Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của trường THPT chuyên Phan Bội Châu SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
THÔI ĐỪNG TRÁCH MÙA THU...
(Trần Nhuận Minh)(1)
Thôi đừng trách mùa thu nhiều mây trắng
Sân trường hẹp lại, biển lùi xa....
Cây phượng gù quên nắng mưa đầu dãi
Nở như thời thơ ấu những chùm họa...
Thôi đừng nghe tiếng ve kêu cháy ruột
Để người lính bình yên nằm dưới cánh rừng già
Phút chạm lửa, chợt nhớ tà áo mỏng
Bay qua cổng trường như một ảnh sương sa
Thôi đừng nhớ gió heo may xao xác
Thổi nao lòng trong sách giáo khoa xưa
Thầy cô ơi, xin người dừng già vội
Nụ cười hiền, mái tóc chớm màu mưa...
Thôi đừng xa mái trường như bóng mẹ
Lặng lẽ thương ta, dạy ta lớn thành người
Chao ôi nhớ, tấm bảng xanh bát ngát
Mở đường bay cho những tuổi đôi mươi...
(Dẫn theo Tạp chí Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam, số tháng 11, 12 năm 2019, tr.60)
* Chú thích: (1): Tác giả Trần Nhuận Minh, sinh năm 1944 tại Hải Dương, là nhà thơ có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh trong văn bản miêu tả kí ức tuổi học trò.
Câu 3. Chỉ ra và làm rõ hiệu quả của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các dòng thơ in đậm.
Câu 4. Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình được thể hiện trong văn bản.
Câu 5. Từ nội dung văn bản, anh/chị hãy rút ra bài học về cách ứng xử của bản thân đối với quá khứ và những giá trị tinh thần cao đẹp.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ của văn bản: Tự do.
Câu 2. (0.5 điểm)
Một số từ ngữ, hình ảnh miêu tả kí ức tuổi học trò: “sân trường”, “cây phượng gù”, “tà áo mỏng”, “ve kêu cháy ruột”, “sách giáo khoa xưa”, “mái trường như bóng mẹ”, “tấm bảng xanh bát ngát”,… (thí sinh không cần liệt kê đầy đủ mà vẫn được điểm tối đa).
Câu 3. (1.0 điểm)
- Biện pháp nghệ thuật: Điệp ngữ “Thôi đừng” điệp lại ở đầu mỗi khổ thơ (thí sinh có thể trả lời các phương án: Phép điệp, biện pháp trùng điệp, điệp từ đều có thể cho điểm).
- Hiệu quả:
+ Về mặt nội dung: Nhấn mạnh tâm trạng lưu luyến, tiếc nuối, day dứt khi nhớ về tuổi học trò; khắc sâu lời tự nhủ bản thân biết chấp nhận sự trôi đi của thời gian, trân trọng quá khứ; thể hiện tình yêu sự gắn bó với thầy cô và mái trường.
+ Về mặt nghệ thuật: Tạo nhịp thơ chậm rãi, trầm lắng, phù hợp với chủ đề hoài niệm, giúp kết nối các hình ảnh và ý thơ một cách mạch lạc, thống nhất, tạo nên điệp khúc trong thơ, làm tăng tính nhạc cho ngôn ngữ thơ.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình: Bài thơ thể hiện mạch cảm xúc hoài niệm, tiếc nuối và tri ân của nhân vật trữ tình khi mùa thu đến. Mạch cảm xúc này diễn biến theo ba giai đoạn chính:
+ Trước hết là nỗi buồn man mác trước sự đổi thay của thời gian, sự tiếc nuối khi nhận ra không thể níu giữ được những gì đã qua.
+ Tiếp đó là nỗi hoài niệm nhớ thương tuổi trẻ, có xen lẫn những suy tư sâu lắng về sự hi sinh của thế hệ đi trước, cũng như trăn trở về cuộc đời và những giá trị lớn lao.
+ Mạch cảm xúc kết lại bằng lòng biết ơn, lời tri ân quá khứ, thầy cô, mái trường, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, chấp cánh ước mơ cho con người.
=> Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ diễn ra theo dòng chảy của sự tiếc nuối → hoài niệm → tri ân, tạo nên một bài thơ nhẹ nhàng nhưng đầy lắng đọng. Điều này giúp bài thơ không chỉ mang màu sắc hoài niệm mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhở mỗi người về sự trân trọng những điều tốt đẹp trong quá khứ.
Câu 5. (1.0 điểm)
Bài học ứng xử với quá khứ và những giá trị tinh thần cao đẹp: Thí sinh có thể rút ra bài học theo cảm nhận riêng của mình, sau đây là một vài gợi ý:
- Cách ứng xử đúng đắn với quá khứ: Không oán trách, không luyến tiếc bi lụy mà chấp nhận, trân trọng, biết ơn và xem đó là động lực để tiếp tục sống tốt trong hiện tại.
- Đồng thời, nó nhắc nhở chúng ta giữ gìn những giá trị tinh thần cao đẹp, đặc biệt là tình nghĩa thầy trò, tính cảm với mái trường - những điều luôn có ý nghĩa trong suốt cuộc đời mỗi con người.
- Dù xã hội có thay đổi, công nghệ có phát triển, con người vẫn cần giữ gìn những giá trị cốt lõi như tình thầy trò, tình bạn, sự hiếu nghĩa với cha mẹ, lòng biết ơn đối với quê hương và cội nguồn.
(Thí sinh không cần thiết phải nêu đủ các ý trên, chỉ cần tập trung vào một ý và diễn giải thuyết phục.)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nghệ thuật sáng tạo hình ảnh trong văn bản đã cho ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4,0 điểm)
Thay vì cố gắng thay đổi người khác, hãy thay đổi chính mình. Nếu vậy, bạn có thể sống được ở bất kì đâu.
(Trích Sống như một cái cây, Osamu Tanaka, NXB Công thương, 2022, tr. 21)
Từ nhận định trên, anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về chủ đề: Tuổi trẻ với việc thay đổi bản thân trong thời kì hội nhập.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Phân tích nghệ thuật sáng tạo hình ảnh trong bài thơ “Thôi đừng trách mùa thu…”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
Sau đây là một số gợi ý:
- Hệ thống hình ảnh về mái trường, kí ức tuổi học trò rất gợi cảm và giàu chất thơ: “sân trường”, “gió mùa thu xao xác”, “tà áo mỏng”, “cây phượng gù nở những chùm hoa”,... Đây là những hình ảnh gợi không gian kỉ niệm về mái trường, tuổi thơ đầy nhớ thương, luyến tiếc,...
- Hệ thống hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng: “mùa thu” - biểu tượng của sự chia ly; “mái trường” - hình bóng người mẹ chở che, nâng đỡ; “người lính” - biểu tượng của thế hệ đi trước với những mất mát, hi sinh;...
- Hệ thống hình ảnh được sáng tạo bằng nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật:
+ Hình ảnh “Cây phượng gù quên nắng mưa dầu dãi” được nhân hóa thành chứng nhân cho bao thế hệ học trò, từng trải qua bao năm tháng.
+ Ẩn dụ: “mái tóc chớm màu mưa” gợi sự già đi của thầy cô, gợi cảm giác kính trọng và xót xa.
+ So sánh: “Bay qua cổng trường như một ảnh sương sa”, hình ảnh tà áo trắng được ví như ánh sương sa, tạo cảm giác nhẹ nhàng, mong manh, gợi lên vẻ đẹp tinh khôi của tuổi học trò; “mái trường như bóng mẹ” - sự so sánh giữa mái trường và bóng mẹ giúp nhấn mạnh sự che chở, yêu thương mà mái trường dành cho học trò;...
- Hình ảnh mang màu sắc hoài niệm và cảm xúc trữ tình: Các hình ảnh trong bài thơ đều gợi lên những kỷ niệm sâu lắng về tuổi học trò, thầy cô, mái trường. Sự kết hợp giữa tả thực và cảm xúc chủ quan giúp những hình ảnh trong bài thơ trở nên sống động, gần gũi và đầy chất thơ, từ đó làm toát lên cảm hứng chủ đạo và triết lí sâu sắc của bài thơ.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Bảo đảm bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận:
Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:
Trình bày suy nghĩ về vấn đề: Tuổi trẻ và việc thay đổi bản thân trong thời kì hội nhập.
c. Viết được bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu:
Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau, miễn là hợp lí và thuyết phục; cần xem xét trừ điểm các lỗi về hình thức và diễn đạt. Tham khảo cách triển khai và một số nội dung cụ thể sau:
1. Giải thích khái niệm:
- Tuổi trẻ: Giai đoạn thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết, hoài bão, khả năng học hỏi và phát triển.
- Thay đổi bản thân: Quá trình tự cải thiện về tư duy, kỹ năng, phẩm chất để thích nghi với hoàn cảnh mới.
- Thời kì hội nhập: Bối cảnh thế giới hiện nay với sự giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ
=> Ý khái quát: Trong thời kì hội nhập, giới trẻ cần ý thức được tầm quan trọng của sự thích nghi và thay đổi bản thân, thay vì cố gắng áp đặt sự thay đổi lên người khác hay hoàn cảnh xung quanh.
2. Bình luận:
- Con người không thể kiểm soát thế giới bên ngoài, nhưng có thể kiểm soát suy nghĩ, hành vi và phản ứng của chính mình.
- Cuộc sống luôn thay đổi, mỗi nơi có những đặc điểm văn hóa, lối sống khác nhau. Trong thời kì hội nhập, công nghệ, thị trường lao động, xu hướng toàn cầu hóa thay đổi liên tục, đòi hỏi người trẻ phải linh hoạt và cập nhật kiến thức mới.
- Nếu biết thay đổi bản thân, người trẻ sẽ có nhiều lợi thế, nhiều cơ hội khẳng định bản thân: Ví dụ tăng cường khả năng cạnh tranh; cởi mở, sáng tạo, sẵn sàng học hỏi cái mới; loại bỏ tư duy bảo thủ, lối sống thụ động; xây dựng tinh thần trách nhiệm và khát vọng vươn xa;... Việc thay đổi tích cực giúp cá nhân thành công và góp phần xây dựng đất nước vững mạnh trong bối cảnh quốc tế.
- Thay đổi chính mình không có nghĩa là đánh mất bản thân, hội nhập mà không hòa tan. Tuổi trẻ cần nhận thức được đâu là giá trị cốt lõi, bản sắc tốt đẹp cần giữ gìn, đâu là những điểm cần thay đổi, học hỏi để phù hợp với xu thế chung và môi trường mới.
- Phê phán một bộ phận người, đặc biệt là người trẻ, không có ý thức thay đổi bản thân, thụ động trong thời kì hội nhập.
3. Bài học nhận thức và hành động:
- Nhận thức về sự cần thiết và lợi ích của việc thay đổi bản thân, giới hạn của việc thay đổi người khác: Tuổi trẻ cần nhận thức rằng việc thay đổi bản thân là yếu tố then chốt để thích ứng và thành công, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập. Sự thay đổi của hoàn cảnh và sự đa dạng của môi trường sống là tất yếu, việc chờ đợi hoặc cố gắng thay đổi người khác/ hoàn cảnh là bị động và thường không hiệu quả. Trách nhiệm chính nằm ở việc tự điều chỉnh và hoàn thiện mình.
- Chủ động học hỏi, trau dồi không ngừng, rèn luyện tư duy mở, linh hoạt và thích ứng. Đồng thời, mỗi người cần sẵn sàng tiếp thu cái mới, tôn trọng sự khác biệt, dám thử thách bản thân trong những môi trường, công việc mới lạ. Tập nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, có kế hoạch điều chỉnh phù hợp. Quá trình thay đổi bản thân đòi hỏi thời gian và nỗ lực, cho nên cần giữ niềm tin vào bản thân, thái độ lạc quan và sự kiên trì để vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.