Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề đọc hiểu truyện thơ Nôm SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Rằng: “Sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”
Vương Quan mới dẫn gần xa:
“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi(1).
Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài cửa, hiếm gì yến anh.
Phận hồng nhan có mong manh(2),
Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương(3).
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
Thuyền tình(4) vừa ghé tới nơi,
Thì đà trâm gãy, bình rơi(5) bao giờ.
Buồng không lạnh ngắt như tờ,
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
Đã không duyên trước chăng mà,
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
Sắm sanh nếp tử(6) xe châu(7),
Vùi nông một nấm(8), mặc dầu cỏ hoa.
Trải bao thỏ lặn, ác tà(9),
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!"
Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa(10):
"Đau đớn thay, phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Chú thích:
(1) Ca nhi: Gái hát, cũng như ta nói ả đào.
(2) Phận hồng nhan có mong manh: Ý nói số phận mong manh của người con gái đẹp.
(3) Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương: Ý nói đang giữa tuổi xuân thì người đẹp chết.
(4) Thuyền tình: Người khách viễn phương đến tìm Đạm Tiên.
(5) Trâm gãy, bình rơi: Ý nói người đã chết, lấy ý tứ từ câu thơ Đường: Nhất phiến tình chu phương đáo ngạn / Bình trâm hoa chiết dĩ đa thì (Một lá thuyền tình vừa tới bến / Bình rơi hoa gãy đã từ lâu).
(6) Nếp tử: Áo quan làm bằng gỗ tử.
(7) Xe châu: Linh xa có treo rèm châu, ý nói linh xa lịch sự sang trọng.
(8) Vùi nông một nấm: Ý chỉ một nấm mồ thấp, sát mặt đất.
(9) Thỏ lặn, ác tà: Thỏ đại diện cho Mặt Trăng, ác là con quạ, cùng nghĩa với chữ "ô", chỉ Mặt Trời.
(10) Châu sa: Ý chỉ nước mắt rơi xuống. Sách xưa chép rằng: Xưa có giống người ở giữa biển gọi là Giao nhân – một thứ cá hình người. Giống người này khóc thì nước mắt đọng lại, kết thành hạt ngọc.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Chỉ ra một điển tích, điển cố được sử dụng trong văn bản.
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ sau:
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Câu 4. Nhận xét về hệ thống từ láy được tác giả sử dụng trong văn bản.
Câu 5. Trước hoàn cảnh của Đạm Tiên, Thúy Kiều đã có tâm trạng, cảm xúc gì? Điều này cho thấy Thúy Kiều là người con gái như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ: Lục bát.
Câu 2. (0.5 điểm)
Điển tích, điển cố: trâm gãy, bình rơi hoặc châu sa.
Câu 3. (1.0 điểm)
– HS chỉ ra được biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ: Đảo ngữ.
– HS phân tích tác dụng: Tác giả đã đảo các từ láy tượng hình sè sè, dàu dàu lên đầu mỗi dòng thơ nhằm nhấn mạnh trạng thái của sự vật được nói đến (độ thấp của nấm mồ Đạm Tiên; độ kém sắc, héo úa của ngọn cỏ).
Câu 4. (1.0 điểm)
– HS chỉ ra các từ láy được tác giả sử dụng trong văn bản: Sè sè, dàu dàu, xôn xao, mong manh, đầm đầm.
– HS phân tích tác dụng của hệ thống từ láy: Việc sử dụng nhiều từ láy (cả từ láy tượng hình và tượng thanh) có tác dụng khắc họa chân thực, sinh động những đối tượng, sự việc được khắc họa trong văn bản; đồng thời tạo âm hưởng nhịp nhàng, dễ nhớ cho văn bản.
Câu 5. (1.0 điểm)
– HS chỉ ra được tâm trạng, cảm xúc của nàng Kiều trước hoàn cảnh của Đạm Tiên: Đau lòng, xót thương cho số phận của Đạm Tiên.
– HS nhận xét về nhân vật Thúy Kiều: Nàng là người con gái nhân hậu. Trước hoàn cảnh của Đạm Tiên, nàng không chỉ đồng cảm với cảnh ảm đạm, lạnh lẽo nhang khói của nấm mồ Đạm Tiên khi không người thăm nom, săn sóc; mà nàng còn khóc thương cho thân phận những người phụ nữ tài hoa, bạc mệnh trong xã hội của nàng.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Lầu xanh mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người.
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, 1991)
Vị trí đoạn trích: Khi Mã Giám Sinh đưa Kiều đến nhà chứa của Tú Bà, Kiều đã quyết liệt chống lại âm mưu biến nàng thành kĩ nữ, nhưng cuối cùng nàng đã rơi vào bẫy của Tú Bà và buộc phải ra tiếp khách. Đoạn trích trên diễn tả tình cảnh trớ trêu mà Kiều đã gặp phải và nỗi niềm thương thân xót phận của Kiều.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra phép đối được sử dụng trong hai dòng thơ sau:
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
Câu 3. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của cách ngắt nhịp trong dòng thơ "Giật mình, mình lại thương mình xót xa".
Câu 4. Nêu cách hiểu của em về hai dòng thơ sau.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Câu 5. Tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích có ý nghĩa mới mẻ như thế nào đối với văn học trung đại?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Nhân vật trữ tình: Thúy Kiều.
Câu 2. (0.5 điểm)
Hai phép tiểu đối:
- Lá gió/ cành chim.
- Sớm đưa Tống Ngọc/ tối tìm Trường Khanh.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Cách ngắt nhịp: 2/1/3/2 (Giật mình/, mình/ lại thương mình/ xót xa).
- Tác dụng:
+ Nhịp thơ thay đổi chậm lại so với các dòng thơ trước, trở thành khoảng lặng diễn tả nỗi cô đơn tê tái; khoảnh khắc đối thoại với chính mình với sự tự ý thức phẩm giá của nàng Kiều.
+ Tạo nhịp điệu cho đoạn thơ, gây ấn tượng cho người đọc.
Câu 4. (1.0 điểm)
Hai dòng thơ đưa đến khái quát mang tính triết lí về mối quan hệ giữa cảnh và tình: có sự tương đồng giữa ngoại cảnh và tâm cảnh, cho thấy nỗi sầu từ lòng người như lan tỏa sang cả cảnh vật.
Câu 5. (1.0 điểm)
HS có thể diễn giải theo 2 ý sau:
- Tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích là “nỗi thương mình”: Kiều ý thức rất rõ về cảnh ngộ, nỗi cô đơn tận cùng khi phải sống trong lầu xanh nhơ nhớp. Trong hoàn cảnh ê chề, Thuý Kiều đã có ý thức về nhân phẩm, giá trị nhân cách bản thân, ý thức về quyền sống của mình.
- Ý nghĩa: Nỗi thương mình của Thúy Kiều trong đoạn trích đã phản ánh sự thức tỉnh về quyền sống của cá nhân con người. Con người đã ý thức về phẩm giá, nhân cách của bản thân mình, đòi quyền sống của cá nhân - đây là một trong những biểu hiện mới mẻ của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Nghe lời khuyên nhủ thong dong,
Đành lòng Sinh mới quyết lòng hồi trang(1).
Rạng ra gửi đến xuân đường(2),
Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia(3).
Tiễn đưa một chén quan hà(4),
Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình(5).
Sông Tần(6) một dải xanh xanh,
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan(7).
Cầm tay dài ngắn thở than,
Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời.
Nàng rằng: "Non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
Dễ lòa yếm thắm, trôn kim,
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng(8)!
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng(9),
Đến nhà, trước liệu nói sòng(10) cho minh.
Dù khi sóng gió bất bình,
Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.
Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,
Lại mang những việc tày trời đến sau.
Thương nhau xin nhớ lời nhau,
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy!
Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
Chén mừng xin đợi bữa này năm sau!"
Người lên ngựa, kẻ chia bào(11),
Rừng phong(12), thu đã nhuốm màu quan san(13).
Dặm hồng(14) bụi cuốn chinh an(15),
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
(Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002, trang 120 - 122)
Vị trí đoạn trích: Sau khi thành thân, Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về gặp Hoạn Thư - vợ cả, để trình bày về việc chàng đã cưới vợ lẽ. Đoạn trích trên tái hiện khung cảnh tiễn biệt giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều.
Chú thích:
(1) Hồi trang: Về quê.
(2) Xuân đường: Người cha.
(3) Ninh gia: Về thăm nhà.
(4) Chén quan hà: Chén rượu tiễn biệt.
(5) Xuân đình: Nơi sum họp, vui vẻ. Cao đình: Nơi từ biệt nhau (xuất phát từ câu thơ cổ: Cao đình tương biệt xứ, nghĩa là chỗ từ biệt nhau ở cao đình).
(6) Sông Tần: Sông ở đất Tần Xuyên, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
(7) Dương Quan: Tên một cửa ải ở biên giới tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc.
(8) Dễ lòa ... khó lòng: Việc Thúc Sinh lấy Thúy Kiều làm vợ lẽ không thể nào giấu kín được.
(9) Đèo bòng: Vương vít tình duyên.
(10) Nói sòng: Nói thẳng, không quanh co, giấu giếm.
(11) Chia bào: Thường khi li biệt người ta hay nắm lấy áo nhau, thể hiện tình cảm quyến luyến.
(12) Phong: Một loại cây, đến mùa thu thì sắc lá hóa đỏ.
(13) Quan san: Quan ải, núi non, thường chỉ sự xa xôi, cách trở.
(14) Dặm hồng: Dặm đường đi giữa bụi hồng.
(15) Chinh an: Việc đi đường xa.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Văn bản thuộc thể loại nào?
Câu 3. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ sau:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Câu 4. Cảm hứng chủ đạo trong văn bản là gì? Từ đó, em hãy đề xuất một nhan đề cho văn bản này.
Câu 5. Thúy Kiều đã dặn dò với Thúc Sinh những gì? Những lời dặn dò đó cho thấy Thúy Kiều là người phụ nữ như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ: Lục bát.
Câu 2. (0.5 điểm)
Thể loại: Truyện thơ Nôm bác học.
Câu 3. (1.0 điểm)
- HS chỉ ra được một biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ: Phép đối, câu hỏi tu từ hoặc ẩn dụ.
- HS phân tích được tác dụng của một biện pháp tu từ:
+ Phép đối: Được sử dụng trong dòng thơ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường, có tác dụng nhấn mạnh sự chia lìa của Thúy Kiều và Thúc Sinh.
+ Câu hỏi tu từ: Vầng trăng ai xẻ làm đôi? có tác dụng bộc lộ nỗi niềm cay đắng, xót xa vì tình duyên bị chia cắt.
+ Ẩn dụ: Vầng trăng (đại diện cho hạnh phúc trọn vẹn) có tác dụng làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho dòng thơ.
Câu 4. (1.0 điểm)
- HS nêu được cảm hứng chủ đạo của văn bản: Sự đồng cảm, xót thương trước khát vọng hạnh phúc nhỏ nhoi mà mong manh, bấp bênh, nhiều bất trắc của nàng Kiều.
- HS dựa vào nội dung và cảm hứng chủ đạo trong văn bản để đề xuất một nhan đề cho văn bản, sao cho nhan đề ấy thể hiện được nội dung, cảm hứng chủ đạo của văn bản. Gợi ý một số nhan đề: Vầng trăng ai xẻ làm đôi?, Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều, Đôi ngả tình duyên,...
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS chỉ ra được một cách tường minh những gì nàng Kiều dặn dò Thúc Sinh khi về thăm nhà: Thúy Kiều chủ động dặn Thúc Sinh hãy tỏ rõ sự thật với Hoạn Thư, chứ không nên quanh co, giấu ngược giấu xuôi để dẫn đến những chuyện không hay về sau.
- HS nhận xét về nhân vật Thúy Kiều:
+ Việc Thúy Kiều chủ động khuyên Thúc Sinh về thăm nhà và bày tỏ sự tình với vợ cả cho thấy Thúy Kiều là người thấu tình đạt lí, rất đồng cảm với Hoạn Thư khi ở trong tình huống chồng âm thầm, giấu giếm cưới vợ lẽ ở bên ngoài.
+ Hơn nữa, việc nàng Kiều khuyên Thúc Sinh hãy bày tỏ một cách thật lòng, không giấu giếm sự tình cho thấy Thúy Kiều là người đàng hoàng, trọng lễ nghĩa, muốn mọi việc được rõ ràng, minh bạch, không muốn lừa dối người khác.