Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra giữa học kì II - Đề số 3 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Hồi lên sáu, tôi có nhìn thấy một lần, một bức tranh tuyệt đẹp, trong một cuốn sách về Rừng Hoang nhan đề: "Những câu chuyện có sống qua". Bức tranh vẽ hình một con trăn đang nuốt một con thú dữ. Đây là bản sao của bức vẽ.
Trong sách, người ta nói: "Loài trăn nuốt chửng cả con mồi, không nhai. Sau chúng chẳng nhúc nhích gì được nữa và ngủ sáu tháng liền để tiêu hóa con mồi.".
Từ đó, tôi hay nghĩ đến các chuyện xảy ra trong rừng rậm, và đến lượt tôi, với một cây bút chì màu, tối vẽ được hình vẽ đầu tiên của tôi. Hình vẽ số một của tôi. Nó như thế này:
Tôi đưa cho các người lớn xem kiệt tác của tôi và hỏi họ bức vẽ của tôi có làm cho họ sợ không.
Họ trả lời: "Sao một cái mũ lại làm cho sợ được?".
Bức tranh của tôi đâu có vẽ một chiếc mũ. Nó vẽ một con trăn đang tiêu hóa một con voi. Thế là tôi vẽ lại bên trong bụng trăn, để cho các người lớn có thể hiểu được. Đối với người lớn, bao giờ cũng phải giảng. Bức vẽ số hai của tôi thế này:
Các người lớn khuyên tôi hãy để qua một bên các bức vẽ trăn nhìn bên ngoài hay bổ đôi kia đi, và hãy để tâm vào môn địa, môn sử, môn toán và môn ngữ pháp. Như vậy đó mà vào tuổi lên sáu, tôi đã bỏ một cuộc đời họa sĩ tuyệt diệu.
Tôi thất vọng vì bức vẽ số một và bức vẽ số hai của tôi không thành công. Các người lớn không bao giờ tự mình hiểu được điều gì, và trẻ con lúc nào, lúc nào cũng phải giảng giải cho các ông, đến nhọc!
Thế là tôi phải chọn một nghề khác, và tôi học lái máy bay. Trên thế giới, đâu tôi cũng từng có bay một tí. Và môn địa lí, đúng thế, có giúp cho tôi nhiều, chỉ nhìn qua, tôi biết nhận ra đây là Trung Quốc chứ không phải vùng Arizona. Cái đó cần lắm, nếu ban đêm ta bị lạc.
Như vậy đấy, trong cuộc đời tôi, tôi có hàng đống những cuộc gặp gỡ với khối người quan trọng. Tôi đã sống nhiều ở nhà những người lớn. Tôi đã nhìn thấy họ rất gần. Việc này vẫn chẳng làm tôi đánh giá họ khá hơn bao nhiều.
Khi gặp một người lớn có vẻ hơi sáng suốt một chút, tôi liền đem bức vẽ số một mà tôi vẫn giữ, để thử ông ta, ông ta trả lời hoài: "Đây là một cái mũ.". Thế là tôi chẳng thèm nói với ông ta về rắn trăn, rừng hoang hay trăng sao gì nữa. Tôi tự hạ ngang tầm ông ta. Tôi nói với ông ta về bài bạc, về đấu bóng, về chính trị và về cà vạt. Thế là người lớn rất lấy làm bằng lòng được gặp một người biết điều như tôi.
(Trích tiểu thuyết Hoàng tử bé, Saint Exupéry)
Câu 1. Xác định ngôi kể trong văn bản trên.
Câu 2. Kiệt tác của cậu bé trong văn bản là gì?
Câu 3. Theo em, vì sao người lớn lại bảo cậu bé hãy chú trọng học những môn văn hóa thay vì khuyến khích cậu bé vẽ thật nhiều?
Câu 4. Những người lớn trong văn bản trên được miêu tả như thế nào? Em có nhận xét gì về những nhân vật ấy?
Câu 5. Qua văn bản, em rút ra được những bài học gì cho bản thân?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Ngôi kể: Ngôi kể thứ nhất - xưng "tôi".
Câu 2.
Kiệt tác của cậu bé trong văn bản là bức tranh vẽ một con trăn nuốt chửng một con voi.
Câu 3.
– HS đưa ra được lí giải hợp lí dựa trên những thông tin được cung cấp trong văn bản.
– Ví dụ: Người lớn khuyên chú bé nên chú tâm vào những môn văn hóa như môn địa, môn sử, môn toán và môn ngữ pháp vì họ cho rằng những môn học này là những môn học quan trọng, sẽ giúp ích được cho chú bé trong tương lai. Điều này cũng cho thấy những người lớn trong văn bản trên có phần thực dụng vì họ chú trọng những yếu tố, lợi ích thực tế hơn là ước mơ hay những giá trị tinh thần của trẻ thơ.
Câu 4.
– Những người lớn trong văn bản được miêu tả là những người vô cảm, thiếu tinh tế và thực dụng.
+ Vô cảm, thiếu tinh tế: Trước trẻ thơ, lẽ ra họ cần có thái độ khích lệ, động viên nhưng họ liên tục dập tắt hi vọng và ước mơ họa sĩ của chú bé.
+ Thực dụng: Vì chỉ quan tâm đến những gì có ích cho cuộc sống tương lai, chứ không hề nghĩ đến việc vun đắp, bồi dưỡng để ước mơ đứa trẻ được lớn lên và hiện thực hóa.
=> Nhận xét: HS nêu nhận xét về những người lớn trong văn bản dựa trên những trải nghiệm cá nhân. Các em có thể nhận xét những người lớn trong văn bản là những người ích kỉ, thiếu sáng suốt,... nhưng cần đưa ra được lí giải hợp lí.
Câu 5.
– Dựa vào nội dung văn bản kết hợp cùng trải nghiệm cá nhân, HS rút ra bài học cho bản thân.
– Một số bài học có thể được rút ra từ văn bản:
+ Cần kiên định theo đuổi ước mơ, đam mê.
+ Cần khích lệ, động viên, trân trọng những ước mơ của con trẻ.
+ Cần chú trọng những giá trị tinh thần hơn trong bối cảnh cuộc sống bộn bề ngày nay.
+ ...
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật "tôi" trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4.0 điểm)
Giacomo Leopardi từng cho rằng: "Trẻ con tìm thấy tất cả ở nơi chẳng có gì, còn người lớn chẳng tìm được gì trong tất cả.".
Từ góc nhìn của người trẻ, em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật "tôi" trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Lúc nhỏ: Nhân vật "tôi" vì hứng thú với một câu chuyện về giới động vật mà vẽ bức tranh con trăn nuốt chửng con thú. Từ đó, nhân vật "tôi" liên tục vẽ tranh và hỏi cảm nhận của người lớn về bức tranh ấy, thế nhưng chú bé năm ấy phải đối diện với hiện thực là:
++ Người lớn không hiểu được bức vẽ của chú.
++ Người lớn không khích lệ cậu bé, cũng như không thể hiện điều mà chú bé mong đợi.
++ Người lớn khuyên chú bé hãy chú tâm học các môn văn hóa lúc bấy giờ mà không nghĩ đến cảm nhận của chú.
=> Chính sự vô cảm, thiếu tinh tế này của những người lớn mà nhân vật "tôi" thất vọng, đành từ bỏ ước mơ trở thành họa sĩ, chấp nhận sống như những gì mà người lớn mong muốn.
+ Khi lớn lên, nhân vật "tôi" trở thành phi công, đi nhiều nơi, gặp nhiều người nhưng những con người ấy vẫn mang những "bản chất của người lớn" năm nào. Dường như người lớn đều thực dụng, ít tưởng tượng, mộng mơ và vô cảm, nhạt nhẽo. Dẫu vậy, nhân vật "tôi" vẫn ôm hi vọng gặp được người giống mình. Hễ gặp ai sáng sủa, nhân vật này lại mang bức tranh cũ ra để hỏi cảm nhận của người đó. Nhưng khi nhận được câu trả lời chả khác bao với thời thơ ấu, nhân vật "tôi" lại buộc lòng hạ thấp chính mình, quay trở về làm một người lớn chính hiệu: Phải sống một cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt, phải trò chuyện với những người lớn thực dụng, thờ ơ về những chủ đề tầm thường trong cuộc sống (bài bạc, đấu bóng, chính trị, cà vạt).
=> HS dựa trên những cảm nhận cá nhân để rút ra nhận xét về nhân vật này.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: "Trẻ con tìm thấy tất cả ở nơi chẳng có gì, còn người lớn chẳng tìm được gì trong tất cả". (Giacomo Leopardi)
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích ý kiến: Ý kiến của Giacomo Leopardi gồm 2 vế:
+ Vế 1: "Trẻ con tìm thấy tất cả ở nơi chẳng có gì": Giải thích ý nghĩa của cụm "chẳng có gì" (tức là thế giới đơn giản, ít vật chất, giàu trí tưởng tượng). Từ đó, có thể thấy, trẻ em có khả năng tìm thấy niềm vui, sự kỳ diệu từ những điều nhỏ nhặt, giản đơn, bình dị nhất trong cuộc sống.
+ Vế 2: "Người lớn chẳng tìm được gì trong tất cả": Giải thích ý nghĩa của từ "tất cả" (đó là một cuộc sống đầy đủ vật chất). Từ đó, ta có thể hiểu rằng dù người lớn có sống trong một thế giới đủ đầy nhưng họ vẫn không có được hạnh phúc thật sự vì tâm hồn họ đã trở nên khô cằn, mất đi khả năng cảm nhận, tận hưởng cuộc sống do những lo toan, áp lực trong cuộc sống thường ngày.
– Phân tích các khía cạnh của vấn đề:
+ Sự khác biệt trong nhận thức, cách tiếp cận: Trẻ con nhìn thế giới bằng con mắt tò mò, khám phá. Người lớn nhìn thế giới qua lăng kính của kinh nghiệm, định kiến và lo toan.
+ Sự khác biệt về cách cảm nhận: Trẻ con có trí tưởng tượng phong phú, biến những điều bình thường thành phi thường. Người lớn thường bị giới hạn bởi tư duy logic, thực dụng nên càng khó cảm nhận được cái đẹp từ những điều bình dị, nhỏ bé.
=> Trẻ con biết trân trọng những điều nhỏ nhặt, tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ bé. Trong khi đó, người lớn vì thường chạy theo những giá trị vật chất nên đã bỏ qua những điều giản dị mà ý nghĩa. Nguyên do là bởi cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực, cạnh tranh khiến người lớn mất đi sự hồn nhiên, lạc quan, vui vẻ trong cách nhìn nhận cuộc sống xung quanh.
– Bàn luận: Thế nhưng trong cuộc sống hiện nay, dù chúng ta nghiêng quá về cái nhìn nào cũng là điều bất cập. Bởi:
+ Nếu nghiêng về cái nhìn hồn nhiên thì sẽ dần xa rời cuộc sống, chìm đắm trong những ảo mộng hão huyền.
+ Nếu nghiêng về cái nhìn thực tế thì sẽ dần trở nên khô khan, tẻ nhạt và không tìm thấy được hạnh phúc thật sự đang tồn tại xung quanh chúng ta.
=> HS tự liên hệ với bản thân và rút ra bài học: Cần có cái nhìn đúng đắn, hài hòa giữa những cách nhìn để vừa giữ được sự hồn nhiên trong tâm hồn, học được cách cảm nhận những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống, vừa giữ được cái nhìn thực tế, chín chắn trong cuộc sống.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.