Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
![](https://rs.olm.vn/images/bird.gif)
Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá ở vùng Duyên hải miền Trung SVIP
1. Dân cư
Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống như: Kinh, Chăm, Mường, Thái, Bru Vân Kiều, Cơ Tu,... Dân tộc Kinh và Chăm tập trung đông ở đồng bằng ven biển. Các dân tộc khác sống thưa thớt hơn ở miền núi phía tây.
Các vật dụng chủ yếu trong sản xuất của người dân sống ở ven biển là: thuyền, lưới đánh cá,... Người Chăm nổi tiếng với đồ gốm như: nồi, bầu đựng nước,... Các dân tộc ở miền núi có những vật dụng đặc trưng riêng như: gùi, khung cửi dệt vải,...
2. Hoạt động sản xuất
Các hoạt động kinh tế chủ yếu của người dân ven biển miền Trung là: đánh bắt và nuôi trồng hải sản, sản xuất muối, du lịch biển, giao thông vận tải đường biển,...
a) Đánh bắt và nuôi trồng hải sản
Đánh bắt và nuôi trồng hải sản phát triển ở tất cả các tỉnh, thành phố của vùng. Sản phẩm đánh bắt chủ yếu là cá, mực, tôm,... Có nhiều cách đánh bắt khác nhau như: đánh bắt bằng lưới vây, lưới kéo, cần câu,... Người dân đã đầu tư các tàu lớn để đánh bắt hải sản xa bờ mang lại hiệu quả cao.
Nuôi trồng hải sản được phát triển mạnh ở vùng Duyên hải miền Trung. Các loài hải sản được nuôi phổ biến là: tôm sú, tôm hùm, cá, ngao, hàu, bào ngư, ốc hương, cua,... với nhiều hình thức khác nhau như: nuôi cá lồng bè trên biển, nuôi tôm trên cát, nuôi tôm nước lợ,... Diện tích nuôi trồng hải sản ngày càng được mở rộng, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là lớn nhất.
b) Sản xuất muối
Hoạt động sản xuất muối đã có từ lâu đời ở vùng Duyên hải miền Trung. Các cánh đồng muối nổi tiếng là: Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); Hòn Khói (Khánh Hoà); Cà Ná, Phương Cựu (Ninh Thuận);...
c) Du lịch biển
Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Mỹ Khê, Nha Trang,... Hoạt động du lịch biển ngày càng phát triển, thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước với nhiều loại hình như: tắm biển, nghỉ dưỡng, tham quan các danh lam thắng cảnh,...
d) Giao thông vận tải đường biển
Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều cảng biển lớn như: Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Cam Ranh,... Trong đó, cảng Đà Nẵng là một trong những cảng quốc tế lớn ở nước ta.
Vùng Duyên hải miền Trung là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và hai nước Lào, Cam-pu-chia. Giao thông vận tải đường biển của vùng chủ yếu là chuyên chở hàng hoá đến các vùng trong nước và các nước trên thế giới.
3. Một số nét văn hoá
a) Lễ hội truyền thống
Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều lễ hội như: lễ hội Cầu Ngư của người dân ven biển; lễ hội Tháp Bà; lễ hội Ka-tê của người Chăm;...
* Lễ hội Cầu Ngư:
- Gắn với tục thờ cúng cá Ông (cá voi) của người dân ven biển miền Trung.
- Mục đích: tỏ lòng biết ơn với công đức của cá Ông và cầu mong mùa đánh cá bội thu.
- Gồm hai phần:
+ Phần lễ: lễ rước, lễ tế theo nghi thức truyền thống.
+ Phần hội: các trò chơi dân gian gắn với hoạt động sản xuất trên biển (lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, đan lưới,...).
* Lễ hội Ka-tê:
- Lễ hội dân gian lâu đời của người Chăm, được tổ chức vào khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm (tháng 7 theo lịch Chăm).
- Gồm hai phần:
+ Phần lễ: tổ chức các nghi lễ chính như rước y trang, mở cửa tháp chính,...
+ Phần hội: các trò chơi dân gian đặc trưng của người Chăm (thi giã gạo, thi đi cà kheo, làm bánh gừng,...).
b) Di sản văn hoá thế giới
Duyên hải miền Trung là vùng đất của các di sản thế giới.
Tính đến năm 2020, vùng Duyên hải miền Trung có:
- 1 di sản thiên nhiên thế giới: Phong Nha - Kẻ Bàng.
- 4 di sản văn hoá vật thể: Thành nhà Hồ; Cố đô Huế; Phố cổ Hội An; Di tích Chăm Mỹ Sơn.
- 2 di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn.
- Nhiều di sản văn hoá thế giới phi vật thể: Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (triều Nguyễn); Dân ca Vía, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghệ thuật bài Chòi Trung Bộ.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây