BÀI DỰ THI “Kể một câu chuyện cảm động về hình ảnh những người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19” Người dự thi: Phùng Kim Thanh Học sinh Lớp 6A2-Trường THCS Sơn Tây Kính thưa quý thầy cô! Thưa toàn thể các bạn! Covid-19 có lẽ là một từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua , nó là nỗi ám ảnh của không chỉ các nước trên thế giới, mà còn là nỗi ám ảnh của mỗi gia đình và từng cá nhân trong xã hội. Xuất hiện từ năm 2019, cho đến nay, dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Nó đã để lại những thiệt hại vô cùng to lớn, nhất là những thiệt hại về con người. Tất cả các nước trên thế giới đang chung tay để đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam được đánh giá là một đất nước có nhiều cách làm hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh và hạn chế tối đa số người tử vong. Có được những kết quả đó là do sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, quyết liệt của chính phủ, sự đồng thuận ủng hộ của toàn xã hội, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng, sự vất vả mà không có gì có thể kể hết của những y bác sĩ, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Tôi tự hào vì trong số những người ấy có mẹ tôi-người bác sĩ quân y, người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Tôi còn nhớ như in, đó là vào một buổi chiều tháng 9 năm ngoái. Trời mưa tầm tã. Sau khi học xong, lúc đó khoảng hơn 4 giờ chiều, tôi thấy mẹ đi làm về. Khác hẳn mọi hôm, nay mẹ tôi rất vội vã. Mẹ vào cắm cơm, và nấu nhanh đồ ăn. Tay mẹ làm và liên tục thúc giục tôi và em đi tắm giặt khẩn trương. Tôi thấy lạ, nhưng không dám hỏi mẹ điều gì cả. Sau khi nấu ăn, mẹ lên phòng lấy chiếc ba lô, nhanh chóng sắp xếp quân tư trang cá nhân và đồ dùng sinh hoạt. Tôi cảm nhận như mẹ sắp có chuyến đi đâu dài ngày. Sau khi sắp xong quần áo, cũng là lúc bố tôi về, đợi bố tôi tắm giặt xong cả nhà ăn cơm sớm hơn mọi hôm. Bữa cơm diễn ra mau chóng rồi mẹ nói với bố tôi về việc phải vào đơn vị thực hiện nhiệm vụ đón công dân từ nước ngoài về cách ly, thời gian đi cũng chưa biết bao giờ về. Rồi mẹ dặn dò chị em chúng tôi ở nhà phải chăm học, nghe lời bố, ăn uống đầy đủ...Những lời mẹ dặn dò rất tỷ mỉ, cẩn thận, mẹ như đang rất lo cho chị em chúng tôi. Lúc ấy chị em chúng tôi cũng buồn lắm, vì từ ngày lớn lên đến giờ tôi chưa phải xa mẹ lấy 01 ngày. Đến giờ hẹn, mẹ ôm hôn chúng tôi vào lòng rồi mẹ vào đơn vị, nhìn mẹ đội mưa đi trong buổi chiều tối tôi rất thương mẹ. Lúc ấy tôi ước, giá như không có dịch bệnh thì mẹ tôi và những người đồng đội không phải vất vả như thế. Là một học sinh của Trường Trung học cơ sở Sơn Tây, tôi luôn tự hào vì được sinh ra trong một gia đình mà cả bố và mẹ tôi đều là bộ đội. Bố tôi là sĩ quan chính trị, còn mẹ tôi là bác sĩ quân y. Bố và mẹ tôi cùng công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Theo lời kể của bố tôi, từ khi dịch Covid-19 hoành hành, những bác sĩ quân y như mẹ, và cả những chú bộ đội đều phải căng mình để tham gia chống dịch, họ quên ăn, quên ngủ để ngăn sự phát triển của dịch bệnh, để cứu sống người dân. Lúc ấy tôi cũng chưa hiểu nhiều lắm. Nhưng kể từ ngày mẹ tôi đi, tôi mới hiểu được sự vất vả của mẹ cũng như sự vất vả của những người đồng đội trên tuyến đầu chống dịch. Mỗi tối, khi rảnh, mẹ đều gọi điện về hỏi thăm bố con tôi, nhìn mẹ trong bộ đồ bảo hộ, với lớp khẩu trang đến ngột ngạt và kín mít thì tôi hiểu sự vất vả và nguy hiểm đến mức nào. Qua câu chuyện mẹ tôi kể, có rất nhiều đồng đội của mẹ vì quá sức mà ngất lên ngất xuống, vì chạy đua với việc chống dịch mà đến quên ăn, quên ngủ. Hằng ngày bố con chúng tôi quen có bàn tay chăm sóc của mẹ. Tôi nhớ những món ăn ngon do mẹ nấu, nhớ sự ân cần của mẹ chỉ bảo tôi học bài mỗi tối, nhớ tiếng mẹ mỗi sáng gọi chúng tôi dậy để chuẩn bị cho một ngày mới... nhưng nay mẹ đi làm nhiệm vụ, những công việc nhà lại do bàn tay của bố tôi quán xuyến tất cả. Thương bố, tôi lại nhớ mẹ nhiều hơn. Sau 1 tháng mẹ tôi vẫn chưa được về, qua điện thoại, tôi thấy mẹ gầy hẳn đi, nhưng ánh mắt của mẹ vẫn sáng ngời và vững vàng niềm tin. Mỗi ngày tôi đều hỏi bố và theo dõi ti vi xem nay dịch bệnh đã giảm chưa, nhưng khi thấy tình hình vẫn phức tạp, vẫn có những ca tử vong và đặc biệt rất nhiều chiến sĩ còn đang rất vất vả như bố mẹ mất không được về thắp hương đưa tiễn, con ốm đau đi viện không được về bên con, bao đơn vị phải làm trại ngủ ngoài rừng để nhường chỗ cho bệnh nhân cách ly, bao chiến sĩ phải cắm chốt nơi giáp biên...tôi cũng lại thấy thương mẹ nhiều hơn, thấu hiểu và tự hào nhiều hơn. Cũng có lúc tôi hỏi mẹ: sao mẹ không xin về với chị em con, mẹ tôi cười và bảo: ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết phần ai? tôi lại thấy việc làm của mẹ và những đồng đội thật ý nghĩa và cao cả. Hai tháng trôi qua cũng là lúc mẹ tôi được về. Ngày mẹ về chúng tôi như vỡ òa trong hạnh phúc, những nhọc nhằn và vất vả của mẹ như chợt tan biến khi mẹ ôm hai chị em chúng tôi vào lòng. Những giọt nước mắt của mẹ đã rơi trên gò má. Mẹ khóc vì nhiệm vụ đơn vị giao đã hoàn thành, mẹ khóc vì được về bên chúng tôi yên bình, mẹ khóc vì thương những người đồng đội của mẹ ở nhiều nơi còn đang oằn mình vất vả và có lẽ, mẹ cũng khóc cho những người vì Covid mà ra đi mãi mãi. Mẹ khóc chúng tôi cũng khóc theo, đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Nhưng tôi hiểu nếu còn dịch bệnh phức tạp thì việc mẹ tôi lại đi, những đồng đội của mẹ tôi còn nhiều vất vả, đó cũng là lẽ thường tình. Kính thưa thầy cô, thưa các bạn! Đây có lẽ là kỉ niệm tôi nhớ nhất và tự hào nhất về mẹ của tôi kể từ khi tôi lớn lên. Tôi luôn mong rằng, cả xã hội chung tay, dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi, để mỗi gia đình được hạnh phúc bên nhau, để chúng ta-những học sinh lại được tung tăng cắp sách đến trường, để lại được nghe những bài cô giáo giảng, để lớn lên mỗi chúng ta luôn biết cảm ơn, trân trọng những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch hôm nay đã hy sinh cho cuộc sống thanh bình ngày mai.
Cụ Lê Thị Niệm sống cuộc sống giản dị, một mình trong một ngôi nhà cấp 4 ở xã Trung Thành, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Mặc dù tuổi đã cao, nhưng cụ vẫn thường xuyên xem tivi, nghe đài để nắm tin tức.
Gần đây, qua truyền hình, nghe được lời kêu gọi toàn dân chung tay chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cụ đã suy nghĩ rất nhiều. "Đêm đó tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được, nên ngày hôm sau, tôi có đem số tiền nhỏ 1 triệu đồng lên xã để ủng hộ. Tuy số tiền không lớn nhưng đó là tình cảm của tôi", cụ bà Lê Thị Niệm nói.
Ông Đỗ Gia Xuân, Bí thư xã Trung Thành, huyện Nông Cống kể lại, khoảng 17h ngày 23/3, cụ Niệm đạp xe đến UBND xã và xin gửi số tiền 1 triệu đồng để cùng cộng đồng chung tay chống dịch Covid-19 theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.
Qua tìm hiểu được biết, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, chồng, con, chị cụ Niệm đã hy sinh; khi nhà nước khó khăn về kinh tế, gia đình cụ từng bán thóc mua công trái chính phủ. Cụ Niệm cũng từng là cựu thanh niên xung phong, cống hiến sức trẻ của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù hiện nay cụ có 3 người con đều thành đạt, nhưng cụ không sống chung với các con mà chọn sống một mình trong ngôi nhà nhỏ để hương khói cho những người thân đã hy sinh vì Tổ quốc.
Ông Xuân cho hay, nghĩa cử cao đẹp của cụ Niệm khiến ông rất xúc động. Sau khi nhận được số tiền của cụ, lãnh đạo xã đã báo cáo lên huyện, đồng thời cho cán bộ tuyên truyền về tấm gương của cụ Niệm trên hệ thống loa truyền thanh của xã để người dân học tập và noi theo.
Tại Hà Tĩnh, câu chuyện của cụ Nguyễn Thị Huệ (98 tuổi) ở thôn Hà Sơn, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn cũng khiến nhiều người xúc động. Nghe tin cả nước đang "chống dịch như chống giặc" cụ Huệ dành dụm được 1 triệu đồng từ tiền mừng tuổi của con cháu và một phần từ số tiền chế độ của cụ (chế độ dành cho đảng viên 70 năm tuổi Đảng) để mang lên xã ủng hộ chống dịch.
“Bản thân tôi tuổi đã cao, sức yếu không làm được gì nữa, nhưng khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi, tôi quyết định góp chút tiền gọi là của ít lòng nhiều”, cụ Huệ nói.
Bí thư Đảng ủy xã Quang Diệm Nguyễn Xuân Cảnh cho biết: “Khi cụ lên xã bày tỏ nguyện vọng ủng hộ phong trào phòng chống dịch, chúng tôi rất xúc động. Số tiền tuy không lớn, nhưng nghĩa cử cao đẹp của cụ đã nhận được sự hoan nghênh của rất nhiều người”.