Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bình giảng SVIP
Điểm sáng văn chương
BẬC THÁNH NHÂN CỦA TRĂM HỌ
Khác với văn chính sử, văn chính sử là thể văn ghi chép người và việc liên quan đến lịch sử. Nếu văn bình sử đòi hỏi ở người viết sự đánh giá công tâm thì văn chính sử (hay còn gọi là văn viết sử), yêu cầu sự tái hiện khách quan sự thật lịch sử. Để đạt tới tiêu chí khách quan ấy, người viết chính sử không chỉ cần có học vấn uyên thâm mà trong xã hội phong kiến trước đây, để giữ vững khí tiết nói lên sự thật, có khi họ còn phải trả giá bằng mạng sống của mình. Tuy phải tôn trọng nguyên tắc cao nhất vừa nêu, tuy người viết sử phải phụ thuộc vào đối tượng cần ghi chép, nhưng các sử quan đời trước vẫn có quyền lựa chọn. Bài văn nói lên trách nhiệm nặng nề và vinh quang của người chép sử. Trần Quốc Tuấn là một nhân vật kiệt xuất, có công lớn trong sự nghiệp giữ nước triều Trần. Cách chép sử của Ngô Sĩ Liên thật đặc biệt.
Nhân vật lịch sử mà tín ngưỡng dân gian đã tôn vinh là bậc thánh (qua ngòi bút của người viết sử) đã được nhìn nhận một cách toàn diện, cả trực tính và cảm tính. Chân dung ấy chủ yếu là lấp lánh hiện ra từ những hào quang. Có thể đây là một nét đặc biệt đáng kể so với các nhân vật khác trong Đại Việt sử kí toàn thư. Vì sao như thế? Có thể vì tầm vóc lớn lao mà những nét phác họa chi tiết cụ thể rất khó ôm trùm. Tầm vóc ấy không dễ gì nắm bắt. Tuy vậy, qua những trang sử có thể còn khá đơn sơ, ta vẫn thấy nổi bật lên những nét khắc sau đây:
Một tài trí tuyệt vời, một tấm lòng tin dân vô hạn. Là một đại vương cầm quân, cái cần có là tài thao lược, là tầm nhìn xa trông rộng. Từ đó mà chọn ra binh pháp. Có cái "bất biến" và có cái "vạn biến". Có trăm ngàn cách đánh khác nhau. Có cách lấy đoản (binh) chế trường (trận). Giặc ồ ạt kéo đến chưa chắc đã đáng sợ vì chúng chủ quan mà ít đề phòng. Còn nếu chúng ta tiến chậm như cách tằm ăn không cần thắng chóng thì để chống lại, "phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến", đánh giặc như đánh cờ tùy vào thời thế. Toa Đô, Ô Mã Nhi tiến đánh bao vây quân tướng nhà Trần. Nhưng chúng được "thế" mà mất "thời", thì việc chuyển an thành nguy là không thể nào tránh khỏi. Ta có cách của ta vì được cả thời và thế. Nói đến tài trí của Hưng Đạo Đại Vương còn phải kể đến việc trước tác và tiến cử nhân tài. Về trước tác, Ngô Sĩ Liên tuy không bàn sâu mà chỉ nhắc qua "Quốc Tuấn lại từng soạn sách để khích lệ tướng sĩ dưới quyền" nhưng người đọc có thể hình dung ông là một trí thức lớn, tác của của bài Hịch tướng sĩ lừng danh và Binh gia diệu lí yếu lược. Ông đã góp phần tích cực trong việc đào tạo và tiến cử hiền tài như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu,...
Tài trí của Hưng Đạo Đại Vương một phần có lẽ do thiên bẩm, nhưng một phần là do không tách rời tài với đức. Cái đức lớn của Ngài là gắn vua với tôi, gắn quân với dân, nghĩa là gắn quyền lợi của trăm họ muôn nhà làm một. Tư tưởng ấy, mạch cảm hứng tinh thần ấy xuyên suốt tài trí của ông. Chẳng hạn như khi nói về công lao của hai thời Đinh, Lê trước đó. Hưng Đạo Đại Vương không chỉ phủ nhận là họ đã "dùng được người tài giỏi", nhưng cái gốc của tài trí lại là "trên dưới một dạ, lòng dân không lìa". Còn ngay trong thời Trần, quân ta bị bao vây bốn mặt thì sức mạnh từ đâu ra, nếu không có được "vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức". Ngay trong binh pháp đơn thuần: thắng giặc tiến nhanh thì dễ, thắng giặc tiến chậm thì khó hơn nhiều. Cách dùng binh đã đành phải "quyền biến" nhưng quân đội phải chọn lọc, phải có được một quân đội "một lòng như cha con". Niềm tin vào chiến thắng phải như niềm tin vào "mệnh trời". Thế giặc như vậy, ta phải hàng ư? "Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng". Câu trả lời nổi tiếng ấy không dễ gì có được. Trí tuệ ấy làm cho quân giặc phải bạt vía kinh hoàng (chúng thường gọi ông bằng tước hiệu mà không dám đụng đến tên húy của ông). Còn với Hưng Đạo Đại Vương, điều tâm đắc nhất cũng là bí quyết của việc dụng binh giữ yên bờ cõi không có gì sách vở, cao siêu: "Vả lại khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là sách giữ nước vậy".
Là một con người, một cá nhân, Hưng Đạo Đại Vương không phải là không có những phiền muộn riêng tư, những day dứt riêng tư. Giày vò ấy lại đụng chạm đến những khái niệm đạo lí Nho gia cốt tử: trung và hiếu. Lựa chọn thế nào thật khó! Vì sao thần tượng của tướng sĩ một thời (và cũng là muôn đời) phải khóc trước hai kẻ nô gia và Yết Kiêu và Dã Tượng? Phải chăng đó là một quy luật "tức nước vỡ bờ" của sự giằng xé nội tâm? Nói cho thật đúng thì ngay lúc nghe lời trăng trối của cha già, Quốc Tuấn tuy ghi nhận trong lòng nhưng không cho là phải. "Không cho là phải" rồi, nhưng lại cứ phân vân vì thế mới cần phải bộc lộ, giãi bày, chia sẻ. Nghe được lời tâm huyết của hai kẻ gia nô (một thứ thước đo chân lí - lòng người theo cách nghĩ của Hưng Đạo Đại Vương?), những day dứt băn khoăn mới hoàn toàn chấm dứt. Ông đã dứt khoát trong việc lựa chọn. Thoát ra được cái mớ bòng bong, từ thế tắc mà được khai thông, giờ phút đó đối với ông là một hạnh phúc. Việc thăm dò chủ kiến của hai con không còn là để giúp ông lựa chọn nữa mà là thái độ kiên quyết của hành động trên cơ sở được xác lập cái nguyên tắc đã chọn lựa: đặt chữ "trung" lên trên chữ "hiếu". Bởi "loạn thần" là lỗi đạo trung quân, mang trọng tội với nước. Tội ấy đáng phải chém đầu. Nhưng nguồn gốc của nó chẳng qua cũng chỉ vì do hiểu chữ "hiếu" không đúng mức mà thôi. Trừng phạt Quốc Tảng là phải nhưng chưa đến mức chém đầu. Chỉ cần đứa con nông cạn ấy thấm thía thế nào là đạo hiếu của một người chính trực.
Viết về một nhân vật kiệt xuất như Hưng Đạo Đại Vương khó có một cách viết nào sắc sảo hơn ngòi bút của người chép sử vừa có tâm vừa có tài nổi tiếng như Ngô Sĩ Liên.
(Trích cuốn Gợi ý đọc - hiểu và lời bình - Vũ Dương Quỹ, Lê Bảo)
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây