽ không biết trôi dạt vào đâu trên dòng đời vô định.

3. Kết đoạn:

Khẳng định giá trị của đoạn thơ trong “Truyện Kiều”: là đoạn thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

16 tháng 10 2021

tham khảo:

Sau khi Kiều bị Mã Giám Sinh lừa gạt, nàng rơi vào nanh vuốt của mụ Tú Bà bán thịt buôn người. Hiểu ra tình cảnh nhục nhã, éo le của mình. Kiều đã liều tự sát. Sợ bị mất món lời to, Tú Bà hoảng hốt vội cứu sống Kiều và tạm cho nàng ra ở lầu Ngưng Bích, với lời hứa sẽ gả chồng tử tế cho nàng. Trong những ngày này, Kiều sống trong tâm trạng khôn xiết buồn bã, đau đớn. Bằng ngòi bút tài hoa, Nguyễn Du đã vẽ nên cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích thành một bức tranh tâm tình đầy xúc động:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

…………………………………..

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Đoạn trích trên nói lên tâm trạng nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích: buồn tủi, thương nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, xót thựơng thân phận cay đắng của mình.

Đoạn thơ là một minh chứng tỏ quan điểm: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ của thi hào Nguyễn Du. Cảnh vật thiên nhiên ở đây bị bao phủ một nỗi buồn trĩu nặng bởi Kiều nhìn cảnh bằng cặp mắt u uất, đau thương. Nỗi buồn tơ lòng người thấm vào cảnh vật và cảnh vật hoang vắng, đìu hiu càng gợi mối sầu trong lòng người con gái bất hạnh là Kiều.

Đang sống trong không khí ấm êm, đùm bọc của gia đình; đang say sưa hạnh phúc với mối tình đầu ngọt ngào, trong sáng, Kiều bỗng dưng bị rơi vào cạm bẫy của cuộc đời. Nàng bị lừa gạt trắng trợn, bị đánh đập dã man, bị xúc phạm đến phẩm hạnh. Bao tai biến dồn dập đến với nàng trong một thời gian quá ngắn. Cả thể xác lẫn tâm hồn nàng bị những thế lực đen tối giày xéo, chà đạp không thương tiếc. Giờ đây, một mình ngồi trước lầu Ngưng Bích, giữa chốn đất khách quê người, Kiều hoàn toàn cô đơn, không một người thân thích để chia sẻ tâm sự đau thương. Bởi vậy, nỗi buồn đau càng lớn, càng sâu. Thúy Kiều chỉ còn biết san sẻ nỗi lòng cùng cảnh vật quanh nàng.

Sáu câu đầu là cảnh lầu Ngưng Bích. Cảnh được tác giả vẽ lên bằng những nét chấm phá: vẻ non xa, tấm trăng gần, bốn bề bát ngát, cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. Cảnh đẹp, nhưng thật buồn, mênh mông hoang vắng, lạnh lẽo. Nguyễn Du đã mượn cảnh để nói lên tâm trạng nàng Kiều:

Trước lầu Ngưng Bích khóa son,

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.

Cha mẹ, các em, người yêu,... tất cả đã xa xôi, cách biệt với Kiều. Sống giữa một lũ mặt người dạ thú như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Kiều chẳng khác gì một chú cừu non giữa bầy lang sói. Có ai hiểu nổi lòng nàng trong tình huống này? Nhìn một dáng núi xa, ngắm một vầng trăng gần, nàng cảm thấy đó là bè bạn. Nhưng những những người bạn không lời này đâu có an ủi, chia sẻ được nỗi buồn đang chất ngất trong lòng nàng? Bởi thế, nỗi buồn không thể nào vơi cạn.

Dõi tầm mắt ra bốn phương, tám hướng, không hướng nào lóe lên được một chút vui:

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.

Không một bóng người, chỉ có không gian mênh mông, hoang vắng và buồn tẻ. Ướm vào thân phận nàng, nàng nào có khác chi hạt cát, hạt bụi nhỏ nhoi kia? Giữa người với cảnh vừa có nét tương phản, vừa có nét tương đồng. Nỗi buồn của Kiều dường như cũng mở ra đến vô cùng như không gian bát ngát trước mắt nàng. Càng cảm thương cho thân phận, cõi lòng nàng càng tan nát:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Cảnh buồn hay gợi nhớ. Kiều lặng lẽ, âm thầm gạt lệ khi hồi tưởng về bao điều tốt đẹp nay đã thành quá khứ.

Nàng nhớ người yêu cùng với mối tình đầu mãnh liệt và trong sáng:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Hình ảnh hai người cùng uống chén rượu thề trăm năm gắn bó đêm nào dưới vầng trăng vằng vặc giữa trời giờ vẫn còn đậm nét, tươi nguyên trong kí ức nàng. Nàng thương chàng Kim giờ này đang sốt ruột chờ trông tin tức người yêu. Nghĩ về cha mẹ, lòng Kiều xót xa, đau đớn:

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai biết mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Nàng đã đi xa biền biệt, lấy ai chăm sóc mẹ cha? Tuy đã cố dứt chữ tình để đền chữ hiếu nhưng nàng vẫn không khỏi băn khoăn, thổn thức khi nghĩ đến cảnh cha già mẹ yếu tựa cửa hôm mai, mòn mỏi đợi mong con trong vô vọng. Điều đó càng khẳng định rõ nàng là người con hiếu thảo.

Mang một tâm trạng như thế nên Kiều nhìn đâu cũng chỉ thấy buồn:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây, mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh.

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Bốn lần, từ "buồn trông” được nhắc lại; mỗi lần mở đầu cho một cảnh. Kiểu kết cấu lặp này gây ấn tượng mạnh về nỗi buồn sâu sắc của Kiều. Tám câu thơ, bốn bức tranh phong cảnh nhỏ trong một bức tranh phong cảnh - tâm tình rộng lớn. Bức thứ nhất: “cửa bể chiều hôm” mênh mông màu xám bạc. Trên cái nền ấy nổi lên một cánh buồm đơn độc, thấp thoáng ẩn hiện, không biết về phương trời nào. Bức thứ hai: “ngọn nước mới sa” (nước đổ từ trên cao xuống), cuốn theo những cánh hoa bị sóng gió dập vùi, đẩy đưa vào cõi vô định. Bức thứ ba: “nội cỏ rầu rầu”, héo úa, không còn sức sống. Bức thứ tư: “gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng sóng...”

Chúng ta bắt gặp ở đây bút pháp quen thuộc của Nguyễn Du. Cảnh vật chỉ mang tính ước lệ nhưng phản ánh rõ tình người, cụ thể là nỗi buồn không giới hạn của Kiều. Mỗi cảnh ngụ một ý, tăng dần lên theo suy nghĩ và mặc cảm về thân phận con người: lẻ loi, cô độc, trôi nổi, dập vùi, héo tàn và linh tính báo trước về một tương lai đen tối đầy bão tố.

Trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, thi hào Nguyễn Du tỏ ra rất tài hoa trong việc tả cảnh, tả tâm lí nhân vật. Ngòi bút của ông đi sâu vào từng ngõ ngách tâm tư sâu kín của nàng Kiều, khiến người đọc thực sự xúc động, xót xa cho số phận bất hạnh của người con gái tài sắc ấy. Cảnh và tình cứ đan xen, hòa quyện, bổ sung ý nghĩa cho nhau, làm nổi bật chủ đề của đoạn trích. Có thể nói, đây là một trong những đoạn hay nhất trong Truyện Kiều.

25 tháng 3 2018

Soạn bài: Kiều ở lầu Ngưng Bích

(trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Bố cục:

- Phần 1 (sáu câu thơ đầu): Cảnh thiên nhiên ở lầu Ngưng Bích.

- Phần 2 (tám câu thơ tiếp theo): Nỗi nhớ thương của Kiều đối với Kim Trọng và với cha mẹ mình.

- Phần 3 (tám câu thơ cuối cùng): Tâm trạng buồn bã, sầu thảm của Thúy Kiều thể hiện qua bức tranh thiên nhiên.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Trong sáu câu thơ đầu, khung cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích với không gian, thời gian được nhìn qua con mắt của nhân vật, bộc lộ hoàn cảnh tâm trạng cô đơn, tội nghiệp của Thuý Kiều:

- Kiều bị giam lỏng trong lầu Ngưng Bích: khoá xuân

- Vẻ mênh mông, chống chếnh của không gian tô đậm tình cảnh cô đơn, trơ trọi của Kiều: non xa, trăng gần, bốn bề bát ngát, xa trông, non xa, trăng gần … Đúng là: Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

- Hình ảnh trăng, mây sớm đèn khuya biểu đạt sự quay vòng của thời gian. Cùng với những hình ảnh gợi tả không gian, sự tuần hoàn đều đặn của thời gian càng nhấn đậm thêm tình cảnh cô đơn, buồn bã của Kiều.

Câu 2:

Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều. Đầu tiên Kiều nhớ tới Kim Trọng. Điều này vừa phù hợp quy luật tâm lý (những người trẻ tuổi bao giờ cũng nhớ người yêu trước), vừa thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du. Nhớ Kim Trọng, nàng nhớ lời thề ước dưới trăng, thương chàng Kim Trọng đêm ngày đau đáu trông chờ uổng công vô ích.

Tiếp đó, Nàng nhớ đến cha mẹ. Nàng thương xót cha mẹ già yêu mà nàng không được chăm sóc. Nàng tưởng tượng cảnh nơi quê nhà tất cả đã đổi thay mà sự đổi thay lớn nhất là cha mẹ ngày một thêm già yếu. Lần nào khi nhớ về cha mẹ, Kiều cũng "nhớ ơn chín chữ cao sâu" và luôn ân hận mình đã phụ công sinh thành, phụ công nuôi dạy con cái của cha mẹ. Cũng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ lại khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau.

Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất. Nhưng nàng đã quên cảnh ngộ bản thân để nghĩ về Kim Trọng, nghĩ về cha mẹ. Những suy nghĩ này cho thấy Kiều là người tình chung thủy, người con hiếu thảo, người phụ nữ có tấm lòng vị tha đáng trọng.

Câu 3:

Ở tám câu thơ cuối đoạn trích, Nguyễn Du đã cho thấy một bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Cảnh vật được miêu tả qua tâm trạng, tâm trạng nhuốm lên cảnh vật, cảnh vật thể hiện tâm trạng:

- Sắc thái của bức tranh thiên nhiên thể hiện từng trạng thái tình cảm của Thuý Kiều:

+ Nhớ thương cha mẹ, quê hương, cảnh vật là:

    Bun trông ca b chiu hôm,
Thuyn ai thp thoáng cánh bum xa xa.

+ Nhớ người yêu, xót xa cho tình duyên lỡ dở, thì cảnh là:

   Bun trông ngn nước mi sa,
Hoa trôi man mác biết là v đâu.

+ Buồn tủi, đau đớn cho thân mình, thì cảnh là:

   Bun trông gió cun mt duynh,
m m tiếng sóng kêu quanh ghế ngi.

Như vậy, từng chi tiết, hình ảnh khung cảnh thiên nhiên đều mang đậm trạng thái tình cảm của Thuý Kiều. Mỗi cảnh là mỗi tình, song tất cả đều buồn thương, đúng là: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

- Cụm từ Buồn trông lặp lại bốn lần trong tám câu thơ như những đợt sóng lòng trùng điệp, càng khiến nỗi buồn dằng dặc, mênh mông, kết hợp với cái nhìn từ xa đến gần, thu hẹp dần vào nội cảm con người để đến cuối đoạn thì tâm trạng cô đơn, sầu nhớ, cảm giác đau đớn trào lên. Sóng gió nổi lên như sự báo về những đau khổ ê chề rồi đây sẽ xảy ra đối với Kiều, là dự cảm cho một đoạn đời "Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.".

Luyện tập

Câu 1 (trang 96 SGK):

- Tả cảnh ngụ tình là một bút pháp đặc trưng của văn học trung đại nói chung, của ngòi bút Nguyễn Du nói riêng với cơ chế là tả cảnh thông qua đó để bộc lộ tâm trạng con người, tả cảnh để nói tình chứ không chỉ là bức tranh tả cảnh thuần túy.

- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối:

→ Cảnh vật ở tám câu thơ cuối được nhìn qua con mắt của Thúy Kiều nên nhuốm màu tâm trạng rõ rệt.

→ Buồn trông cửa bể chiều hôm - Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa: gợi liên tưởng đến những chuyến đi xa, rời khỏi bến đỗ => tâm trạng cô đơn, lac lõng trong tình cảnh lưu lạc của Thúy Kiều.

→ Buồn trông ngọn nước mới sa - Hoa trôi man mác biết là về đâu: hoa tượng trưng cho vẻ đẹp, nhưng bây giờ lại bị vùi dập giữa dòng nước => Nỗi âu lo về số phận long đong, vô định của Thúy Kiều.

→ Buồn trông nội cỏ rầu rầu - Chân mây mặt đất một màu xanh xanh: Màu xanh không còn là biểu hiện cho sức sống => cảnh vật nhuốm màu tâm trạng của con người, chịu sự chi phối của tâm trạng nên giờ đây màu xanh cũng trở nên buồn tẻ, màu xanh từ cỏ cây đến đất trời khiến người ta không biết nhìn về đâu.

→ Buồn trông gió cuốn mặt duềnh - Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi => Dự cảm chẳng lành của Kiều về số phân đầy trắc trở, gập ghềnh của mình.

=> Toàn bộ tám câu thơ đều nhằm khắc họa tâm trạng lạc lõng, cô đơn, đầy âu lo của Thúy Kiều về số phận của chính mình.

Câu 2 (trang 96 SGK):

Học thuộc lòng đoạn thơ

Ý nghĩa - Nhận xét

- Học sinh thấy được nét đặc sắc của đoạn trích này, đây là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều.

- Học sinh phân tích được giá trị của bút pháp tả cảnh ngụ tình trong trích đoạn.

- Qua đoạn trích, học sinh đồng cảm với cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và thấy được tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều.