Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 14 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
CHIẾU CẦU HIỀN TÀI(1)
(Xuất tự Sử ký, năm Kỷ dậu, năm Thuận thiên thứ hai (1429))
Trẫm nghĩ: Được thịnh trị tất ở việc cử hiền, được hiền tài tất do sự tiến cử. Bởi thế người làm vua thiên hạ phải lấy đó làm việc trước tiên. Ngày xưa, lúc thịnh thời, hiền sĩ đầy triều nhường nhau địa vị, cho nên dưới không sót nhân tài, trên không bỏ công việc, mà thành đời thịnh trị vui tươi. Đến như các quan đời Hán Đường, ai là không suy nhượng kẻ hiền tài, cất nhắc lẫn nhau, như Tiêu Hà(2) tiến Tào Tham, Nguy Vô Tri(3) tiến Trần Bình, Địch Nhân Kiệt(4) tiến Trương Cửu Linh, Tiêu Tung(5) tiến Hàn Hưu, tuy tài phẩm có cao thấp khác nhau, nhưng tất thảy đều được người để đảm đang nhiệm vụ.
Nay trẫm vâng chịu trách nhiệm nặng nề, sớm khuya lo sợ, như gần vực sâu, chính vì cầu người hiền giúp việc mà chưa được người. Vậy hạ lệnh cho các văn võ đại thần, công hầu, đại phu, từ tam phẩm(6) trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã, bất cứ là đã xuất sĩ hay chưa, nếu có tài văn võ, có thể trị dân coi quân, thì trẫm sẽ tuỳ tài trao chức. Vả lại tiến hiền thì được thưởng, ngày xưa vẫn thế.
Nếu cử được người trung tài thì thăng chức hai bực, nếu cử được người tài đức đều hơn người tột bực, tất được trọng thưởng.
Tuy nhiên, người tài ở đời vốn không ít, mà cầu tài không phải chỉ một đường, hoặc người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hàng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hào kiệt náu ở đồng nội, lẩn ở hàng binh lính, nếu không tự mình đề đạt thì trẫm bởi đâu mà biết được! Từ nay về sau, các bực quân tử, ai muốn đi chơi ta đều cho tự tiến. Xưa kia Mạo Toại thoát mũi dùi mà theo Bình Nguyên quân(7), Nịnh Thích gõ sừng trâu mà cảm ngộ Tề Hoàn công(8), nào có câu nệ ở tiểu tiết đâu?
Chiếu này ban ra, phàm các quan liêu đều phải hết chức vụ, tiến cử hiền tài. Còn như những kẻ sĩ quê lậu ở xóm làng, cũng đừng lấy điều “đem ngọc bán rao”(9) làm xấu hổ, mà để trẫm phải than đời hiếm nhân tài.
(Bản dịch của Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập II, Trung tâm Nghiên cứu quốc học, NXB Văn học, Hà Nội, 2000)
CHÚ THÍCH
(1) Chiếu cầu hiền tài: Theo Toàn thư và Cương mục thì tờ chiếu này ban bố vào khoảng tháng 6 năm Kỷ dậu (1429). Trong buổi đầu xây dựng nhà nước phong kiến, Lê Lợi một mặt phát triển chế độ khoa cử làm phương thức đào tạo quan lại chủ yếu, nhưng mặt khác vẫn sử dụng rộng rãi chế độ tiến cử, “cầu hiền” để kén chọn thêm quan lại.
(2), (3) Tiêu Hà, Nguy Vô Tri: Quan nhà Hán.
(4), (5) Địch Nhân Kiệt, Tiêu Tung: Quan nhà Đường.
(6) Tam phẩm: Trong chế độ phong kiến Trung Quốc và Việt Nam, phẩm cấp quan lại chia làm 9 bậc, cao nhất là nhất phẩm, thấp nhất là cửu phẩm. Quan lại từ tam phẩm trở lên là quan lại cao cấp.
(7) Bình Nguyên quân: Mao Toại là thực khách của Bình Nguyên quân nước Triệu thời Chiến quốc.
(8) Tề Hoàn công: Ninh Thích là người nước Vệ thời Xuân Thu.
(9) "Đem ngọc bán rao" (Huyễn ngọc cầu dụ): Ý nói tự đem khoe tài mình để cầu tiến dụng.
Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài.
Câu 2 (0.5 điểm): Chủ thể bài viết là ai?
Câu 3 (1.0 điểm): Mục đích chính của văn bản trên là gì? Chỉ ra những đường lối tiến cử người hiền tài được đề cập trong văn bản.
Câu 4 (1.0 điểm): Theo văn bản, khi có được nước rồi, việc đầu tiên vua cần làm là chọn người hiền tài về giúp cho đất nước. Để minh chứng cho luận điểm đó, người viết đã đưa ra dẫn chứng nào? Nhận xét cách nêu dẫn chứng của người viết.
Câu 5 (1.0 điểm): Thông qua văn bản trên, hãy nhận xét về phẩm chất của chủ thể bài viết.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0.5 điểm):
- Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài là: Nghị luận.
Câu 2 (0.5 điểm):
- Chủ thể bài viết là Lê Lợi.
Câu 3 (1.0 điểm):
- Mục đích chính của văn bản: Chiêu dụ người tài đức về giúp việc triều chính. (0.25 điểm)
- Các đường lối tiến cử hiền tài: (0.75 điểm)
+ Các đại thần từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người tài.
+ Nếu cử được người trung tài thì thăng chức hai bực, nếu cử được người tài đức đều hơn người tột bực, tất được trọng thưởng.
+ Người có tài đức có thể tự tiến cử.
Câu 4 (1.0 điểm):
- Người viết đã đưa ra các dẫn chứng sau:
+ Thời xưa, dưới không sót nhân tài, trên không bỏ công việc, nên triều đại thịnh trị.
+ Các quan đời Hán Đường tiến cử người tài giúp nước, như Tiêu Hà tiến Tào Tham, Nguy Vô Tri tiến Trần Bình, Địch Nhân Kiệt tiến Trương Cửu Linh, Tiêu Tung tiến Hàn Hưu, tuy tài phẩm có cao thấp khác nhau, nhưng tất thảy đều được người để đảm đang nhiệm vụ.
- Nhận xét dẫn chứng:
+ Dẫn chứng được đưa ra phong phú, toàn diện, sắc sảo, từ cổ chí kim, từ gần tới xa.
+ Dẫn chứng hợp lí, xác đáng, là những chuyện có thực, đủ để minh chứng cho luận điểm một triều đại thịnh trị cần có người tài làm căn cơ.
Câu 5 (1.0 điểm):
- Chủ thể bài viết có những phẩm chất sau:
+ Trọng người tài.
+ Khiêm nhường, biết lắng nghe ý kiến của dân, lấy dân làm trọng.
+ Anh minh, đưa ra được những chính sách sáng suốt vì dân vì nước.
Câu 1 (2.0 điểm):
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích nghệ thuật lập luận của Nguyễn Trãi trong văn bản Chiếu cầu hiền tài.
Câu 2 (4.0 điểm):
Viết một bài văn có dung lượng khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng “chảy máu chất xám” tại Việt Nam hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2.0 điểm):
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích nghệ thuật lập luận của Nguyễn Trãi trong văn bản Chiếu cầu hiền tài.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0.25 điểm)
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nghệ thuật lập luận trong Chiếu cầu hiền tài của Nguyễn Trãi.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5 điểm)
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Mục đích và đối tượng sáng tác: Bài chiếu được viết để chiêu mộ người có tài đức về giúp việc triều chính cho đất nước, vậy nên đối tượng là những người dân có tài, có đức.
+ Các phần được phân chia theo bố cục rõ ràng và logic chặt chẽ: Trước hết, tác giả bài viết đưa ra vấn đề như sau: Việc đầu tiên cần làm sau khi lên ngôi chính là tìm người hiền tài về giúp cho đất nước. Sau đó, tác giả bài viết đưa ra hàng loạt dẫn chứng làm cơ sở thực tiễn để chứng minh cho luận điểm ấy. Tiếp theo, chủ thể bài viết ban hành những chính sách phù hợp để tìm người giúp cho đất nước, trong đó có việc tiến cử và tự tiến cử để không bỏ sót bất kì người tài nào.
+ Cách thức lập luận: Sử dụng nhiều cách thức khác nhau một cách linh hoạt, chặt chẽ và vô cùng thuyết phục, dẫn chứng đáng tin cậy và xác thực, giọng điệu hùng hồn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5 điểm)
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
- Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết các câu trong văn bản.
e. Sáng tạo (0.25 điểm)
- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4.0 điểm):
Viết một bài văn có dung lượng khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng “chảy máu chất xám” tại Việt Nam hiện nay.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0.25 điểm)
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng “chảy máu chất xám”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1.5 điểm)
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- “Chảy máu chất xám”: Là hiện tượng người tài, người trí thức có trình độ quyết định sống, làm việc và cống hiến cho nước ngoài.
- Nguyên nhân:
+ Nguyên nhân về môi trường làm việc: thiếu nguồn lực, thiếu cơ sở vật chất, thiếu tự do học thuật, thiếu sự minh bạch trong việc đánh giá và thăng tiến.
+ Nguyên nhân về cơ hội phát triển: ở nước ngoài dễ tiếp xúc với những dự án quốc tế, mạng lưới hợp tác và trao đổi chuyên môn.
+ Nguyên nhân về thu nhập và chính sách: thu nhập cao và chế độ đãi ngộ tốt hơn.
- Hậu quả:
+ Mất đi nguồn lực trình độ cao, làm giảm khả năng phòng ngừa và ứng phó với các vấn đề xã hội.
+ Làm tăng khoảng cách kinh tế và khoa học giữa Việt Nam và các nước phát triển.
+ Những người làm việc ở nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng, đồng thời dần đánh mất sự kết nối đối với quê hương.
VD: Trường hợp Cao Hành Kiện.
- Giải pháp:
+ Cải thiện môi trường làm việc và tăng cơ hội phát triển việc làm cho người tài.
+ Có những chính sách khuyến khích và tôn vinh người tài.
+ Nâng cao thu nhập cho người tài.
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1.0 điểm)
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo (0.5 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.