Đọc văn bản sau:

     (1)...">

K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

Đọc văn bản sau:

     (1) Trong lần in thứ hai, Quang Dũng đã tước bớt đi chữ "nhớ" ở nhan đề, tên bài thơ mới còn như hiện nay là "Tây Tiến". Có lẽ, không chỉ vì thấy thừa, mà còn có lý do khác: sợ lộ và hẹp. Có cần phải phơi lộ nỗi nhớ vốn chan chứa khắp toàn bài lên ngay cái nhan đề hay không? Chả cần, đọc vào, sẽ thấy. Thêm chữ, lắm khi làm hẹp nghĩa, hẹp tầm. "Nhớ Tây Tiến" là cái tựa đề có vẻ khuôn mẫu vào loại nỗi niềm có phần riêng tây. Còn "Tây Tiến" xem ra đã khái quát hơn, lại kiêu hùng hơn. Nó như muốn thâu tóm cả đất trời Tây Tiến, cả cuộc hành binh Tây Tiến vào một bức tranh toàn cảnh chứa cả thiên nhiên cùng trận mạc. Mà thực là như vậy, quy mô Tây Tiến có thể không lớn, nhưng tính chất của nó thì có khác nào một cuộc vạn lí trường chinh. Đến nay, qua bao thăng trầm, Tây Tiến đã chứng tỏ: tự nó là một thế giới nghệ thuật nguyên vẹn, thế giới thăng trầm ấy sẽ còn lưu giữ được lâu dài bầu khí quyển lịch sử của cái thuở ban đầu dân quốc ấy.

     […]

    (2) Thơ viết bằng nỗi nhớ từ xưa đến nay khó mà kể hết. Nhưng ít có bài nào mà nhớ nhung lại được biểu đạt bằng nhiều chữ lạ và ám ảnh đến vậy. Người đọc Tây Tiến, làm sao quên được chữ "nhớ chơi vơi" trong câu: "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi". Chơi vơi là trạng thái của nỗi nhớ hay trạng thái của cảnh vật được nhớ? Nó là cái chông chênh hẫng hụt của kẻ đang phải lìa xa nơi mình từng gắn bó, hay là cái chập trùng xa cách của rừng núi miền Tây? Thật khó tách bạch. Cả chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong một chữ chơi vơi ấy. Có phải đó là trạng thái chập chờn rất riêng của cõi nhớ chăng? Chữ "nhớ ôi" này cũng thế: "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Nghe cứ nôn nao, nghèn nghẹn thế nào! Không phải "ôi nhớ" lối cảm thán quen thuộc. Cũng không phải "nhớ ôi là nhớ!" thật thà, khẩu ngữ. Không phải là "nhớ ơi" như tiếng gọi hướng ra người. Mà là "nhớ ôi" như tiếng kêu hướng vào mình. Ta nghe rõ trong lời thơ một nhớ nhung bất chợt cồn lên, kẻ nhớ không thể cầm lòng, đã vỡ òa ra thành tiếng kêu than. Buột miệng ra, mà dư ba súc tích. Lạ thay là ngôn ngữ thơ! Rồi đây, Tây Tiến sẽ khuất dần sau những thăng trầm lịch sử, nhưng tiếng kêu kia hẳn sẽ còn gieo được những bồi hồi một thuở vào lòng kẻ đọc mai sau! Tây Tiến cứ sống trong nỗi nhớ và sống bằng nỗi nhớ như thế.

     (3) Một nỗi nhớ ám ảnh đến vậy không thể không can thiệp sâu vào tổ chức thi phẩm. Có thể thấy cấu trúc ở đây chính là cấu trúc của nỗi nhớ. Tuy được viết theo điệu hành, kiểu cổ phong, nhưng mạch thơ chính là mạch nhớ. Một mạch nhớ rất Tây Tiến. Nghĩa là có tuân theo thời gian, nhưng thời gian không điều hành tất cả, có tuân theo lộ trình, nhưng lộ trình cũng không độc quyền trói buộc, có tuân theo cung bậc cao dần của cảm xúc, nhưng cũng không phải hối hả một lèo. Người đọc vẫn có thể lần theo tuyến thời gian, lần theo lộ trình hành binh nào đó của bước chân Tây Tiến. Nhưng mạch thơ chủ yếu là sự đan dệt kỉ niệm, với những sực nhớ miên man, nhưng vụt hiện bất chợt, mà trong đó các địa danh có khi chỉ hiện thoáng một dòng tên, có khi là một điểm nhấn nào đó của kỉ niệm. Còn kỉ niệm bao giờ cũng chan hòa cảnh với người, cũng song hành và đan xen cả hai mạch: vừa gian khổ hào hùng, vừa thơ mộng hào hoa. Ví như: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Bởi cái tôi Tây Tiến vừa kiêu hùng vừa nghệ sĩ, nên mỗi kỉ niệm muốn được lưu trong tâm hồn ấy cũng phải hòa hợp được cả hai nét lãng mạn kia.

     Như thế, chính nỗi nhớ chập chùng và chơi vơi đó là nhân tố đầu tiên đã thống nhất các đối cực phong phú của Tây Tiến vào một nguồn cảm hứng sáng tạo.

(Chu Văn Sơn, “Tây Tiến” sáng tạo từ nỗi nhớ chơi vơi, in trong Thức với mây Đoài (Nhiều tác giả), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 6 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Vấn đề trọng tâm mà văn bản nêu lên là gì?

Câu 2. Xác định luận điểm của đoạn (1).

Câu 3.

a. Xác định thành phần biệt lập trong câu sau:

      Cả chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong một chữ chơi vơi ấy.

b. Xét về mục đích nói, câu văn được in đậm thuộc kiểu câu gì?

     Ta nghe rõ trong lời thơ một nhớ nhung bất chợt cồn lên, kẻ nhớ không thể cầm lòng, đã vỡ òa ra thành tiếng kêu than. Buột miệng ra, mà dư ba súc tích. Lạ thay là ngôn ngữ thơ!

Câu 4. Chỉ ra mối quan hệ giữa luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong đoạn (2).

Câu 5. Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả được thể hiện trong văn bản.

Câu 6. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 dòng) trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của nỗi nhớ trong một câu thơ/ đoạn thơ mà em đã đọc, đã nghe.

1
29 tháng 3

Câu 1: Vấn đề trọng tâm mà văn bản nêu lên là: Nỗi nhớ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng chính là nguồn cảm hứng sáng tạo, tạo nên vẻ đẹp độc đáo của tác phẩm, đồng thời góp phần thống nhất các yếu tố phong phú về nội dung và nghệ thuật.

Câu 2: Luận điểm của đoạn (1): Tựa đề Tây Tiến được Quang Dũng lựa chọn thay vì Nhớ Tây Tiến nhằm khái quát hóa và nâng tầm ý nghĩa, thể hiện bản hùng ca của con người và thiên nhiên Tây Tiến trong bức tranh toàn cảnh đầy kiêu hùng.

Câu 3: a. Thành phần biệt lập trong câu: "Cả chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong một chữ chơi vơi ấy." Thành phần biệt lập: "dường như" (thành phần tình thái).

b. Câu văn in đậm thuộc kiểu câu: câu cảm thán, dùng để bộc lộ cảm xúc kinh ngạc, trầm trồ về vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ.

Câu 4: Mối quan hệ giữa luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong đoạn (2):

  • Luận điểm: Nỗi nhớ trong Tây Tiến được biểu đạt bằng ngôn ngữ sáng tạo, giàu hình ảnh và ám ảnh.
  • Lí lẽ: Nỗi nhớ trong bài thơ được thể hiện qua các chữ đặc sắc như "nhớ chơi vơi", "nhớ ôi".
  • Bằng chứng: Các câu thơ cụ thể: "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi", "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi".

Câu 5: Tình cảm, thái độ của tác giả được thể hiện trong văn bản: Tác giả thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng và ngưỡng mộ bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Thái độ của tác giả là sự cảm nhận sâu sắc, tinh tế về giá trị nghệ thuật và vẻ đẹp tinh thần mà bài thơ mang lại.

Câu 6: Cảm nhận về vẻ đẹp của nỗi nhớ: Trong bài thơ Tây Tiến, câu "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" khắc họa nỗi nhớ chan chứa, ngập tràn hương vị của kỷ niệm. Qua hình ảnh “cơm lên khói” và “thơm nếp xôi”, Quang Dũng gợi lên không gian đậm chất làng quê, ấm áp tình người. Nỗi nhớ ấy không chỉ là hoài niệm, mà còn là sự nâng niu những giá trị đẹp đẽ, dung dị của cuộc sống và thiên nhiên miền Tây.