Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề kiểm tra học kì 2 (Đề số 4) SVIP
Đọc văn bản sau:
MỘT CHÚT HỒN QUÊ
(1) Dọc triền đê ven sông Thái Bình quê tôi mùa này xanh tốt bời bời, đủ các loại cây cỏ. Có loại cây do con người gieo trồng như ngô, khoai, đỗ, lạc. Có loại cây lại do tự nhiên mà mọc lên như cỏ dại, dền gai, rau sam. Nhưng có một loại cây ít người chú ý đến, đó là cây rau khúc.
Rau khúc có hai loại: Nếp và tẻ. Cây khúc tẻ có dáng thân cao, lá to và dầy. Hái một lúc đã đầy rổ. Tuy vậy, loại khúc tẻ này ít người ưa chuộng, vì nó không thơm, không ngậy bằng rau khúc nếp. Khúc nếp thân cây thấp, nhỏ nằm sát mặt đất, lá phiến mỏng. Mặt trên của lá có phủ một lớp phấn trắng nhỏ li ti.
(2) Mẹ tôi bảo: “Khúc nếp thường mọc lẫn với cỏ. Cỏ thì cao hơn, nên khi hái phải vạch cỏ mới tìm thấy. Những người ngại khó, ngại khổ thì chỉ hái được khúc tẻ thôi”. Công đoạn nấu xôi khúc là cả một nghệ thuật tinh tế. Lá khúc được hái về, rửa sạch, để ráo nước, rồi đưa vào cối giã nhuyễn. Sau đó hòa với nước sạch, lọc hết lá, chỉ còn nước trong. Gạo nếp phải chọn kĩ, không sạn, không sót một hạt thóc và được giã lại cho hết cám. Những hạt gạo màu trắng đục, mẩy đều, thơm tho mùi đồng bãi, mùi lúa vào đòng.
Người ta thường ví các cô gái xinh đẹp bằng câu “Mỏng mày hay hạt” chắc từ hạt gạo này chăng? Nhìn rá gạo đến thích mắt. Sục bàn tay vào mát rười rượi. Vốc nắm gạo lên, từng hạt gạo trơn bóng đùa nhau chảy qua kẽ tay. Xòe bàn tay vẫn sạch. Gạo được vo kĩ, để ráo rồi ngâm vào nước lá khúc vài giờ. Khi vớt ra để ráo nước rồi đổ vào chõ đồ thành xôi. Xôi chín, mở vung ra. Chao ôi, một mùi thơm ngậy nồng nàn tỏa lan nức mũi ai bất chợt qua ngõ. Chưa hết. Xôi được dỡ ra cái sàng cho nguội hẳn, lại đổ vào chõ đồ thêm lần nữa. Hạt gạo nếp lúc này mới căng mọng như trái chín. Nhìn đã thèm. Mẹ tôi bảo: “Loại xôi khúc này thường mang ra đền, ra chùa dâng lên lễ Phật, lễ Thánh. Nhất là những ngày hội làng”.
(3) Hội làng tôi ba năm mở một lần. Mâm lễ của gia chủ dù to, dù sang trọng đến đâu, nếu không có đĩa xôi nấu bằng lá rau khúc thì cũng coi như chưa dâng lễ. Bởi đó là hồn cốt, là phong tục của quê tôi dâng lên các đấng thần linh chứng giám cho tấm lòng thành của người dân lành nơi thôn dã.
(Nguồn:https://tanvanhay.vn/mot-chut-hon-que)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 6 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Văn bản được diễn đạt bởi sự kết hợp của những yếu tố nào?
Câu 2. Chủ đề của đoạn trích là gì?
Câu 3.
a. Chỉ ra tính mạch lạc về nội dung trong văn bản.
b. Xác định 01 phép liên kết trong đoạn văn sau:
Lá khúc được hái về, rửa sạch, để ráo nước, rồi đưa vào cối giã nhuyễn. Sau đó hòa với nước sạch, lọc hết lá, chỉ còn nước trong.
Câu 4. Tìm một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả trong đoạn (2). Em cảm nhận được điều gì về cái “tôi” của tác giả thể hiện trong đoạn văn này?
Câu 5. Chất trữ tình được thể hiện như thế nào trong văn bản?
Câu 6. “Mâm lễ của gia chủ dù to, dù sang trọng đến đâu, nếu không có đĩa xôi nấu bằng lá rau khúc thì cũng coi như chưa dâng lễ. Bởi đó là hồn cốt, là phong tục của quê tôi dâng lên các đấng thần linh chứng giám cho tấm lòng thành của người dân lành nơi thôn dã.”. Viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu trình bày cách hiểu của em về thông điệp, ý nghĩa của đoạn văn trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm) Văn bản được diễn đạt bởi sự kết hợp của những yếu tố: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 2 (0,5 điểm) Sự trân trọng, yêu thích món ăn thân thuộc của làng quê – xôi khúc.
Câu 3 (1,0 điểm)
a. Tính mạch lạc về nội dung trong văn bản: Các đoạn trong văn bản đều thống nhất để làm rõ chủ đề, giúp người đọc hiểu về niềm tự hào, yêu thương của tác giả dành cho món xôi khúc của quê nhà.
b. Xác định 01 phép liên kết trong đoạn văn:
– Phép nối: “Sau đó”.
– Phép lặp: “lá”.
Câu 4 (1,0 điểm)
– Một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả trong đoạn (2):
+ Công đoạn nấu xôi khúc là cả một nghệ thuật tinh tế.
+ Những hạt gạo màu trắng đục, mẩy đều, thơm tho mùi đồng bãi, mùi lúa vào đòng.
+ Nhìn rá gạo đến thích mắt.
+ Sục bàn tay vào mát rười rượi.
+ Vốc nắm gạo lên, từng hạt gạo trơn bóng đùa nhau chảy qua kẽ tay.
+ Chao ôi, một mùi thơm ngậy nồng nàn tỏa lan nức mũi ai bất chợt qua ngõ.
+ Nhìn đã thèm.
+ ...
– Cái “tôi” của tác giả: Tinh tế, sâu sắc, chân thành, trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Câu 5 (1,0 điểm) Chất trữ tình thể hiện qua sự tự hào, trân trọng, yêu thích món xôi khúc – một món ăn dân dã của quê hương. Đồng thời, mang lại những rung động thẩm mĩ đối với bạn đọc: đó là tình yêu, sự trân quý dành cho những món ăn đậm chất quê hương, thấm đẫm tình người; khơi gợi trong lòng người đọc ý thức giữ gìn những truyền thống của dân tộc.
(Chấp nhận những diễn đạt khác phù hợp)
Câu 6 (2,0 điểm)
– Hình thức:
+ Mô hình đoạn văn phù hợp, đảm bảo không mắc lỗi diễn đạt, chính tả.
+ Dung lượng: Ngắn gọn, từ 5 đến 7 dòng.
– Nội dung:
+ Chúng ta cần trân quý những sản vật, những món ăn truyền thống của dân tộc; hiểu được giá trị to lớn của chúng trong đời sống tinh thần của con người, trong việc tạo dựng nên một nền văn hóa lâu đời.
+ Thế hệ trẻ cần tìm hiểu về văn hóa, có ý thức gìn giữ, bảo vệ những nét văn hóa đặc trưng, bản sắc của dân tộc.
+ ….
(4,0 điểm) Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trả lời câu hỏi: Vì sao học sinh cần có ý thức tự học?
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng chủ đề của bài viết: Bàn luận về vấn đề “Vì sao học sinh cần có ý thức tự học?”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn:
* Mở bài:
+ Giới thiệu vấn đề nghị luận.
+ Thể hiện quan điểm của người viết.
* Thân bài:
+ Giải thích các từ khóa quan trọng: “Tự học” là gì? Tinh thần tự học là ý thức tự rèn luyện tích cực để thu nhận kiến thức và hình thành kỹ năng cho bản thân.
+ Biểu hiện của tự học: Quá trình tự học cũng có phạm vi khá rộng. Khi nghe giảng, đọc sách hay làm bài tập, cần tích cực suy nghĩ, ghi chép, sáng tạo nhằm rút ra những điều cần thiết, hữu ích cho bản thân. Tự học cũng có nhiều hình thức: có khi là tự mày mò tìm hiểu hoặc có sự chỉ bảo, hướng dẫn của thầy cô… Dù ở hình thức nào thì sự chủ động tiếp nhận tri thức của người học vẫn là quan trọng nhất.
+ Phân tích, bàn luận về vấn đề:
++) Tự học giúp con người trở nên năng động, sáng tạo, không ỷ lại, không phụ thuộc vào người khác. Từ đó biết tự bổ sung những khiếm khuyết của mình để hoàn thiện bản thân.
++) Tự học rèn luyện cho con người có lòng quyết tâm, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.
++) Tự học giúp chúng ta nhanh chóng có được những kiến thức, kĩ năng tích lũy, từ đó giúp chúng ta tự tin hơn, mau chóng thành công hơn.
++) …
+ Lật lại vấn đề: Phê phán những người có thói quen lười biếng, trì hoãn trong học tập, xem việc học là bắt buộc, là gánh nặng. Họ đã bỏ lỡ đi cơ hội để phát triển bản thân và không nhận ra được tiềm năng thực sự của mình.
* Kết bài:
+ Khẳng định về tầm quan trọng của vấn đề.
+ Đưa ra những bài học về nhận thức, hành động.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc; có cách diễn đạt mới mẻ.