Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài 11. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (phần 2) SVIP
II. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ
2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ
a. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành
* Xu hướng chung
Cơ cấu kinh tế theo ngành có sự chuyển dịch theo hướng:
- Giảm tỉ trọng nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
- Tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.
- Công nghiệp trở thành động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.
* Trong nội ngành
- Trong mỗi nhóm ngành đang chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỉ trọng các ngành có hiệu quả kinh tế và hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giảm tỉ trọng của các ngành có hiệu quả kinh tế thấp, sử dụng nhiều tài nguyên và lao động.
- Đối với nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, cơ cấu dịch chuyển theo hướng:
+ Tăng tỉ trọng của ngành thủy sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp.
+ Giá trị các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao qua việc liên kết với công nghiệp chế biến, các dịch vụ nông nghiệp, theo chuỗi giá trị: sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
- Ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng:
+ Giảm tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp khai khoáng.
+ Tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
+ Trong đó, chú trọng những ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển.
- Nhóm ngành dịch vụ phát triển theo hướng đa dạng, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tăng cường chuyển đổi số, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch,...
* Nguyên nhân
- Kết quả của công cuộc Đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Nhà nước.
- Sự tác động của các yếu tố về khoa học - công nghệ, xu hướng khu vực hóa và quốc tế hóa.
b. Chuyển dịch theo thành phần kinh tế
* Biểu hiện
Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế của nước ta có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng của kinh tế Nhà nước, tăng tỉ trọng của kinh tế ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Bảng 10. CƠ CẤU GDP PHÂN THEO THÀNH PHẦN KINH TẾ CỦA NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2010 – 2021
(Đơn vị: %)
2010 | 2015 | 2021 | |
Kinh tế Nhà nước | 29,3 | 22,8 | 21,2 |
Kinh tế ngoài Nhà nước | 43,0 | 50,6 | 50,1 |
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài | 15,2 | 17,5 | 20,0 |
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm | 12,5 | 9,1 | 8,7 |
* Nguyên nhân
- Kết quả của đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
- Tăng cường mở cửa, hội nhập với nền kinh tế của thế giới.
- Áp dụng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
* Vai trò của các thành phần kinh tế
- Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt và những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
- Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật cho phép, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đây là thành phần kinh tế phát huy nguồn lực trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương và cả nước.
- Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hình thành và phát triển trong vài thập kỉ gần đây, song giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, có vai trò lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm và chuyển giao công nghệ.
c. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ
- Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ chuyển dịch đồng thời với sự chuyển dịch cơ cấu ngành và cơ cấu theo thành phần kinh tế.
- Trên phạm vi cả nước, đã hình thành 6 vùng kinh tế - xã hội (theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV). Các hình thức lãnh thổ khác như khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, hành lang kinh tế,... được hình thành ở nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
- Các ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng khai thác lãnh thổ có hiệu quả hơn:
+ Trong nông nghiệp, các hình thức tổ chức lãnh thổ có hiệu quả qua được hình thành và ngày càng mở rộng như các vùng chuyên canh, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại,...
+ Trong công nghiệp là sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp công nghệ cao, sự mở rộng các trung tâm công nghiệp,... với vai trò là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
+ Trong dịch vụ, các cơ sở dịch vụ được mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn cho các ngành sản xuất vật chất và đáp ứng nhu cầu của nhân dân như giao thông vận tải, thương mại, du lịch,...
- Nguyên nhân: sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ là kết quả của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo thành phần kinh tế ở nước ta.
- Ý nghĩa: sự chuyển dịch này hướng đến mục tiêu khai thác tốt hơn lợi thế của các lãnh thổ khác nhau, huy động được các nguồn lực cả về tài nguyên, lao động, nguồn vốn, khoa học - công nghệ,... để mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây