Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Dàn ý tham khảo số 2 SVIP
DÀN Ý THAM KHẢO SỐ 2
Cảm nhận về tâm tư của người tù cách mạng trong đoạn thơ sau:
Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!...
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về…
Xà lim số 1, lao Thừa Thiên, 29-4-1939
(trích “Tâm tư trong tù”, Tố Hữu,Từ ấy, NXB Văn học, 1959)
DÀN Ý
A. Mở bài
B. Thân bài
1. Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Tâm tư trong tù” và đoạn trích sẽ nghị luận
- Vào cuối tháng 4/ 1939, trong một cuộc khủng bố của thực dân, lần đầu tiên Tố Hữu bị bắt và giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Lúc này là giai đoạn sau khi người thanh niên Tố Hữu đã giác ngộ lí tưởng cộng sản và đang trên hành trình sôi nổi thực hiện lý tưởng cống hiến cao đẹp của cuộc đời mình. Tác phẩm đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.
- Bài thơ được in trong tập “Từ ấy” (1946).
- Bài thơ được sáng tác theo thể thơ tám chữ, đã ghi lại một cách chân thực, đầy biểu cảm tâm trạng của người tù cách mạng trẻ tuổi trong những ngày đầu sống trong cảnh tù ngục. Trong đó, đoạn trích trên (khổ thơ thứ hai của cả bài) ngoài khắc họa tâm trạng cô đơn, sầm u trong xà lim còn thể hiện đậm nét nhất vẻ đẹp sức sống tâm hồn người cộng sản.
2. Phân tích và cảm nhận về tâm trạng của người tù cộng sản
- Bao trùm lên khổ thơ là cả một tâm trạng “cô đơn”. Lần đầu tiên gặp “cảnh thân tù” Tố Hữu cảm thấy thèm khát sự tự do rộn rã bên ngoài. Và người thanh niên ấy đã hướng ra cuộc sống bằng đôi tai của mình để quên đi cảnh hiện tại. Với cảm nhận tinh tế nhà thơ đã nghe được nhịp đời đang “lăn náo nức”, cảm nhận được cuộc sống thật là “vui sướng biết bao”. Từng câu, từng chữ đầy nhớ mong, nuối tiếc, thể hiện tột cùng sự khao khát tự do.
- Sở dĩ Tố Hữu cô đơn và phải hướng ra cuộc sống bên ngoài để quên đi thực tại là vì lúc này đây, sau khi được giác ngộ cách mạng, chọn cho mình một con đường đi đúng đắn, tác giả đã hăng hái hoạt động với niềm vui dạt dào trong trái tim tuổi thanh xuân:
Ồ vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo
Bốn phương trời và sau dấu muôn chân
Cũng như tôi, tất cả tuổi đương xuân
Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng
(Hy vọng, Tố Hữu, 1938)
- Tâm hồn người chiến sĩ cách mạng trẻ là “một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Cuộc đời phía trước là mùa xuân bát ngát: “Bạn đời là vui lắm cả trời hồng”. Với sức sống mãnh liệt ở tuổi đời mười tám, đôi mươi:
Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!
(Trăng trối, Tố Hữu, 1940)
- Tố Hữu đang nhìn cuộc đời bằng màu hồng, đang hăm hở bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần cách mạng đầy nhiệt huyết, vậy mà bỗng chốc đã bị nhốt giữa “bốn bức tường khắc khổ” bị cùm trói, nằm trong xà lim lạnh lẽo tối tăm, ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài thì làm sao tác giả tránh khỏi cảm giác cô đơn. Và không chỉ cô đơn mà còn bực bội, u uất. Trong bài “Khi con tu hú”, Tố Hữu cũng đã thể hiện tâm trạng đó:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu
(Khi con tu hú, Tố Hữu, 1939)
- Song, nỗi niềm “cô đơn thay là cảnh thân tù” ở đây không phải là lời than thở kêu rên hèn yếu. Đó là sự xác nhận – xác nhận một sự thật phũ phàng:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
(Trăng trối, Tố Hữu, 1940)
- Xác định để chấp nhận. Vì yêu nước, gắn bó với cách mạng nên người thanh niên ấy vẫn nguyện: “Quyết hi sinh, phá tan hết gông xiềng/ Cho Tổ quốc muôn muôn năm độc lập”. (Quyết hy sinh, Tố Hữu, 1941)
- Với “tai mở rộng” và “lòng sôi rạo rực”, người thanh niên chăm chú và hào hứng đón nhận mọi âm thanh, mọi diễn biến, luôn ước muốn nắm bắt được vi mạch cuộc sống bằng mọi giác quan, bằng tất cả tâm hồn mình. Cuộc đời đang “lăn”, nhịp đời đang trôi và tiếng đời đang vang xa. Hiện thực là đây tiếng chim reo, tiếng dơi chiều đập cánh, tiếng lạc ngựa và cả tiếng guốc đi về. Đấy là âm thanh của cuộc sống hàng ngày mà người đời thường lãng quên. Thế nhưng với Tố Hữu đó lại là sợi chỉ hồng duy nhất nối nhà thơ với cuộc sống bên ngoài. Nhà thơ đã chăm chú lắng nghe, trân trọng những hoạt động ấy mà tưởng tượng mạnh mẽ với cảnh hùng vĩ “gió mạnh lên triều”, âm thanh vội vã của tiếng dơi chiều đập cánh và cả tiếng ngựa rùng chân để báo hiệu một nước “kiệu” mạnh mẽ. Nhưng có lẽ bình dị và thân thuộc nhất vẫn là “tiếng guốc đi về” một âm thanh nhỏ bé rất dễ bị lãng quên nhưng hình ảnh mộc mạc ấy lại có sức lay động lòng người một cách thấm thía.
- Nếu như âm thanh của tiếng chim, tiếng gió và cả tiếng lạc ngựa rùng chân là những nốt nhạc dạo đầu, khơi dòng tâm sự thì tiếng guốc nhỏ, to xuất hiện mới xoáy sâu vào trái tim con người. Bởi lẽ mọi âm thanh ấy còn xa lắm, lạnh lẽo lắm; chỉ có tiếng guốc bình dị thân thương mới gần gũi, mang hơi ấm của con người, đó mới là sự sống đích thực. Mới nghe qua ta tưởng tiếng guốc ấy lạc lõng giữa dòng đời, thậm chí còn tầm thường nữa. Nhưng càng đọc ta càng cảm nhận thấy tiếng guốc thân thuộc biết bao, gắn liền với mồ hôi và nước mắt của con người cần lao.
- Nếu trong tù cô đơn, lẻ loi bao nhiêu thì cuộc sống bên ngoài là sự sống, hương thơm mật ngọt của đời bấy nhiêu. Tuy nhiên trong hoàn cảnh tù đày, sự cô đơn ấy không hề làm cho người chiến sĩ cách mạng tàn lụi và nhỏ bé đi mà trái lại đó là động lực để thức tỉnh, lay gọi và vươn tới, khẳng định một tâm thế giữ trọn “trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn”. Nhà tù đầy rẫy những bất công, tàn bạo ấy không thể uy hiếp được tinh thần, không thể giam hãm được tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản, tâm thế ấy vẫn một lòng với cách mạng, vẫn hiên ngang đấu tranh.
- Từng lời thơ là từng lời nói của tâm tư tự nhiên, chân thành. Nghệ thuật điệp ngữ và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng để làm nổi bật cảnh thân tù u uất, cô đơn nhưng đồng thời lại thể hiện một mạch nguồn sống và khao khát tự do, khao khát giải phóng dồi dào, mãnh liệt. Có thể thấy, các từ ngữ với biểu cảm mạnh mẽ: “mở rộng”, “rạo rực”, “náo nức”, “vui sướng”... dường như khiến cho người ta quên đi rằng bài thơ được viết bởi một người tù đang bị xiềng xích, đày ải. Đúng, sự thật là như vậy, nhưng sự thật cũng là sự nô dịch, đàn áp của kẻ thù hung bạo mãi mãi không bao giờ có thể dập tắt được ước vọng sống và tự do của một dân tộc chính nghĩa anh hùng.
C. Kết bài
Tổng hợp lại vấn đề, khẳng định lại những giá trị của đoạn trích và tác phẩm.
(Sưu tầm và chỉnh sửa)
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây