Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra giữa học kì II - Đề số 1 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh gợi tả âm thanh trong văn bản.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong dòng thơ: Tôi cựa mình như búp non mở lá.
Câu 4. Nhận xét tâm trạng của nhân vật trữ tình khi nghe âm thanh Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ và và tiếng gọi, tiếng cười khúc khích lúc ban mai.
Câu 5. Trình bày một thông điệp ý nghĩa mà anh/chị rút ra từ văn bản và lí giải (khoảng 5 - 7 dòng).
Bài đọc:
BAN MAI
(Nguyễn Quang Thiều)
Bóng tối đêm dần sáng như một con mèo nhung khổng lồ
bước đi uyển chuyển
Cái đuôi mềm của nó chạm vào tôi làm tôi tỉnh giấc
Tôi cựa mình như búp non mở lá
Ý nghĩ mỉm cười trong vắt trước ban mai
Những xôn xao lùa qua hơi ẩm
Vọng về từ cánh đồng rộng lớn mờ sương
Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ qua đêm
Chất đầy hương cỏ tươi lăn về nơi hừng sáng
Ơi… ơi…ơi, những con đường thân thuộc
Như những ngón tay người yêu lùa mãi vào chân tóc
Ai gọi đấy, ai đang cười khúc khích
Tôi lách mình qua khe cửa, ơi… ơi…
Người nông dân bế tôi lên và đặt vào thùng xe
Dưới vành nón của người cất lên trầm trầm giọng hát
Như tiếng lúa khô chảy vào trong cót
Như đất ấm trào lên trong lóe sáng lưỡi cày
Chiếc bánh xe trâu một nửa đã qua đêm
Một nửa thùng cỏ tươi còn trong bóng tối
Và sau tiếng huầy ơ như tiếng người chợt thức
Những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình
(Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Quang Thiều, NXB Hội nhà văn, 2015, tr. 13 - 14)
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: tự do.
Câu 2.
Những từ ngữ, hình ảnh gợi tả âm thanh: xôn xao, tiếng bánh xe trâu lặng lẽ, gọi, cười khúc khích, cất lên trầm giọng hát, tiếng huầy ơ.
Câu 3.
Biện pháp tu từ so sánh: Tôi cựa mình - búp non mở lá.
- Tác dụng:
+ Làm câu thơ hay, sinh động, gợi hình, gợi cảm.
+ Làm rõ niềm vui, sự hứng khởi, tươi mới trong tôi khi bước vào thời khắc sớm mai.
+ Tác giả thể hiện sự trân trọng và nâng niu cảm xúc của con người.
Câu 4.
Nhận xét tâm trạng của nhân vật trữ tình khi nghe âm thanh Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ và và tiếng gọi, tiếng cười khúc khích lúc ban mai:
- Niềm vui sướng, mong chờ, háo hức gắn liền với những rộn ràng trỗi dậy trong lòng.
+ Nghe tiếng bánh xe trâu lặng lẽ: hình dung chiếc xe mang đầy hương cỏ tươi lăn về phía hừng đông, thấy lòng xôn xao niềm vui khi cảm nhận được ánh sáng, sự tươi mới của cuộc sống bên ngoài.
+ Nghe tiếng ai gọi, ai cười khúc khích: muốn lách mình qua khe cửa để đáp lời, cất tiếng, khao khát muốn hoà nhịp với cuộc đời.
Câu 5.
HS trình bày thông điệp ý nghĩa rút ra từ văn bản, có thể theo hướng: phải nuôi dưỡng niềm tin và sống tích cực. Sự tích cực sẽ mang lại cho con người những niềm vui. Nó giúp con người bước ra khỏi bóng tối, hướng về ngày mai tươi sáng,...
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận về những liên tưởng của nhân vật trữ tình khi nghe giọng hát của người nông dân trong đoạn thơ ở phần Đọc hiểu:
Người nông dân bế tôi lên và đặt vào thùng xe
Dưới vành nón của người cất lên trầm trầm giọng hát
Như tiếng lúa khô chảy vào trong cót
Như đất ấm trào lên trong lóe sáng lưỡi cày
Câu 2. (4.0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Tuổi trẻ ngày nay sống cần có ước mơ; ý kiến khác lại khẳng định: Tuổi trẻ thời hội nhập hãy sống thực tế.
Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những liên tưởng của nhân vật trữ tình khi nghe giọng hát của người nông dân trong đoạn thơ.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Liên tưởng giọng hát như tiếng lúa khô chảy vào trong cót, như đất trào lên trong loé sáng lưỡi cày, gợi cảm nhận về sự trầm ấm của giọng hát, gợi liên tưởng đến sự no ấm sau mùa vụ, sự trầm mặc của đất đai, sự khoẻ khoắn của lao động…; giọng hát là tiếng lòng của người dân quê, tiếng vọng của quê hương.
+ Liên tưởng vừa giản dị, gần gũi vừa mới lạ, tinh tế; dùng hình ảnh để biểu đạt sắc độ của âm thanh, thể hiện sự độc đáo trong tư duy sáng tạo của nhà thơ, tính hiện đại của bút pháp thơ,…
+ Nghệ thuật: lời thơ trữ tình, giàu cảm xúc; ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị; biện pháp tu từ so sánh, điệp từ;…
- Sắp xếp được hệ thống ý phù hợp với đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Quan điểm về vấn đề Tuổi trẻ ngày nay sống cần có ước mơ và Tuổi trẻ thời hội nhập hãy sống thực tế.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích vấn đề nghị luận: Thế nào là sống có ước mơ? Thế nào là sống thực tế? (Sống có ước mơ là theo đuổi những điều mà bản thân mong muốn, khao khát, thiên về lí tưởng, hoài bão, sở thích cá nhân; sống thực tế ý thức được thực tại, điều chỉnh theo thực tại để đảm bảo cuộc sống của bản thân thay vì chạy theo điều viển vông, xa vời)
+ Thể hiện quan điểm của người viết:
++ Cần sống có ước mơ vì ước mơ tạo động lực để con người nỗ lực, cố gắng vươn lên trước những khó khăn, thử thách; đồng thời ước mơ sẽ nuôi dưỡng niềm tin trong mỗi người,…
++ Cần sống thực tế trong thời hội nhập vì sống thực tế giúp ta “biết mình, biết người”, tránh khỏi suy nghĩ sai lệch; luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân,…
++ Cần và nên dung hòa giữa ước mơ và thực tế. Mỗi một giai đoạn của cuộc đời, con người hãy biết điều chỉnh cách sống, cách nghĩ để hướng đến cuộc sống tích cực, phù hợp với bản thân.
+ Mở rộng vấn đề, trao đổi với ý kiến hoặc quan điểm trái chiều:
++ Phê phán cách sống thiếu đi ước mơ, hoặc viển vông, mơ mộng, xa rời thực tế.
+ Bài học nhận thức và hành động:
++ Mỗi người cần tỉnh táo để hình thành và nuôi dưỡng lối sống phù hợp cho bản thân.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.