(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Bởi vì thương
[...] Hồi đó, đoàn Mây Mùa Thu về hát ở đình Tân Thuận. Hôm ấy, đoàn hát vở “Đời Cô Lựu” thiệt khuya. Ông bán khăn này còn trẻ lắm, ông đóng vai Luân, mặc bộ đồ bà ba vá chằng vá đụp, quần thì xắn ống thấp ống cao. Lúc xả giàn là tới đoạn Luân quỳ xuống ngang gối, ôm cô Lựu ngẩng mặt lên, kêu mẹ. Trời ơi, San bưng rổ khoai ế đứng nhìn mà rưng rưng nước mắt, sao mà cô Lựu ôm Luân lại gọn gàng trìu mến đến như vậy, sao Luân hạnh phúc và sung sướng đến như vậy.
Đó là lúc San ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành đào hát. Ừ, trở thành đào hát, không cần phải đóng vai chính, nổi tiếng làm gì, hát phụ cũng được, đóng vai ác, vai hầu gái, cung nữ, bà già cũng được… Nhưng San mê vai có má nhất. Dù người mẹ nghèo bị hắt hủi cỡ nào, người mẹ giàu có tàn nhẫn đến cỡ nào để chia cắt duyên con (như mấy tuồng cải lương bây giờ hay hát), nhưng có làm gì thì hết thảy đều vì quá thương con mình.
San hai mươi bốn tuổi, hai mươi bốn năm má mất. Bà chết vì sinh khó. Cha San thường say rượu, lúc say phà cái mùi hèm khăm khẳm vô mặt San: “Tại cái con vô dụng này nên tao mới khổ sở như vầy, vợ cũng chết, tiền cũng hết.”.
San cố sống để khỏi phải là đứa vô dụng. Áo cha rách, San khâu. Cha kêu buồn ói, San chạy lấy thau lại hứng, dấp khăn nóng cho người. Sáu tuổi nó đã è ạch nách cái rổ khoai luộc, xách cái thùng mía lạnh rảo chân khắp làng trên xóm dưới. Mười hai tuổi nó xin chạy bàn, rửa chén ở quán Mây Lang Thang, mười tám tuổi nó lấy chồng. Phải lấy chồng mới có tiền lễ để cha nó đổi chiếc xích lô lấy cái Hon-đa mà đời kỳ thiệt, San lấy ngay cái thằng hồi nhỏ nó ghét cay ghét đắng. Nó nhớ như in những lần mang cái thùng mía lạnh ngang qua nhà, thằng chồng nó lúc đó chừng mười, mười hai tuổi chuyên chặn nó lại, giật mía mà ăn. Có bữa San cự, thằng nọ vạch quần ra đái tỏn tỏn vô thùng mía, vừa đái vừa cười ha hả. Hôm đó, San về nhà mà trong tay không có tiền. Dì nắm tóc nó mà đánh, San có nói gì thì dì cũng không tin. Bây giờ lại lấy nhau, mỗi lần thấy chồng tụt quần, lòng San dậy lên một nỗi căm thù. Được hai tuần, San thôi, lại bỏ về quán Mây Lang Thang, nhưng không còn rửa chén mà ngồi trong mấy cái buồng vuông vuông nhỏ nhỏ để tiếp khách. Ước mơ xưa chưa bao giờ trở thành hiện thực. Những khi quán vắng, San cố ngủ cho nhiều, ngủ là khỏi thấy lòng buồn, má hi sinh cho cái phận bèo bọt này chi không biết. Ngủ để coi có mơ thấy mình trở thành đào hát không. Ngủ vì không thích tụm lại với chị em để đánh bài, bàn số đề, dũa móng tay, nặn mụn hay đi sắm áo dây, váy ngắn.
Mất gần một tháng Sáu Tâm mới nghe hết câu chuyện đời của nó. Mỗi bữa ngồi đụt nắng dưới gốc cây còng trước quán, San kể anh nghe một đoạn. Nhưng anh kép cũ không nhắc gì đến vầng hào quang cũ, chỉ San ngồi nhắc hoài, nó kêu anh dạy nghề. Sáu Tâm bảo: “Nghề hát bạc lắm.”. San bảo: "Nghề của em còn bạc hơn, bạc tại chỗ, những thằng mằn nắn mình, kêu mình bà xã ơi, cưng ơi, toàn là tụi coi khinh mình như rác. Dứt khoát, em phải trở thành đào hát như đào Điệp ở đoàn chú vậy.".
San nhớ, cô đào thiệt hiền, dân dã, tan buổi diễn để nguyên bộ áo dài nâu, cái đầu tóc bới ngồi ăn cháo vịt. Thấy San cứ tần ngần nhìn, cô hỏi San đói không. San gật đầu, không đói nhưng vẫn gật đầu. Cô gọi thêm một tô cháo, biểu San ăn đi, ngồi kế cô mà ăn. San ngồi trước tô cháo nhưng cứ nhìn cô, chỉ mong được nép vô lòng kêu tiếng má. Đào Điệp hỏi: "Con bán khoai hả, sao tan hát rồi mà không về? Khoai còn hết? Cô mua cho. Ăn xong, con mau về đi, tan hát rồi, đường tối lắm.". San nhớ hoài cái khuôn mặt dịu dàng đó, bao giờ nó cũng nghĩ, má mình còn sống dứt khoát giống như cô ấy. Nó kết luận: "Chỉ gặp một lần thôi mà em thương cổ suốt đời.".
(Lược một đoạn: Cảm động trước câu chuyện của San, Sáu Tâm quyết định dạy cô hát cải lương. Sáu Tâm vốn là một kép hát, đã cùng Điệp diễn nhiều vở diễn. Trong một lần sàn diễn bị sập, để cứu Điệp, Sáu Tâm đã bị kẹt lại trong đống đổ nát và buộc phải cắt bỏ phần chân bị hoại tử do không được chữa trị kịp thời. Về sau đoàn hát tan rã, Sáu Tâm cùng Điệp dìu dắt nhau về sống tại xóm Gò Mả. Chị mắc bệnh ung thư, giờ khối u đã đi vào não. Sáu Tâm vì thương chị mà đã làm không biết bao nhiêu là việc để kiếm tiền chạy chữa.)
May mà có San. Câu chuyện của nó làm cho cả hai người nhận ra họ đã sống một đời nghệ sĩ đầy ý nghĩa. Như San, họ chưa thay đổi được cuộc đời bất hạnh của nó, nhưng đã an ủi nó nhiều. Điệp bảo: "Em không tiếc gì đâu. Tâm đừng buồn cho em nữa, nghen.".
Chị dặn, đừng nói cho San biết chị sống với anh, lại bịnh hoạn như vầy. “Nó đã giữ trong lòng một hình ảnh đẹp để ước mơ, mình đừng phá hư đi.”. Nhưng rồi một đêm chị không ngủ mà nằm nghe trái tim anh đập từng nhịp gấp rãi, anh đang sống, chị nói với lòng, cái cơ thể này đang sống, mình nỡ nào để anh tạnh nguội theo mình. Vô tình, chị nghĩ tới San.
Bất ngờ, một buổi trưa, San tới. Hôm đó, Sáu Tâm không đi bán mà ở nhà lợp lại cái mái che đằng trước, lúc này trời trở gió, mưa cứ tạt vô hoài. Anh còn kịp chạy lại lấy cái khăn vắt lên đầu giường đội lên đầu cho chị như vẫn thường làm khi khách đến nhà. San hơi khựng lại, nhưng nó nhận ra cô đào Điệp năm nào. Vẫn còn đó một đôi mắt hiền, hơi ướt, dịu dàng:
- San phải không?
Và còn đó một giọng nói mềm như lá lụa non.
[...] Sau này, mỗi khi rảnh, dù Sáu Tâm còn kéo cái bội áo khăn đi lang thang trên đường phố, San cũng lại nhà. Căn nhà mà hồi mới thấy xa xa, nó tưởng là nhà của mình. Bây giờ, lại đó, San quét nhà, nấu cơm, đợi Điệp ngủ San kéo mền tới cằm cho chị rồi lượm những sợi tóc buồn xơ xác như những chiếc lá lìa cành đem giấu đi. Bữa trưa đầy gió, chị biểu San đem lược lại chị chải tóc cho. Nó có mái tóc hệt chị ngày còn trẻ. “Tụi mình có nhiều cái giống nhau nghen. Chị cũng không có má, lớn lên trong trại mồ côi. Chị đến với sân khấu để vay mượn những thâm tình mà mình chưa hề có. Hồi nhỏ chị cũng cực lắm, nhưng không đến nỗi sa chân như San. Chị em mình còn một chuyện giống nhau nữa, đố San biết? Tụi mình cùng thương anh Sáu, thương lắm, phải không?”. San ngơ ngác hết mấy giây rồi lắc đầu. Chị bảo đừng giấu chị. “Ừ nếu không chê Tâm tàn tật thì bao giờ chị đi cho chị gởi lại. Em làm lại cuộc đời đi, Tâm rộng lòng lắm, không chấp nhứt chuyện này nọ đâu. Tâm dễ tánh. Mặc gì cũng được, ăn gì cũng xong. Con người đàng hoàng, nghệ sĩ mà đàng hoàng, không phù phiếm, buông thả. Kiếm người tin được không phải dễ đâu, San.”.
San không trả lời, không thể nói dối rằng: “Thôi!”, nhưng cũng không thể gật đầu cái rụp. Có phải là trao trái chanh, trái bưởi cho nhau đâu mà một người đàn bà trao người mình yêu thương nhứt cho một người đàn bà.
Sáu Tâm không biết chuyện này. Tối lại nằm gối đầu lên tay anh, chị bảo: “San nó thương anh lắm.”. Anh cười: “Tôi bây giờ đã thành ông già, còn cô nhỏ đó…”, chị cũng cười: “Có sao, như Tâm với em.”. Sáu Tâm biểu: “Ngủ à nghe.”. Nhưng chị biết anh vẫn thức bởi những ý nghĩ mới mẻ trong lòng. Chị thì ngủ, giấc cuối cùng, sâu thiệt là sâu. Đắp cỏ muôn đời.
… San bỏ quán Mây Lang Thang, chiều chiều ngồi bán chuối, khoai lang nướng mỡ hành bán ngoài cổng nhà văn hóa. Hỏi về giấc mơ trở thành đào hát, nó cười đã bỏ lâu rồi. Đi hát lỡ nổi tiếng, thí dụ thôi nghe, người ta biết lúc trước tôi từng làm tiếp viên quán bia thì nhơ danh cả một giới nghệ sĩ, làm người ta mất cảm tình với cải lương, vậy khác nào hại cả nền sân khấu nước nhà.
Cũng giống như phim tình cảm, đôi khi người ta vì yêu mà rứt ruột lìa xa người mình yêu. Biết làm sao, hoàn cảnh vậy mà.
(Nguyễn Ngọc Tư)
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?
Câu 2. Người kể chuyện trong văn bản là người kể chuyện toàn tri hay hạn tri?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của thành phần chêm xen trong đoạn văn sau:
Đó là lúc San ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành đào hát. Ừ, trở thành đào hát, không cần phải đóng vai chính, nổi tiếng làm gì, hát phụ cũng được, đóng vai ác, vai hầu gái, cung nữ, bà già cũng được… Nhưng San mê vai có má nhất. Dù người mẹ nghèo bị hắt hủi cỡ nào, người mẹ giàu có tàn nhẫn đến cỡ nào để chia cắt duyên con (như mấy tuồng cải lương bây giờ hay hát), nhưng có làm gì thì hết thảy đều vì quá thương con mình.
Câu 4: Phân tích tác dụng của điểm nhìn trần thuật trong đoạn văn sau:
Những khi quán vắng, San cố ngủ cho nhiều, ngủ là khỏi thấy lòng buồn, má hi sinh cho cái phận bèo bọt này chi không biết. Ngủ để coi có mơ thấy mình trở thành đào hát không. Ngủ vì không thích tụm lại với chị em để đánh bài, bàn số đề, giũa móng tay, nặn mụn hay đi sắm áo dây, váy ngắn.
Câu 5: Văn bản này để lại trong em những cảm nhận, suy nghĩ gì?