Phần II. Câu trắc nghiệm đúng sai. Trong mỗi ý a), b), c), d) ở mỗi câu, thí sinh chọn đúng hoặc sai
Câu 1: Đọc đoạn tư liệu sau đây:
Theo Nghị định số 05/2011/NĐ – CP ngày 14 – 1 – 2011 về Công tác dân tộc: “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia.
“Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử vanban.chinhphu.vn)
a. Theo Nghị định số 05/2011/NĐ – CP thì thành phần dân tộc của nước ta được chia thành hai nhóm là dân tộc đa số và dân tộc thiểu số.
b. Việc phân chia dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số ở nước ta căn cứ vào tỉ lệ số dân của dân tộc đó so với tổng dân số của cả nước và căn cứ vào trình độ phát triển của từng dân tộc.
c. Theo quy định của Chính phủ thì dân tộc đa số là dân tộc có số dân chiếm hơn một nửa tổng dân số của cả nước.
d. Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96,2 triệu người. Trong đó, dân tộc Tày có khoảng 1 845 492 triệu người. Như vậy, dân tộc Tày thuộc nhóm dân tộc thiểu số.
Câu 2: Đọc đoạn tư liệu sau đây:
Ngữ hệ (hệ ngôn ngữ) là một nhóm các ngôn ngữ có cùng nguồn gốc, có những đặc điểm tương đồng về ngữ âm, thanh điệu, cú pháp và vốn từ vị cơ bản.
Mỗi một ngữ hệ bao gồm một số ngôn ngữ hoặc nhóm ngôn ngữ. Các dân tộc ở Việt Nam thuộc 5 ngữ hệ: Nam Á, Nam Đảo, Mông – Dao, Thái – Ka-đai và Hán – Tạng. Tiếng Việt được xếp vào nhóm ngôn ngữ Việt – Mường thuộc ngữ hệ Nam Á – một ngữ hệ lớn ở vùng Đông Nam Á lục địa….
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) ghi rõ: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.
(Sách giáo khoa Lịch sử 10, bộ chân trời sáng tạo, tr.95)
a. Ngữ hệ là một nhóm các ngôn ngữ có cùng nguồn gốc và giống hệt nhau về vốn từ vị cơ bản.
b. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và đa ngữ hệ.
c. Ngôn ngữ quốc gia của nước ta thuộc nhóm ngữ hệ Nam Á.
d. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tôn trọng tiếng nói, chữ viết riêng của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.
Câu 3: Đọc đoạn tư liệu sau đây:
Với 54 dân tộc ở Việt Nam, có 4 dân tộc là Kinh (Việt), Hoa, Chăm và Khmer có truyền thống sống ở vùng đồng bằng. Trong số này, các dân tộc Kinh (Việt), Chăm, Khmer vốn là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, còn người Hoa thường sống bằng nghề tiểu thủ công và kinh doanh buôn bán ở khu vực đô thị. 50 dân tộc còn lại chủ yếu sinh sống ở các vùng miền núi và trung du,… Một trong những đặc điểm cư trú nổi bật của các dân tộc ở Việt Nam là sự xen cư. Việc xen cư đã diễn ra từ lâu đời và đặc biệt phát triển trong những thập kỉ gần đây, dưới tác động của các yếu tố di cư, giao lưu tiếp xúc văn hóa, ngôn ngữ, hôn nhân hỗn hợp dân tộc, kinh tế thị trường.
(Vương Xuân Tình (Chủ biên), Quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019, tr.117 – 118).
a. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó có 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khmer thuộc nhóm dân tộc đa số.
b. Địa bàn cư trú của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khmer có sự khác biệt so với địa bàn cư trú của các dân tộc còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.
c. Trong những thập kỉ gần đây, do sự tác động của nhiều yếu tố, việc cư trú đan xen giữa các dân tộc đã bắt đầu xuất hiện và phát triển.
d. Bản chất của việc cư trú đan xen hiện nay là sự chuyển đổi địa bàn sinh sống giữa các dân tộc sinh sống ở đồng bằng với các dân tộc sinh sống ở khu vực trong du, miền núi.
Câu 4: Đọc đoạn tư liệu sau đây:
Sinh sống ở vùng địa hình cao, dốc, làm ruộng bậc thang là cách thích ứng với tự nhiên của các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi phía bắc. Trên vùng núi cao ở Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), các dân tộc Nùng, Dao, Mông, La Chí,…đã tạo nên những cánh đồng ruộng bậc thang rộng hàng nghìn héc – ta, được ví như “bức tranh phong cảnh khổng lồ” hay “những mặt thang nối mặt đất với bầu trời”.
(Sách giáo khoa Lịch sử 10, bộ cánh diều, tr.82)
a. Ruộng bậc thang xuất hiện phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu trồng các loại cây lương thực như ngô, khoai, sắn.
b. Ruộng bậc thang là hình thức canh tác độc đáo của dân tộc Kinh và một số dân tộc thiểu số ở khu vực phía Bắc nước ta.
c. Ruộng bậc thang chỉ xuất hiện ở các vùng có địa hình cao, dốc chứ không xuất hiện ở khu vực đồng bằng.
d. Việc phát triển ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía bắc vừa phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ cho hoạt động du lịch.
Câu 5: Đọc đoạn tư liệu sau đây:
Các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử, hợp thành cộng đồng các dân tộc Việt Nam; văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em trên cùng lãnh thổ. Dù có khác nhau về ngôn ngữ, phân vùng địa lý, phong tục tập quán, kinh tế,…nhưng các dân tộc vẫn có sự thống nhất, chung nhau đức tính, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, yêu thương, gắn bó mật thiết với nhau trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(Sách giáo khoa Lịch sử 10, bộ chân trời sáng tạo, tr.100)
a. Văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa văn hóa của tất cả các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
b. Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam có sự khác biệt nhau hoàn toàn về ngôn ngữ, phong tục tập quán, hoạt động kinh tế.
c. Mặc dù có sự khác biệt nhau về hoạt động kinh tế và trình độ phát triển, nhưng đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam lại hoàn toàn tương đồng, thống nhất.
d. Thống nhất trong đa dạng là một đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam hiện nay.
Câu 6: Đọc đoạn tư liệu sau đây:
Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) chỉ rõ: “Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kì thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, chia rẽ dân tộc”
(Sách giáo viên Lịch sử 10, bộ chân trời sáng tạo, tr. 169)
a. Các nguyên tắc cơ bản của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc đã được khẳng định và phát triển qua nhiều văn kiện khác nhau.
b. Giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc là một trong những chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc.
c. “Nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, chia rẽ dân tộc” là một trong những nguyên tắc cơ bản của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, lần đầu tiên được đề cập đến trong Hiến pháp nước ta năm 2013.
d. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (2011) xác định việc phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số phải phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Câu 7: Đọc đoạn tư liệu sau đây:
“Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản. Vua sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi dụ hàng. Bấy giờ Nhật Duật coi đạo Đà Giang, ngầm đem quân thuộc hạ đến. Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh bày tỏ lòng thành: “Mật không dám trái mệnh. Nếu Chiêu Văn Vương một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng”. Nhật Duật nhận lời, chỉ đem 5, 6 tiểu đồng cùng đi. Quân sĩ ngăn lại, Nhật Duật nói: “Nếu nó giáo giả với ta thì triều đình còn có vương khác đến”. Khi tới trại, người Man dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong. Nhật Duật đi thẳng vào, trèo lên trại. Mật mời ông ngồi. Nhật Duật thạo biết tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều nước, cũng ăn bốc, uống bằng mũi với Mật. Người Man thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang. Đến khi về kinh sư, Nhật Duật đem Mật và vợ con hắn vào chầu, vua rất khen ngợi ông. Sau đó, vua cho Mật về nhà, giữ con hắn ở lại kinh đô. Nhật Duật mến nuôi hết lòng, xin triều đình ban tước thượng phẩm và cho vào trông ao cá, sau cũng cho về nhà”
(Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.46)
a. Đoạn tư liệu cung cấp thông tin về quan điểm và các chính sách của Chiêu Văn Vương Nhật Duật và vương triều Trần đối với các dân tộc miền biên giới đất nước ta.
b. Chính sách của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và vương triều nhà Trần đối với các dân tộc ít người thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt nhưng thiếu tính kiên quyết.
c. Một trong những nguyên nhân khiến Trần Nhật Duật có thể thu phục được thủ lĩnh Trịnh Giác Mật là vì ông rất am hiểu và tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của tộc người ở đây.
c. Ban tước thượng phẩm, cất nhắc con cháu trong dòng tộc của thủ lĩnh các tộc người miền núi làm việc ở kinh đô là một trong những chính sách chủ đạo của nhà Trần để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Câu 8: Đọc đoạn tư liệu sau đây:
Xuất phát từ nhu cầu trị thủy và chống ngoại xâm, khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam đã hình thành sớm, từ thời kì Văn Lang – Âu Lạc….
Thời kì quân chủ độc lập, các vương triều luôn coi trọng sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân và sự hòa thuận trong nội bộ triều đình để tạo dựng sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, các vương triều cũng đề cao mối quan hệ giữa các tộc người với cộng đồng quốc gia và có những chính sách nhất quán về việc đoàn kết giữa các dân tộc, các vùng miền.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), khối đại đoàn kết dân tộc được phát huy thông qua các hình thức mặt trận phù hợp với từng thời kì cách mạng, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) và kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 – 1975).
(Sách giáo khoa Lịch sử 10, bộ cánh diều, tr.91)
a. Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam được hình thành cùng với sự hình thành và phát triển của quốc gia – Nhà nước đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam.
b. Một trong những cơ sở quan trọng dẫn đến sự hình thành khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam là nhu cầu trị thủy để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
c. Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi ra đời đã thành lập nhiều hình thức mặt trận dân tộc thống nhất khác nhau để phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.
d. Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam chỉ được phát huy trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc.
Ai cứu em gấp với ạ huhu em c.mơnn
cứu mn ơi
?