K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật vua Lia trong đoạn trích sau. Hồi I (Một lễ đường trong cung điện vua Lia.) LIA – Bây giờ ta muốn nói ra những điều bấy nay ta giữ kín. Truyền lấy bản đồ! Đây, ta đã chia đất nước làm ba phần. Ta quyết định cất khỏi tuổi già này bao nỗi lo toan cùng công việc nước, đem gánh nặng đặt lên sức vóc trẻ...
Đọc tiếp

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật vua Lia trong đoạn trích sau.

Hồi I

(Một lễ đường trong cung điện vua Lia.)

LIA – Bây giờ ta muốn nói ra những điều bấy nay ta giữ kín. Truyền lấy bản đồ! Đây, ta đã chia đất nước làm ba phần. Ta quyết định cất khỏi tuổi già này bao nỗi lo toan cùng công việc nước, đem gánh nặng đặt lên sức vóc trẻ trung hơn, để cho ta được thênh thang bước vào cõi thọ. Hiền tế của ta, Cor-nơ-uôn, và con ta nữa, hỡi An-ba-ni mà lòng ta thương chẳng kém, giờ đây ta tuyên bố rõ ràng về từng phần đất đai chia cho mỗi nàng công chúa của ta để tránh về sau mọi điều xích mích. Hai vương công nước Pháp và xứ Bơ-găn-đi, hai vị giai tế cao sang cùng rắp ranh công chúa út của ta, hai người qua chơi đây ướm hỏi cũng đã khá lâu, ta nên trả lời dứt khoát. Vậy, ta hỏi các con gái của ta, ngày nay ta đã từ thoái mọi phần: quyền lợi, đất đai, cũng như quan tâm việc nước; vậy thì trong các con, kẻ yêu ta nhất là ai, để cho ân trạch của ta biết mưa đổ xuống tấm lòng nào là nơi xứng đáng nhất. Gô-rơ-nin, công chúa đầu lòng của ta, cho con nói trước.

GÔ-RƠ-NIN – Thưa phụ vương, lòng con yêu phụ vương thực không lời nào tả xiết, con yêu phụ vương thiết tha hơn cả yêu ánh sáng, yêu vũ trụ, yêu tự do, yêu trên hết mọi vật quý giá nhất đời; yêu như yêu sự sống đầy duyên, đầy sức, đầy nhan sắc, đầy vinh quang; yêu như chưa có con yêu cha nào bằng, yêu như chưa có cha nào được con yêu đến thế; yêu tới mức không còn hơi sức nữa và yêu tới độ lời lẽ hóa nghèo nàn; con yêu cha thực vượt xa mọi bờ bến.

COR-ĐÊ-LI-A (nói riêng) – Cor-đê-li-a thì sao đây? Yêu mà im tiếng!

LIA – Cả cõi đất này, từ đây đến đấy, với bao nhiêu rừng cây bóng cả và đồng ruộng phì nhiêu, với bao nhiêu sông cá đầy nguồn cùng bãi bờ bát ngát, ta cho con làm nữ chủ. Đó là sở hữu của con và An-ba-ni, truyền cho con cháu đời đời. Nào, đến thứ nữ của ta thì nói sao? Rê-gan, con rất yêu quý của ta, vợ của Cor-nơ-uôn, con nói đi.

RÊ-GAN – Con với chị con đều đúc nên cùng một chất và so với chị, con biết mình con nào có kém chị? Nghe trong trái tim chân thật của con, con thấy lời chị con vừa thốt ra chính là tiếng của lòng con yêu kính đó; có điều lời ấy còn xa mới đạt tới độ nồng nàn. Con nói thực, con thù ghét mọi sinh thú ở đời, duy nhất chỉ thấy được hạnh phúc trong tấm tình con yêu đấng phụ vương rất tôn kính.

COR-ĐÊ-LI-A (nói riêng) – Hẩm hiu thay cho Cor-đê-li-a này! Không! Đâu đến nỗi vậy? Tình ta dào dạt còn phong phú hơn lời lẽ ta nhiều.

LIA – Thuộc về con và dòng dõi của con hưởng thụ đời đời là cả một phần ba phong tục đất nước đẹp tươi này, cũng rộng lớn, cũng hữu tình chẳng kém chi phần dành cho Gô-rơ-nin. Còn bây giờ, nào hòn ngọc báu rất nâng niu tuy út ít của ta, trang thục nữ thanh tân mà cả vườn nho nước Pháp và cả đồng cỏ sữa Bơc-gơ-đin đang cùng ganh nhau để chiếm được trái tim: con nói sao đây để đáng được hưởng phần ba đất nước còn trù phú hơn cả phần của hai chị con? Con nói đi.

COR-ĐÊ-LI-A – Thưa phụ vương, con chẳng có gì đáng nói.

LIA – Chẳng có gì?

COR-ĐÊ-LI-A – Con chẳng có gì.

LIA – Chẳng có gì thì chẳng được gì hết. Nói đi nào!

COR-ĐÊ-LI-A – Tội thay cho con! Trái tim con, con không sao nâng nó lên đầu lưỡi được. Con yêu cha đúng theo đạo nghĩa kẻ làm con. Vậy đó thôi, không hơn không kém.

LIA – Thế nào, thế nào? Cor-đê-li-a? Con nên lựa lại lời mà nói, kẻo nữa con sẽ phải thiệt thòi nhiều!

COR-ĐÊ-LI-A – Thưa phụ vương của con, phụ vương đã sinh ra con, nuôi nấng con, thương yêu con; nghĩa nặng đó con xin đền đáp lại sao cho phải đạo; con vâng lời cha, yêu quý cha và hơn nữa, làm rõ ràng công đức phụ vương. Hai chị con nói là yêu cha đến trọn hết cả tấm tình yêu; nếu thực thế thì sao hai chị lại lấy chồng? Một ngày kia mà con lấy chồng thì vị phu tướng nào đưa tay ra đón lấy tâm nguyện của con cũng sẽ đón theo về phân nửa tấm tình con, phân nửa công phụng dưỡng với phân nửa bổn phận của con. Chắc chắn là con phải đừng lấy chồng như hai chị con mới có thể toàn tâm toàn ý dâng trọn tình con cho cha con được.

LIA – Cô nói đúng theo lòng cô đấy chứ?

COR-ĐÊ-LI-A – Thưa phụ vương, vâng.

LIA – Ít tuổi thế mà đã vô tình đến thế sao?

COR-ĐÊ-LI-A – Thưa phụ vương, ít tuổi thế nhưng mà chân thực.

LIA – Được lắm. Đem cái chân thực ấy đi mà làm của hồi môn. Vì rằng, thề với ánh sáng thần thiêng mặt trời, thề với bầu bí mật của Hê-cat và của trời đêm, thề với các tinh cầu có quyền năng cho ta được sống hay phải chết; tại đây, ta gạt bỏ hẳn mọi ân tình phụ tử, mọi quan hệ huyết mạch tông môn và từ đây ta coi mi vĩnh viễn là người dưng: đối với ta không vương, không bận. Đối với cái giống man rợ phải ăn thịt con mới đủ thỏa cơn thèm lòng ta gớm ghét như thế nào thì đối với mi, lòng ta cũng thế, hỡi kẻ trước đây đã từng là con gái của ta.

(Lược một đoạn: Vua Lia cho mời hai người cầu hôn công chúa út vào để bàn chuyện hôn sự. Trước mặt hai người cầu hôn, vua Lia vẫn nhất quyết không chia cho công chúa út chút của hồi môn nào, khiến cho công tước Bơ-găn-đi từ bỏ mối hôn sự.)

LIA – Vậy, ngài thôi nó là phải; vì nhân danh thứ quyền phép đã dựng nên ta, ta đã nói rõ cả với ngài về tài sản của nó rồi đấy! (Với vua nước Pháp) – Còn đối với vị anh quân đây, thì nếu ta lại đem gả cho Ngài kẻ mà ta gớm ghét, tức là làm tổn hại lớn cho tình hữu hảo của chúng ta; lòng ta sao nỡ? Vậy ta mong ngài chuyển hướng cầu duyên về một nơi xứng đáng hơn, chớ như kẻ khốn nạn kia thì tạo vật thiên nhiên cũng phải hổ ngươi vì có nó.

VUA PHÁP – Thực là chuyện kỳ dị! Có lẽ nào mà một người mà chỉ mới vừa đây thôi vẫn còn là châu báu nhất, nhà vua mở miệng là ban khen, coi là hương hoa tuổi thọ của Người, không ai tốt nết hơn, không ai đáng quý hơn, – vậy mà chỉ trong thoáng chốc lại phạm những tội gớm ghê, đến mất sạch sành sanh bao nhiêu từng ân huệ. Đến nỗi này thì: hoặc là tội lỗi nàng phải hết sức dị thường, bạo thiên nghịch địa; hoặc là lòng yêu thương của nhà vua nay đã hóa ra lẫn cẫn mất rồi! Nhưng muốn tin được là nàng có tội, họa chăng phải có một thứ tín điều mà nếu không có phép quỷ thần thì lý trí tôi không đời nào chịu chấp nhận.

COR-ĐÊ-LI-A – Tuy rằng lỗi của con là không biết khôn ngoan ngọt ngào đầu lưỡi, chỉ muốn làm hay hơn là nói giỏi, con cũng xin phụ vương truyền phán cho thiên hạ hay rằng, con mất ân sủng của phụ vương không phải vì bất cứ một hành vi nhơ nhuốc nào hoặc một bước lầm đường vô hạnh nào, mà chỉ vì con không có được ánh mắt tha thiết khẩn cầu, không có được thứ miệng đong đưa mà con vui lòng chịu thiếu, mặc dầu sự thiếu thốn đó đã khiến con mất luôn cả lòng từ ái của phụ vương.

LIA – Thà mày đừng sinh ra đời còn hơn là sinh ra lại làm thất ý ta như thế.

VUA PHÁP – Chỉ là thế thôi sao? Chỉ là chuyện một bản tính chậm lời, khéo làm mà vụng nói? Bơ-găn-đi tướng công, ngài trả lời cho nàng sao đây? Tình mà còn suy tính vấn vương thì còn tình đâu nữa? Ngài có yêu thương nàng? Bản thân nàng là một kho châu ngọc đó.

BƠ-GĂN-ĐI – Muôn tâu hoàng thượng, người cứ chỉ ban cho nguyên cái phần người đã hứa là tôi xin bái lĩnh Cor-đê-li-a về làm nữ công tước Bơ-găn-đi.

LIA – Ta không cho chi hết, ta đã thề là ta nhất quyết.

BƠ-GĂN-ĐI – Tôi đành lấy làm tiếc vậy thôi: vì nàng làm mất lòng cha, nên phải thiệt mất người chồng.

COR-ĐÊ-LI-A – Xin ngài Bơ-găn-đi yên tâm. Ngài tính lấy tài sản tôi làm đối tượng tình yêu, thì tôi không thể nào làm vợ ngài được.

VUA PHÁP – Nàng Cor-đê-li-a kiều diễm! Nàng giàu có biết bao khi chỉ có đôi bàn tay trắng, nàng càng thêm quý giá vì bị bỏ rơi, càng thêm đáng yêu bởi bị người khinh miệt. Nàng, cùng với đức hạnh của nàng, ta xin chiếm lĩnh. Ta đoạt cho ta được lắm chứ, cái phần mà thiên hạ rẫy ruồng gạt đi. Hỡi thiên địa thần minh! Lạ lùng thay, đối trước những lòng rẻ rúng giá băng kia, tình của ta trên muôn kính ngàn yêu thêm bừng cháy. Nàng công chúa không của hồi môn này, thưa hoàng thượng, tay không về với kẻ gặp phước may này, sẽ là hoàng hậu của tôi, của thần dân tôi, của cả nước Pháp thân yêu và tươi đẹp. Không một vị công tước nào của xứ Bơ-găn-đi ẩm ướt chuộc lại được nơi tôi người con gái bị hạ giá mà quý giá vô ngần này! Tạm biệt họ hàng đi, em Cor-đê-li-a! Mặc dầu người ta không tình không nghĩa. Thôi đành nơi này em mất hết nhưng chốn khác em lại được nhiều.

LIA – Thì đấy, nhà vua nước Pháp cứ việc đem nó về! Ngữ này, ta không còn chấp nhận là con gái của ta, cũng chẳng còn bao giờ ta thèm nhìn mặt nữa. Thôi đi đi! Đừng hòng ta thương, ta ân xá, hay ta ban một chút ơn lành! Nào mời, ngài công tước xứ Bơ-găn-đi.

(Lia, Bơ-găn-đi, Cor-nơ-uôn, An-ba-ni, Glô-xtơ và bọn tùy tùng vào.)

VUA PHÁP – Nàng từ biệt hai chị đi.

COR-ĐÊ-LI-A – Thưa hai chị, ngọc báu của cha, Cor-đê-li-a không khỏi rơi châu khi từ biệt hai chị. Em biết lòng hai chị lắm, và nết của hai chị; vì tình ruột thịt, em không tiện gọi thẳng tên nó ra. Xin hai chị cư xử tốt với cha. Em phó thác cha cho những tấm lòng kia đã thốt nên lời tâm nguyện. Thương thay! Giá em vẫn được lòng thương của Người, thì em ưng thấy Người trong tay phụng dưỡng khác tốt hơn. Thôi, vĩnh biệt hai chị.

RÊ-GAN – Cô không phải dạy chúng tôi cách ăn ở.

GÔ-RƠ-NIN – Cô cứ gắng mà chiều đức phu quân của cô cho khéo, người ta đã cứu vớt cô khỏi chỗ khốn cùng. Cô chi li cả với điều vâng thuận ý cha; cho cô đáng đời, cô muốn tay trắng thì được tay trắng rồi đó.

COR-ĐÊ-LI-A – Thời gian rồi sẽ phơi bày ra những nhân tâm lẩn núp sau khôn khéo. Ai che giấu lỗi, thế nào cũng phải hối về sau. Mong cho các chị mọi điều thịnh vượng.

VUA PHÁP – Ta ra thôi, nàng Cor-đê-li-a mỹ lệ.

(Vua Pháp và Cor-đê-li-a vào.)

GÔ-RƠ-NIN – Em này, chị có nhiều điều rất cần bàn với em, quan hệ đến cả hai chị em ta! Chị chắc tối nay cha chúng ta lên đường.

RÊ-GAN – Đúng rồi, cha đi với chị đấy. Tháng sau thì đến lượt cha sang em.

GÔ-RƠ-NIN – Em xem, tuổi già tính nết cha đổi thay như thế đấy. Những điều trông thấy vừa đây không phải là chuyện nhỏ. Ông cụ vẫn yêu con Cor-đê-li-a hơn cả, vậy mà, đùng một cái, ruồng bỏ nó, đủ biết ông cụ thiếu suy nghĩ biết chừng nào?

RÊ-GAN – Bệnh não tuổi già! Với lại thực ra ông cụ cũng chẳng bao giờ biết giữ mình một tý gọi là có.

GÔ-RƠ-NIN – Thời ông cụ tỉnh táo phương cương nhất, cũng đã thường sinh ra cơn trận đùng đùng. Bây giờ, già rồi, bọn mình coi chừng không những rồi phải chịu đựng cái cố tật đã kinh niên mà còn phải tính đến cả những lúc dở chứng thất thường của cái tuổi khật khừ đâm cắm cảu.

RÊ-GAN – Thế nào rồi chúng mình chẳng bị ông cụ thình lình giáng cho những vố đáo để, như việc phóng trục lão Ken vừa rồi?

GÔ-RƠ-NIN – Lúc này ông cụ đang dở cuộc tiễn biệt nhà vua Pháp. Chị em ta hội ý với nhau ngay đi. Nếu cứ với tình trạng thế kia mà ông cụ vẫn nắm vững uy quyền thì chuyện tự ý thoái vị mới đây đối với chúng ta có thể trở thành một mối hậu họa.

RÊ-GAN – Chúng ta sẽ nghĩ kỹ vấn đề này.

GÔ-RƠ-NIN – Phải tính cách nào, càng sớm càng tốt.

(Trích Vua Lia, Uy-li-am Sếch-xpia)

Tóm tắt: Vua Lia là vở bi kịch năm hồi của Sếch-xpia. Nội dung vở kịch như sau:

     Vua Lia nước Anh đã già, có ba cô con gái là Gô-rơ-nin, Rê-gan và Cor-đê-ni-a. Nhà vua định chia vương quốc cho các con gái làm của hồi môn, rút lui khỏi công việc triều chính. Ông hỏi các con xem ai yêu mình nhất để quyết định việc phân chia. Sau khi quyết định việc phân chia xong xuôi, vua Lia lần lượt đến ở với hai công chúa. Nhưng không được bao lâu, họ trở mặt, thậm chí là can tâm đẩy ông ra khỏi nhà trong một đêm giông bão. Quá sốc trước sự bội phản của hai cô con gái, vua Lia đã hóa điên. 

     Bá tước Glô-xtơ có hai người con trai là Eđ-ga (con chính thức) và Eđ-mơn (con ngoài giá thú). Bá tước bị Eđ-mơn lừa gạt, hiểu nhầm rằng Eđ-ga phản bội để chiếm hết gia tài của mình. Ông cho người truy lùng Eđ-ga khắp nơi khiến chàng phải cải trang, chạy trốn. Trong khi đó, Eđ-mơn phản bội bá tước, khiến ông bị Cor-nê-uôn móc mắt. 

      Quân Pháp kéo đến trả thù cho vua Lia nhưng bại trận. Vua Lia và Cor-đê-li-a bị bắt. Eđ-mơn bí mật cho người đến sát hại hai cha con họ. Trong khi đó, Gô-rơ-nin, Rê-gan cùng muốn tằng tịu với Eđ-mơn. Gô-rơ-nin viết thư bày cho Eđ-mơn chồng cô là An-ba-ni để mình được tự do. Bức thư bị Eđ-ga bắt được và chuyển cho An-ba-ni. Eđ-mơn bị Eđ-ga trừng trị. Trước khi chết, Eđ-mơn kêu mọi người đi cứu vua Lia và Cor-đê-li-a, nhưng không kịp. Cor-đê-li-a bị tên lính thắt cổ chết. Nhà vua giết tên lính, ôm xác con gái, quá đau đớn, ông cũng từ giã cõi đời trong tiếng kèn lâm khốc. 

0

Đề thi đánh giá năng lực

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hai đoạn trích sau: Đoạn trích 1:    (Lược dẫn: Dung là con thứ bốn trong gia đình bị sa sút kinh tế. Nàng lớn lên trong sự hờ hững, lạnh nhạt của gia đình. Rồi bị mẹ già bán cho một nhà giàu để lấy mấy trăm đồng bạc.)    Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước,...
Đọc tiếp

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hai đoạn trích sau:

Đoạn trích 1:

   (Lược dẫn: Dung là con thứ bốn trong gia đình bị sa sút kinh tế. Nàng lớn lên trong sự hờ hững, lạnh nhạt của gia đình. Rồi bị mẹ già bán cho một nhà giàu để lấy mấy trăm đồng bạc.)

   Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày. Đã thế lại không có người an ủi. Chồng nàng thì cả ngày thả diều, chả biết cái gì mà cũng không dám cãi lại bà cụ. Còn hai em chồng nàng thì ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.

   Những lúc Dung cực nhọc quá, ngồi khóc thì bà mẹ chồng lại đay nghiến:

  - Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà tôi không có người ăn chơi, không có người cả ngày ôm lấy chồng đâu.

   Rồi bà kể thêm:

 - Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.

  Dung chỉ khóc, không dám nói gì. Nàng đã viết ba bốn lá thư về kể nỗi khổ sở của nàng, nhưng không thấy cha mẹ ở nhà trả lời.

  (Lược dẫn: Dung ăn trộm tiền của mẹ chồng để trốn về nhà nhưng bị mẹ đẻ đay nghiến. Sáng hôm sau, mẹ chồng xuống tìm nàng.)

   Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa. Nàng không còn hi vọng gì ở nhà cha mẹ nữa. Nghĩ đến những lời đay nghiến, những nỗi hành hạ nàng phải sẽ chịu, Dung thấy lạnh người đi như bị sốt. Nàng hoa mắt lên, đầu óc rối bời, Dung ước ao cái chết như một sự thoát nợ.

   Nàng không nhớ rõ gì. Ra đến sông lúc nào nàng cũng không biết. Như trong một giấc mơ, Dung lờ mờ thấy cái thành cầu, thấy dòng nước chảy. [...] Nàng uất ức lịm đi, thấy máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối kéo đến che lấp cả.

   Bỗng nàng mơ màng nghe thấy tiếng nhiều người, tiếng gọi tên nàng, một làn nước nóng đi vào cổ. Dung ú ớ cựa mình muốn trả lời.

   […] Hai hôm sau, Dung mạnh khỏe hẳn. Bà mẹ chồng vẫn chờ nàng, hỏi có vẻ gay gắt thêm:

   - Cô định tự tử để gieo cái tiếng xấu cho tôi à? Nhưng đời nào, trời có mắt chứ đã dễ mà chết được. Thế bây giờ cô định thế nào? Định ở hay định về?

   Dung buồn bã trả lời:

   -  Con xin về.

(Trích Hai lần chết, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2008)

Đoạn trích 2:

    (Lược dẫn: Dì Hảo là con nuôi của bà tôi. Bố đẻ của dì chết đã lâu. Dù công việc buôn bán thuận lợi nhưng vì phải nuôi hai đứa con nheo nhóc cùng với đống nợ chồng chất nên bà để dì Hảo đi ở. Mới đầu về nhà mẹ nuôi, dì Hảo khóc ghê lắm nhưng rồi cũng quen dần và trở thành một người con gái rất ngoan đạo. Đến khi lấy chồng, dì dành cho chồng tất cả tình yêu thương nhưng chồng dì lại là một kẻ cờ bạc, rượu chè, vũ phu, không yêu dì.)

    Hắn khinh dì là đứa con nuôi, còn hắn là con dòng cháu giống. Và tuy rằng nghèo xác, hắn nhất định không làm gì. Hắn lấy vợ để cho vợ nó nuôi. Dì Hảo cũng nghĩ đúng như thế ấy; dì làm mà nuôi hắn. Người vợ đảm đang ấy kiếm mỗi ngày được hai hào, dì ăn có năm xu. Còn một hào thì hắn dùng mà uống rượu. Và dì Hảo sung sướng lắm. Và gia đình vui vẻ lắm. Nhưng sự tai ác của ông trời bắt dì đẻ một đứa con.

   Đứa con chết, mà dì thì tê liệt. Mỗi ngày ngồi không là một ngày không có hai hào. Người chồng muốn đó là cái lỗi của người vợ vô phúc ấy.

    Nhưng mới đầu hắn chỉ nghĩ thế thôi. Là vì nhờ ít tiền dành dụm, người ta vẫn có thể đủ cả cơm lẫn rượu. Nhưng rồi rượu phải bớt đi. Đến cả cơm cũng thế. Đến lúc ấy thì hắn không nhịn được nữa. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say.

   Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc.

   Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ đi bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương.

    Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.

(Trích Dì Hảo, Tuyển tập truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao, NXB Văn học, 2017)

0
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận về nhân vật cô Tâm trong truyện ngắn Cô hàng xén (Thạch Lam) sau:     Cô Tâm bớt mệt hẳn đi khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù. Cùng một lúc, dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két. Cô sắp về đến nhà rồi, gánh hàng trên vai nhẹ đi,...
Đọc tiếp

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận về nhân vật cô Tâm trong truyện ngắn Cô hàng xén (Thạch Lam) sau:

    Cô Tâm bớt mệt hẳn đi khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù. Cùng một lúc, dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két. Cô sắp về đến nhà rồi, gánh hàng trên vai nhẹ đi, và những cái uốn cong của đòn gánh bây giờ nhịp với chân cô bước mau. Cô thấy chắc dạ và ấm cúng trong lòng, bỏ hẳn nỗi lo sợ từ nãy vẫn quanh quẩn trong trí khi cô qua quãng đồng rộng, trơ gốc rạ dưới gió bấc vi vút từng cơn.

     Qua cái cổng gạch cũ, cô vào hẳn trong làng. Ngõ tối hơn, đất mấp mô vì trâu bước, nhưng cô thuộc đường lối lắm. Chân cô dẫm lên lá tre khô và tai nghe tiếng xao xác đã quen; mùi bèo ở dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt. Ði ngang các nhà quen, cô thấy ánh sáng đèn chiếu qua rào, và tiếng những người quen thuộc ở trong đưa ra.

    Cô Tâm lại nghĩ đến mình, mẹ già đang mong đợi và các em đang nóng ruột vì quà. Gói kẹo bỏng cô đã gói cẩn thận để ở dưới thúng, mỗi đứa sẽ được hai cái. Chắc hẳn chúng sẽ vui mừng lắm.

    [...] Tâm đã bước xa rồi, hàng tre vi vút thêm, trời lại lấm tấm mưa lạnh rơi xuống mặt. Cô đi qua nhà bà cụ Nhiêu rồi về đến ngõ. Cánh cửa gỗ chưa đóng. Cô xoay đầu đòn gánh đẩy cửa rồi bước vào. Tất cả cái tối tăm rét mướt, và cánh đồng hoang vắng cô để lại ở ngoài. Ðây là nhà rồi. Mùi phân trâu nồng ấm sặc ngay vào cổ; thoáng qua, cô nghe tiếng chân trâu đập trong chuồng. Con vá thấy động sủa lên, rồi chạy lại vấp vào chân quấn quít. Trong nhà mấy đứa em reo:

    – A, á. Chị Tâm đã về.

    Tâm mỉm cười xoa đầu em. Cô sung sướng vì thấy mẹ săn sóc, các em mến yêu. Bao nhiêu nỗi mệt nhọc cô thấy tiêu tán cả. Những lúc này khiến cô quên hết cả bao nhiêu nỗi e ngại khó khăn. Cô thấy vui vẻ và nẩy nở trong thâm tâm những ý muốn tốt đẹp cho gia đình. Bà Tú lại âu yếm giục:

     – Con ăn cơm đi, không đói. Thôi, hãy để đấy rồi bảo con sen nó cất cho có được không.

    Tâm đáp: "vâng"; nhưng cô vẫn chưa lại ngồi ăn ngay. Cô còn thu xếp hàng đã; hai cái hộp gỗ vuông đựng các thức hàng, và những gói buộc kỹ trong thúng. Tất cả vốn liếng quý báu, bởi nhờ nó, cô kiếm lời nuôi các em, giúp đỡ cha mẹ từ ngày trong nhà sút đi và ông Tú ở trên tỉnh dọn về đã ba bốn năm nay rồi. Ruộng nương chỉ còn hơn mẫu, cấy đủ thóc ăn, và căn nhà gạch cũ này là nhà thờ, chung cả họ. Ông Tú độ mắt kém cũng thôi không dạy học nữa.

    Bữa cơm ngon lành quá, Tâm ngồi ăn dưới con mắt hiền từ và thương mến của mẹ. Các em cô quây quần cả chung quanh, hỏi chuyện chợ búa của chị. Tâm ngắm nghía các nét mặt xinh xẻo, những con mắt ngây thơ lóng lánh dưới mái tóc tơ của các em: cô thấy lòng đầm ấm và tự kiêu, lòng người chị chịu khó nhọc để kiếm tiền nuôi các em ăn học. Cô hỏi han sách vở của thằng Lân và thằng Ái, học lớp ba ở trường làng. Ngày trước, thời còn sung túc, cô cũng đã cắp sách đi học và về nhà lại được ông Tú dạy thêm chữ nho. Nhưng đã lâu, cô rời bỏ quyển sách, để bước chân vào cuộc đời rộng rãi hơn, khó khăn và chặt chẽ. Buôn bán bây giờ mỗi ngày một chật vật, bởi cô vốn ít. Tất cả gánh hàng của Tâm chỉ đáng giá hai chục bạc.

    Sáng sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng; mùi rơm rác và cỏ ướt thoang thoảng bốc lên, mùi quen của quê hương và của đất mầu khiến Tâm thấy dễ chịu và thêm can đảm.

    [...]

(Thạch Lam, Cô hàng xén, NXB Văn học, 2014, tr.171 – 187)

0
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích diễn biến tâm lý nhân vật Chi-hon trong đoạn trích sau: Hãy chăm sóc mẹ      Ngay sau khi được tin mẹ bị lạc, cô bực tức hỏi mọi người trong gia đình sao không có ai ra ga tàu điện ngầm Seoul đón bố mẹ.      “Còn cô đã ở đâu?”      “Tôi ư?” Cô mím chặt môi. Tận bốn ngày sau khi mẹ bị lạc cô mới biết tin. Mọi người...
Đọc tiếp

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích diễn biến tâm lý nhân vật Chi-hon trong đoạn trích sau:

Hãy chăm sóc mẹ

     Ngay sau khi được tin mẹ bị lạc, cô bực tức hỏi mọi người trong gia đình sao không có ai ra ga tàu điện ngầm Seoul đón bố mẹ.

     “Còn cô đã ở đâu?”

     “Tôi ư?” Cô mím chặt môi. Tận bốn ngày sau khi mẹ bị lạc cô mới biết tin. Mọi người trong gia đình cô đổ lỗi cho nhau về chuyện mẹ bị lạc nhưng ai cũng cảm thấy day dứt trong lòng.

     Rời khỏi nhà anh cả, cô bắt tàu điện ngầm về nhà nhưng rồi lại xuống ở ga Seoul, nơi mẹ biến mất. Trong nhà ga người đông như nêm, họ chen lấn va quệt vào cô khi cô tìm đường đi tới chỗ mẹ bị lạc. Chắc mẹ cô cũng bị lạc trong tình trạng hỗn loạn như thế này. Mọi người xô đẩy cô khi cô đứng tại nơi mẹ đã tuột mất bàn tay bố. Không ai nói một lời xin lỗi. Có lẽ mọi người đã ào ạt đi qua như thế trong khi mẹ cô đứng đấy, không biết phải làm gì.

     Người ta có thể lật lại hồi ức được bao xa? Hồi ức về mẹ thì sao?

     Từ khi nghe tin mẹ bị lạc đến tận bây giờ, cô không thể tập trung suy nghĩ được gì. Những ký ức cô đã quên lãng từ lâu bỗng nhiên trỗi dậy. Nỗi ân hận cứ bám theo từng ký ức. Cô nhớ lại nhiều năm về trước, mấy ngày trước khi cô rời thị trấn quê nhà lên thành phố, mẹ dẫn cô ra cửa hàng quần áo ngoài chợ. Cô muốn chọn một chiếc váy trơn nhưng mẹ lại chọn cho cô một chiếc váy xếp nếp có đai và đường diềm.

     “Cái này thế nào?” mẹ cô hỏi.

     “Không,” cô nói rồi gạt đi.

     “Tại sao? Con cứ mặc thử đi.”

     Mẹ lúc đó còn trẻ, mở to mắt ngạc nhiên không hiểu. Chiếc váy xếp nếp ấy tương phản hoàn toàn với chiếc khăn cũ kỹ lem nhem mẹ đội trên đầu như hai thế giới tách biệt không ăn nhập gì với nhau.

     “Trông trẻ con quá.”

     “Thật sao?” Mẹ cô nói nhưng vẫn cầm chiếc váy ngắm nghía mãi không nỡ rời. “Nếu là con thì mẹ đã thử cái váy này,” mẹ cô lẩm bẩm.

     Thấy mẹ có vẻ hơi buồn khi cô cho rằng kiểu váy đó trẻ con, cô nói, “Cái này có phải kiểu mẹ hay mặc đâu.”

     Mẹ nói, “Không, mẹ thích kiểu này, chỉ có điều mẹ thì không mặc được.”

     “Mình lẽ ra nên mặc thử cái váy đó”, cô thầm nghĩ. Cô khuỵu chân ngồi xuống có lẽ đúng chỗ mẹ cô đã từng ngồi. Vài ngày sau khi nhất quyết đòi mua váy trơn, cô đã đến chính sân ga tàu điện ngầm Seoul này cùng mẹ. Mẹ nắm chặt tay cô, bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang từ trên cao nhìn thẳng xuống, rồi băng qua quảng trường và đợi anh cả dưới chân tháp đồng hồ. Sao một con người như vậy có thể bị lạc? Khi ánh đèn từ con tàu đang vào ga vừa rọi tới, mọi người đổ xô lại, liếc xéo qua chỗ cô ngồi cứ như thể họ đang bực bội vì cô cứ ngồi trên lối đi.

     Lúc mẹ bị xô tuột khỏi tay bố, cô đang cùng đồng nghiệp tham dự triển lãm sách tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lúc mẹ cô bị lạc ở ga tàu điện ngầm Seoul, cô đang cầm trên tay bản dịch tiếng Trung cuốn sách của cô tại một quầy sách ở triển lãm. Cô tự hỏi tại sao bố không đi taxi mà lại đi tàu điện ngầm chứ? Chỉ cần bố không đi tàu điện ngầm thì chắc đã không xảy ra chuyện này.

     Bố cô nói ông đã nghĩ tại sao phải đi taxi khi ga tàu hỏa cũng nối liền với ga tàu điện ngầm? Có những khoảnh khắc mà người ta thường suy ngẫm lại sau khi có việc gì đó xảy ra, nhất là sau khi chuyện không may xảy ra. Khoảnh khắc mà người đó nghĩ, “Lẽ ra mình không nên làm vậy”. Khi bố cô nói với cả nhà rằng bố mẹ có thể tự tìm đến nhà anh Hyong-chol, tại sao khác với những lần trước anh chị em cô lại để bố mẹ làm thế? Bình thường mỗi lần bố mẹ lên thành phố thăm các con, trong số anh em cô vẫn có người ra ga xe lửa hay ga tàu điện ngầm Seoul đón họ. Điều gì khiến bố cô, vốn luôn dùng xe của nhà hoặc đi taxi mỗi lần lên thành phố, quyết định đi tàu điện ngầm vào cái ngày định mệnh ấy? Khi tàu điện đến, bố mẹ vội vã chạy lại. Nhưng lúc bố lên tàu, nhìn lại phía sau thì đã không thấy mẹ đâu. Đó là một buổi chiều thứ Bảy đông đúc. Mẹ lạc bố giữa đám đông, đoàn tàu lăn bánh khi mẹ hoàn toàn mất phương hướng.

     (...)

     Bố cô xuống ở bến kế tiếp và quay lại ga tàu điện ngầm Seoul nhưng mẹ cô đã không còn ở đó.

     “Dù không bắt được tàu nhưng sao có thể quên được đường cơ chứ? Bảng hướng dẫn ở đâu cũng có. Mẹ biết dùng điện thoại công cộng, chỉ cần đến bốt điện thoại là có thể gọi được mà.” Chị dâu cô một mực cho rằng chắc chắn đã có chuyện gì đó xảy ra với mẹ, rằng thật khó hiểu khi mẹ không thể tìm thấy nhà anh cả chỉ vì không lên đúng chuyến tàu điện ngầm như bố. Có điều gì đã xảy ra với mẹ ư? Đó là suy nghĩ của những người muốn nghĩ mẹ là một bà già quê mùa.

     Khi cô nói, “Có thể mẹ đã bị lạc đường chứ chị,” thì chị dâu cô tròn mắt ngạc nhiên. “Chị biết dạo này mẹ thế nào rồi đấy,” cô giải thích nhưng chị dâu làm ra vẻ không hiểu cô đang nói gì. Nhưng thực ra cả gia đình đều biết tình trạng của mẹ dạo này. Có thể cô sẽ không tìm được mẹ.

(Shin Kyung Sook (2022), Hãy chăm sóc mẹ, Lý Hiệp Lâm – Lê Nguyễn Lê dịch, NXB Hà Nội, trang 13, 14.)

0
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật thần thoại trong văn bản sau: THẦN MƯA    Thần Mưa là vị thần hình Rồng, thường bay xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi....
Đọc tiếp

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật thần thoại trong văn bản sau:

THẦN MƯA

   Thần Mưa là vị thần hình Rồng, thường bay xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. Thần Mưa có tính hay quên, có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán ở hạ giới, có vùng lại đến luôn, làm thành lụt lội. Do đó mà có lần ở hạ giới phải lên kiện trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày. Công việc phân phối nước cho khắp mặt đất rất nặng nề, một mình thần Mưa có khi không làm hết, nên có lần Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành Rồng hút nước phun mưa giúp sức thần Mưa. Cuộc thi Rồng đó, Trời đã chọn lấy địa điểm ở cửa Vũ (Vũ Môn) thuộc Hà Tĩnh ngày nay. Do đó mà trong dân gian đã có câu hát về việc cá gáy hóa Rồng: Mồng ba cá đi ăn thề, Mồng bốn cá về cá vượt Vũ Môn.

   Khi trời đất mới sinh, chính Trời phải làm mưa cho dân sự làm ăn. Sau vì khó nhọc quá, Trời không làm lấy mưa nữa. Trời mới sai Rồng lấy nước phun xuống làm ra mưa. Nhưng vì số Rồng trên trời ít, không đủ làm mưa cho điều hòa khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kỳ thi kén các vật lên làm Rồng gọi là thi Rồng. Khi chiếu Trời ban xuống dưới Thuỷ phủ, vua Thuỷ Tề loan báo cho các giống dưới nước ganh đua mà dự thi. Trời cắt một viên Ngự sử ra sát hạch. Hạch có ba kỳ, mỗi kỳ vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức đủ tài, vượt được cả ba đợt, thì mới lấy đỗ mà cho hóa Rồng. Trong một tháng trời, bao nhiêu loài Thủy tộc đến thi đều bị loại cả, vì không con nào vượt qua được cả ba đợt sóng. Sau có con cá rô nhảy qua được một đợt thì bị rơi ngay, nên chỉ có một điểm. Có con tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi đã gần hóa Rồng, thì đến lượt thứ ba, đuối sức ngã bổ xuống, lưng cong khoăm lại và chất thải lộn lên đầu. Hai con cùng phải trở lại yên nghiệp ở đồng như trước. Đến lượt cá chép vào thi, thì gió thổi ào ào, mây kéo đầy trời, chép vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng, vào lọt cửa Vũ Môn. Cá chép đỗ, vây, đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, dáng bộ oai nghi, cá chép hóa Rồng phun nước làm ra mưa.

(Trích Quyển ba: Thần thoại (Việt Nam - Trung Hoa)Tuyển tập văn chương nhi đồng, Doãn Quốc Sĩ, NXB Sáng Tạo, 1970, tr. 32 - 33)​

0
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về nhân vật Thị Phương trong đoạn trích sau. Bài đọc: GẶP QUỶ DỮ VÀ THẦN RỪNG (HỔ) (Trích chèo Trương Viên) Mụ: - Con ơi, bây giờ mẹ đói bụng khát nước, nhọc lắm... Mẹ không thể đi được nữa, con xem có gần nhà ai thì con xin cho mẹ một chút đỡ đói lòng. Thị Phương: (Nói sử) - Mẹ ơi, Con trông bên đông có...
Đọc tiếp

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về nhân vật Thị Phương trong đoạn trích sau.

Bài đọc:

GẶP QUỶ DỮ VÀ THẦN RỪNG (HỔ)

(Trích chèo Trương Viên)

Mụ: - Con ơi, bây giờ mẹ đói bụng khát nước, nhọc lắm... Mẹ không thể đi được nữa, con xem có gần nhà ai thì con xin cho mẹ một chút đỡ đói lòng.

Thị Phương: (Nói sử) - Mẹ ơi,

Con trông bên đông có lửa

Mẹ ngồi đây, con thử vào coi

Có cơm cháo xin người thí bỏ

Quỷ: (Ra) - Động ta đây nghiêm chỉnh sắp bày

Ủa kìa người họa phúc tới đây

Sai chúng quỷ ra vây bắt lấy

(Xưng danh) Mỗ bạch yêu tinh

Chiếm cao san nhất động

Ngày ngày thường bắt người nuốt sống

Đêm thời đón khách nhai gan

Lộc thiên trù đưa đến tự nhiên

Nay được bữa no say... cha chả!

Này người kia,

Sơn lâm rừng vắng

Đỉnh thượng non cao

Chốn hang sâu sao dám tìm vào

Đi đâu đó, kìa con, nọ mẹ?

Thị Phương: - Trình lạy ông thương đoái

Mẹ con tôi đói khát lắm thay

Xẩy nhà lạc bước đến đây

Có cơm cháo xin người thí bỏ

Quỷ: - Không khiến kêu van kể lể

Ta quyết nhai tuổi, nuốt sống không tha

Quỷ cái: (Ra) - Chàng ăn thịt gì cho thiếp tôi ăn với!

Quỷ: - Ta ăn thịt Thị Phương.

(Lược một đoạn: Quỷ nói chuyện với Quỷ cái. Thương cho Thị Phương, Quỷ cái nhận Thị Phương là em kết nghĩa để nàng không bị ăn thịt. Quỷ cái còn cho Thị Phương năm lạng vàng để nàng đem về nuôi mẹ.)

Thị Phương: (Quay ra) - Mẹ thức hay ngủ mẹ ơi!

Mụ: - Con vào đấy có được tí gì không?

Thị Phương: - Thưa mẹ, con vào đó, quỷ đông đòi ăn thịt.

Mụ: - Ăn cơm với thịt đông à?

Thị Phương: - Quỷ đông đòi ăn thịt con, mẹ ạ. Quỷ cái ra can rồi lại cho vàng.

Mụ: (Cầm vàng) - Ở hiền rồi lại gặp lành (hát sắp)

Gặp vợ chú quỷ cho thanh tre già

(Nói sử) Ới con ơi,

Mẹ cảm thương thân mẹ

Mẹ lại ngại thân con (Hát văn)

Như dao cắt ruột mẹ ra

Trăm sầu, nghìn thảm chất đà nên con!

(Nói) - Con ơi, trời còn sớm hay đã tối mà con cứ dắt mẹ đi mãi thế này?

Thị Phương: - Trình lạy mẹ,

Vầng ô đã lặn

Vắng vẻ cửa nhà

Mẹ con ta vào gốc cây đa

Nằm nghỉ tạm qua đêm sẽ liệu (ngồi nghỉ).

Thần rừng (Hổ): (Ra) - Ra oai hùm gầm kêu ba tiếng

Phóng hào quang chuyển động phong lôi

Xa chẳng tỏ, nhảy lại ngó coi

Giống chi chi như thể hình người

Đi đâu đó? - Kìa con, nọ mẹ

Muốn sống thời ai chịu cho ai

Vào nộp mệnh cho ta nhai một.

Thị Phương: - Trăm lạy ông,

Nhẽ ngày hôm qua một tận không còn

Tôi kêu trời khấn đất đã vang

Qua nạn ấy, nạn này lại phải

Ơn ông vạn bội

Ông ăn thịt một, còn một ông tha

Ông để mẹ già, tôi xin thế mạng.

Mụ: (Nói sử) - Trình lạy ông

Con tôi còn trẻ

Công sinh thành, ông để tôi đền

Ông ăn thịt tôi, ông tha cháu nó.

Thị Phương: - Thưa mẹ, mẹ để con chịu cho.

Mụ: - Ới con ơi, con còn trẻ người non dạ, để mẹ chịu cho.

Thần rừng (Hổ): - Nhẽ ra thời ăn thịt cả không tha

Thấy mẹ con tiết nghĩa thay là

Tha cho đó an toàn tính mệnh.

(Trích Trương Viên, in trong Tuyển tập chèo cổ, Hà Văn Cầu, NXB Sân khấu, 1999)

Tóm tắt đoạn trích: Trương Viên quê đất Võ Lăng, nhờ mẹ sang hỏi cưới Thị Phương, người con gái của Tể tướng đã hồi hưu. Thấy chàng học giỏi, cha Thị Phương đồng ý và cho đôi ngọc lưu ly làm của hồi môn. Giữa lúc chàng đang dùi mài kinh sử thì được chiếu đòi đi dẹp giặc, chàng từ biệt mẹ già, vợ trẻ để ra chiến trường. Trong cảnh chạy giặc, Thị Phương đã dắt mẹ chồng lưu lạc suốt mười tám năm. Hai người bị quỷ dữ trong rừng sâu đòi ăn thịt, song may nhờ người vợ quỷ nhận làm chị em xin tha rồi cho vàng. Tiếp đó họ lại bị hổ dữ đòi ăn thịt. Thị Phương tình nguyện dâng mạng mình để cứu mẹ chồng. Hổ tha mạng cho cả hai mẹ con.

0