Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra giữa học kì II - Đề số 2 SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Câu 1. Xác định ngôi kể trong văn bản.
Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh khắc họa cuộc sống của Thứ khi ở Hà Nội.
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Ra khỏi trường, y thấy mình gần như là một phế nhân.
Câu 4. Nhận xét sự thay đổi của Thứ khi ở Hà Nội và Sài Gòn.
Câu 5. Trình bày một thông điệp anh/chị rút ra sau khi đọc văn bản và lí giải.
Bài đọc:
Sống mòn
Tóm tắt: “Sống mòn” là cuốn tiểu thuyết của nhà văn hiện thực Nam Cao, viết trước Cách mạng tháng Tám về đề tài người trí thức tiểu tư sản. Nhân vật chính là Thứ - một thanh niên được học hành, có hoài bão, chí hướng. Sau khi lấy được bằng Thành chung(1), y vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Nhưng sau 3 năm, vì nghéo khó, bệnh tật, y phải về quê, chịu cảnh thất nghiệp. Rồi Thứ lên Hà Nội dạy ở một trường tư do Đích - anh họ đồng thời cũng là bạn của Thứ cùng vợ chưa cưới là Oanh mở ở ngoại thành Hà Nội. Cùng dạy với Thứ, Oanh còn có San. Cuộc sống của họ đều khó khăn. Thứ nhận thấy kiếp sống nghèo khổ đã làm thui chột ước mơ, hoài bão và đẩy y cùng những người xung quanh đến cảnh “sống mòn”, trở nên ti tiện, nhỏ nhen. Nghỉ hè, Thứ về quê và phải đối mặt với những chuyện rắc rối của gia đình. Khi y quay trở lại Hà Nội thì trường phải đóng cửa vì thành phố luôn trong tình trạng báo động, Đích đang hấp hối trên giường bệnh,... Thứ đành trở về quê. Đoạn trích dưới đây là phần cuối của tiểu thuyết.
Thứ đứng tựa mạn tàu... Người ta không thể ước ao một buổi sáng đẹp hơn. Trời xanh lơ, tươi màu như vừa mới quét sơn. Một vài túm mây trắng, lửng lơ. Không gian như rộng quang ra. Ánh nắng chan hòa và rực rỡ. Nhưng Thứ buồn... Y nhìn đằng sau, Hà Nội lùi dần như muốn bỏ y. Đời y cũng lùi dần. Biết bao nhiêu là ước vọng cao xa khi còn ngồi trên ghế nhà trường! Cái đầu tóc mới nuôi có bao giờ thèm mong sau này làm một ông phán tầm thường, mắt cận thị và lưng gù, tháng tháng lĩnh lương vê nuôi vợ, nuôi con? Y sẽ đỗ thành chung, y sẽ đỗ tú tài, y sẽ vào đại học đường, y sang Tây,... Y sẽ thành một vĩ nhân đem những sự thay đổi lớn lao đến cho xứ sở mình. Ra khỏi trường, y thấy mình gần như là một phế nhân. Vào Sài Gòn, y đã làm một kẻ lông bông. Tuy vậy, mấy năm ở Sài Gòn cũng là một quãng thời gian đẹp của y. Ít ra, y cũng hăm hở, y đã náo nức, y đã mong chờ. Y đã ghét và yêu. Y đã say mê. Y đã ngồi ở thư viện không biết mỏi lưng và đón một dịp đi Pháp không biết nản... Về Hà Nội, y sống rụt rè hơn, sẻn so hơn, sống còm rom. Y chỉ còn dám nghĩ đến chuyện để dành, chuyện mua vườn, chuyện làm nhà, chuyện nuôi sống y với vợ con y. Nhưng cũng chưa đến nỗi hỏng cả mười phần. Ít ra, y cũng còn làm được một việc gì, còn kiếm nổi bát cơm của mình ăn. Nhưng nay mai, mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!... Nghĩ thế y thấy nghẹn ngào, thấy uất ức vô cùng! Không! Y sẽ không chịu về quê. Ý sẽ đi bất cứ đâu, mặc rủi may, sống bất cứ thế nào và chết thế nào cũng được. Chết là thường. Chết ngay trong lúc sống mới thật là nhục nhã. Y sẽ đi và bất cần tất cả!... Nhưng mà Hà Nội vẫn lùi dần, lùi dần... và đời y cũng lùi dần. Y đang lùi về một xó nhà quê. Con tàu chở y về. Y cưỡng lại làm sao, bởi vì y đang ở trên con tàu đó. Chiều hôm nay, về đến nhà, y sẽ bảo Liên rằng trường đã vỡ rồi, y hết kế sinh nhai, y sẽ ra đi, sẽ đi liều,… Liên sẽ vuốt tóc y, xoa đầu y, vỗ về y vào bảo rằng y sẽ chẳng đi đâu. Và y sẽ chẳng đi đâu... Ấy! Cái đời y là vậy! Y biết thế! Y nhu nhược quá, hèn yếu quá! Y không bao giờ cưỡng lại (...) Y chỉ để mặc con tàu mang đi.
Hà Nội vẫn lùi dần, lùi dần,... và bây giờ thì xa rồi, khuất hẳn rồi. Hai bên bờ sông, lần lượt qua những đồng ruộng và những khóm tre, những làng mạc xo ro, những người nhà quê bao nhiêu đời nay đương đánh vật nhau với đất. Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại ở đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi...
Bên cạnh Thứ, một anh chàng nhà quê trẻ tuổi, mượn được tờ báo của một kẻ đồng hành, mở ra, ề à đọc cho mấy người nhà quê khác nghe chung. Thứ nhớ đến cuộc chiến tranh ghê gớm hiện thời. Bao nhiêu người chết! Bao nhiêu thành phố tan nát! Cái thảm sông máu, núi thây thật là rùng rợn. Nhân loại lên cơn sốt rét, đang quằn quại, nhăn nhó, rên la, tự mình lại cắn mình, tự mình lại xé mình, để đổi thay. Cái gì sẽ trồi ra? Lòng Thứ đột nhiên lại hé ra một tia sáng mong manh. Thứ lại thấy hi vọng một cách vu vơ. Sau cuộc chiến tranh này, có lẽ cuộc sống sẽ dễ dàng hơn... đẹp đẽ hơn... Nhưng y lại đỏ mặt ngay. Người ta chỉ được hưởng những cái gì mình đáng hưởng thôi. Y đã làm gì chưa?
(Tuyển tập Nam Cao, tập 2, NXB Văn học, 2005, tr.331-334)
Chú thích:
(1) Bằng Thành chung: Bằng cấp cho người thi đỗ hết cấp cao đẳng tiểu học thời Pháp thuộc, tương đương với bằng tốt nghiệp trung học cơ sở ngày nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Ngôi kể thứ ba.
Câu 2.
Những từ ngữ, hình ảnh khắc họa cuộc sống của Thứ khi ở Hà Nội: sống rụt rè hơn, sẻn so hơn, sống còm rom, chỉ còn dám nghĩ đến chuyện để dành, chuyện mua vườn, chuyện làm nhà, chuyện nuôi sống bản thân với vợ con.
Câu 3.
- HS chỉ ra được một biện pháp tu từ: so sánh y thấy mình gần như là một phế nhân.
- HS phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu: làm câu văn hay, sinh động, gợi hình, gợi cảm; làm rõ hơn sự khổ đau, dằn vặt, bất lực của Thứ khi ý thức được tình cảnh thảm hại trong hiện tại; tác giả thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu với những đau khổ, dằn vặt, xót xa trong nhân vật.
Câu 4.
- HS chỉ ra từ ngữ, hình ảnh làm rõ cuộc sống của Thứ khi ở Hà Nội và Sài Gòn:
+ Cuộc sống ở Sài Gòn là cuộc sống của một kẻ lông bông nhưng với Thứ, đây vẫn là quãng thời gian đẹp gắn với những hăm hở, náo nức, mong chờ,...
+ Cuộc sống ở Hà Nội là cuộc sống của rụt rè, sẻn so, còm rom, chỉ dám nghĩ đến chuyện để dành, chuyện mua vườn, chuyện làm nhà, chuyện nuôi sống y với vợ con y.
- HS nhận xét: Dù ở Sài Gòn hay Hà Nội, cuộc sống của Thứ vẫn có những áp lực, nhọc nhằn. Vậy nhưng, nếu ở Sài Gòn, Thứ được sống trong những năm tháng vui vẻ với hoài bão và tự do thì ở Hà Nội, cuộc sống của anh lại bị đè nặng bởi trách nhiệm.
Câu 5.
- HS rút ra thông điệp ý nghĩa cho bản thân, trình bày suy nghĩ cá nhân và có lí giải hợp lí.
- Có thể theo hướng:
+ Thông điệp: Sống là thay đổi.
+ Lí giải: Cuộc đời vốn đa chiều nên khi chấp nhận sống là thay đổi, ta sẽ biết cách ứng xử phù hợp trước những biến cố xảy đến. Mỗi người đều cần học cách thích nghi trước hoàn cảnh để tôi rèn ý chí và bản lĩnh. Khi ấy, ta mới có thể tìm kiếm và gặt hái được hạnh phúc thật sự.
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Thứ ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4.0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Sự vinh quang lớn nhất của chúng ta không nằm ở việc không bao giờ thất bại mà nằm ở việc vươn dậy sau mỗi lần vấp ngã.
Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) về chủ đề: Chấp nhận thất bại để thành công.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Thứ ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Điểm nhìn bên trong: Người kể lựa chọn ngôi kể thứ ba, dựa vào cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật Thứ để kể lại câu chuyện. Điểm nhìn bên trong góp phần bộc lộ tâm trạng, suy tư của nhân vật Thứ khi nghĩ về cuộc sống của bản thân trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
+ Nghệ thuật xây dựng tâm lí nhân vật: Tâm lí của nhân vật Thứ có những biến chuyển khi nhớ về quá khứ, ý thức hiện tại và chua xót cho tương lai. Đó là sự nuối tiếc những năm tháng ở Sài Gòn gắn với một đời tự do, là sự đắng cay khi nghĩ về Hà Nội với những trách nhiệm bủa vây và là những đau đớn khi nghĩ đến tương lai mờ mịt.
+ Kết hợp nhiều biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc: Y sẽ…, Đời y sẽ…, … sẽ khinh y, … chết mà chưa… nhấn mạnh những nhận thức, hình dung về cuộc sống mòn mỏi, vô nghĩa của nhân vật Thứ khi nghĩ về tương lai phía trước; các ẩn dụ đời - mốc lên, gỉ đi, mòn, mục ra gợi lên cuộc sống vô nghĩa, lụi tàn từng ngày mà nhân vật sẽ phải nếm trải trong hình dung; liệt kê tăng cấp chẳng có việc gì làm, ăn bám vợ, mốc lên, gỉ đi, mòn, mục ra ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. cho thấy được sự lụi tàn của đời Thứ và thái độ của mọi người với Thứ;...
- Nhận xét: Nhân vật không được khắc họa qua ngoại hình, hành động hay lời nói mà chủ yếu được làm rõ qua suy nghĩ bên trong. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đã góp phần khắc họa nội dung: Cuộc sống quẩn quanh, tàn lụi và đau khổ của Thứ - người trí thức trong xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Đó là số phận chung tầng lớp trí thức trong thời đại bấy giờ.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày suy nghĩ về chủ đề: Chấp nhận thất bại để thành công.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích:
+ Thất bại là những sai lầm mà chúng ta mắc phải, là việc không đáp ứng được những mục tiêu, dự định đã đề ra hay làm một việc gì đó mà không mang lại kết quả.
+ Chấp nhận thất bại là thái độ bình tĩnh, dám nhìn thẳng vào những sai lầm, thiếu sót để từ đó rút ra bài học, kinh nghiệm.
- Bàn luận:
+ Sự thất bại không phải là chấm hết mà chỉ là khoảnh khắc, là câu chuyện của một thời điểm. Nó sẽ giúp ta nhận thức được giới hạn của bản thân để tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện bản thân và xác định lại cho mình một con đường đi đúng đắn.
+ Thừa nhận và đối diện với thất bại sẽ giúp ta tích lũy được các kinh nghiệm, mài sắc được ý chí và nghị lực, rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ.
+ Thất bại sẽ là động lực giúp ta có thể biết được giá trị của lao động. Khi ta nỗ lực phấn đấu, bỏ công sức, thời gian mà kết quả không như mong muốn, ta sẽ thấy quý trọng hơn sức lao động. Từ đó thay đổi nhận thức và có những định hướng tốt hơn cho tương lai.
- Mở rộng vấn đề, trao đổi với ý kiến hoặc quan điểm trái chiều (nếu có):
+ Phê phán một bộ phận mọi người có suy nghĩ tiêu cực trước những thất bại và không dám vươn lên để khẳng định bản thân.
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Mỗi người cần dũng cảm nhìn nhận thất bại để rút ra được bài học cho bản thân mình.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.