Thật buồn khi nhà em ở nông thôn, và dù em đã đợi chờ mòn mỏi nhưng không thể đón giao thừa với bầu trời pháo hoa đầy màu sắc. Nhưng không sao, giữa đêm khuya tĩnh mịch và yên ắng, lắng nghe giai điệu của ca khúc “Happy new year” huyền thoại, những hồi ức về giây phút giao thừa linh thiêng năm ngoái lại sống lại trong tâm trí em… Nơi em ở không có thói quen bắn pháo hoa vào dịp tết Dương lịch, mà chỉ bắn pháo hoa vào Tết Nguyên Đán. Em thấy đó là một sự bất công, vì lịch dương cũng nên được xem trọng. Người ta tính ngày sinh theo lịch dương, các ngày lễ lớn đa số cũng tính theo lịch dương, nhưng tại sao tết Dương lịch có vẻ như không được người dân quê em đón nhận cho lắm. Điều này làm cho không khí của tết Dương lịch thêm phần yên ắng hơn… Em chỉ thấy được sự lung linh, rực rỡ của pháo hoa vào dịp Tết Nguyên Đán. Cái hạnh phúc của một cô bé nông thôn khi thấy bầu trời rực rỡ vì pháo hoa chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm, và kéo dài trong một khoảng thời gian rất ngắn. Điều này làm em thêm yêu, thêm mong chờ giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đó thật sự là một khoảnh khắc kì diệu! Mặc dù năm nào em cũng thấy người ta bảo cấm bắn pháo hoa, và nếu ai bắn thì sẽ bị phạt, nhưng xem ra trong những giây phút đầu tiên của năm mới chẳng ai muốn làm điều xui xẻo cho người khác như vậy cả, nhiều nhà xung quanh em vẫn ung dung bắn pháo hoa như bình thường. Giây phút đếm ngược lòng làm em rạo rực, chỉ tính bằng giây nữa thôi, khi đó em sẽ thêm một tuổi, sẽ lớn lên thêm một tí, nhưng quan trọng nhất là được xem pháo hoa. Bầu trời lung linh rực rỡ sắc màu. Xanh, đỏ, tím, vàng,… tất thảy đều có hết. Bầu trời đêm khuya bỗng dưng sáng chói như ban ngày, những tiếng nổ thi nhau phát lên như sấm. Pháo hoa vẽ lên trên nền trời đen đầu tiên là những vệt sáng từ dưới đất bay cao vút lên bầu trời, sau đó là những chùm sáng li ti từ từ to ra và bay tùm lum khắp tứ phía. Trẻ con trong làng không dám ra ngoài đường xem mà chỉ có thể trèo lên những căn nhà cao tầng có mái tôn che để xem, vì người lớn bảo: tàn pháo hoa rơi trúng thì sẽ bị bỏng, hay rơi vào làm hư mắt. Lũ trẻ con sợ lắm, và vâng lời nghe theo không dám cãi lại. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn mà tất cả các bậc phụ huynh đều biết là nhà nào cũng cao tầm tầm như nhau, che hết tầm nhìn của nhà khác, nên không xem pháo hoa toàn cảnh và trọn vẹn tứ phía cho được. Nông thôn đã thay đổi rồi, và trẻ con cũng phải thay đổi cách xem theo. À, thế là chúng em chạy xuôi chạy ngược tìm nơi nào có pháo hoa để mà xem, không thể chỉ ngồi một chỗ mà có thể xem thật nhiều màn pháo hoa đẹp đẽ cho được. Không khí cứ thế mà rộn ràng cả lên, để lại dư âm khó phai mà đến cả khi đã xem xong, lên giường nằm ngủ mà cả người lớn lẫn trẻ con đều không thể nằm yên cho được, trong lòng cứ như đang “nở hoa”, rạo rực, hạnh phúc đến “phát điên” lên… Ấy, cũng như chương trình “Táo quân” (Gặp nhau cuối năm), bánh chưng xanh bên nồi nghi ngút khói, pháo hoa như là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt. Mỗi dịp Tết đến xuân về là mỗi lần con người ta háo hức chờ đợi, thi nhau đoán về mùa pháo hoa năm nay. Vui ơi là vui, và cái vui giản dị ấy cứ theo con người ta đi suốt những năm tháng của cuộc đời…Em yêu lắm những màn pháo hoa đặc sắc, tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết để em cố gắng hướng đến một năm mới thành công hơn, tốt đẹp hơn….