Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống SVIP
VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CỦA ĐỜI SỐNG
I. Định hướng.
1. Khái niệm.
- Vấn đề đời sống: là những vấn đề nổi bật, có ý nghĩa hoặc có ảnh hưởng tới phần lớn con người trong đời sống xã hội. Vấn đề đời sống có thể là vấn đề tích cực hoặc tiêu cực.
- Văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống: là kiểu bài sử dụng tổng hợp các thao tác lập luận để người đọc hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu và đồng tình với ý kiến quan điểm của người viết trước những vấn đề của đời sống.
- Một vài ví dụ:
-
Viết bài văn nghị luận về việc bảo vệ môi trường biển trong đời sống ngày nay.
-
Suy ngẫm của em về vấn đề bạo lực học đường.
-
Viết bài văn nghị luận bày tỏ cảm nghĩ của em về việc sử dụng điện thoại di động trong trường học hiện nay.
2. Yêu cầu đối với bài văn nghị luận về một vấn đề của đời sống.
- Nêu được vấn đề cần bàn luận của đời sống.
- Nêu quan điểm của người viết với vấn đề cần bàn luận (có thể tán thành hoặc không tán thành).
- Yêu cầu người viết giữ vững quan điểm, lập trường của mình xuyên suốt trong bài viết.
- Đưa ra luận điểm, lí lẽ rõ ràng, bằng chứng xác thực, đa dạng để làm sáng tỏ cho ý kiến, thuyết phục người đọc.
- Diễn đạt trong sáng, có thể sử dụng các biện pháp tu từ, yếu tố biểu cảm.
3. Bố cục bài viết.
Gồm 3 phần:
- Mở bài: giới thiệu được vấn đề cần bàn luận và thể hiện rõ ràng ý kiến của người viết về vấn đề ấy.
- Thân bài:
+ Giải thích sơ lược về hiện tượng đời sống.
+ Nêu rõ thực trạng vấn đề đó đối với đời sống: vấn đề đó đang diễn ra như thế nào, ảnh hưởng như thế nào, tình trạng hiện nay ra sao, thái độ của xã hội ra sao. (có thể lấy ngay dẫn chứng từ địa phương của mình cho trực quan, thuyết phục).
+ Lý giải nguyên nhân dẫn tới vấn đề đó.
+ Đề xuất giải pháp (nếu có).
- Kết bài: khẳng định lại ý kiến, đưa ra bài học nhận thức và phương hướng hành động.
4. Phân tích bài viết tham khảo.
II. Trả lời câu hỏi.
Câu 1:
- Vấn đề trong bài viết là cần yêu mến và bảo vệ thiên nhiên.
- Đối với bài viết này, tác giả đã thể hiện thái độ đồng tình với vấn đề đó.
Câu 2: Sơ đồ thể hiện luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong bài viết.
Câu 3: Nhận xét về sức thuyết phục của các lí lẽ, bằng chứng được tác giả nêu ra.
- Tác giả đưa ra các lí lẽ, bằng chứng phù hợp, dễ hiểu giúp người đọc xác định và hình dung rõ hơn vấn đề đang bàn luận và soi xét vào thực tế cuộc sống. Do vậy, bài văn của tác giả đã phần nào khiến cho người đọc cảm thấy thuyết phục về vấn đề mà tác giả nói tới.
III. Thực hành.
1. Thực hành theo các bước.
Đề bài: Câu lạc bộ Văn học trường em phát động viết bài với đề tài “Con người và thiên nhiên”. Hãy viết một bài văn nghị luận, bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về một vấn đề môi trường hoặc thiên nhiên mà em quan tâm và gửi cho ban tổ chức.
Gợi ý một vài vấn đề môi trường hoặc thiên nhiên đáng quan tâm hiện nay:
-
Ô nhiễm môi trường biển.
-
Ô nhiễm không khí.
-
Khai thác khoáng sản bừa bãi, ồ ạt.
-
Nạn chặt phá rừng.
-
Biến đổi khí hậu.
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.
- Tìm hiểu đề để biết các thông tin chính trước khi viết (trọng tâm vấn đề, kiểu bài, phạm vi bàn luận,...).
+ Trọng tâm vấn đề: Bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về một vấn đề môi trường hoặc thiên nhiên mà em quan tâm.
+ Kiểu bài: nghị luận xã hội về một vấn đề của đời sống.
+ Phạm vi bàn luận: trong cuộc sống đời thường.
- Tìm các tư liệu liên quan đến vấn đề cần nghị luận (các bài viết, câu chuyện, tranh ảnh trong báo chí, sách vở, Internet…).
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý.
Để tìm ý, ta trả lời các câu hỏi sau:
-
Vấn đề đó là vấn đề gì?
-
Bạn đồng ý hay không đồng ý với vấn đề đó? Tại sao?
-
Lí lẽ và bằng chứng cụ thể để giải thích quan điểm của bạn là gì? (thực trạng, nguyên nhân, hậu quả/ lợi ích của vấn đề đó đối với đời sống)
-
Giải pháp hoặc bài học từ vấn đề đó là gì?
Lập dàn ý:
Mở bài:
-
Nêu vấn đề cần bàn luận bằng một trong các cách sau: so sánh, đặt câu hỏi,..
-
Nêu ý kiến đồng tình hay phản đối về vấn đề cần bàn luận.
Thân bài:
1. Giải thích từ ngữ, ý kiến cần bàn luận.
2. Bàn luận:
-
Trình bày vấn đề cần bàn luận.
-
Trình bày ý kiến đồng tình hay phản đối về vấn đề cần bàn luận.
-
Đưa ra lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm.
Kết bài:
-
Khẳng định lại vấn đề.
-
Đề xuất giải pháp hoặc nêu bài học.
Bước 3: Viết bài.
Viết bài văn dựa trên dàn ý. Khi viết, cần đảm bảo các yêu cầu đối với kiểu bài.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.
2. Dàn ý làm bài tham khảo.
Gợi ý về vấn đề bảo vệ môi trường biển.
Mở bài:
Nêu vấn đề cần bàn luận: Hiện nay, trên khắp các trang thông tin đại chúng đang rầm rộ đưa tin về hiện tượng đáng báo động ở vùng biển duyên hải miền Trung, đó là hiện tượng cá chết hàng loạt. Điều này dẫn tới nhiều lo ngại trong dân chúng về chất lượng cuộc sống ngày càng đi xuống. Không chỉ gây hậu quả về kinh tế, việc cá chết hàng loạt trên biển cũng là hồi chuông cảnh báo của thiên nhiên cho con người trong việc môi trường biển đang ngày càng ô nhiễm.
Ý kiến của người viết: Ô nhiễm môi trường biển đang ngày càng đáng báo động. Điều này khiến chúng ta phải nhanh chóng có những hành động, biện pháp xử lí và phục hồi biển đưa biển trở về trạng thái bình thường.
Thân bài:
Giải thích ý nghĩa vấn đề cần bàn luận: Ô nhiễm môi trường biển là một trong những vấn đề đáng lo ngại trên toàn cầu. Cụ thể là hiện trạng môi trường xuất hiện những chất độc, chất hại dẫn đến thay đổi nhanh chóng và gây những tác hại xấu cho những loài sinh vật dưới biển cũng như con người.
Thực trạng: Không đâu xa, ngay tại những tỉnh miền Trung của Việt Nam, ô nhiễm biển ngày càng ngày càng trở nên phức tạp.
Dẫn chứng:
-
Năm 2016, từ đầu tháng 4, từ vùng biển của tỉnh Hà Tĩnh, lan tới Quảng Bình rồi mở rộng tới nhiều vùng biển như Nhật Lệ, Hải Ninh, Lệ Thủy đã xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt.
-
Hàng ngày, hàng tấn rác thải được đổ ra biển, các chất độc hại ngày càng nhiều trên môi trường biển làm ảnh hưởng xấu tới biển và các sinh vật biển.
-
10 tấn rác thải tấn công Nha Trang - thành phố được biết đến với những bờ biển xinh đẹp mỗi ngày.
Nguyên nhân:
-
Do ý thức kém của con người.
-
Do sự quản lí của nhà nước, cơ quan chức năng chưa thực sự chặt chẽ: Các doanh nghiệp ngang nhiên xả thải chất thải ra biển mà chưa qua xử lí.
Hậu quả:
-
Ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sức khỏe của con người.
-
Mất đi các nguồn lợi từ biển: hải sản, du lịch biển,..
-
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2008 đã dự báo rằng: mỗi năm, Việt Nam đang mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch do hệ thống xử lí vệ sinh kém. Ô nhiễm môi trường cũng làm giảm đi sức hút của khách ngành du lịch.
-
Mất cân bằng đa dạng sinh học.
Giải pháp:
Cần chung tay bảo vệ môi trường bằng cách:
-
Tuyên truyền người dân về tầm quan trọng của biển, về những hậu quả cực kì to lớn nếu như môi trường biển bị đe dọa.
-
Các cơ quan quản lí cần chặt chẽ và có chế tài xử phạt chặt chẽ với những doanh nghiệp không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường biển.
Kết bài:
-
Khẳng định lại vấn đề: Bảo vệ môi trường biển thật sự là một việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng. Ba phần tư Trái Đất là biển. Nếu không bảo vệ biển mà cứ tiếp tục có những hành động làm tổn thương tới môi trường biển thì chắc chắn chúng ta sẽ phải hứng chịu vô vàn những hậu quả từ mẹ thiên nhiên.
-
Nêu giải pháp hoặc bài học: Hãy yêu thương và bảo vệ môi trường biển. Mỗi hành động của bạn dù là nhỏ thôi cũng góp phần cải tạo môi trường biển, giúp biển ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây