Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Dàn ý tham khảo số 2 SVIP
DÀN Ý THAM KHẢO SỐ 2
Đề bài: Thực trạng học tập trực tuyến của học sinh phổ thông Việt Nam trong bối cảnh COVID-19
TÓM TẮT:
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam đều phải tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh phổ thông với quy mô và mức độ khác nhau. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá tình tình học tập trực tuyến của học sinh Việt Nam để từ đó, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng học tập. Có đến 341 830 học sinh phổ thông ở các cấp học, vùng miền tại 63 tỉnh/thành phố đã tham gia trả lời phiếu hỏi liên quan đến những trải nghiệm học tập trực tuyến, bao gồm điều kiện, các hoạt động, hiệu quả học tập cũng như những khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học. Dữ liệu được xử lí, phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS V26. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, học sinh Việt Nam có điều kiện cơ bản đảm bảo học tập, hiệu quả học tập trực tuyến được học sinh đánh giá tích cực. Tuy nhiên, khoảng cách vùng miền với những khó khăn về thiết bị học trực tuyến, đường truyền Internet và sức khoẻ, tâm lí là điều cần phải đặc biệt chú ý cải thiện để đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục.
1. Đặt vấn đề
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã phải thay đổi các chương trình, kế hoạch, hoạt động giáo dục trong bối cảnh cho học sinh tạm dừng đến trường, đóng cửa trường học để đảm bảo các biện pháp phòng tránh dịch. Thực tế, để ứng phó với đại dịch, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều chiến lược, biện pháp khác nhau để vừa đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả học sinh, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục trong thời kì đại dịch như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, dạy học kết hợp. Trong đó, hình thức dạy học trực tuyến là hình thức phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng. Tại Việt Nam, hình thức học tập trực tuyến đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, triển khai ngay từ những ngày đầu ứng phó với dịch bệnh với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Việt Nam đã thúc đẩy nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả dạy học trực tuyến cho học sinh như: gửi công văn hướng dẫn dạy học qua internet, qua truyền hình, điều chỉnh về nội dung dạy học và ban hành khung pháp lí đảm bảo cho dạy học trực tuyến.
Với những nỗ lực của toàn ngành, việc dạy học trực tuyến đã có những kết quả nhất định. Thực tế rất cần có nghiên cứu về tình hình triển khai dạy - học trực tuyến, những thuận lợi và khó khăn để định hướng phát triển giáo dục trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều phức tạp. Việc nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng, đánh giá những ưu nhược điểm để từ đó đưa ra những khuyến nghị cải thiện chất lượng dạy và học trực tuyến trong điều kiện đóng cửa trường học vì COVID-19 đã được một số tổ chức, học giả trên thế giới quan tâm. Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu luận bàn về một số khía cạnh của giáo dục Việt Nam trong bối cảnh COVID, về một số hoạt động học tập trực tuyến của học sinh. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu về giáo dục Việt Nam trong giai đoạn COVID-19, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu trên toàn quốc để tìm hiểu đa diện về vấn đề học tập của học sinh phổ thông. Bài viết là kết quả nghiên cứu trên tổng số 341.830 học sinh phổ thông ở 63 tỉnh/thành trên cả nước về thực trạng việc học tập trực tuyến từ điều kiện học tập, những trải nghiệm học tập cho đến những thuận lợi, khó khăn các em gặp phải trong quá trình học tập trực tuyến. Trên cơ sở tìm hiểu thực tiễn triển khai, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng học tập trực tuyến cho học sinh nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
a. Về điều kiện học tập trực tuyến
Các vấn đề liên quan đến điều kiện học tập trực tuyến như việc trang bị thiết bị học tập, đảm bảo không gian, thời gian học tập, nhận được các hỗ trợ đóng vai trò quyết định đến hiệu quả học tập trực tuyến. Một số nghiên cứu trong và ngoài nước đã bàn luận về vấn đề này. Theo nghiên cứu năm 2020 của UNICEF, tình trạng thiếu thiết bị đã ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội tiếp cận của học sinh trong bối cảnh đại dịch. Cụ thể, có khoảng 1/3 hoặc 463 triệu học sinh không được tiếp cận hình thức học tập trực tuyến do thiếu thiết bị. Ở một số quốc gia thu nhập thấp, tỉ lệ học sinh được tiếp cận với các thiết bị còn thấp hơn nhiều. Cụ thể, ở Nepal, 2/3 trẻ em không thể tiếp cận phương pháp học tập tại nhà. Đặc biệt, tình trạng tiếp cận không bình đẳng ngày càng trầm trọng đối với trẻ em nông thôn, trẻ em nghèo, thiểu số, trẻ em khuyết tật và trẻ em nữ. Việc thiếu thiết bị, internet yếu, thiếu chi phí mua dữ liệu cũng là những khó khăn chung của cả sinh viên đại học.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng, 9% trẻ em không có thiết bị để học tập và điều kiện về công nghệ; 51,4% trẻ em học ít hơn hoặc không học; 37,9% trẻ em gặp sự cố kĩ thuật (không có video, không có âm thanh, gián đoạn internet,...) khi tham gia các lớp học trực tuyến và 22,7% trẻ gặp một số vấn đề về sức khỏe (như mờ mắt tạm thời, các vấn đề về thính giác, lưng và cổ) sau khi học trực tuyến. Một trong những vấn đề thách thức đối với học tập trực tuyến là khả năng tiếp cận và công bằng trong giáo dục giữa các vùng miền. Mặc dù tỉ lệ sử dụng internet ngày càng tăng nhưng chỉ có 17% học sinh sống ở các vùng núi có truy cập internet. Học sinh cũng thiếu các kĩ năng kĩ thuật số và phần lớn giáo viên không quen với việc giảng dạy trực tuyến. Ngoài ra, nhiều gia đình thiếu hoặc không đủ số lượng thiết bị để học trực tuyến. Điều này thường dẫn đến việc trẻ em trai có nhiều cơ hội tiếp cận học tập trực tuyến hơn so với trẻ em gái.
b. Về các hoạt động học tập của học sinh trong thời gian học trực tuyến
Nghiên cứu trên các đối tượng học sinh trung học ở New Zealand đã chỉ ra rằng, các phương pháp dạy học tích cực và các chiến lược học tập hứng thú sẽ giúp học sinh nâng cao kết quả học tập, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục trực tuyến. Học sinh báo cáo các hoạt động được trải nghiệm bao gồm nghe giảng bài, phản hồi, cung cấp tài nguyên đa phương tiện, thảo luận trong lớp, giao tiếp thông qua hoạt động tương tác và trò chơi hóa, xem video bài giảng, trong số đó, hoạt động được học sinh yêu thích và được ghi nhận nâng cao hiệu quả học tập trực tuyến là các hoạt động tổ chức trò chơi học tập.
c. Về hiệu quả của hoạt động trực tuyến
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập của học sinh trên nhiều phương diện. Tại Mĩ, kết quả nghiên cứu trên 1.6 triệu học sinh từ hơn 40 bang cho thấy, COVID có tác động tiêu cực đến chất lượng học của học sinh lớp 1 đến lớp 12. Bằng chứng là điểm kiểm tra môn Toán năm 2021 giảm trung bình 10 điểm so với các năm học trước và điểm kiểm tra môn Đọc hiểu giảm 9 điểm, tương đương với việc học sinh mất đi 5 tháng kiến thức đối với môn Toán và 4 tháng đối với môn Đọc hiểu của một năm học cơ bản. Trong đó, đối tượng học sinh thuộc gia đình nhóm thu nhập thấp mất đi 7 tháng kiến thức môn Toán và đối tượng học sinh thuộc gia đình gốc Phi mất đi 6 tháng kiến thức. Nhóm tác giả cũng dự báo, nếu khối lượng kiến thức bị mất do đại dịch không được bù đắp thì tác động lên chất lượng nhân lực của nước Mĩ trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng, trung bình hao hụt 128 - 188 tỉ đô la Mĩ GDP mỗi năm. Ngoài ra, COVID cũng tác động lớn đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của học sinh: 35% trong số 16.370 phụ huynh được khảo sát thấy lo lắng hoặc rất lo lắng về sức khỏe tinh thần của con em họ. Khảo sát trên 3.500 giáo viên tại Australia và New Zealand cũng cho thấy kết quả không mấy khả quan. 41% giáo viên hai nước cho rằng, học trực tuyến không hiệu quả như học trên lớp với khó khăn lớn nhất về điều kiện học tập cũng như sự tương thích với lứa tuổi học sinh. Gần 1/2 giáo viên thấy không đủ tự tin về kĩ năng và kinh nghiệm dạy trực tuyến và thấy không đáp ứng được nhu cầu học của học sinh khi dạy trực tuyến. 80% giáo viên được khảo sát đều cho rằng, cần phải tăng cường phụ đạo cho học sinh, nhất là học sinh Tiểu học, ngay khi các em quay trở lại lớp học trực tiếp. Khi tìm hiểu về những khó khăn học sinh thường gặp phải trong quá trình học tập trực tuyến, các tác giả chỉ ra rằng, nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc hiểu tài liệu. Nhiều học sinh không có phương tiện học, internet, thiếu sự hướng dẫn của bố mẹ. Kết quả nghiên cứu của Adnan và cộng sự cũng chỉ ra kết quả học tập trực tuyến không thể đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện một đất nước đang phát triển như Pakistan do không đảm bảo các điều kiện về học tập như các vấn đề về thiết bị, kết nối, vấn đề kết nối. Tại Việt Nam, nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng, trẻ em gặp phải các vấn đề về tâm lí, sức khỏe và tình trạng bắt nạt trên mạng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trẻ em trong một số gia đình dân tộc, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các gia đình nhập cư và nghèo đói sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trong thời gian này. Ngoài các thách thức đã được chỉ ra, trẻ em khuyết tật gặp khó khăn khi tiếp cận các thiết bị hỗ trợ học tập, đặc biệt các thiết bị hỗ trợ học tập phù hợp (với những trẻ gặp vấn đề về thị lực hoặc thính lực). Một số vấn đề thách thức cần phải đối mặt khi dạy học trực tuyến trong bối cảnh COVID-19 như internet kém, không có điện, hạn chế trong trong kĩ năng giảng dạy trực tuyến, khả năng hiểu bài của học sinh kém hơn, phương pháp đánh giá còn nghèo nàn, trẻ em khuyết tật thiếu tài liệu. Ngoài ra, những vấn đề về quản lí dạy học trực tuyến, động lực của giáo viên cũng được các tác giả nêu ra. Như vậy, việc học tập trực tuyến của học sinh hiện nay đặt ra rất nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đó là các vấn đề về điều kiện học tập, hình thức học tập và kiểm tra, đánh giá tích cực, phù hợp.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
a. Câu hỏi nghiên cứu
Nghiên cứu được thiết kế dựa trên bốn câu hỏi chính như sau:
- Câu hỏi 1: Học sinh có các điều kiện học tập trực tuyến như thế nào trong thời gian nghỉ học vì dịch COVID-19?
- Câu hỏi 2: Học sinh có những hoạt động, trải nghiệm học tập trực tuyến như thế nào?
- Câu hỏi 3: Học sinh tự đánh giá như thế nào về hiệu quả của học tập trực tuyến?
- Câu hỏi 4: Học sinh đã gặp phải những khó khăn gì trong quá trình học trực tuyến?
b. Công cụ nghiên cứu
Phiếu hỏi được thiết kế dựa trên khung lí thuyết về đánh giá hiệu quả của việc học tập trực tuyến để đảm bảo có thể đánh giá toàn diện được những trải nghiệm, hiệu quả học tập của học sinh, đồng thời tìm hiểu được các nhân tố tác động. Bốn nội dung chính khảo sát bao gồm:
1/ Các điều kiện học tập trực tuyến của học sinh;
2/ Thực trạng học tập trực tuyến của học sinh về thời gian, môn học, các hoạt động học tập trong suốt quá trình học trực tuyến;
3/ Hiệu quả của học trực tuyến qua sự tự đánh giá của học sinh;
4/ Những khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học trực tuyến;
Các câu hỏi khảo sát được thiết kế theo thang Likert với các mức độ khác nhau. Sau khi xây dựng, bộ câu hỏi được hội đồng chuyên gia bao gồm các nhà nghiên cứu, nhà quản lí giáo dục, giáo viên góp ý, hoàn thiện. Bộ câu hỏi hoàn thiện được tiến hành thử nghiệm tại một trường liên cấp của Hà Nội trước khi tiến hành thu thập dữ liệu trên diện rộng. Dữ liệu được thu thập trực tuyến qua phần mềm google form trong thời gian từ ngày 24 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2022.
c. Mẫu nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu chùm. Học sinh các trường có dạy học trực tuyến tại ở 63 tỉnh/thành phố ở Việt Nam được chọn tham gia trả lời phiếu. Dữ liệu nghiên cứu thu thập được từ 341.830 học sinh phổ thông, trong đó theo giới tính có 148.278 học sinh nam (43,4%) và 193.552 học sinh nữ (56,6%). Theo cấp học, có 64.956 (19%) học sinh Tiểu học, 160.711 (47%) học sinh Trung học cơ sở, 116.163 (34%) học sinh Trung học phổ thông. Theo khu vực, có 30,9% học sinh thành thị, còn lại là học sinh thuộc vùng nông thôn miền núi.
d. Phân tích và xử lí kết quả nghiên cứu
Dữ liệu sau khi thu thập được làm sạch, xử lí, phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS V26. Dữ liệu được phân tích theo tần suất, giá trị trung bình và mối tương quan giữa các nhân tố.
2.3. Kết quả nghiên cứu
2.3.1. Điều kiện đảm bảo học tập trực tuyến của học sinh
a. Thiết bị học tập trực tuyến và đường truyền Internet
Đối với học sinh, việc có thiết bị để tham gia học tập trực tuyến là một trong những điều kiện tiên quyết. Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ học sinh sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng để học trực tuyến là 65%; học sinh sử dụng máy tính để bàn có kết nối mạng (có camera và micro) để học trực tuyến là 21,8%; học sinh sử dụng máy tính để bàn có kết nối mạng nhưng không có camera và/ hoặc micro để học trực tuyến là 11,5%; học sinh sử dụng máy tính bảng có kết nối mạng để học trực tuyến là 16,5%; học sinh sử dụng máy tính xách tay có kết nối mạng để học trực tuyến là 37,5% (xem Biểu đồ 1). Như vậy, có thể thấy điện thoại thông minh là thiết bị được học sinh sử dụng nhiều nhất khi tham gia học trực tuyến. Ngoài ra, nhiều học sinh không có thiết bị học tập cố định. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập trực tuyến của học sinh. Kết quả nghiên cứu này đồng thuận với những nghiên cứu trước đó rằng, học sinh vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thiết bị để học trực tuyến hiệu quả (xem Biểu đồ 1). Kết quả phân tích sâu cho thấy, tỉ lệ học sinh ở khu vực thành thị sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng thấp hơn so với học sinh ở khu vực nông thôn và vùng sâu/xa/hải đảo. Trong khi đó, tỉ lệ học sinh sử dụng máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn ở khu vực thành thị cao hơn so với các khu vực khác. Việc chủ yếu phải dùng điện thoại thông minh để học trực tuyến khiến cho học sinh ở nông thôn và vùng sâu/xa/hải đảo dễ gặp các vấn đề về sức khỏe và ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Đây thực sự là một thách thức trong việc đảm bảo công bằng giáo dục, yêu cầu nền giáo dục mỗi quốc gia cần giải quyết. Phân tích sự khác biệt về việc sử dụng thiết bị để học trực tuyến của học sinh theo cấp học cho thấy, tỉ lệ học sinh sử dụng máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn ở cấp Tiểu học cao hơn so với các cấp học khác. Ngoài thiết bị để học trực tuyến, một yếu tố khác cũng rất quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả học trực tuyến của học sinh đó là chất lượng của đường truyền internet. Có 11,4% học sinh tham gia khảo sát cho rằng, đường truyền internet không đảm bảo cho việc học trực tuyến. Học sinh ở khu vực thành thị có đường truyền internet ở nhà đảm bảo cho việc học trực tuyến hơn các vùng khác. Đường truyền internet không đảm bảo cho việc học trực tuyến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp nhận kiến thức và kết quả học tập của các học sinh thuộc các khu vực nông thôn, vùng sâu/xa/hải đảo.
b. Kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin và kĩ năng học tập trực tuyến của học sinh
Kết quả khảo sát cho thấy, nhìn chung, học sinh được hướng dẫn đầy đủ về các kĩ năng khi tham gia học tập trực tuyến, cụ thể: có 85,1% học sinh được hướng dẫn kĩ năng học tập; 93,4% học sinh được hướng dẫn kĩ năng sử dụng thiết bị an toàn và hiệu quả; 89,7% học sinh được hướng dẫn về các lưu ý để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần (xem Biểu đồ 2).
Kết quả khảo sát cho thấy, có sự khác biệt về tỉ lệ học sinh được hướng dẫn các kĩ năng học trực tuyến giữa các khu vực và giữa các cấp học. Cụ thể, học sinh ở khu vực thành thị và nông thôn được hướng dẫn nhiều hơn học sinh vùng sâu/xa/hải đảo. Học sinh ở cấp Tiểu học được hướng dẫn nhiều hơn học sinh ở cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông. Có 25,4% học sinh các cấp cho rằng, bản thân có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin ở mức tốt, 14% học sinh đánh giá ở mức thành thạo, tỉ lệ học sinh không có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin chỉ chiếm 1,5%. Phân tích sâu cũng cho thấy, học sinh ở khu vực thành thị thành thạo về công nghệ thông tin hơn học sinh ở khu vực nông thôn và vùng sâu/xa/hải đảo, học sinh cấp Trung học cơ sở tự đánh giá thành thạo công nghệ thông tin nhất trong 3 cấp học.
2.3.2. Thực trạng học tập trực tuyến
a. Thời lượng học
Về thời lượng học trực tuyến, kết quả khảo sát học sinh cho thấy, có khoảng 50% học sinh học trực tuyến từ 2 đến dưới 4 tiếng mỗi ngày. Cụ thể, cấp Tiểu học là 49.2 %, Trung học cơ sở là 50.5 % và Trung học phổ thông là 46.6%. Tỉ lệ học sinh học trực tuyến từ trên 4 tiếng mỗi ngày tăng dần theo cấp học (Tiểu học: 8.9 %; Trung học cơ sở: 25,7%; Trung học phổ thông: 32.5%. Điều này cho thấy, thời lượng học trực tuyến mỗi ngày đã được xác định trên cơ sở tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh và đặc điểm của cấp, bậc học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về thời lượng tự học, phần lớn học sinh các cấp cho biết, các em tự học từ 1 đến dưới 2 tiếng mỗi ngày. Cụ thể, Tiểu học: 41,5 %; Trung học cơ sở: 45,9%: Trung học phổ thông: 43,7 %. Tỉ lệ học sinh tự học dưới 60 phút mỗi ngày cũng khá cao ở cấp Tiểu học (chiếm 33,3%), trong khi tỉ lệ đó ở Trung học cơ sở là 25% và Trung học phổ thông là 20,9%. Tỉ lệ học sinh tự học trên 2 tiếng mỗi ngày ở cấp Tiểu học là 17,2%, ở cấp Trung học cơ sở 24,4%, ở cấp Trung học phổ thông là 31,1%. Nhìn chung, học sinh ở cấp học cao hơn dành thời gian tự học nhiều hơn.
Như vậy, khảo sát học sinh toàn quốc cho thấy, nhìn chung trong thời gian nghỉ dịch, phần lớn học sinh dành nhiều thời gian nhất cho việc học trực tuyến, sau đó là thời gian các em tự học. Về thời gian học, trung bình các em có 2 đến dưới 4 tiếng học trực tuyến, 1 đến dưới 2 tiếng tự học. Điều này cho thấy, học sinh dành khoảng 3 đến 6 tiếng dành cho việc học tập mỗi ngày. Kết quả cho thấy, cần tăng cường hơn nữa thói quen và năng lực tự học của học sinh, vì việc dành thời gian cho tự học không chỉ quan trọng trong học trực tuyến mà còn cả trong quá trình học tập của các em sau này.
b. Các môn học trực tuyến
Về các môn học được trực tuyến, kết quả khảo sát học sinh cho thấy, việc học trực tuyến thường tập trung vào một số môn. Cụ thể, ở Tiểu học, các môn được dạy trực tuyến nhiều nhất là Toán, Tiếng Việt (trên 98%), Khoa học (81,2%), Lịch sử - Địa lí (81,7%), Ngoại ngữ (80,3%). Ngược lại, một số môn được dạy trực tuyến với tỉ lệ thấp hơn nhiều như Tin học: 49,6%; Thể dục: 52,3%; Mĩ thuật (63.6%); Âm nhạc (64,4%). Cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cũng có sự chênh lệch trong việc dạy học các môn nhưng không chênh quá lớn như ở cấp Tiểu học. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết những môn nhiều tiết học, xuất hiện trong các kì thi đánh giá cuối kì hoặc đánh giá chuyển cấp được ưu tiên, chú trọng dành thời gian học trực tuyến. Một số môn năng khiếu như Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục còn ít được quan tâm khi dạy học trực tuyến. Đặc biệt, đối với cấp Tiểu học, việc dạy học chỉ tập trung vào một số môn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh, mặc dù điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân khách quan như hạn chế về thời gian học trực tuyến nên phải giảm tải lượng các môn học.
c. Hoạt động học trực tuyến của học sinh
Để tìm hiểu các hoạt động học trực tuyến, học sinh trả lời câu hỏi có/không để tự đánh giá việc thực hiện các hoạt động của bản thân. Nhìn chung, kết quả khảo sát học sinh cho thấy, các em đánh giá khá tích cực về mức độ tham gia của bản thân khi học trực tuyến. Cụ thể, trên 90% học sinh các cấp cho rằng, mình chủ động hoàn thành các bài tập thầy cô giao; duy trì sự tập trung trong quá trình học trực tuyến; tương tác tích cực với thầy cô, bạn bè khi học trực tuyến. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh phản hồi nhanh và hiệu quả trong quá trình học trực tuyến thấp hơn, chỉ khoảng 80%. Trên thực tế, việc triển khai có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân như kĩ năng tổ chức dạy học trực tuyến của giáo viên, điều kiện cơ sở hạ tầng và thiết bị học tập.
Ngoài ra, học sinh cũng được hỏi thêm về tần suất tham gia thực hiện các hoạt động trong quá trình học trực tuyến với các mức độ: chưa bao giờ, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên, luôn luôn. Kết quả khảo sát cho thấy, học sinh được trải nghiệm nhiều hình thức khác nhau khi học trực tuyến. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về tần suất các hoạt động. Phần lớn các hoạt động mà học sinh thực hiện vẫn mang tính thụ động như: nghe giảng kiến thức, lí thuyết; nhận nhiệm vụ học tập từ giáo viên. Hoạt động ít thường xuyên nhất lại chính là các hoạt động học tập tích cực liên quan đến việc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong học trực tuyến như sử dụng các phần mềm, ứng dụng (16,6%); khai thác và sử dụng các nguồn học liệu có sẵn trên internet (29,7%). Điều này cho thấy, cần phải có những chương trình hỗ trợ và tập huấn giáo viên về các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học trực tuyến để đảm bảo có những tiết học hiệu quả và thú vị cho học sinh. Kết quả phân tích sâu cho thấy, nhìn chung, hoạt động dạy và học trực tuyến khá phong phú, được thực hiện với nhiều mức độ và tần suất khác nhau và có sự khác biệt theo đặc trưng của vùng miền, cấp học. Phần lớn học sinh đều tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập. Tuy nhiên, có thể thấy việc dạy và học trực tuyến hiện nay vẫn sử dụng các phương pháp của dạy học trực tiếp trên môi trường số khi các phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp với đặc trưng của dạy học trực tuyến vẫn chưa được chú trọng. Điều này cho thấy, cần tăng cường hơn nữa việc tập huấn cho giáo viên.
2.3.3 Khó khăn gặp phải trong quá trình học tập trực tuyến
Kết quả khảo sát cho thấy, học sinh gặp một số khó khăn phổ biến sau trong quá trình học tập trực tuyến: 44,9% học sinh được hỏi cho rằng, các bạn hay nhắn tin trao đổi trong khi học; 35,5% học sinh không có phòng học riêng và 38,4% học sinh bị ảnh hưởng tiếng ồn xung quanh khi học trực tuyến; 35,5% học sinh thường xuyên nghe không rõ tiếng thầy/cô giảng bài vì nhiều lí do. Bên cạnh đó, còn khoảng 20% học sinh cho rằng, mình không nhận được sự hỗ trợ học tập khi cần; 23,4% học sinh phải tham gia một số việc khác của gia đình trong lúc học và 26,5% học sinh gặp khó khăn trong việc giao tiếp với thầy/cô dưới hình thức trực tuyến. Xét theo khu vực cho thấy, có sự khác biệt về mức độ khó khăn mà học sinh gặp phải ở các vùng, miền khác nhau. Học sinh ở nông thôn và vùng sâu/xa/hải đảo thường gặp nhiều vấn đề hơn học sinh ở thành thị như: “Không có phòng học riêng”; “Không tập trung khi nghe thầy/cô giảng bài”; “Thường xuyên không nghe rõ tiếng thầy/cô giảng bài”; “Gặp khó khăn trong việc sử dụng các phần mềm ứng dụng học tập”; “Các bạn hay nhắn tin trao đổi trong khi học”; “Nhiều tiếng ồn quanh học sinh (do thành viên khác trong gia đình hoặc hàng xóm gây ra)”; “Học sinh phải tham gia một số việc khác của gia đình trong lúc học”; “Gặp khó khăn trong việc giao tiếp với thầy/cô”; “Không nhận được sự hỗ trợ học tập khi cần”; “Hay gặp vấn đề sức khoẻ khi học trực tuyến (Ví dụ: mỏi mắt, đau cổ, ù tai, …)”. Học sinh khu vực nông thôn cũng có tỉ lệ gặp phải những vấn đề trên nhiều hơn học sinh ở khu vực thành thị, trừ hai vấn đề: “Không tập trung khi nghe thầy/cô giảng bài”; “Phải làm nhiều bài tập, nhiệm vụ do thầy/ cô giao”. Học sinh thành thị thoải mái hơn khi được ngồi học một mình so với học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu/xa/hải đảo. Có thể lí giải sự khác biệt này là do điều kiện kinh tế, môi trường sống và điều kiện học tập của học sinh ở khu vực thành thị thuận lợi hơn khu vực nông thôn, vùng sâu/xa/hải đảo. Học sinh thành thị cũng tự tin và có năng lực công nghệ thông tin tốt hơn do được tiếp xúc với các thiết bị thông minh nhiều hơn.
2.3.4. Hiệu quả học tập trực tuyến
Để đánh giá hiệu quả của học tập trực tuyến, ngoài những phân tích về thực trạng các hoạt động học tập trực tuyến, những khó khăn mà học sinh thường gặp trong quá trình học trực tuyến, nhóm nghiên cứu còn tìm hiểu thông qua thái độ học tập của học sinh, tự đánh giá về sự tiến bộ và mức độ hiệu quả của học trực tuyến của bản thân học sinh. Thái độ học tập: Tỉ lệ học sinh Tiểu học tham gia khảo sát cho rằng, thích học trực tuyến là 58,9%, mình tiến bộ qua các bài học là 70%. Với học sinh Trung học cơ sở, hai tỉ lệ này lần lượt là 56,7% và 62,7%; học sinh Trung học phổ thông lần lượt là 52,6% và 54,3 % (xem Biểu đồ 9). Tuy nhiên, tỉ lệ này cũng không cao và giảm dần qua các cấp học, từ Tiểu học đến Trung học phổ thông.
Xét theo khu vực, tỉ lệ học sinh ở thành thị thích học trực tuyến (Tiểu học: 60,7%; Trung học cơ sở: 57,6%; Trung học phổ thông: 54,1%) hơn so với học sinh ở khu vực nông thôn (Tiểu học: 58,5%; Trung học cơ sở: 56,4%; Trung học phổ thông: 51,8%) và vùng sâu/ xa/hải đảo (Tiểu học: 53,3%; Trung học cơ sở: 54,3%; Trung học phổ thông: 49%). Tỉ lệ học sinh Tiểu học thấy tiến bộ qua các bài học trực tuyến ở khu vực thành thị và nông thôn là tương đồng nhau (Tiểu học lần lượt là 70,3% và 70,5%; Trung học cơ sở lần lượt là: 63,7% và 62,6%; Trung học phổ thông lần lượt là: 55,4% và 53,9% ), cao hơn so với vùng sâu/xa/hải đảo (Tiểu học: 58,4%; Trung học cơ sở: 55,7%; Trung học phổ thông: 49%). Điều này có thể giải thích bởi điều kiện học trực tuyến của học sinh khu vực thành thị thuận lợi hơn vùng nông thôn, vùng sâu/xa/hải đảo (xem Bảng 3). Cuối cùng, học sinh Tiểu học tự đánh giá rằng, học tập trực tuyến tương đối hiệu quả và hiệu quả với tỉ lệ 87,3%; tỉ lệ đó của học sinh Trung học cơ sở là 85% và của học sinh Trung học phổ thông là 77,7%.
3. Kết luận và đề xuất
Như vậy, qua khảo sát thực trạng học tập trực tuyến của học sinh phổ thông Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cho thấy, điều kiện học tập trực tuyến của học sinh đã được đảm bảo ở mức độ tương đối. Tuy nhiên, thiết bị học tập, chất lượng của đường truyền internet vẫn là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, đặc biệt là với học sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu/xa/ hải đảo. Học sinh đã được trang bị kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin khá tốt và bản thân học sinh cũng thấy tự tin về năng lực công nghệ thông tin của mình, đặc biệt là học sinh ở khu vực thành thị và cấp học cao hơn. Phần lớn học sinh cũng đã ý thức được việc học của mình, nhất là học sinh ở bậc học cao hơn do áp lực của kì thi chuyển cấp. Tuy nhiên, vẫn cần thúc đẩy hơn nữa thói quen và năng lực tự học vì điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của học sinh. Do áp lực về thời gian học trực tuyến cần phải đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh cũng như lo ngại về các kì thi chuyển cấp mà học sinh không được học một số môn học. Đây là điều đáng ngại, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh. Do đó, cần có những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, sâu sát hơn về việc tổ chức dạy học trực tuyến. Các hoạt động học tập của học sinh trong quá trình học tập trực tuyến khá đa dạng. Tuy nhiên, không phải hoạt động học tập nào cũng được giáo viên quan tâm đúng mức, đặc biệt đối với các hoạt động mang đặc trưng riêng của học tập trực tuyến. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học sinh và cần được xem xét về giải pháp khắc phục. Với sự nỗ lực cố gắng của toàn xã hội, toàn ngành, bên cạnh những thuận lợi khi phải học trực tuyến thì học sinh cũng gặp không ít những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan, đặc biệt là học sinh Tiểu học và học sinh ở vùng sâu/xa/hải đảo. Những khó khăn này chỉ có thể giải quyết được với sự chung tay phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Mặc dù phải học trực tuyến trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng có một tỉ lệ khá lớn học sinh thích học trực tuyến và đã cố gắng nỗ lực học tập, thấy việc học trực tuyến có hiệu quả với bản thân. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhiều học sinh không thích học trực tuyến, không thấy mình tiến bộ và hiệu quả học trực tuyến là không cao, đặc biệt là với học sinh nhỏ tuổi, học sinh ở khu vực khó khăn. Do đó, rất cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả của học tập trực tuyến cũng như giải pháp hỗ trợ học sinh khi quay trở lại trường học. Trên cơ sở tổng quan những nghiên cứu trước đó và phân tích thực trạng học tập trực tuyến của học sinh phổ thông Việt Nam trong bối cảnh đại dịch, nhóm nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trực tuyến trong thời gian tới. Cụ thể như sau:
1/ Phối hợp chặt chẽ các Bộ, Ban, Ngành trong việc tăng cường các điều kiện đảm bảo cho việc học tập trực tuyến của học sinh, bao gồm việc nâng cấp hạ tầng cơ sở về công nghệ, thiết bị dạy và học để đảm bảo điều kiện tiếp cận công bằng giáo dục cho tất cả các đối tượng học sinh, đặc biệt những học sinh đến từ vùng khó khăn, có hoàn cảnh khó khăn. Huy động sự hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội, chính quyền địa phương cùng gia đình trong nỗ lực thúc đẩy cơ hội học tập của học sinh.
2/ Đẩy mạnh xây dựng hệ thống dạy học đa dạng, dạy học kết hợp và dạy học trực tuyến. Tăng cường nguồn vật lực và nhân lực, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các hình thức phương pháp dạy học trực tuyến linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với các điều kiện thực tiễn. Việc xây dựng cần được tiến hành đồng bộ, hiệu quả từ các chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cũng như đánh giá kết quả học tập của học sinh.
3/ Xoá bỏ khoảng cách giáo dục của học sinh trong bối cảnh COVID để đảm bảo không học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với những học sinh dân tộc, miền núi, học sinh ở vùng khó khăn, học sinh khuyết tật như tăng cường phụ đạo cho học sinh trong và sau COVID-19, sử dụng nhiều nền tảng học trực tuyến hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện và đặc điểm của các đối tượng. Cần có sự hỗ trợ đặc biệt đối với những học sinh cấp Tiểu học, cần ưu tiên và hỗ trợ nhiều hơn đối với nhóm học sinh này.
4/ Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, đội ngũ giáo viên để triển khai hiệu quả việc dạy học trực tuyến đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo, hỗ trợ.
5/ Đẩy mạnh nghiên cứu để phân tích, dự báo thực trạng và nhu cầu dạy học trực tuyến để đánh giá đúng tình hình triển khai, từ đó có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời, đồng thời tăng cường năng lực chủ động trong các bối cảnh mới.
Tài liệu tham khảo
Chaturvedi, K., Vishwakarma, D. K., & Singh, N. (2021), COVID-19 and its impact on education, social life and mental health of students: A survey. Children and youth services review, 121, 105866
Johns Hopkins University, World Bank & UNICEF (2021), COVID-19 Global Education Recovery Tracker. Last updated as of 2022-02-11. Accessed on 2022-02- 27. Baltimore, Washington DC, New York: JHU, World Bank, UNICEF.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn 1061/BGDĐTGDTrH ngày 25 tháng 3 năm 2020 về việc Hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì COVID-19 năm học 2019 - 2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn 793/BGDĐT-GDTrH ngày 12 tháng 3 năm 2020 về việc Tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống COVID-19.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn số 3280/BGDĐTGDTrH ngày 27 tháng 8 năm 2020 về Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn 4040/BGDĐTGDTrH ngày 16 tháng 9 năm 2021 về Hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ứng phó với dịch COVID-19 năm học 2021-2022.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn 3969/BGDĐTGDTH ngày 10 tháng 9 năm 2021 về Hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông cấp Tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2021 Quy định về quản lí và tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Picciano, A. G. (2021), Theories and frameworks for online education: Seeking an integrated model. Online Learning, 21(3), 166-190. doi: 10.24059/olj.v21i3.1225.
Pokhrel, S., & Chhetri, R. (2021), A literature review on the impact of COVID-19 pandemic on teaching and learning. Higher Education for the Future, 8(1), 133- 141. https://doi.org/10.1177/2347631120983481
(Theo Lê Anh Vinh và nhóm nghiên cứu,
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, tập 18, số 03 năm 2022)
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây