Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề đọc hiểu thơ tự do SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
(1) Tháng tám mùa thu
lá khởi vàng em nhỉ
Từ độ người đi
thương nhớ âm thầm
(2) Chiều vào thu nghe lời ru gió
Nắng vàng lơ lửng ngoài hiên
Mắt nai đen mùa thu Hà Nội
Nghe lòng ấm lại tuổi phong sương
(3) May mà có em cho đường phố vui
May còn chút em trang sức sông Hồng
Một sáng vào thu bềnh bồng hương cốm
Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng
(4) Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá ướt và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát
Lững thững Hồ Tây một dáng Kiều
Có phải em mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau níu bóng quay về.
(Trích Có phải em mùa thu Hà Nội, Tô Như Châu, Có phải em mùa thu Hà Nội, NXB Đà Nẵng, 1998)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Xác định một hình ảnh miêu tả mùa thu trong khổ thơ (1).
Câu 3. Trình bày hiệu quả của câu hỏi tu từ “Có phải em mùa thu Hà Nội” trong khổ thơ thứ (4).
Câu 4. Nêu những cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện trong đoạn trích.
Câu 5. Từ tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho mùa thu Hà Nội, anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc lan tỏa vẻ đẹp của quê hương, đất nước trong xu thế hội nhập.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
- Thể thơ: Tự do.
- Dấu hiệu: Số chữ trong các dòng thơ không bằng nhau.
Câu 2. (0.5 điểm)
Hình ảnh miêu tả mùa thu trong khổ thơ (1): Lá khởi vàng.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Tạo giọng điệu tâm tình thiết tha, sâu lắng. Sự lặp lại của câu hỏi “Có phải em mùa thu Hà Nội” tạo nên âm hưởng trầm lắng, bâng khuâng, đó cũng là cách để bộc lộ những cảm xúc sâu kín của nhân vật trữ tình, một sự ngập ngừng và thổn thức khi nhắc đến Hà Nội trong dáng vẻ dịu dàng của mùa thu.
- Câu hỏi "Có phải em mùa thu Hà Nội" gợi lên hình ảnh của một người con gái, mà còn hóa thân người ấy thành chính mùa thu - biểu tượng của vẻ đẹp trữ tình và dịu dàng của Hà Nội. Qua đó, tác giả bày tỏ sự say mê và niềm hoài niệm tha thiết về thành phố ngàn năm văn hiến, về nét thanh tao, quyến rũ của mùa thu Hà Nội.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Cảm xúc của nhân vật trữ tình phảng phất nỗi buồn, khắc khoải khi nhắc đến “em” và mùa thu Hà Nội. Điệp ngữ “Có phải em mùa thu Hà Nội” như một tiếng gọi da diết, nửa như để hỏi, nửa như để khẳng định. Đó là sự tìm kiếm trong ký ức, một bóng hình quen thuộc đã hòa quyện với mùa thu dịu dàng của đất trời Hà Nội, làm lòng người xao xuyến khôn nguôi.
+ Niềm vui, niềm hân hoan và hi vọng. “Thôi thì có em đời ta hy vọng” - câu thơ như một lời khẳng định, một niềm tin khi sự hiện diện của “em” làm rạng ngời mọi ngõ ngách tâm hồn, thắp sáng những ngày tháng vốn có thể đã trôi qua trong lặng lẽ “cho đường phố vui”.
Câu 5. (1.0 điểm)
- Giữa dòng chảy nhanh của hội nhập và hiện đại hóa, mỗi người trẻ cần làm cầu nối, mang những giá trị văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, mỗi bạn trẻ đều có thể trở thành một “Đại sứ văn hóa”.
- Đồng thời, việc lan tỏa vẻ đẹp ấy đòi hỏi thế hệ trẻ không ngừng sáng tạo, phát triển cách thể hiện mới mẻ mà vẫn giữ hồn cốt dân tộc. Từ những bài thơ, bức tranh, đến các sản phẩm công nghệ mang dấu ấn quê hương, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ làm nên sức hút đặc biệt.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Mùa cỏ nở hoa
Con yêu ơi!
Nếu mẹ là cánh đồng
Con là cỏ nở hoa trong lòng mẹ
Dẫu chẳng đủ rộng dài như sông bể
Vẫn chứa chan ngày nắng dưới mặt trời
Khi đêm về hứng muôn ánh sao rơi
Sương lấp lánh đọng trong ngần mỗi sớm
Cỏ yêu nhé cứ hồn nhiên mà lớn
Phủ xanh non lên đất mẹ hiền hòa
Rồi một ngày cỏ nở thắm muôn hoa
Cánh đồng mẹ rộn ràng cùng gió mát
Cỏ thơm thảo tỏa hương đồng bát ngát
Và rì rào cỏ hát khúc mùa xuân
Những mạch ngầm trong đất mãi trào dâng
Dòng nước mát ngọt ngào nuôi dưỡng cỏ
Niềm hạnh phúc giản đơn và bé nhỏ
Được bên con mãi mãi đến vô cùng.
(Hồng Vũ, Văn học và tuổi trẻ số tháng 3 năm 2019, trang 44)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?
Câu 3. Chỉ rõ biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng của nó.
Cỏ thơm thảo tỏa hương đồng bát ngát
Và rì rào cỏ hát khúc mùa xuân
Câu 4. Ghi lại một vài hình ảnh thể hiện tình cảm của mẹ dành con trong bài thơ. Nhận xét về giá trị biểu đạt của các hình ảnh đó.
Câu 5. Bài thơ "Mùa cỏ nở hoa" đã ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng. Trong vai trò là một người con, chúng ta cần làm gì để vun đắp tình cảm tốt đẹp ấy?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ: Tự do.
Câu 2. (0.5 điểm)
Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người mẹ.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Biện pháp tu từ nhân hóa.
- Tác dụng:
+ Giúp hình ảnh cỏ sinh động, gần gũi, giống như con người say sưa hát, có tâm hồn yêu đời.
+ Góp phần bộc lộ niềm say mê của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Những hình ảnh thể hiện tình cảm của mẹ dành con:
+ Mẹ là cánh đồng thì con là cỏ nở hoa trong lòng mẹ.
+ Cỏ yêu cứ hồn nhiên mà lớn/ Phủ xanh non lên đất mẹ hiền hòa.
+ Cánh đồng mẹ rộn ràng gió mát khi cỏ nở thắm muôn hoa.
+ Những mạch ngầm trong đất trào dâng để nuôi dưỡng cỏ.
+ Niềm hạnh phúc của mẹ là bên con mãi mãi.
- Giá trị biểu đạt của các hình ảnh:
+ Thể hiện tình cảm yêu thương, sự che chở, nuôi dưỡng, chăm sóc của mẹ dành cho con. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng.
+ Khơi gợi trong lòng người đọc những nhận thức về tình mẫu tử cao đẹp, cảm xúc yêu thương, kính trọng, biết ơn mẹ.
Câu 5. (1.0 điểm)
- Học sinh nêu được ít nhất 2 việc cần làm để vun đắp tình mẫu tử.
- Học sinh có thể triển khai thành đoạn văn, nhưng cần đáp ứng đúng yêu cầu về hình thức của đoạn.
- Gợi ý: Cần có những hành động cụ thể thể hiện sự yêu thương, kính trọng mẹ: giúp đỡ mẹ trong công việc nhà; chăm ngoan, học giỏi để mẹ yên lòng; biết lắng nghe, san sẻ cùng mẹ;...
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu
Chúng tôi chẳng còn nhớ nữa
Chúng tôi nghỉ ven đường ra mặt trận
Tiếng dế kêu trong cỏ bơ phờ
Cuối trời dong lên một mảnh trăng đầu tháng
Và bắt đầu tiếng gió thổi tìm cây
Và bắt đầu chúng tôi nhớ làng quê
Con đường nhỏ chạy mòn cùng kỷ niệm
Tiếng chó thức vọng về từ ngõ vắng
Bông hoa đèn khe khẽ nở trong mơ
Làng quê ơi
Chúng tôi đã sinh ra
Sau những cơn đau của mẹ
Chúng tôi khóc chào đời
Và mặt trời đến đón
Hoa nắng xòe trước cửa mẹ đi ra
Chúng tôi lớn ào lên như ngọn gió
Như con sông chảy qua làng mùa mưa
Mặt trời đến với chúng tôi
Mưa gió đến với chúng tôi
Người lớn đến với chúng tôi
Và tất cả
Chúng tôi hét vang lên vì hạnh phúc
Chiếc vành nón lăn tưởng chạm đến chân trời.
(Trích Làng quê, Nguyễn Quang Thiều, Những người lính của làng, NXB Quân đội nhân dân, 1996, tr.3 - 4)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra những hình ảnh của làng quê qua nỗi nhớ của nhân vật trữ tình trong khổ thơ thứ hai của đoạn trích.
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp lặp cấu trúc trong đoạn thơ:
Mặt trời đến với chúng tôi
Mưa gió đến với chúng tôi
Người lớn đến với chúng tôi
Và tất cả
Chúng tôi hét vang lên vì hạnh phúc.
Câu 4. Nhận xét tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho làng quê được thể hiện trong đoạn trích.
Câu 5. Từ suy ngẫm của tác giả "Chiếc vành nón lăn tưởng chạm đến chân trời", anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ về của khát vọng của con người trong cuộc sống.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
- Thể thơ: Tự do.
- Dấu hiệu: Số chữ trong các dòng thơ không bằng nhau.
Câu 2. (0.5 điểm)
Những hình ảnh của làng quê qua nỗi nhớ của nhân vật trữ tình trong khổ thơ thứ hai của đoạn trích: Con đường nhỏ, tiếng chó thức, ngõ vắng, bông hoa đèn.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Biện pháp lặp cấu trúc “... đến với chúng tôi”.
- Tác dụng:
+ Khắc họa tuổi thơ giản dị nhưng hạnh phúc và đủ đầy, được nuôi dưỡng bởi cả thiên nhiên và con người.
+ Nhấn mạnh dòng chảy của những cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn nhân vật trữ tình - một niềm hạnh phúc ngập tràn và niềm tự hào mãnh liệt.
+ Tạo nhịp điệu đều đặn, dồn dập, hân hoan. Nhịp thơ lặp đi lặp lại như một khúc ca vui vẻ, hứng khởi, làm toát lên niềm hạnh phúc giản dị nhưng lớn lao khi được sống trong tình yêu thương, trong sự bao bọc của quê hương và cuộc đời.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Tình yêu quê hương sâu sắc, gắn bó. Nhân vật trữ tình nhớ về làng quê bằng nỗi nhớ da diết, chân thành, ngay cả khi đang nghỉ chân trên hành trình ra trận. Những hình ảnh bình dị như "con đường nhỏ chạy mòn", "tiếng chó thức vọng về" gợi lên miền quê yên bình, thấm đẫm ký ức tuổi thơ. Tình yêu quê hương ở đây không chỉ là nỗi nhớ, mà còn là sự gắn bó máu thịt, khắc sâu trong tâm hồn nhân vật.
- Sự trân trọng, biết ơn, tự hào đối với quê hương. Làng quê hiện lên không chỉ là nơi “chúng tôi đã sinh ra” mà còn là cội nguồn của sự sống và yêu thương. Những cơn đau của mẹ, ánh mặt trời đón chào, hoa nắng nở trên ngõ… Từng chi tiết đều được nhắc đến với sự trân trọng sâu sắc.
Câu 5. (1.0 điểm)
- Học sinh trình bày theo quan điểm, suy nghĩ của bản thân.
- Gợi ý:
+ Hình ảnh “Chiếc vành nón lăn tưởng chạm đến chân trời” gợi nên niềm vui của tuổi thơ, đồng thời cũng mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc cho khát khao vươn xa, vượt khỏi những giới hạn hữu hình của con người. Qua hình ảnh ấy, tác giả không chỉ khơi gợi những ký ức tuổi thơ mà còn tôn vinh khát vọng sống mãnh liệt, bền bỉ luôn ẩn sâu trong mỗi con người.
+ Khát vọng chính là động lực sống mạnh mẽ, là ngọn lửa soi sáng hành trình đi đến tương lai. Con người, dù lớn hay bé, đều cần có ước mơ để hướng đến, như chiếc vành nón dù nhỏ bé vẫn lăn mãi về phía chân trời xa xôi. Khát vọng giúp ta vượt qua những giới hạn của hoàn cảnh, thắp sáng hy vọng trong những giai đoạn khó khăn nhất.
+ Khát vọng là biểu hiện cao nhất của niềm tin vào tương lai. Nó khiến cuộc sống trở nên phong phú và có ý nghĩa hơn, bởi không có khát vọng, con người dễ rơi vào sự tầm thường và lạc lối.