(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Chiếc lá đầu tiên
- Hoàng Nhuận Cầm -
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Lời hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi
“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!”
Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm
Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi
Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.
(Theo tienphong.vn)
* Chú thích: Bài thơ bắt đầu được sáng tác vào mùa hè năm 1971. Đây là thời điểm ông rời khỏi nhà trường để đến với chiến trường. Trước hoàn cảnh đó, ông đã viết xong hai khổ thơ đầu. Trong thời gian chiến đấu, ông tiếp tục sáng tác. Đến khi kết thúc chiến tranh, được quay lại trở lại giảng đường đại học, ông hoàn thiện nốt hai khổ thơ cuối.
Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong bài thơ trên.
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính trong bài thơ này là gì?
Câu 3. Chỉ ra ít nhất 5 hình ảnh, dòng thơ mà tác giả sử dụng để khắc họa những kỉ niệm gắn với trường cũ. Theo em, những kỉ niệm ấy có gì đặc biệt?
Câu 4. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong dòng thơ: “Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước”.
Câu 5. Em ấn tượng với hình ảnh nào nhất? Vì sao?