Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì II - Đề số 1 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo
Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng
Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa.
Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ,
Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
Một đời được mấy anh hùng,
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!”
Nàng rằng: “Người dạy quá lời,
Thân này còn dám xem ai làm thường!
Chút riêng chọn đá thử vàng,
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
Còn như vào trước ra sau,
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình!”
Từ rằng: “Lời nói hữu tình,
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.
Lại đây xem lại cho gần,
Phỏng tin được một vài phần hay không?”
Thưa rằng: “Lượng cả bao dung,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau!”
Nghe lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng: “Tri kỷ trước sau mấy người?
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!”
Hai bên ý hợp tâm đầu,
Khi thân chẳng lọ là cầu mới thân.
Ngỏ lời nói với băng nhân,
Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn.
Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
Đặt giường thất bảo vây màn bát tiên.
Trai anh hùng gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.
(Trích “Truyện Kiều”, Nguyễn Du, Nhà xuất bản Trẻ, 2015, tr. 293 - 297)
Câu 1. (0.5 điểm) Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. (0.5 điểm) Hai nhân vật Từ Hải và Thúy Kiều gặp nhau ở đâu?
Câu 3. (1.0 điểm) Anh/chị có nhận xét gì nhân vật Thúy Kiều qua những câu thơ sau?
Thưa rằng: “Lượng cả bao dung,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau!”
Câu 4. (1.0 điểm) Anh/chị có nhận xét như thế nào về nhân vật Từ Hải qua đoạn trích?
Câu 5. (1.0 điểm) Văn bản trên đã khơi gợi trong anh/chị những tình cảm/cảm xúc gì? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: Lục bát.
Câu 2.
Hai nhân vật Từ Hải và Thúy Kiều gặp nhau ở lầu xanh.
Câu 3.
Nhận xét về ngôn ngữ nói của nhân vật Thúy Kiều qua bốn câu thơ: Dịu dàng, từ tốn; sử dụng điển cố, điển tích; vận dụng lối nói ẩn dụ, bóng gió để gởi gắm tâm tư, tình cảm của bản thân.
Câu 4.
Nhận xét về nhân vật Từ Hải qua đoạn trích:
* Gợi ý trả lời:
+ Ngôn ngữ: Nhẹ nhàng, từ tốn, hào sảng, phóng khoáng.
+ Hành động: Tôn trọng Kiều (“thiếp danh đưa đến lầu hồng”), xem Kiều như người tri kỉ, cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, cùng Kiều “Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.” => Hành động nhanh chóng, dứt khoát.
Câu 5.
– Tình cảm/cảm xúc của bản thân:
+ Ngưỡng mộ đối với Từ Hải.
+ Trân trọng đối với Thúy Kiều.
+ Vui mừng với kết thúc viên mãn,...
– Lí giải: Học sinh lí giải ngắn gọn, phù hợp, thể hiện được quan điểm cá nhân.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Lòng tốt của con người có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh.”.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Cốt truyện: Theo mô hình quen thuộc của truyện thơ Nôm (gặp gỡ - gia biến - đoàn tụ).
+ Ngôn ngữ: Giàu chất tự sự - trữ tình; sử dụng thể thơ lục bát truyền thống; hình thức đối thoại; vận dụng nhiều điển cố, điển tích; biện pháp tu từ,…
+ Nhân vật chính: Nhân vật chính diện, đại diện cho ước mơ, khát vọng của tác giả.
+ …
– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Lòng tốt của con người có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh.”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích ý kiến:
+ “Lòng tốt” là sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ vật chất hoặc tinh thần đối với những người xung quanh.
+ “Chữa lành các vết thương” là xoa dịu, hàn gắn những nỗi đau về tinh thần (như mất mát, tổn thương, thất vọng...) và cả thể xác (bệnh tật, thương tật...).
+ “Sắc sảo” ở đây không chỉ sự thông minh, lanh lợi mà còn là sự tỉnh táo, sáng suốt, biết phân biệt đúng sai, phải trái, biết cách thể hiện lòng tốt một cách hiệu quả và phù hợp.
+ “Con số không tròn trĩnh” là sự vô nghĩa, không có giá trị, thậm chí còn gây hại.
=> Tóm lại, ý kiến đề bài đưa ra có ý nghĩa khẳng định lòng tốt là một đức tính quý báu, nhưng nó cần được thể hiện một cách khôn ngoan, có suy xét, nếu không sẽ trở nên vô ích, thậm chí phản tác dụng.
– Vai trò của lòng tốt:
+ Chữa lành các vết thương, xoa dịu, hàn gắn những nỗi đau về tâm hồn của con người.
+ Lòng tốt mang lại sự ấm áp, niềm tin và hy vọng cho con người, giúp họ vượt qua khó khăn, nghịch cảnh.
+ Lòng tốt tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp, xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái. (Ví dụ: Những hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người gặp khó khăn,…)
– Bàn luận về sự cần thiết của tính “sắc sảo” trong lòng tốt:
+ Lòng tốt mà không có sự suy xét có thể bị lợi dụng, trở thành công cụ cho kẻ xấu.
+ Lòng tốt được thể hiện không đúng cách có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. (Ví dụ: Giúp đỡ người lười biếng bằng cách làm hết việc cho họ...)
+ “Sắc sảo” giúp chúng ta nhận diện đúng đối tượng cần giúp đỡ, lựa chọn cách thức giúp đỡ phù hợp, hiệu quả.
=> Lòng tốt và sắc sảo là hai yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: Lòng tốt là gốc rễ, sắc sảo là phương tiện. Hai yếu tố này bổ sung cho nhau tạo nên một lòng tốt trọn vẹn.
– Giải pháp:
+ Phê phán những hành vi lợi dụng lòng tốt của người khác.
+ Có tinh thần hoài nghi tích cực để không rơi vào bẫy của những kẻ lợi dụng.
* Khẳng định quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.