Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Truyện ngắn hiện đại SVIP
Đọc văn bản sau:
Lược phần đầu: Việt là một chiến sĩ Giải phóng quân, xuất thân từ một gia đình nông dân có mối thù sâu nặng với Mĩ – ngụy: ông nội và bố Việt đều bị giặc giết hại; mẹ Việt vừa phải vất vả nuôi con vừa phải đương đầu với những đe doạ, hạch sách của bọn giặc, cuối cùng cũng chết vì bom đạn. Gia đình chỉ còn lại Việt, chị Chiến, thằng Út em, chú Năm, và một người chị nuôi đi lấy chồng xa. Truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình và những đau thương mất mát nặng nề do tội ác của Mĩ – ngụy gây ra đối với gia đình Việt đều được chú Năm ghi chép vào một cuốn sổ của gia đình.
Việt và Chiến hăng hái tòng quân đi giết giặc. Việt nhỏ tuổi, đồng đội gọi thân mật là cậu Tư. Anh rất gắn bó với đơn vị, đặc biệt là với tiểu đội trưởng Tánh, như tình ruột thịt. Ở anh luôn luôn sôi nổi một tinh thần chiến đấu. Anh quyết lập được nhiều chiến công để cùng chị Chiến trả thù cho ba má. Trong trận chiến đấu ác liệt tại một khu rừng cao su, Việt đã hạ được một xe bọc thép của địch nhưng bị thương nặng và lạc đồng đội. Việt ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, dòng hồi ức lại đưa anh trở về với những kỉ niệm thân thiết đã qua: kỉ niệm về má, chị Chiến, chú Năm, về đồng đội và anh Tánh,...
Việt tỉnh dậy lần thứ tư, trong đầu còn thoáng qua hình ảnh của người mẹ. Đêm nữa lại đến. Đêm sâu thăm thẳm, bắt đầu từ tiếng dế gáy u u cao vút mãi lên. Người Việt như đang tan ra nhè nhẹ. Ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuống lên cho Việt ăn... Nhưng mấy giọt mưa lất phất trên cổ làm Việt choàng tỉnh hẳn. Một sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống chạy từ cổ Việt, lan dài cho tới ngón chân. Việt có một mình ở đây thôi ư? Câu hỏi bật ra trong đầu Việt rồi dội lại trong từng chân lông kẽ tóc. Cái cảm giác một mình bật lên một cách rõ ràng nhất, mênh mông nhất, trong đêm thứ hai này, khi Việt cảm thấy không còn bò đi được nữa, khi những hình ảnh thân yêu thường kéo đến rất nhanh rồi cũng vụt tan biến đi rất nhanh chỉ vì một cành cây gãy, một giọt mưa rơi trên mặt, hoặc một tiếng động nhỏ của ban đêm. Việt muốn chạy thật nhanh, thoát khỏi sự vắng lặng này, về với ánh sáng ban ngày, gặp lại anh Tánh, níu chặt lấy các anh mà khóc như thằng Út em vẫn níu chân chị Chiến, nhưng chân tay không nhấc lên được. Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao tròn lấy Việt, kéo theo đến cả con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông, cái mà Việt vẫn nghe các chị nói hồi ở nhà, Việt nằm thở dốc...
Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai... Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc. Đó là những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi. Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên. Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm... chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy. Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ. Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra... Cái cằm nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động viên Việt tiến lên... Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ...
Việt đã bò đi được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo. Việt cũng không biết rằng mình đang bò đi nữa, chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống. Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng. Ở đó có các anh đang chờ Việt, đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mĩ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong...
(Nguyễn Thi, Những đứa con trong gia đình, Truyện và kí, NXB Văn học Giải phóng, 1978)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy?
Câu 2. Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn của ai?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu "Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi.".
Câu 4. Qua văn bản, anh/chị hiểu nhân vật Việt là người như thế nào?
Câu 5. Theo anh/chị, câu chuyện về Việt có tác động như thế nào đến giới trẻ ngày nay?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Ngôi thứ ba.
Câu 2. (0.5 điểm)
Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn của Việt.
Câu 3. (1.0 điểm)
Biện pháp tu từ so sánh trong câu "Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi." có tác dụng như sau:
- Giúp câu văn trở nên sinh động hơn.
- Cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh cùng không khí chiến đấu sôi nổi của quân ta.
- Góp phần làm nổi bật sự dũng cảm của nhân vật Việt, khi nhận ra tiếng súng là những âm thanh quen thuộc, Việt sẵn sàng đối mặt với khó khăn, nguy hiểm.
Câu 4. (1.0 điểm)
Việt là một người giàu lòng yêu nước, kiên cường, gan dạ, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh.
Câu 5. (1.0 điểm)
HS trả lời theo quan điểm cá nhân, có thể theo hướng: câu chuyện của Việt có tác động sâu sắc đến giới trẻ ngày nay, câu chuyện gợi nhắc về quá khứ đau thương mà hào hùng của dân tộc; đồng thời, Việt còn là tấm gương sáng về lòng yêu nước, sự dũng cảm, kiên cường,... để giới trẻ ngày nay noi theo.
Đọc văn bản sau:
(Tóm tắt đoạn đầu: Hiền và Hoài là hai anh em ruột. Cả hai đều có niềm đam mê với chim bồng chanh đỏ. Hai anh em phát hiện một đôi chim bồng chanh đỏ rất đẹp ở đầm nước. Một hôm, Hiền rủ Hoài đi bắt đôi chim đó về nuôi, nhưng sau khi bắt được một con, Hiền quyết định thả nó về tổ.)
[...]
Cái lò gạch ở cuối cánh đồng đang phun lửa sáng rực và ánh đèn ô tô ngoài đường cái quét lên nền trời những luồng ánh sáng xanh biếc. Lúc về đường bao giờ cũng ngắn hơn lúc đi, người ta nói thế mà đúng, chỉ một loáng anh em tôi đã đến cổng làng. Từ sân phơi của hợp tác đội đến những âm thanh nghe vui như một đàn ong đang xây tổ. Tôi nghĩ bụng, biết thế này ở nhà mà lăn ra nằm tán dóc với mấy thằng bạn dưới chân một đống rơm nào đó lại hơn. Chuyện lạ đời, thả con bồng chanh đã bắt được ra! Liệu lát nữa kể lại chuyện này chúng nó có tin không? Thế nào cũng có đứa bảo mình là nói điêu cho mà xem. Càng nghĩ tôi càng thấy giận anh Hiền. Ông ấy vẫn có vẻ thanh thản lắm, chẳng bù cho ban nãy, cứ lom khom lom khom, lại còn “xì” cảnh cáo tôi khi tôi trót làm động nữa! Được rồi, đêm mai tôi sẽ có cách, tôi sẽ rủ thêm mấy thằng bạn ra đó, những đứa không làm hỏng việc, mà cũng có thể tôi đi một mình, như thế hành động sẽ mau lẹ hơn.
Hôm sau, ở trường về là tôi ra đồng ngay. Tôi muốn được nhìn thấy chú bồng chanh mà đêm qua mình đã túm gọn. Nấp sau mô đất cao, tôi đưa mắt tìm kiếm quanh đầm nhưng chẳng thấy bóng dáng con chim màu đỏ ấy. Hay là cả hai vợ chồng nó đều đi kiếm ăn cả rồi?
Có tiếng chân người phía sau đi đến, tôi giật mình quay lại. Tưởng ai, hoá ra là anh Hiền.
– Đừng chờ vô ích – anh nói – chúng nó sơ tán đến chỗ khác rồi.
– Thế còn các con nó?
– Nó cắp theo chứ sao. Bồng chanh chuyển tổ là thường, thấy động là chúng đi ngay.
– Lẽ ra hôm qua phải bứng lấy chúng – Tôi nổi xung lên nói với anh.
– Mày tồi lắm, tao hỏi, nếu có đứa nào phá rối nhà mày thì mày tính sao?
– Thì nên cho chúng một trận chứ sao?
– Vậy thì mày có muốn đóng vai thằng ăn cướp đối với gia đình con bồng chanh không? Cũng may con bồng chanh đó nó không biết chống cự đấy, nếu không thì nó tha gì mày.
Đuối lí, tôi đành nằm im, lơ đãng nhìn ra ngoài đầm.
[...] Tôi nằm trên bờ đầm lơ đãng nhìn ra xa mà nghĩ ngợi miên man. Tôi thương đôi vợ chồng bồng chanh bây giờ đã tha con đến một cánh đồng nào, ở một đầm nước xa lạ, chúng lại phải cùng nhau xây tổ để tránh mưa tránh nắng và con chồng lại lang thang kiếm tôm tép mang về nuôi con. Cuộc sống của chúng có chắc được yên ổn không, hay rồi cũng sẽ bị một lũ trẻ như tôi rình mò bắt bớ. Chúng đang nghĩ về chúng tôi như thế nào sau buổi tối hôm qua, hẳn chúng phải oán giận lắm. Tôi thầm kêu lên: "Bồng chanh, bồng chanh ơi, hãy yên tâm mà trở về đầm này. Chúng tao yêu mày và ở đây mày cũng đỡ vất vả. Nhà cửa có sẵn cả rồi, đồng tao tôm tép nhiều, mày đỡ phải lặn lội. Vợ mày cứ ngồi trước tổ mà trông con cái, và soi mình xuống nước rỉa lông, làm dáng...".
(Bồng chanh đỏ, In trong Truyện mùa hạ, tập hai, Đỗ Chu, NXB Văn học, 2010)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định ngôi kể của văn bản trên.
Câu 2. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 3. Nêu một đặc điểm của thể loại truyện ngắn được thể hiện trong văn bản trên.
Câu 4. Những lời "thầm kêu" sau cho thấy điều gì ở Hoài?
"Bồng chanh, bồng chanh ơi, hãy yên tâm mà trở về đầm này. Chúng tao yêu mày và ở đây mày cũng đỡ vất vả. Nhà cửa có sẵn cả rồi, đồng tao tôm tép nhiều, mày đỡ phải lặn lội. Vợ mày cứ ngồi trước tổ mà trông con cái, và soi mình xuống nước rỉa lông, làm dáng...".
Câu 5. Từ văn bản trên, anh/chị hãy nêu giải pháp bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Ngôi thứ nhất.
Câu 2. (0.5 điểm)
Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Câu 3. (1.0 điểm)
HS nêu được một đặc điểm của thể loại truyện ngắn được thể hiện trong văn bản.
Một số đặc điểm của thể loại truyện ngắn:
- Ít nhân vật.
- Ít sự kiện phức tạp.
- Chi tiết cô đọng, hàm súc.
Câu 4. (1.0 điểm)
Những lời "thầm kêu" đó cho thấy sự thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ của nhân vật Hoài: từ việc muốn bắt chim bồng chanh về nuôi, Hoài đã biết thương loài chim này, biết nghĩ đến quyền được tự do sống của chúng, lo lắng cho chúng, mong muốn chúng quay trở về đầm nước để có điều kiện sống tốt. Đây là sự thay đổi đáng trân trọng, đáng quý.
Câu 5. (1.0 điểm)
HS nêu giải pháp bảo vệ các loài động vật hoang dã theo quan điểm cá nhân.
Tham khảo một số ý sau:
- Không săn bắt các loài động vật hoang dã.
- Không xâm lấn, phá hủy môi trường sống của các loài động vật hoang dã.
- Tích cực ủng hộ, tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ động vật hoang dã.