Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài 6: Hành trình đi đến độc lập dân tộc ở Đông Nam Á (phần II) SVIP
3. Thời kì tái thiết và phát triển sau khi giành được độc lập
a) Những ảnh hưởng của chế độ thực dân
- Sau hơn bốn thế kỉ thống trị, thực dân phương Tây đã tạo ra một số thay đổi ở khu vực Đông Nam Á như gắn kết khu vực với thị trường thế giới, du nhập nền sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển một số yếu tố về văn hoá như chữ viết, tôn giáo, giáo dục,... Tuy nhiên, chế độ thực dân đã để lại hậu quả nặng nề đối với các quốc gia Đông Nam Á.
- Về chính trị – xã hội, chính sách “chia để trị” của thực dân phương Tây là một trong những nguyên nhân dẫn tới xung đột sắc tộc, tôn giáo, vùng miền gay gắt, đồng thời gây ra nhiều tranh chấp về biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia trong khu vực.
- Về kinh tế, chế độ thực dân để lại một hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu. Phần lớn các nước trong khu vực bị biến thành nơi cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hoá của phương Tây.
- Về văn hoá, thực dân phương Tây áp đặt nền văn hoá nô dịch, thi hành chính sách ngu dân và hạn chế hoạt động giáo dục đối với nhân dân các nước thuộc địa.
- Tại Việt Nam, hơn 80 năm cai trị của chủ nghĩa thực dân đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Thực dân Pháp chia Việt Nam làm ba kì với ba chế độ chính trị khác nhau, lập ra nhiều xứ tự trị, làm phức tạp các mối quan hệ vùng miền, tôn giáo, tộc người. Chính sách thuế khoá nặng nề và độc quyền nhiều loại hàng hoá, dịch vụ làm cho nền kinh tế Việt Nam què quặt, nghèo nàn, phụ thuộc vào chính quốc.
b) Quá trình tái thiết và phát triển
- Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một số nước Đông Nam Á đã bắt đầu quá trình tái thiết đất nước, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh và các tàn dư của thời kì thuộc địa.
- Từ những năm 60 của thế kỉ XX, nhóm các nước sáng lập ASEAN (Thái Lan, Xin-ga-po, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a) triển khai chính sách công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu với mục tiêu nhanh chóng xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Trong vòng một thập kỉ, các nước này đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa thay thế hàng nhập khẩu, lấy thị trường trong nước làm chỗ dựa để phát triển kinh tế.
- Những năm 70 của thế kỉ XX, nhóm nước sáng lập ASEAN bắt đầu thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng tới xuất khẩu. Chính sách công nghiệp hoá hướng ngoại đã tạo ra bước phát triển mới của kinh tế, xã hội, thay đổi bộ mặt của nhiều nước trong khu vực.
- Đối với ba nước Đông Dương, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đến cuối những năm 80 của thế kỉ XX, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia mới bắt đầu đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng cách từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
- Tại Mi-an-ma, dưới sự cầm quyền của chính phủ quân sự từ những năm 60 của thế kỉ XX, quá trình tái thiết và phát triển đất nước gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2011, một số chính sách cải cách kinh tế, chính trị được tiến hành theo hướng dân chủ hoá, tuy nhiên tình hình Mi-an-ma hiện tại vẫn còn nhiều bất ổn.
- Tại Bru-nây, sau khi tuyên bố độc lập vào ngày 1-1-1984, chính phủ đã thi hành nhiều chính sách nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào nước Anh. Hệ thống luật pháp hiện đại được xác lập. Nền kinh tế độc lập từng bước được phát triển, đặc biệt là ngành chế biến dầu mỏ. GDP bình quân đầu người của Bru-nây năm 2021 đạt 31 723 USD.
- Tại Ti-mo Lét-xtê, sau khi tuyên bố độc lập năm 2002, chính phủ mới đã thị hành nhiều chính sách nhằm ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, xung đột phe nhóm và các cuộc đảo chính quân sự đang gây ra nhiều vấn đề bất ổn cho quốc gia này.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây