Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bộ Cánh Diều SVIP
NGÔN NGỮ NÓI VÀ NGÔN NGỮ VIẾT
A. Lý thuyết
1. Ngôn ngữ nói
- Đặc điểm:
+ Đa dạng về ngữ điệu (gấp gáp, chậm rãi, to, nhỏ;...), góp phần thể hiện trực tiếp tình cảm, thái độ của người nói.
+ Có người nói và người nghe; người nói và người nghe có thể đổi vai cho nhau. Khi đối thoại cần chú ý cân nhắc sử dụng từ ngữ, cách nói, thái độ sao cho thuyết phục, lịch sự; người nghe cần tập trung chú ý để hiểu đúng và đầy đủ ý kiến của người nói.
+ Ngôn ngữ nói thường sử dụng những từ giản dị, dễ hiểu, từ địa phương, tiếng lóng, từ ngữ chêm xen, đưa đẩy, những từ biểu cảm như trợ từ, thán từ.
+ Thường sử dụng cả câu tỉnh lược để lời nói ngắn gọn hay câu có yếu tố dư thừa, trùng lặp (do người nói vừa nghĩ vừa nói, không có điều kiện gọt giũa hoặc do người nói muốn lặp lại để giúp người nghe có thời gian lĩnh hội thấu đáo nội dung giao tiếp).
+ Kết hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ như: nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,...
- Lưu ý:
+ Nói và đọc (thành tiếng) một văn bản là khác nhau. Đọc (thành tiếng) bị lệ thuộc vào văn bản viết. Dù vậy, người đọc vẫn có thể tận dụng những ưu thế của ngôn ngữ nói như ngữ điệu, các phương tiện phi ngôn ngữ để làm cho phần đọc diễn cảm hơn.
+ Ngôn ngữ nói có thể được ghi lại bằng chữ viết, chẳng hạn như đoạn đối thoại của các nhân vật trong văn bản truyện, cuộc phỏng vấn trong một bài báo,...
2. Ngôn ngữ viết
- Đặc điểm:
+ Được thể hiện bằng chữ viết, hệ thống dấu câu, các kí hiệu văn tự.
+ Ngôn ngữ viết thường là ngôn ngữ được trau chuốt, hoàn chỉnh. Vì người viết và người đọc không thể ngay lập tức đổi vai cho nhau nên người viết cần lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt sao cho người đọc hiểu đúng và hiểu đầy đủ điều mình muốn nói. Ngôn ngữ viết ít sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt, các yếu tố chêm xen dư thừa.
+ Khi đọc, người đọc có điều kiện suy ngẫm, phân tích kĩ lưỡng.
- Lưu ý: Trong thực tế sử dụng, ngôn ngữ viết có thể được trình bày lại bằng lời nói, chẳng hạn như trường hợp thuyết trình một vấn đề đã chuẩn bị, trình bày bài phát biểu đã soạn trước,... Trong các trường hợp này, lời nói tận dụng được những ưu thế của ngôn ngữ viết đồng thời vẫn có sự phối hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ để làm tăng hiệu quả biểu đạt.
BỘ CÁNH DIỀU (Phần 1)
Bài 1. Phân tích những đặc điểm của ngôn ngữ nói được ghi lại trong đoạn trích sau:
Bây giờ, cụ mới lại gần hắn khẽ lay mà gọi:
- Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?
Chí Phèo lim dim mắt, rên lên:
- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.
Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm; người ta bảo cụ hơn người cũng bởi cái cười:
- Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì anh mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngóe đâu? Lại say rồi phải không?
Rồi, đổi giọng cụ thân mật hỏi:
- Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.
(Nam Cao)
Bài làm
- Tình huống giao tiếp thường ngày: Chí Phèo sau khi ra tù đến nhà bá Kiến ăn vạ.
- Ngôn ngữ đối thoại, có người nói và người nghe: Bá Kiến với Chí Phèo.
- Sử dụng nhiều ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ: lim dim mắt; rên lên; thân mật hỏi
- Sử dụng lớp từ mang tính khẩu ngữ, từ ngữ dễ hiểu, biểu cảm, từ đưa đẩy, từ địa phương: anh Chí ơi!; tao - bố con nhà mày; đấy thôi; chưa biết chừng; ai làm gì mà; con ngoé; khổ quá!
- Sử dụng nhiều câu tỉnh lược: Lại say rồi phải không?; Về bao giờ thế?
Bài 2. Phân tích những đặc điểm của ngôn ngữ viết được thể hiện trong đoạn trích sau:
Cái trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác trong năm thì phải: sáng nhưng không sáng lộng lẫy như trăng sáng mùa thu, đẹp nhưng không đẹp một cách úa héo như trăng tháng Một. Cái đẹp của trăng tháng Giêng là cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng, vén màn hoa ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỉ, mặc dầu không có ai thấy để đoán biết tâm sự mình, nhưng cứ thẹn bâng khuâng, thẹn với chính mình. Ánh trăng lúc ấy không vàng mà trắng như sữa, trong như nước ôn tuyền. Đi vào giữa ánh sáng mơ hồ ấy, mình cảm như thấy mình bay trong không gian vô bờ bến.
(Vũ Bằng)
Bài làm
- Được thể hiện bằng chữ viết.
- Ngôn ngữ độc thoại chỉ có người người viết; người đọc vắng mặt trong văn bản.
- Sử dụng các biện pháp nghệ thuật, từ ngữ chọn lọc, phù hợp với thể loại và đề tài, chủ đề của tác phẩm:
+ Cái trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác trong năm thì phải: sáng nhưng không sáng lộng lẫy như trăng sáng mùa thu, đẹp nhưng không đẹp một cách úa héo như trăng tháng Một.
+ Cái đẹp của trăng tháng Giêng là cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng, vén màn hoa ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỉ, mặc dầu không có ai thấy để đoán biết tâm sự mình, nhưng cứ thẹn bâng khuâng, thẹn với chính mình.
- Không sử dụng câu rút gọn, câu đặc biệt, câu cảm thán. Các câu tuy dài nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ.
- Không sử dụng ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ khi giao tiếp hay đối thoại.
Bài 3. Hãy phân tích sự khác nhau về tình huống giao tiếp và cách sử dụng từ ngữ của ngôn ngữ nói trong hai đoạn trích sau. Cách sử dụng từ ngữ xưng hô của các nhân vật trong các đoạn trích cho biết điều gì?
a.
- Chí Phèo đấy hở? Lè bè vừa vừa chứ, tôi không phải là cái kho.
Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:
- Cầm lấy mà cút, đi đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?
Hắn trợn mắt, chỉ vào mặt cụ:
- Tao không đến đây xin năm hào.
Thấy hắn toan làm dữ, cụ đành dịu giọng:
- Thôi, cầm lấy vậy, tôi không còn hơn.
Hắn vênh cái mặt lên, rất là kiêu ngạo:
- Tao đã bảo tao không đòi tiền.
- Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế thì anh cần gì?
Hắn dõng dạc:
- Tao muốn làm người lương thiện.
Bá Kiến cười ha hả:
- Ô tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.
Hắn lắc đầu:
- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách…biết không!...Chỉ còn một cách là…cái này! Biết không!...
(Nam Cao)
Bài làm
- Sử dụng nhiều lớp từ khẩu ngữ, nhiều câu rút gọn, câu cảm thán: Cầm lấy mà cút, đi đi cho rảnh.; Giỏi!; Ô tưởng gì!
- Cách xưng hô không cân xứng về vị thế giao tiếp, thiếu tính chuẩn mực:
+ Bá Kiến: tôi - anh
+ Chí Phèo: tao
- Tình huống giao tiếp là cuộc đối thoại căng thẳng, dễ gây xung đột bằng những cử chỉ, thái độ,
+ Từ ngữ đối thoại tiêu cực: cút; đi đi cho rảnh; cứ báo người ta mãi à?; tao đã bảo
+ Cử chỉ, điệu bộ: trợn mắt; vênh cái mặt lên; kiêu ngạo; cười ha hả; lắc đầu
b.
- Dạ bẩm, thế ra y văn võ đều có tài cả. Chà chà!
- Ờ cũng gần như vậy. Sao thầy lại chặc lưỡi?
- Tôi thấy những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm. Dạ bẩm, giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc.
(Nguyễn Tuân)
Bài làm
- Sử dụng từ khẩu ngữ tình thái: chà chà, lắm
- Ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ: chặc lưỡi
- Cách xưng hô thứ bậc trên dưới rõ ràng về vị thế giao tiếp, có tính chuẩn mực: Dạ bẩm; thầy - tôi
- Tình huống giao tiếp là cuộc đối thoại trang nhã, lịch sự, tích cực.
Bài 4. Những câu sau đây được trích từ bài viết về tác phẩm Chí Phèo của một học sinh. Hãy xác định và sửa lỗi trong các câu văn này.
a. Thì Chí Phèo là nhân vật mà tác giả Nam Cao muốn gửi đến cho độc giả nhiều thông điệp về bức tranh xã hội coi như là tiêu cực thời bấy giờ.
b. Chí Phèo là một tác phẩm rất chất đã làm cho độc giả thích cực kì luôn!
c. Thị Nở tuy bề ngoài nhìn xấu xí như vậy nhưng bên trong vẫn toát lên phẩm chất của một người phụ nữ giàu tình yêu thương cực kì.
Bài làm
BỘ CÁNH DIỀU (Phần 2)
Bài 1. Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ nói được thể hiện trong đoạn kịch “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” (từ “Hồn Trương Ba: Ta… ta… đã bảo mày im đi!” đến “Hồn Trương Ba: (như tuyệt vọng) Trời!” ở các trang 104 – 105).
Bài làm
- Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Xác Hàng Thịt.
- Sử dụng nhiều ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ: bịt tai lại; lắc đầu
- Sử dụng nhiều từ ngữ khẩu ngữ, biểu cảm: rõ là; ta – mày; cứ việc; ha… ha!; nhưng… nhưng…; tóe máu mồm máu mũi; hà hà; miễn là
- Sử dụng nhiều câu rút gọn: Không!; Nực cười thật!; Chiều chuộng?; Chứ sao?; Trời!
Bài 2. Nhận xét về những đặc điểm của ngôn ngữ viết trong các đoạn văn sau:
a. Trong mười năm ấy, thơ mới đã tranh đấu gắt gao với thơ cũ, một bên giành quyền sống, một bên giữ quyền sống. Cuộc tranh đấu kéo dài cho đến ngày thơ mới toàn thắng. Trong sự thắng lợi ấy, cũng có công những người tả xung hữu đột nơi chiến trường, nhưng trước hết là công những nhà thơ mới. Tôi không so sánh các nhà thơ mới với Nguyễn Du để xem ai hơn ai kém. Đời xưa có thể có những bậc kì tài đời này không sánh kịp. Đừng lấy một người sánh với một người. Hãy sánh thời đại cùng thời đại. Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có thời đại phong phủ như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.
(Hoài Thanh)
Bài làm
- Sử dụng phương tiện biểu đạt là chữ viết.
- Ngôn ngữ độc thoại chỉ có người viết, người đọc vắng mặt trên văn bản.
- Không sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ.
- Không sử dụng câu rút gọn, câu đặc biệt, câu cảm thán.
- Các câu văn dài nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ.
- Sử dụng nhiều từ ngữ trau chuốt, giàu hình tượng, mang phong cách ngôn ngữ phê bình văn chương: tả xung hữu đột; thơ cũ; thơ mới; thi ca; hồn thơ; thiết tha, rạo rực, băn khoăn
b. Việc Nguyễn Du sử dụng tiếng mẹ đẻ để viết “Truyện Kiều” được hậu thể đánh giá rất cao. Như con ong hút nhuỵ của muôn loài hoa để làm mật, nghệ sĩ Tố Như đã kết hợp nhuần nhuyễn vốn ngôn ngữ dân gian và vốn ngôn ngữ bác học để tạo nên ngôn ngữ “Truyện Kiều” “như làm bằng ánh sáng vậy” (Nguyễn Đình Thi), “là một viên ngọc quý cơ hồ không có vết, là một tiếng đàn lạ không bao giờ lỡ nhịp, ngưng cung” (Hoài Thanh).
(Hoàng Hữu Yên)
Bài làm
- Sử dụng phương tiện biểu đạt là chữ viết.
- Ngôn ngữ độc thoại chỉ có người viết, người đọc vắng mặt trên văn bản.
- Không sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ.
- Không sử dụng câu rút gọn, câu đặc biệt, câu cảm thán hay những câu có yếu tố chêm xen dư thừa.
- Các câu văn dài nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ.
- Sử dụng nhiều từ ngữ trau chuốt, giàu hình tượng, mang phong cách ngôn ngữ phê bình văn chương: tiếng mẹ đẻ; như con ong hút nhuỵ của muôn loài hoa để làm mật
Bài 3. Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ viết hoặc ngôn ngữ nói thể hiện ở lời của người kể và của các nhân vật trong đoạn văn sau:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hẳn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chi Phèo! Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết...
(Nam Cao)
Hướng dẫn giải
- Cần lưu ý rằng, đoạn trích sử dụng rất nhiều lời trần thuật nửa trực tiếp, lời độc thoại nội tâm; sự giao thoa giữa lời người kể và lời nhân vật rất mạnh mẽ. Vậy nên, trước hết cần xác định lời người kể chuyện và lời của nhân vật, sau đó mới tiến hành phân tích đặc điểm của ngôn ngữ viết hoặc ngôn ngữ nói được thể hiện ở lời của người kể và các nhân vật.
- Xác định lời người kể chuyện: Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại...
- Xác định lời của nhân vật: “Chắc nó trừ mình ra!”; Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!; Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không?; A ha!...
Ví dụ: Phân tích đặc điểm ngôn ngữ nói trong lời nhân vật
- Tình huống hội thoại: Chí Phèo uống rượu và bắt đầu chửi bới.
- Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ: nhủ, tức
- Sử dụng nhiều từ ngữ khẩu ngữ, biểu cảm: chắc; ờ!; (tức) chết đi được mất!; mẹ kiếp!; a ha!
- Sử dụng nhiều câu đặc biệt, câu rút gọn, câu cảm thán: Tức thật!; Ờ!; Tức chết đi được mất!; Mẹ kiếp!
Bài 4. Dựa vào nội dung truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao), hãy viết một đoạn kịch ngắn hoặc một đoạn đối thoại giữa các nhân vật thể hiện được những đặc điểm của ngôn ngữ nói.
Bài làm
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây