Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
VƯỢT BIỂN
Chèo đi rán thứ sáu
Thấy nước vẫn mông mốc
Xé nhau đục vật vờ
Chèo đi thôi, chèo đi!
Một người cầm cán dầm cho vững,
Nước cuộn thác chớ lo
Biển nổi bão phong ba đừng run đừng rợn.
Chèo đi rán thứ bảy,
Nước ác kéo ầm ầm,
Nơi đây có quỷ dữ chặn đường
Nơi đây có ngọ lồm bủa giăng
Chực ăn người đi biển,
Chực nuốt tảng nuốt thuyền
Mau mau lên lấy tiền, lấy tiền ra thế,
Đem vàng bạc ra lễ chuộc thân.
Có bạc mới được qua.
Chèo đi rán thứ tám,
Nước đổ xuống ẩm ẩm,
To hơn bịch đựng lúa.
Nước xoáy dữ ào ào,
Nước thét gào kéo xuống Long Vương.
Nhanh nhanh tay chèo sang qua khỏi.
Chèo đi rán thứ chín,
Trông thấy nước dựng đứng chấm trời,
Khắp mặt biển nước sôi gầm réo.
Biển ơi, đừng giết tôi,
Nước hỡi, đừng lôi lấy thuyền,
Đừng cho thuyền lật ngang.
Đừng cho tôi bỏ thân chốn này, biển hỡi!
Chèo đi rán thứ mười,
Thuyền lướt theo nước trời băng băng
Cánh dầm tung bốn góc.
Rán lại rán bay đi…
Chèo đến rán mười một,
Sóng đuổi sóng xô đi,
Nước đuổi về sau lưng.
Chèo mau lên, chèo cố
Cho thuyền đến cửa biển ta dừng,
Cho thuyền đến bãi cát vàng bình an.
Chèo đi rán mười hai,
– A! Bờ biển kia rồi,
Ta chèo mau lên thôi,
Chèo mau lên, hỡi người trai trẻ!
Trai trẻ hãy lắng tai,
Trai trẻ nghe tôi bảo,
Lại đây nghe tôi dạy:
– Mau lên ta kéo thuyền vào cạn,
Cùng lôi tảng vào bến,
Kéo thuyền vào bãi cát chói hồng,
Kéo thuyền vào bãi bướm vàng vờn bay!
– Mời nàng hương hai cô
Mời em hãy ôm hoa lên bến,
Mời nàng hãy ôm hương hầu slay
Quân quan lên “bởi bời!”
Đàn bà cầm nón ra thuyền
Đàn ông cầm ô lên bến
Tay trái xách giày hoa ra tảng,
Tay phải xách giày đẹp lên bờ,
Gánh gồng lên rầm rập theo slay
Bao của quý khiêng lên đi lễ người.
Mười hai rán nước nay đã qua rồi,
Bây giờ mới biết tôi sống sót.
Binh mã slay rầm rập
Kéo vào chợ Đường Chu
Sau lưng trơ lại tôi
Ngồi bên bờ biển đất trời mênh mông,
Tự than thân trách phận,
Cay đắng lắm đời sa dạ sa dồng.
Chèo thuyền qua lò than, qua biển
Nhìn đường vẽ, nước cuộn âm rung…
(Trích Vượt biển, Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam – Tập IV, Sdd, trang 887-889)
Câu 1. Nội dung chính của đoạn trích ? Qua đó tác giả dân gian phản ánh hiện thực nào trong đời sống xã hội Tày, Nùng khi xưa?
Câu 2. Nhân vật trung tâm trong đoạn trích là ai? Nhân vật đó được xây dựng như thế nào?
Câu 3. Văn bản trên thuộc truyện thơ dân gian hay truyện thơ Nôm? Dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết điều đó.