Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì II - Đề số 13 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Giục giã
- Xuân Diệu -
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi;
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,
Mau với chứ! thời gian không đứng đợi.
Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới;
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa.
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt;
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài;
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.
Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến;
Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành.
Vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh,
Quay mặt lại: cả lầu chiều đã vỡ.
Vì chút mây đi, theo làn vút gió.
Biết thế nào mà chậm rãi, em ơi?
Sớm nay sương xê xích cả chân trời,
Giục hồng nhạn thiên di về cõi bắc.
Ai nói trước lòng anh không phản trắc;
Mà lòng em, sao lại chắc trơ trơ?
- Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ,
Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lói;
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự.
Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi...
(Báo Ngày nay)
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Đề tài của văn bản này là gì?
Câu 3. Phân tích tác dụng của việc lặp lại nhiều lần cụm từ "Mau với chứ..." trong bài thơ.
Câu 4. Em hiểu như thế nào về hình ảnh: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm."?
Câu 5. Nội dung của bài thơ này là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: Tự do.
Câu 2.
Đề tài: Sự vội vã trong tình yêu và cuộc sống.
Câu 3.
- Việc lặp lại nhiều lần cụm từ "Mau với chứ..." trong văn bản chính là biểu hiện của biện pháp tu từ lặp cấu trúc.
- Tác dụng: Thể hiện và nhấn mạnh sự vội vã của nhân vật trữ tình trước những bước đi của thời gian, tình yêu và cuộc sống.
Câu 4.
- HS đưa ra cách cắt nghĩa của bản thân về hình ảnh thơ.
- Ví dụ: Cách dùng từ của tác giả trong hình ảnh này rất tinh tế. Tác giả dùng từ "tối" thay vì dùng từ "tắt". Ở đây, bóng tối là sự tiếp nối của ánh sáng, đại diện cho những giai đoạn trong cuộc đời mỗi chúng ta. Thế nên, từ "tối" ở đây không phải để chỉ cái vụt tắt của bản thể, mà là chỉ bóng tối khách quan bao phủ. Nên hình ảnh này có thể hiểu là trong cuộc đời mỗi con người sẽ có những lúc "chợt tối" (tình huống đầy bất ngờ, không đoán trước), nhưng ta sẽ không bao giờ phải hối hận vì chúng ta cũng đã có được những phút giây tỏa sáng huy hoàng. Do đó, sống trong một cuộc đời đầy biến động, chúng ta cần sống hết mình, sống trọn vẹn để có thể tỏa sáng, ghi dấu trong cuộc đời, còn hơn phải sống u uất, mờ nhạt, quẩn quanh trong bóng tối.
Câu 5.
Nội dung: Bài thơ là lời giục giã của Xuân Diệu trước những bước đi của thời gian. Trước những bước đi không bao giờ trở lại ấy, Xuân Diệu thể hiện rõ sự vội vã cùng tâm hồn rạo rực, khát khao sống hết mình, trọn vẹn trong từng phút giây, khoảnh khắc để có thể tận hưởng những phút giây đẹp đẽ nhất, non tơ nhất trong tình yêu và trong cuộc sống, để không phải hối tiếc vì bỏ lỡ những gì đã qua.
Câu 1. (2 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích bài thơ ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) thuyết phục người thân của em từ bỏ thói quen lề mề.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích bài thơ ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về nội dung:
++ Đề tài: Sự vội vã trong tình yêu, cuộc sống.
++ Chủ đề: Khát khao sống trọn vẹn từng phút giây đẹp đẽ trong cuộc sống.
=> Nội dung của bài thơ: Bài thơ là lời giục giã của Xuân Diệu trước những bước chuyển dịch không bao giờ trở lại. Qua đó, bài thơ thể hiện sâu sắc, chân thực sự gấp gáp, vội vàng của nhà thơ với cuộc sống, khát khao sống hết mình để có một cuộc đời huy hoàng, dù nó chỉ là những phút giây ngắn ngủi, còn hơn sống một cuộc đời "buồn le lói suốt trăm năm".
+ Về nghệ thuật:
++ Thể thơ tự do thể hiện chân thực, tự do dòng cảm xúc lâng lâng, rạo rực của nhân vật trữ tình.
++ Sử dụng nhiều hình ảnh thể hiện sự tàn lụi nhanh chóng nhằm nhấn mạnh sự vội vã, lời giục giã trước những nhịp bước của thời gian.
++ Ngôn từ trong sáng, gần gũi, giàu cảm cảm xúc.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thuyết phục người thân từ bỏ thói quen lề mề.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Thực trạng: Hiện nay, thói quen lề mề đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều người.
– Biểu hiện:
+ Trễ hẹn.
+ Không hoàn thành công việc đúng thời hạn.
+ Trì hoãn một việc nào đó.
+ ...
– Nguyên nhân:
+ Chủ quan: Do chính bản thân thiếu tính kỉ luật, thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu kĩ năng xây dựng kế hoạch học tập, làm việc hợp lí.
+ Khách quan: Ảnh hưởng từ môi trường sống, áp lực học tập/ công việc khiến cho ta mệt mỏi, chán ghét.
– Hệ quả:
+ Ảnh hưởng tới hiệu suất công việc và học tập: Gây chậm trễ tiến độ, giảm chất lượng công việc, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
+ Ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội: Mất uy tín với người khác, gây khó chịu cho người xung quanh, ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân.
+ Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần: Gây căng thẳng, lo lắng, cảm giác tội lỗi, ảnh hưởng đến sự tự tin.
+ Ảnh hưởng tới tương lai: Lề mề làm mất đi những cơ hội tốt trong cuộc sống.
– Giải pháp:
+ Lập kế hoạch và tuân thủ thời gian biểu: Sắp xếp công việc một cách khoa học, đặt ra mục tiêu cụ thể và thời hạn hoàn thành.
+ Rèn luyện tính kỷ luật và trách nhiệm: Tự giác thực hiện công việc đúng giờ, tránh trì hoãn.
+ Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè: Nhờ người thân nhắc nhở, động viên và giúp đỡ.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.