Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định SVIP
(4.0 điểm) Đọc đoạn trích sau:
ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU TỪ NHỮNG LỜI XÚC PHẠM
Con à, chúng ta lớn lên trong một xã hội luôn theo đuổi danh dự, và cha hiểu cảm giác một người quý trọng danh dự bị xúc phạm là như thế nào. Có điều, trong nhiều trường hợp, cho dù con là ai, kể cả là Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đi chăng nữa, thì cũng đều bất lực trước việc ngăn chặn những lời xúc phạm từ người khác.
Vậy, chúng ta nên làm thế nào khi gặp phải tình huống như thế? Tức giận công kích, cố gắng bảo vệ danh dự? Bao dung độ lượng và mỉm cười cho qua? Hay đáp trả bằng những cách khác?
Chắc hẳn con vẫn còn nhớ cha luôn trân trọng một bức ảnh chụp các bạn học cấp hai của mình/ Trong bức ảnh đó không có cha, chỉ có những đứa trẻ xuất thân từ gia đình giàu có. Nhiều thập niên đã trôiqua, song cha vẫn trân trọng nó, hơn hết là khung cảnh chụp bức ảnh đó.
[...] Cha nhìn chăm chăm vào vị nhiếp ảnh gia đang cúi xuống căn góc chụp với ánh mát hưng phấn, hy vọng ông ấy sớm đưa cha vào khung hình. Tuy nhiên, điều cha nhận được lại là nỗi thất vọng. Vì nhiếp ảnh gia đó có vẻ là một người theo chủ nghĩa duy mỹ, ông ấy đứng thẳng dậy, chỉ tay vào cha và nói với giáo viên: “Cô có thể bảo học sinh đó rời khỏi chỗ ngồi của mình được không? Cậu bé ăn mặc nhếch nhác quá.” Là một học sinh nhỏ bé và nghe lời giáo viên, cha chẳng dám lên tiếng phản đối, chỉ đành lặng lẽ đứng dậy, tạo phông nền đẹp đẽ cho đám con nhà giàu ăn mặc chỉnh tề chụp ảnh.
[...] Nhìn vị nhiếp ảnh gia đó liên tục chỉnh cảnh, cha siết chặt nắm đấm, long trọng thề với lòng mình: Một ngày nào đó, mình sẽ trở thành người giàu nhất thế giới! Để một nhiếp ảnh gia chụp ảnh cho mình thì có gì ghê gớm chứ! Khiến họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới vẽ chân dung cho mình mới là điều đáng tự hào!
Con ơi, lời thề khi ấy của cha đã trở thành hiện thực! Trong mắt cha, ý nghĩa của từ “xúc phạm” đã thay đổi, nó không còn là con dao sắc bén tước đi danh dự của cha, mà là một động lực mạnh mẽ, khí thế dữ dội như dời non lấp biển, thôi thúc cha phấn đấu và theo đuổi mọi điều tốt đẹp. Dường như không ngoa khi nói rằng vị nhiếp ảnh gia đó đã truyền cảm hứng để một đứa trẻ nghèo khó trở thành người giàu nhất thế giới. Ai cũng có lúc được mọi người vỗ tay reo hò để bày tỏ sự công nhận dành cho những thành tựu hoặc phẩm chất, nhân cách, đạo đức của bản thân; đồng thời, ai cũng có lúc bị đả kích và xúc phạm. Ngoại trừ ác ý, cha nghĩ sở dĩ chúng ta bị lăng mạ là do bản thân không đủ năng lực, năng lực này có thể liên quan đến khía cạnh làm người hoặc làm việc, tóm lại là không được người khác tôn trọng. Vì vậy, cha muốn nói rằng bị xúc phạm không phải là một chuyện xấu. Nếu là người biết giữ bình tĩnh và suy ngẫm, có lẽ con sẽ thấy rằng mỗi thái độ hoặc hành vi trước những lời xúc phạm – cũng có thể phản ánh trình độ năng lực của con người ta.
Cha biết rằng bất kỳ sự xúc phạm nhẹ nào cũng đều có thể làm tổn thương danh dự. Tuy nhiên, danh dự không phải là món quà do Thượng đế ban tặng, cũng không phải do người khác đưa cho, mà là do chính con tạo nên. Danh dự là sản phẩm tinh thần mà con sở hữu, và danh dự của mỗi người đều chỉ thuộc về chính họ. Con cho rằng mình có danh dự, vậy tức là con có danh dự. Vì vậy, giả sử có ai đó làm tổn thương tình cảm, danh dự của con, con cũng không cần phải dao động. Nếu con kiên quyết giữ lấy danh dự của mình, không ai có thể làm tổn thương con cả.
(Trích 38 lá thư Rockefeller gửi cho con trai, NXB Hồng Đức, 2023, tr.169 – 171)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1 (0,75 điểm): Xác định luận đề của đoạn trích trên.
Câu 2 (0,75 điểm): Chỉ ra cách dẫn trong những câu văn sau: Vị nhiếp ảnh gia đó có vẻ là một người theo chủ nghĩa duy mỹ, ông ấy đứng thẳng dậy, chỉ tay vào cha và nói với giáo viên: “Cô có thể bảo học sinh đó rời khỏi chỗ ngồi của mình được không? Cậu bé ăn mặc nhếch nhác quá”.
Câu 3 (0,5 điểm): Trong đoạn văn cuối của đoạn trích trên, người cha đã đưa ra những lí lẽ nào để thuyết phục con không cần phải dao động khi có ai đó làm tổn thương tình cảm, danh dự của con?
Câu 4 (1,0 điểm): Trong đoạn trích trên, việc người cha đưa ra bằng chứng về một lần mình bị xúc phạm có vai trò gì?
Câu 5 (0,5 điểm): Em hiểu như thế nào về câu văn: Nếu con kiên quyết giữ lấy danh dự của mình, không ai có thể làm tổn thương con cả.
Câu 6 (0,5 điểm): Em đồng tình hay không đồng tình với quan điểm cho rằng bị xúc phạm là một động lực mạnh mẽ thôi thúc con người phấn đấu và theo đuổi điều tốt đẹp. Lí giải tại sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,75 điểm): Luận đề của đoạn trích là: Bàn về sự xúc phạm và cách con người đối diện với điều này để tìm thấy động lực phấn đấu, hướng đến những điều tốt đẹp.
Câu 2 (0,75 điểm):
– Cách dẫn trực tiếp.
– Lời dẫn: Cô có thể bảo học sinh đó rời khỏi chỗ ngồi của mình được không? Cậu bé ăn mặc nhếch nhác quá.
Câu 3 (0,5 điểm):
Những lí lẽ mà người cha đưa ra để thuyết phục con không cần phải dao động khi có ai đó làm tổn thương tình cảm, danh dự của con:
– Danh dự không phải là món quà do Thượng đế ban tặng, cũng không phải do người khác đưa cho, mà là do chính con tạo nên.
– Danh dự là sản phẩm tinh thần mà con sở hữu, và danh dự của mỗi người đều chỉ thuộc về chính họ.
– Con cho rằng mình có danh dự, vậy tức là con có danh dự.
Câu 4 (1,0 điểm):
– Bằng chứng: Trong buổi chụp hình cùng các bạn cấp hai, người cha đã bị vị nhiếp ảnh gia xúc phạm khi đề nghị giáo viên mời ông ra khỏi chỗ ngồi vì ăn mặc nhếch nhác quá.
– Vai trò của việc sử dụng bằng chứng:
+ Làm sáng tỏ quan điểm bất kì ai cũng đều bất lực trước việc ngăn chặn những lời xúc phạm từ người khác, từ đó nhấn mạnh động lực phấn đấu từ những lời xúc phạm.
+ Khuyên mọi người không nên gây tổn thương người khác và biết cách đối diện với những lời xúc phạm từ người khác..
+ Lập luận chặt chẽ, hấp dẫn, tăng tính thuyết phục, độ tin cậy cao.
Câu 5 (0,5 điểm):
– Kiên quyết là giữ vững lập trường, ý chí và quyết tâm mạnh mẽ không thay đổi, không dao động,...; tổn thương nghĩa là bị tổn hại về uy tín, lòng tự trọng hay những giá trị tinh thần khác.
– Người cha muốn nói với con: Khi con cương quyết, dứt khoát bảo vệ những nguyên tắc đạo đức và phẩm giá của bản thân thì không ai có thể thực sự làm tổn hại đến giá trị của con được.
– Từ đó, người cha khuyên con hãy luôn giữ vững giá trị của bản thân, vì đó là cách bảo vệ mình khỏi những tổn thương trong cuộc sống.
Câu 6 (0,5 điểm):
– HS nêu quan điểm đồng tình/ không đồng tình.
– Lý giải:
+ Đồng tình vì: Trong cuộc sống ta không tránh khỏi việc gặp những lời xúc phạm. Việc chúng ta dám đối mặt với điều đó, tự tin bước qua sẽ giúp ta khẳng định được giá trị của mình và đạt được điều ta mong muốn.
+ Không đồng tình vì: Không phải ai cũng có thể vượt qua lời xúc phạm, có những người sẽ bị tổn thương và cảm thấy bi quan, mất tự tin.
Câu 1 (2,0 điểm): Em hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) đề xuất một giải pháp khả thi nhất khi bản thân gặp tình huống bị xúc phạm danh dự.
Câu 2 (4,0 điểm): Em hãy viết một bài văn nghị luận phân tích bài thơ sau:
NGHE CỎ
Nếu nằm xuống lặng yên nghe cỏ hát
Sẽ thấy lòng thanh thoát lâng lâng
Sẽ thấy mỗi ban mai nắng lên
Giọt sương đêm còn treo trên lá cỏ
Như vì sao quên lối về trời.
Nếu nằm xuống lặng yên nghe cỏ hát
Sẽ thấy những bàn chân trên cỏ bước nhọc nhằn
Thấy quang gánh đè vai gầy trĩu nặng
Thấy mặn mòi những giọt mồ hôi.
Nếu nằm xuống lặng yên nghe cỏ hát
Thấy bàn tay nắm chặt những bày tay
Thấy áo rách choàng lên áo rách
Đông giá lui dần, nắng ấm gọi vào xuân.
(Trương Minh Phố – Báo Văn nghệ quân đội cuối tháng – số 17 tháng 02 năm 2009, tr 23)
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm):
a. Xác định được yêu cầu về hình thức đoạn văn
Bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng yêu cầu
Giải pháp khi bản thân gặp tình huống bị xúc phạm danh dự.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu
Học sinh lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để đề xuất 1 giải pháp hợp lý, thiết thực, có ý nghĩa. Có thể như sau:
– Giữ bình tĩnh để lựa chọn cách ứng xử phù hợp nhất.
– Rèn luyện tư duy tích cực, biết tin vào bản thân để phấn đấu cố gắng.
– Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè và chuyên gia.
– ...
d. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
đ. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm):
a. Đảm bảo bố cục bài văn nghị luận
Học sinh trình bày bài văn đảm bảo bố cục 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng, trình bày được hệ thống ý phù hợp, làm rõ được những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Có thể triển khai theo hướng như sau:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
2. Phân tích bài thơ
* Nét đặc sắc về nội dung
Bài thơ thể hiện những khám phá, suy ngẫm về cuộc sống khi con người biết lắng nghe, hòa mình với thiên nhiên, từ đó thể hiện triết lý sống sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và con người với con người. Cụ thể là:
– Lắng nghe và cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên (khổ 1): Hòa mình, đắm chìm vào thế giới thiên nhiên (nằm xuống, lặng yên, nghe cỏ hát); hạnh phúc, mê say (thanh thoát lâng lâng); cảm nhận những âm thanh, màu sắc, đường nét thân thuộc, tinh khôi; tràn đầy sức sống của thiên nhiên (thể hiện qua các hình ảnh thiên nhiên: Nắng ban mai, sương đêm, lá cỏ, vì sao,...).
– Lắng nghe và cảm nhận về cuộc sống (khổ 2, 3):
+ Đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc và trăn trở suy tư về cuộc sống (nằm xuống, lặng yên, nghe cỏ hát, sẽ thấy, thấy,...) về những nhọc nhằn, lam lũ của con người (thể hiện qua các hình ảnh: bàn chân trên cỏ bước nhọc nhằn, quang gánh đè vai gầy trĩu nặng, những giọt mồ hôi,...).
+ Tin vào vẻ đẹp của tình người trong sự đoàn kết, sẻ chia, yêu thương (bàn tay nắm chặt những bàn tay, áo rách choàng lên áo rách) và tương lai tươi sáng (đông giá lui dần, nắng ấm gọi vào xuân,...).
* Nét đặc sắc về nghệ thuật
– Thể thơ tự do và cách gieo vần ngắt nhịp: Giọng điệu trầm lắng, suy tư; nhịp thơ chậm rãi, phù hợp với trạng thái suy tư của nhân vật trữ tình.
– Kết cấu, bố cục: Điệp khúc Nếu nằm xuống lặng yên nghe cỏ hát mở đầu mỗi khổ thơ tạo vẻ độc đáo cho kết cấu bài thơ; mạch cảm xúc đi từ cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên đến đồng cảm với số phận con người và tin vào những điều tốt đẹp.
– Ngôn ngữ và hình ảnh thơ: Ngôn ngữ giản dị mà giàu sức gợi; hình ảnh thơ mộc mạc, gần gũi nhưng chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc (cỏ, sương đêm, bàn chân, mồ hôi, áo rách,...).
– Các biện pháp tu từ: Nhân hóa, so sánh, điệp cấu trúc, ẩn dụ,...
– Nhan đề: Như một lời nhắc nhở con người hãy chậm lại, lắng nghe những điều nhỏ bé, thân thuộc quanh mình.
* Đánh giá và liên hệ mở rộng
– Ngôn ngữ giản dị mà giàu sức gợi, hình ảnh thơ mộc mạc nhưng chứa đựng chiều sâu ý nghĩa. Bài thơ là lời gợi nhắc về một lối sống hài hòa với thiên nhiên, đồng cảm với con người và luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp của tương lai.
3. Khái quát vấn đề nghị luận
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện cảm xúc và suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.