Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề số 4 (Tự luận) SVIP
Đọc văn bản sau:
(Lược: Sau khi từ Sài Gòn trở về vì đau tim, Thứ bị thất nghiệp. Đích, anh họ Thứ, chung vốn với Oanh, vợ chưa cưới của Đích, mở một trường tư ở ngoại ô Hà Nội. Do được bổ đi làm ở xa, Đích mượn Thứ đứng chân hiệu trưởng và mời dạy mấy lớp. Ban đầu, Thứ rất hào hứng, tận tâm nhưng chỉ ít lâu, anh chán nghề…Bao nhiêu tiền thu được đều vào túi Oanh. Oanh không những bóc lột sức lao động của Thứ và San (một giáo viên của trường, dạy các lớp dưới) mà khi nấu cơm cho họ, Oanh còn bắt họ ăn uống quá kham khổ. Nhiều lần Thứ định nói chuyện dứt khoát với Oanh để giải thoát cho mình và tổ chức lại cái trường cho tử tế. Nhưng bản tính nhút nhát, do dự, sợ va chạm nên Thứ cứ ngần ngại, để tình trạng nặng nề kéo dài. Cuộc sống chung đụng ngày càng không chịu nổi vì thói keo bẩn, thớ lợ của Oanh. Thứ bực và buồn lắm vì thấy rằng sống với người nhỏ nhen thì mình cũng thành nhỏ nhen.)
Thứ không đáp. Y ngẫm nghĩ. Mặt y hầm hầm và đôi môi y chụm lại. Rồi y hằn học bảo:
– Kiếp chúng mình, tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mỏi mòn tài năng, trí óc, giết chết những mong ước đẹp, những hi vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói. Lúc nào cũng làm thế nào cho không chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực?
Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ làm thế nào cho mình và vợ con có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp quá ư loài vật, chẳng biết việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào cái dạ dày. Có ai muốn gục mặt xuống làm gì. Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm gì sát đất. Hỡi ôi! Người ta đã phí bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu công lao để giải thoát, từ bỏ tất cả những phú quý vinh hoa của đời mình. Vô ích cả, chừng nào nhân loại chưa thoát khỏi những xiềng xích của cái đói và cái rét. Thứ thường có những lúc sực nhớ đến những cao vọng của mình xưa, ngán ngẩm buồn, tiếc cho mình. Y cứ đinh ninh rằng giá y không bị nghèo thì có lẽ y không đến nỗi đớn hèn thế này đâu. Có lẽ y sẽ làm được một cái gì. Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt!
(Nam Cao, Sống mòn, in trong Tuyển tập Nam Cao, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội, 2005, tr.259-260)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 6 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định ngôi kể được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Cuộc sống của người trí thức giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám được thể hiện như thế nào trong văn bản?
Câu 3. Phân tích tác dụng của câu cảm thán được dùng trong đoạn văn sau:
Hỡi ôi! Người ta đã phí bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu công lao để giải thoát, từ bỏ tất cả những phú quý vinh hoa của đời mình. Vô ích cả, chừng nào nhân loại chưa thoát khỏi những xiềng xích của cái đói và cái rét.
Câu 4. Xác định nội dung chính của văn bản trên.
Câu 5. Nhận xét về cách xây dựng nhân vật Thứ trong văn bản trên của tác giả.
Câu 6. Từ suy nghĩ của nhân vật Thứ rằng “Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều.”. Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 dòng) nêu suy nghĩ của bản thân về giá trị của lí tưởng sống đối với mỗi người.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm) Ngôi kể: Ngôi thứ ba.
Câu 2 (0,5 điểm) Cuộc sống của người trí thức giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám: Nghèo khổ, bế tắc.
Câu 3 (1,0 điểm)
– Câu cảm thán: “Hỡi ôi!”.
– Tác dụng:
+ Bộc lộ cảm xúc xót xa, đau đớn, bế tắc trước hiện thực đời sống khổ cực của con người.
+ Thể hiện những day dứt, trăn trở của nhận vật Thứ trước thời cuộc và khát vọng thay đổi cuộc sống.
+ Giúp ngôn ngữ nhân vật thêm sinh động, hấp dẫn.
Câu 4 (1,0 điểm)
Nội dung chính của văn bản: Nỗi băn khoăn, trăn trở của nhân vật Thứ về cuộc đời, lí tưởng sống của mình trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Câu 5 (1,0 điểm)
Nhận xét về cách xây dựng nhân vật Thứ trong văn bản:
– Tính cách của nhân vật được thể hiện thông qua lời thoại và hành động: Thứ là người nhút nhát, không dám trực tiếp nói chuyện với Oanh dẫn đến một mình phải chịu nỗi uất ức khi sống cùng với một người keo bẩn. Thứ cũng là người khao khát có một cuộc sống đúng nghĩa, được thực hiện lí tưởng, được tận hiến chứ không phải chỉ vục mặt vào chuyện cơm áo gạo tiền.
– Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật: Lúc đầu, Thứ tức giận về việc phải sống cùng với người keo bẩn như Oanh, từ đó anh nghĩ về đời mình và không cam tâm sống một cách tẻ nhạt, tiếp đến là bất lực trước hoàn cảnh thực tế, ngậm ngùi tiếc nuối giấc mơ xưa không thể thực hiện và cuối cùng là quyết tâm vượt lên hoàn cảnh.
– Đặt nhân vật vào trong một tình huống ngặt nghèo để bộc lộ rõ về tính cách, phẩm chất của nhân vật.
– …
--> Cách xây dựng nhân vật độc đáo, toàn diện, giúp thể hiện rõ nét tính cách của nhân vật; gửi gắm những thông điệp ý nghĩa thông qua nhân vật.
(Học sinh nêu được tối thiểu 02 cách xây dựng nhân vật của tác giả)
Câu 6 (2,0 điểm)
– Hình thức:
+ Mô hình đoạn văn phù hợp, đảm bảo không mắc lỗi diễn đạt, chính tả.
+ Dung lượng: Ngắn gọn, từ 5 đến 7 dòng.
– Nội dung: Nêu suy nghĩ về giá trị của lí tưởng sống đối với mỗi người.
– Gợi ý:
+ Lí tưởng sống là niềm tin, lòng ao ước mong mỏi của mỗi người đặt ra trong cuộc sống. Nó là mục đích tốt đẹp mà mỗi con người muốn hướng tới.
+ Lí tưởng sống là điều kiện để một con người sống có ý nghĩa, giúp họ trở nên hoàn thiện về tâm hồn và nhân cách.
+ Lí tưởng sống giúp con người hiểu được chính mình, cuộc sống của trở nên tươi đẹp, ý nghĩa, tránh sự nhàm chán.
+ …
(4,0 điểm) Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ, vấn đề nghị luận và khẳng định quan điểm cá nhân về vấn đề.
* Thân bài:
+ Giải thích về ý nghĩa của câu tục ngữ: Khuyên nhủ con người dù có lâm vào hoàn cảnh nào cũng nên giữ cho mình một nhân cách cao đẹp.
+ Phân tích, lí giải vấn đề:
++) Chính lòng tự trọng, nhân cách cao đẹp được gìn giữ, không bị tha hóa tạo nên giá trị của con người.
++) Người giữ được lòng tự trọng, giá trị cốt lõi của bản thân trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách sẽ là người bản lĩnh, đáng được mọi người học tập, tôn vinh.
++) Trong hoàn cảnh trớ trêu, nếu con người không giữ được mình sẽ dễ sa vào những cám dỗ, dễ lầm đường lạc lối.
++)…
+ Sử dụng những bằng chứng xác thực chứng minh cho những lí lẽ.
* Kết bài: Khẳng định lại sự đúng đắn của vấn đề; nêu ra bài bài học nhận thức và phương hướng hành động cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.