Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Tập tính ở động vật SVIP
I. Khái niệm và phân loại tập tính
1. Khái niệm tập tính
- Tập tính là chuỗi các hoạt động của động vật trả lời các kích thích từ môi trường, đảm bảo cho cơ thể động vật tồn tại và phát triển.
Ví dụ: Vào mùa sinh sản (mùa xuân), chim công đực có tập tính xòe rộng bộ lông lộng lẫy và đi theo sau, nhảy múa, thu hút chim công cái. Ngoài ra, khi cần đe dọa kẻ thù, chim công cũng thể hiện phản xạ dựng lông đuôi.
- Vai trò của tập tính:
- Làm tăng khả năng sinh tồn của động vật. Ví dụ: Hươu nai chạy trốn để giữ mạng khi gặp hổ.
- Đảm bảo cho sự thành công sinh sản. Ví dụ: Hươu đực “giao đấu” để chọn ra con khỏe hơn sẽ được giao phối với con cái và sinh ra các con mạnh khỏe hơn, khả năng sống sót cao hơn.
- Cơ chế cân bằng nội môi, duy trì môi trường trong ổn định. Ví dụ: Thằn lằn phơi nắng để thu nhiệt khi thời tiết lạnh.
2. Phân loại tập tính
- Tập tính là kết quả của di truyền và môi trường sống. Dựa vào đặc điểm di truyền của tập tính có thể chia tập tính thành ba loại: Tập tính bẩm sinh, tập tính học được và tập tính hỗn hợp.
Tập tính bẩm sinh | Tập tính học được | Tập tính hỗn hợp | |
Tính di truyền | Có | Không | Có |
Tính cá thể | Không | Có | Có |
Tính ổn định | Ổn định | Không ổn định | Không ổn định |
Cơ chế phản xạ | Phản xạ không điều kiện | Phản xạ có điều kiện | Phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện |
II. Các dạng tập tính phổ biến ở động vật
1. Tập tính kiếm ăn
- Kiếm ăn là một hoạt động đảm bảo cho sự sinh tồn của động vật.
- Tuỳ từng loài động vật mà tập tính kiếm ăn của chúng có thể khác nhau về loại thức ăn, hình thức săn mồi, nơi kiếm ăn, cách ăn mồi.
Ví dụ: Hổ, báo săn mồi đơn độc còn sư tử, chó sói săn mồi theo bầy đàn; chim ruồi vỗ cánh liên tục và dùng mỏ để hút mật hoa, trong khi đại bàng sà xuống từ trên cao và dùng chân để bắt lấy cá; các loài bò sát nuốt chửng con mồi, còn thỏ và chuột ăn bằng cách gặm nhấm.
2. Tập tính bảo vệ lãnh thổ
- Mỗi loài động vật chiếm giữ một khu vực sinh sống nhất định gọi là lãnh thổ. Bảo vệ lãnh thổ chính là bảo vệ nguồn thức ăn, nước uống, nơi ở và nơi sinh sản để không bị xâm phạm bởi các động vật khác.
Các loài động vật có cách thức bảo vệ lãnh thổ rất khác nhau: Báo đốm đen, sơn dương đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu; hươu, chồn đánh dấu lãnh thổ bằng dịch tiết có mùi đặc biệt; sư tử đực, tinh tinh đực chiến đấu để đánh đuổi các con đực lạ ra khỏi lãnh thổ của nó.
3. Tập tính di cư
- Định hướng là yếu tố quan trọng giúp cho động vật có thể di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác đã được định trước.
- Khả năng định hướng thường bị chi phối bởi các yếu tố môi trường.
- Động vật trên cạn định hướng nhờ ánh sáng của Mặt Trời (Mặt Trăng hoặc các ngôi sao), âm thanh, mùi, nhiệt độ, từ trường Trái Đất, địa hình (bờ biển, dãy núi).
- Động vật dưới nước định hướng nhờ hướng của dòng chảy, thành phần hoá học của nước.
Ví dụ: Kền kền có thể phát hiện mùi của thức ăn ở khoảng cách hơn 1 km; dơi có thể phát hiện và đuổi theo con mồi vào ban đêm nhờ các xung động âm thanh; bướm di cư dựa vào ánh sáng mặt trời.
- Vai trò của sự định hướng là giúp cho các loài động vật di cư, đây là một dạng tập tính phức tạp ở một số loài động vật như chim, cá, thú,... Sự di cư thường diễn ra theo mùa, có thể một chiều hoặc hai chiều.
Ví dụ: Vào mùa thu, cá voi xám định hướng bằng cách sử dụng các vật mốc trên đường bờ biển Bắc Mỹ ở bên trái hướng đi để di cư xuống phía nam, còn vào mùa xuân, chúng dựa vào bờ biển bên phải để di cư lên phía bắc; một số loài chim di cư vào ban đêm (như chim sẻ đất) dựa theo hướng của sao Bắc Cực để di cư về phương bắc; vào mùa sinh sản, cá chình di cư theo dòng chảy từ vùng nước ngọt ra biển để đẻ trứng.
4. Tập tính sinh sản
- Phần lớn tập tính sinh sản là tập tính bẩm sinh, mang tính bản năng.
- Tập tính sinh sản gồm một chuỗi các hoạt động diễn ra liên tiếp nhau như khoe mẽ, giao phối, làm tổ, sinh đẻ, chăm sóc và bảo vệ con non.
Ví dụ: Vào cuối mùa xuân, các con ếch đực phát ra tiếng kêu để quyến rũ ếch cái; khi ghép đôi, ếch cái cõng ếch đực trên lưng đi tìm bờ nước để đẻ trứng, ếch đực ôm ngang eo ếch cái, nhờ có chai tay mà ếch đực có thể bám chặt hơn vào cơ thể ếch cái và kích thích ếch cái đẻ trứng, còn ếch đực phía trên tưới tinh trùng để thụ tinh cho trứng; nhện, bọ ngựa có thói quen ăn thịt bạn tình sau khi giao phối, tập tính này xuất hiện ở con cái, nhờ đó con cái có đủ chất dinh dưỡng để sinh sản và nuôi con.
5. Tập tính xã hội
- Tập tính xã hội thể hiện ở các loài động vật sống theo bầy đàn như ong, kiến, mối, sư tử, voi, trâu rừng, hươu, nai,...
- Tập tính xã hội bao gồm nhiều loại, trong đó đáng chú ý là tập tính thứ bậc, tập tính vị tha, tập tính hợp tác,... để đảm bảo trật tự trong bầy đàn cũng như hỗ trợ nhau trong kiếm ăn, săn mồi hoặc chống lại kẻ thù.
- Tập tính thứ bậc được thể hiện ở việc phân chia thứ bậc của các cá thể trong bầy đàn. Ví dụ: Trong đàn sư tử, sư tử đực đầu đàn là con đực to khoẻ và hung dữ nhất; khi săn được mồi, con đực đầu đàn sẽ được ăn trước tiên, tiếp theo lần lượt đến con đực thứ hai, thứ ba,... hoặc sư tử con có thứ bậc cao hơn sẽ được chăm sóc tốt hơn. Như vậy, trong bầy đàn, con đầu đàn sẽ giành quyền ưu tiên hơn về thức ăn và sinh sản.
- Tập tính vị tha được thể hiện ở việc phân chia nhiệm vụ giữa các cá thể nhằm đảm bảo lợi ích sinh tồn của bầy đàn. Ví dụ: Hầu hết các công việc trong xã hội loài ong đều do ong thợ đảm nhận như xây tổ, kiếm ăn, chăm sóc con non, chiến đấu để bảo vệ tổ khi có kẻ xâm phạm.
- Tập tính hợp tác là sự hỗ trợ nhau giữa các cá thể cùng đàn trong việc săn mồi, chống kẻ thù. Ví dụ: Chó sói săn mồi bằng cách cả đàn rượt đuổi theo con mồi, sói đầu đàn vượt lên chặn con mồi để cả đàn về bắt mồi; khi gặp nguy hiểm, đàn cá mòi sẽ tập trung lại thành khối lớn và di chuyển nhanh để phân tán sự chú ý của kẻ săn mồi, nhờ đó, tránh được sự tấn công của cá heo, cá mập.
III. Pheromone
- Nhiều loài côn trùng và động vật có vú có thể nhận biết và giao tiếp với nhau thông qua những tín hiệu hoá học do cơ thể tiết ra được gọi là pheromone. Các phân tử pheromone có bản chất khác nhau và mang tính đặc trưng cho loài, do đó, chỉ có các cá thể cùng loài mới có khả năng nhận biết tín hiệu tương ứng nhờ thụ thể đặc hiệu.
- Phần lớn tín hiệu pheromone được sử dụng trong quá trình sinh sản.
Ví dụ: Khi rắn cái sẵn sàng giao phối, nó sẽ tiết pheromone dẫn dụ các con đực đến, con đực khoẻ nhất sẽ giành quyền giao phối với con cái.
- Pheromone còn có vai trò trong một số hoạt động khác của động vật.
Ví dụ: Kiến tiết pheromone để đánh dấu đường đi, nhờ đó, các con kiến khác có thể tìm đường di chuyển về tổ.
IV. Một số hình thức học tập ở động vật
1. Quen nhờn
- Động vật phớt lờ, không đáp ứng kích thích lặp đi lặp lại nhiều lần nếu không kèm theo sự nguy hiểm.
Ví dụ: Chuột thường chạy khi thấy mèo, nhưng khi thấy nhiều lần mà mèo không bắt hay vồ lấy, chuột dần không sợ mèo nữa.
2. In vết
- Hình thức học tập nhanh trong thời gian phát triển rất ngắn được gọi là giai đoạn then chốt (giai đoạn quyết định).
- Con non có thể "in" vào não hình dạng bố mẹ hay hành vi cơ bản của loài.
Ví dụ: Chim non mới nở có tính bám và đi theo các vật chuyển động mà chúng nhìn thấy lần đầu tiên - thường là chim mẹ.
3. Học nhận biết không gian
- Động vật ghi nhớ về đặc điểm không gian của môi trường ở các vị trí mốc như tổ, thức ăn. Từ đó chúng xây dựng mối quan hệ giữa các vật thể trong không gian và giữa các vị trí mốc đó thành bản đồ nhận thức. Nhờ vậy, động vật định vị được vị trí một cách linh hoạt và hiệu quả.
Ví dụ: Chim bồ câu có khả năng nhớ đường, được dùng để liên lạc đưa thư.
4. Học liên hệ
- Học liên hệ là hình thức học tập thông qua việc tạo nên mối liên hệ giữa các kinh nghiệm với nhau, được chia thành hai loại là điều kiện hóa đáp ứng và điều kiện hóa hành động.
a. Điều kiện hóa đáp ứng
- Điều kiện hoá đáp ứng dựa trên cơ sở là sự hình thành đường liên hệ tạm thời trong thần kinh trung ương dưới tác động của các kích thích kết hợp đồng thời.
Ví dụ: Sau nhiều lần kết hợp giữa việc rung chuông trước rồi cho chó ăn thì chó sẽ có phản xạ tiết nước bọt mỗi khi nghe tiếng chuông.
b. Điều kiện hoá hành động
- Điều kiện hoá hành động là hình thức học tập "mò mẫm" theo kiểu thử - sai, trong đó, hành động của con vật được liên kết với một phần thưởng hoặc hình phạt; sau đó, động vật sẽ có xu hướng lặp lại hoặc tránh hành động đó.
Ví dụ: Sau nhiều lần vô tình đạp phải bàn đạp khi chạy trong lồng, chuột nhận được thức ăn, thì mỗi khi đói, chuột sẽ chủ động chạy đến và đạp vào bàn đạp.
5. Nhận thức và giải quyết vấn đề
- Một số nhóm động vật như linh trưởng, chim, côn trùng,... có khả năng nhận thức được các sự vật, hiện tượng trong môi trường sống thông qua những dấu hiệu nhất định (màu sắc, mùi,...). Sự tiếp nhận và tái hiện lại những dấu hiệu này giúp động vật dễ dàng giải quyết vấn đề trong những trường hợp cần thiết.
Ví dụ: Khi đến một nơi ở mới, động vật thăm dò đường đi và hình thành những nhận thức về môi trường xung quanh, nhờ đó, chúng sẽ biết con đường nào nhanh nhất để tìm thức ăn hoặc lẩn trốn kẻ thù.
- Ở động vật có hệ thần kinh rất phát triển như các loài linh trưởng và người, số ít thấy ở cá heo, các loài chim như quạ, giẻ cùi có khả năng giải quyết những vấn đề mới thông qua sự phối hợp các kinh nghiệm cũ để suy nghĩ, phán đoán, làm thử.
Ví dụ: Tinh tinh có thể xếp chồng các thùng gỗ để lấy thức ăn được treo trên cao; nếu quạ không lấy được thức ăn đang treo trên cành cây bằng một sợi dây khi bay, chúng sẽ đậu trên cành cây, kéo dần sợi dây và dùng chân để giữ cho đến khi lấy được thức ăn.
6. Học tập qua giao tiếp xã hội
- Nhiều loài động vật có thể học cách giải quyết vấn đề thông qua quan sát hành động của các cá thể khác.
Ví dụ: Ở tinh tinh, các con non học cách dùng đá để đập vỡ vỏ hạt cọ dầu hoặc lấy mật ong bằng cành cây thông qua quan sát và học theo các con tinh tinh đã có kinh nghiệm.
- Nhờ có hệ thần kinh rất phát triển mà con người có khả năng học tập cao, nhờ đó, con người có được sự hiểu biết, hình thành và phát triển được các kĩ năng, thái độ, hành vi,... đặc biệt là hình thành được nền văn hoá xã hội loài người mà không có ở bất kì loài động vật nào khác.
- Quá trình học tập ở người dựa trên cơ sở là sự hình thành và củng cố các phản xạ có điều kiện, được chia thành các giai đoạn:
- Tiếp nhận: Thông tin từ môi trường được tiếp nhận bởi các giác quan và truyền về não bộ.
- Xử lí: Não bộ xử lí thông tin hình thành nhận thức, kĩ năng, thái độ, hành vi,...
- Ghi nhớ và củng cố: Thông tin được tập trung ghi nhớ ở não bộ. Nhờ có tư duy, con người có thể sử dụng thông tin đã ghi nhớ trong những trường hợp cụ thể, đồng thời tích luỹ thêm những thông tin và kinh nghiệm mới.
V. Quan sát một số tập tính ở động vật
- Chuẩn bị: Phim về tập tính của một số loài động vật hoang dã.
- Tiến hành:
- Quan sát tập tính của một số vật nuôi, các động vật xung quanh nhà hoặc động vật ở vườn bách thú. Xem phim về tập tính của một số loài động vật hoang dã.
- Ghi chép lại kết quả một số tập tính quan sát được.
- Chú ý:
- Cần đảm bảo an toàn khi quan sát tập tính động vật; khi địa điểm quan sát gần ao, hồ; động vật có nọc độc, hung dữ, nghi ngờ mang mầm bệnh.
- Không bắt nhốt, hù dọa hay gây hại các loài động vật.
- Báo cáo: Trình bày kết quả quan sát theo mẫu.
Loài ĐV | Mô tả tập tính | Loại tập tính | Dạng tập tính | Hình thức học tập | Vai trò |
? | ? | ? | ? | ? | ? |
VI. Ứng dụng tập tính ở động vật
- Trong trồng trọt, người ta sử dụng các loài thiên địch (bọ rùa, ong mắt đỏ,...) để tiêu diệt sâu hại mùa màng; dùng bù nhìn để xua đuổi các loài chim, thú phá hoại mùa màng; gây bất thụ ở côn trùng đực để hạn chế và tiêu diệt quần thể sâu bọ gây hại. Bên cạnh đó, người ta có thể dùng pheromone để dẫn dụ các loài côn trùng gây hại đến nơi được đặt bẫy từ trước thay vì dùng thuốc trừ sâu.
Ví dụ: Sử dụng pheromone tách chiết từ con bướm cái để tạo bẫy dẫn dụ các con bướm đực của loài sâu hại.
- Trong chăn nuôi, người ta có thể huấn luyện chó để chăn gia súc; sử dụng âm thanh để gọi gia súc, gia cầm về chuồng; thiết kế chuồng trại, đảm bảo nguồn dinh dưỡng để đạt năng suất cao.
- Trong bảo vệ an ninh, quốc phòng, con người huấn luyện chó nghiệp vụ để hỗ trợ truy bắt tội phạm, phát hiện ma tuý; huấn luyện chuột để dò tìm mìn.
- Tập tính ở động vật là cơ sở quan trọng trong giáo dục. Ở người, tuổi tác và sự phát triển tập tính có mối liên hệ mật thiết với nhau, dựa vào điều này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều biện pháp giáo dục toàn diện cho trẻ nhỏ như những thói quen tốt, khả năng tự kiềm chế và hình thành những tập tính mới phù hợp với xã hội loài người; cũng như loại bỏ những thói quen xấu, không phù hợp. Nhờ giáo dục mà con người đã hình thành nhiều tập tính không có ở các động vật khác.
1. Tập tính là chuỗi phản ứng của cơ thể trả lời lại các kích thích từ môi trường, đảm bảo động vật thích ứng và tồn tại. Tập tính ở động vật được chia thành tập tính bẩm sinh, tập tính học được và tập tính hỗn hợp.
2. Ở động vật có một số dạng tập tính phổ biến như: Kiếm ăn, bảo vệ lãnh thổ, di cư, sinh sản, tập tính xã hội. Các dạng tập tính này đảm bảo cho động vật có thể tồn tại và duy trì nòi giống.
3. Pheromone là một chất hoá học được tiết ra từ cơ thể động vật, chất này đóng vai trò tín hiệu giúp cho các cá thể cùng loài có thể nhận biết và giao tiếp với nhau.
4. Một số hình thức học tập chủ yếu ở động vật gồm: Quen nhờn, in vết, học nhận biết không gian, học liên hệ (điều kiện hoá đáp ứng, điều kiện hoá hành động), nhận thức và giải quyết vấn đề học qua giao tiếp xã hội. Các hình thức học tập chủ yếu làm biến đổi các tập tính học được ở động vật.
5. Quá trình học tập ở người dựa trên cơ sở là sự hình thành và củng cố các phản xạ có điều kiện, được chia thành các giai đoạn: Tiếp nhận, xử lí, ghi nhớ và củng cố thông tin.
6. Con người đã ứng dụng tập tính ở động vật để phục vụ cho nhu cầu của mình như bảo vệ mùa màng; chăn nuôi các loài gia súc, gia cầm; bảo vệ an ninh, quốc phòng; giáo dục con người phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây