Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Dàn ý tham khảo số 1 SVIP
DÀN Ý THAM KHẢO SỐ 1
Đề bài: Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học chim ở một số khu bảo tồn vùng Đông Bắc Việt Nam.
Tóm tắt
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, quan sát, phỏng vấn để: xác định và đánh giá thành phần loài, công tác bảo tồn chim tại các khu bảo tồn; đề xuất một số giải pháp đối với công tác bảo tồn và quản lí đa dạng loài chim nói riêng, tài nguyên thiên nhiên nói chung. Khảo sát được thực hiện tại một số khu bảo tồn ở Đông Bắc Việt Nam.
Từ khoá: vùng Đông Bắc; đa dạng sinh học chim; bảo tồn đa dạng sinh học chim.
1. MỞ ĐẦU
Vùng Đông Bắc là một trong những tiểu vùng ở phía bắc Việt Nam (Đông Bắc, Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng). Đây là khu vực có hệ sinh thái đa dạng và phong phú với các dãy núi đá vôi xen với các dãy núi đất, hệ thống sông, hồ tạo nên nơi sống (sinh cảnh) cho nhiều loài động vật, trong đó có các loài chim, nơi đây có hệ thống khu bảo tồn khá đa dạng: vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan,... Để góp phần bảo vệ hệ sinh thái đa dạng nơi đây, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Thực trạng công tác bảo tồn chim ở các khu bảo tồn như thế nào? Có giải pháp nào để quản lí đa dạng chim nói riêng, tài nguyên thiên nhiên nói chung?
Các phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng là: quan sát chim theo tuyến, điểm tại các khu nghiên cứu bằng ống nhòm, kính thiên văn, dùng lưới mờ bắt chim để xác định thành phần loài, đeo vòng, cân, đo rồi thả ra, sử dụng máy ảnh có ống kính zoom để chụp ảnh, xác định loài; phỏng vấn người dân địa phương và các nhà quản lí về các loài quý hiếm, ít gặp, các cách thức bảo vệ được áp dụng và những tồn tại, thách thức trong công tác bảo tồn; nghiên cứu các tài liệu như Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh mục đỏ của Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN),... Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2018 đến 2021 tại Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén (Cao Bằng), Khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu (Tuyên Quang), Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Mê (thuộc Vườn Quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang) và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Bắc Kạn).
2.1. Khái niệm đa dạng sinh học
“Đa dạng sinh học là sự phong phú về nguồn gen, về giống, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên” (Luật Đa dạng sinh học, 2008).
Công ước về Đa dạng sinh học (1992) giải thích: “Đa dạng sinh học có nghĩa là tính (đa dạng) biến thiên giữa các sinh vật sống của tất cả các nguồn bao gồm các hệ sinh thái tiếp giáp, trên cạn, biển, các hệ sinh thái thuỷ vực khác và các tập hợp sinh thái mà chúng là một phần. Tính đa dạng này thể hiện ở trong mỗi bộ loài, giữa các loài và các hệ sinh học”.
Như vậy, sự đa dạng về sinh học hay sự đa dạng sinh học có thể hiểu là sự đa dạng của sự sống trên Trái Đất.
2.2. Kết quả nghiên cứu và đề xuất
2.2.1. Đa dạng sinh học chim khu vực Đông Bắc
Kết quả khảo sát đã xác định được 2020 loài chim thuộc 56 họ và 15 bộ, trong đó có 6 loài quý hiếm thuộc Danh mục đỏ của Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Trong số này, phải kể đến loài như vạc hoa:
Phân loại | Cham Chu | Bắc Mê | Phia Oắc - Phia Đén | Nam Xuân Lạc |
Bộ | 12 | 15 | 14 | 12 |
Họ | 28 | 39 | 43 | 37 |
Loài | 119 | 105 | 140 | 92 |
Loài quý hiếm | 1 | 2 | 4 | 3 |
2.2.2. Công tác quản lí, bảo tồn
Kết quả khảo sát cho thấy công tác quản lí, bảo tồn đa dạng sinh học còn nhiều bất cập:
Về cơ cấu tổ chức: Các khu bảo tồn hay vườn Quốc gia đều có ban quản lí, kiểm lâm viên, bảo vệ, tổ tuần tra, bảo vệ rừng (của cộng đồng), bên cạnh đó là các trạm kiểm lâm và các chốt bảo vệ ở các nơi xung yếu. Tuy nhiên, cơ chế tổ chức cũng như công tác quản lí và bảo tồn còn nhiều thách thức và hạn chế. Cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực cũng như tài chính hoạt động của một số khu bảo tồn như Cham Chu, Bắc Mê chưa hoàn thiện và còn thiếu. Các khu bảo tồn hầu như chưa có trụ sở hoạt động của ban quản lí, đặc biệt là Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén. Hiện tại, tất cả các khu bảo tồn được khảo sát đều mới chỉ xác định ranh giới trên bản đồ, chưa có các cột mốc đánh dấu ranh giới. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lí sự xâm nhập cũng như lấn chiếm khu bảo tồn.
Về công tác nghiên cứu khoa học và điều tra, khảo sát bảo tồn các loài và hệ sinh thái: Các khu bảo tồn hầu như không có kinh phí, nguồn nhân lực cho các hoạt động này. Phần lớn các kết quả nghiên cứu, khảo sát đều do các cơ quan khoa học ở Trung ương hoặc Đại học Thái Nguyên triển khai. Các kết quả này nhiều khi không được bàn giao cho các khu bảo tồn, hoặc nếu có thì khu bảo tồn chưa có thiết bị tốt để lưu giữ và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lí, bảo tồn.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của người dân cũng như chính quyền địa phương đối với công tác bảo tồn cũng còn nhiều hạn chế. Biện pháp chủ yếu là tuyên truyền bằng các pa-nô (pano), áp phích hoặc các tờ rơi, pốt-xơ-tơ (poster) mà chưa có các chương trình cụ thể.
Cách quản lí thì tập trung vào việc ngăn chặn sự xâm nhập và lấn chiếm vào khu bảo tồn (thực thi pháp luật); phòng, chống cháy rừng (các hạt và trạm kiểm lâm đều có bảng báo cháy rừng). Tuy nhiên, do lực lượng kiểm lâm, bảo vệ thiếu và yếu, nhận thức, ý thức của người dân chưa cao, đời sống của người dân còn khó khăn nên vẫn còn nhiều vụ xâm nhập vào các khu bảo tồn khai thác trái phép gỗ, lâm sản ngoài gỗ, săn bắt động vật rừng,... Bên cạnh đó, việc phát triển sinh kế và các cây trồng chủ lực cũng tạo nên sức ép không nhỏ cho các khu bảo tồn.
Việc phát triển du lịch sinh thái như là một sinh kế để nâng cao đời sống của người dân trong vùng đệm hầu như chưa được phát triển tại các khu bảo tồn.
2.2.3. Đề xuất một số giải pháp cho công tác quản lí, bảo tồn
Trên cơ sở các phân tích nêu trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cho công tác quản lí và bảo tồn cho các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung, bốn khu bảo tồn được khảo sát nói riêng:
– Xây dựng thể chế, chính sách phù hợp và đặc thù cho các khu bảo tồn.
– Tăng cường nhân lực và tài chính cho các khu bảo tồn.
– Triển khai dự án xác định và đóng mốc ranh giới ở hiện trường.
– Triển khai các hoạt động điều tra, quan trắc đa dạng sinh học.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lí, bảo tồn đa dạng sinh học.
– Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động canh tác gây ô nhiễm môi trường tại khu vực xung quanh, các hoạt động khai thác mỏ, đá và khai thác lâm, thuỷ sản trái phép.
– Phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng để tăng cường tài chính cho các hoạt động quản lí, bảo tồn cũng như nâng cao sinh kế của người dân địa phương.
– Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục môi trường.
3. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
3.1. Các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung, đặc biệt là một số khu bảo tồn ở vùng Đông Bắc, có khu hệ chim rất đa dạng và phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang bị đe doạ.
3.2. Công tác bảo tồn ở các khu vực này còn gặp nhiều khó khăn và thách thức về nhiều mặt như: thể chế; chính sách; hoạt động khai thác mỏ, xâm lấn, canh tác nương rẫy; hoạt động điều tra, quan trắc đa dạng sinh học; hoạt động nâng cao nhận thức và cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương,..
3.3. Để công tác quản lí và bảo tồn có hiệu quả, cần triển khai các biện pháp một cách hệ thống và đồng bộ để khắc phục các khó khăn, thách thức nêu trên.
Tài liệu tham khảo
1. Công ước về Đa dạng sinh học. (1992). Truy xuất từ http://cspl-tnmt.monre.gov.vn/tin-tuc/phap-luat-quoc-te/-cong-uoc-nam-1992-ve-da-dang-sinh-hoc.html
2. Lê Mạnh Hùng. (2012). Introduction to Some Species of Birds of Vietnam. Hanoi: Natural Science and Technology.
3. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (2008). Luật Đa dạng sinh học. Truy xuất từ https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=81137
4. The IUCN Red List of Threatened Species. Truy xuất từ https://www. iucn.org/sites/dev/files/import/downloads/iucn-brochure-low-res.pdf
(Theo Hoàng Văn Thắng, Đỗ Nhật Huỳnh, Lê Mạnh Hùng,
https://tapchimoitruong.vn/nghien-cuu-23/bao-ton-da-dang-sinh-hoc
-chim-o-mot-so-khu-bao-ton-vung-dong-bac-viet-nam-25875)
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây