Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo số 5 SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Tên làng
- Y Phương -
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Ba mươi tuổi từ mặt trận về
Vội vàng cưới vợ
Ba mốt tuổi tập tành nhà cửa
Rào miếng vườn trồng cây rau
Hạnh phúc xinh xinh nho nhỏ ban đầu
Như mặt trời mới nhô ra khỏi núi
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Mang trong người cơn sốt cao nguyên
Mang trên mình vết thương
Ơn cây cỏ quê nhà
Chữa cho con lành lặn
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba
Lần đầu tiên sông núi gọi ông bà
Lần đầu tiên nhóm lửa trên mặt nước
Lần đầu tiên sứ sành rạn nứt
Lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên
Ý nghĩ khôn lên nỗi buồn thấm tháp
Bàn chân từng đạp bằng đá sắc
Trở về làng bập bẹ tiếng đầu tiên
Ơi cái làng của mẹ sinh con
Có ngôi nhà xây bằng đá hộc
Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt
Có niềm vui lúa chín tràn trề
Có tình yêu tan thành tiếng thác
Vang lên trời
Vọng xuống đất
Cái tên làng Hiếu Lễ của con.
Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong bài thơ trên.
Câu 2. Chỉ ra những phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ.
Câu 3. Nhan đề của bài thơ gợi cho em những cảm nhận gì? Nhan đề ấy có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung bài thơ?
Câu 4. Phân tích tác dụng của việc lặp lại nhiều lần dòng thơ: “Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ”.
Câu 5. Nội dung của bài thơ này là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ: Tự do.
Câu 2. (0.5 điểm)
Các phương thức biểu đạt: Biểu cảm, tự sự, miêu tả.
Câu 3. (1.0 điểm)
HS dựa vào nội dung bài thơ và những ấn tượng ban đầu với nhan đề để nêu lên cảm nghĩ về nhan đề, từ đó diễn giải, phân tích tác dụng của nó trong việc thể hiện nội dung văn bản.
Gợi ý:
- Cảm nhận: Nhan đề “Tên làng” gợi liên tưởng đến nơi chôn rau cắt rốn của một người.
- Tác dụng: Nhan đề có tác dụng nhấn mạnh hình tượng trung tâm trong bài thơ, khái quát chủ đề, nội dung bài thơ; khẳng định vai trò của quê hương trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, phẩm chất của nhân vật trữ tình.
Câu 4. (1.0 điểm)
- HS chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng: Điệp ngữ.
- Tác dụng:
+ Nhấn mạnh nguồn gốc quê hương của nhân vật trữ tình, khắc sâu niềm tự hào về cội nguồn sinh dưỡng.
+ Tạo nhịp điệu cho bài thơ, khẳng định sự gắn bó giữa nhân vật trữ tình với quê hương.
Câu 5. (1.0 điểm)
Nội dung: Bài thơ thể hiện tình cảm sâu nặng, niềm tự hào về cội nguồn và sự tri ân của nhân vật trữ tình dành cho quê hương - mảnh đất Hiếu Lễ - nơi chở che, nuôi dưỡng nhân vật trữ tình.
Câu 1. (2.0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích tình yêu quê hương của nhân vật trữ tình.
Câu 2. (4.0 điểm) Raxun Gamzatov từng nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người.”. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tình yêu quê hương của nhân vật trữ tình.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Tình yêu quê hương của nhân vật trữ tình gắn liền với niềm tự hào về cội nguồn sinh dưỡng: “Con là con trai của mẹ/ Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ”. Điệp khúc ấy được lặp đi lặp lại ba lần trong bài thơ như một lời khẳng định về cội nguồn sinh dưỡng, đồng thời cũng thể hiện sự tự hào của nhân vật trữ tình với mảnh đất ấy.
+ Đối với nhân vật trữ tình, quê hương là nơi giúp anh trưởng thành qua từng trải nghiệm, thấu hiểu được những giá trị, những bài học trong cuộc đời, giúp anh chữa lành những vết thương sau chiến tranh: “Ba mốt tuổi tập tành nhà cửa”, “Rào miếng vườn trồng cây rau/ Hạnh phúc xinh xinh nho nhỏ ban đầu/…”, “Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba”, “Ơn cây cỏ quê nhà/ Chữa cho con lành lặn”,…
+ Tình yêu quê hương được thể hiện qua lòng biết ơn của nhân vật trữ tình đối với làng Hiếu Lễ: “Ơi cái làng của mẹ sinh con/ … / Cái tên làng Hiếu Lễ của con.”. Ngôi làng ấy tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng lại khiến con yêu say đắm. Tình yêu ấy như hòa cùng vũ trụ, lan tỏa khắp không gian: “Có tình yêu tan thành tiếng thác/ Vang lên trời/ Vọng xuống đất”.
=> Nhận xét: Qua bài thơ, nhân vật trữ tình thể hiện một tình yêu sâu đậm, chân thành và niềm tự hào dành cho quê hương của mình.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Mối quan hệ giữa con người và quê hương.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Giải thích nhận định: Con người có thể rời xa quê hương vì nhiều lí do như học tập, mưu sinh hoặc rơi vào những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, quê hương luôn in sâu trong tâm trí mỗi người, trở thành một phần không thể tách rời trong kí ức, tâm hồn của chúng ta. Đó là lí do vì sao: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người.”. Câu nói của Raxun Gamzatov nhấn mạnh mối quan hệ giữa con người với quê hương.
+ Bình luận về mối quan hệ giữa con người với quê hương:
++ Quê hương là nguồn cội của mỗi người, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và lưu giữ tuổi thơ.
++ Quê hương là niềm tự hào của mỗi cá nhân.
++ Quê hương là chốn trở về của mỗi người khi gục gã, bất lực trên đường đời.
=> Mối quan hệ giữa con người và quê hương là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, sâu sắc. Vậy nên, dẫu xa quê hương thì trong lòng chúng ta vẫn in đậm hình bóng của quê hương. Hình bóng ấy có thể được thể hiện qua món ăn truyền thống của quê hương, những bài ca, câu hát về quê hương, những hình ảnh đặc trưng của quê hương hay như việc giữ gìn giọng nói đặc trưng của quê hương,…
+ Bình luận, mở rộng: Trong cuộc sống tấp nập, xô bồ hiện nay, việc rời xa quê hương để tới một vùng đất khác sinh sống, lập nghiệp, học hành là chuyện rất phổ biến. Bên cạnh những người trân trọng, giữ gìn sự gắn kết với quê hương, có những cá nhân vì quá si mê chốn phồn hoa hay chỉ coi quê hương như một điểm dừng chân trong các dịp lễ Tết, mà dần mất đi tình cảm, sự gắn kết sâu sắc, chân thành với quê hương. (Từ thực trạng này, HS tự rút ra nhận xét, bày tỏ quan điểm cá nhân và đề xuất các giải pháp hợp lí để khắc phục tình trạng này.)
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.