a, Bài học : Một mẩu chuyện nhỏ, rất nhỏ, nhưng nó để cho ta rất nhiều suy ngẫm về con người, về cách sống, và cụ thể ở đây là tinh thần trách nhiệm của mỗi chúng ta. Bởi nếu đã đặt chân lên con đường phía trước, ta phải có trách nhiệm với nó. Vì nếu bước chân đó không vững, ta sẽ ngã, rồi sẽ cảm thấy đau. Nếu bước chân đó đi lệch hướng, tới những con đường sai lệch, ta cũng lại vấp ngã. Nếu bước chân đó dẫm lên gai, ta cũng sẽ đau. Không phải bao giờ cũng có người đi sát cạnh ta, chỉ ta bước lên những con đường dải hoa hồng, hay cũng chẳng có ai chịu đau thay cho ta, bởi vết thương rỉ máu kia, không thể từ chân người này nhấc lên chân người khác. Câu chuyện hướng chúng ta đến bài học về đạo đức, về nhân sinh quan trong cuộc đời : Hãy sống có trách nhiệm, với bản thân, với gia đình, xã hội, và với cả những hành động mà mình gây ra
b, Có một câu bà nội tôi khi còn sống đã nói với tôi như thế này " Con hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về tất cả những việc mà con làm, những thứ mà con hưởng và những vấp ngã của con ". Trước sự từ tốn và nhân hậu của bà, tôi đã ngước ánh mắt ngây thơ lên hỏi " Vậy nếu con làm vỡ lọ hoa của bạn, nhưng lúc đó chẳng ai biết cả, cũng chẳng ai mắng con, con có cần phải xin lỗi bạn không bà ? ". Bà tôi chỉ cười, ánh mắt vẫn hiền từ " Nếu như vậy, người ta sẽ không nói là tinh thần trách nhiệm, mà người ta chỉ nói cộc 2 từ trách nhiệm thôi con " Lúc đó, tôi không hiểu tinh thần trách nhiệm là gì. Sau này, trên con đường tôi đi, đôi chân đã có quá nhiều vết sẹo, con đường đã có quá nhiều lần đổ máu, tôi mới hiểu.
Khi bạn còn tập đi, nếu bạn vấp ngã, hẳn ba mẹ bạn sẽ đỡ bạn dậy, xoa dịu cơn đau cho bạn. Nhưng khi bạn có một đôi chân vững chắc để đi, nếu bạn vấp ngã, bạn sẽ phải tự đứng dậy. Vì trong cuộc sống sẽ có muôn lần ngã đau hơn thế, bạn chọn bước đi mà, đâu phải ba mẹ bạn đi đâu ? Xin đừng dựa dẫm vào họ, rồi nghĩ họ sẽ đỡ bạn dậy. Cuộc sống của ta, bước đi của ta, đừng đổ lỗi cho ai cả, tại sao chúng ta không nhận trách nhiệm về mình ?
Khi bạn được học tập, được đi học như hầu hết đứa trẻ cùng trang lứa khác, bạn phải biết trân trọng nó. Ba mẹ bạn sinh ra bạn dĩ nhiên trong bạn không thể có ngay thiên bẩm của một nhà bác học tài ba, một nhà trính trị hay một bác sĩ tài giỏi được. Và dĩ nhiên không phải mọi đứa trẻ sinh ra đều được tới trường, vì thế bạn hay trân trọng những đồng tiền xương máu mà ba mẹ bạn phải đổ mồ hôi mới kiếm được. Hay nói đúng hơn là bạn phải có trách nhiệm với việc học tập của mình. Đừng để ba mẹ bạn phải rút những giọt máu của mình để cho bạn được đi học nhưng bạn lại thẳng tay đổ hết chúng xuống sông như chẳng hề có trách nhiệm với nó !
Khi bạn đã trưởng thành, bạn sẽ phải kiếm tiền và chi tiêu cho gia đình nhỏ của mình cũng như phụng dưỡng cha mẹ. Đó là trách nhiệm của một người con, nói cao cả hơn đó là tình người. Cả một cuộc đời những người cha người mẹ họ đã quá khổ cực , họ đã nuôi nấng ta bằng giọt mồ hôi, khi về già họ phải được hưởng cuộc sống nhàn hạ, đầm ấm.
Rồi sau này ra ngoài xã hội, bạn cũng phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Rốt cục, trách nhiệm là ý thức con người, trách nhiệm là lẽ sống , là tình người. Vì thế người ta gắn thêm từ " tinh thần" để nói rằng, đôi khi ra pháp luật, những việc làm đó có thể chẳng quy ra tội, nhưng ta phải sống trách nhiệm với chính cuộc đời của mình thôi. Đừng đùn đẩy nó cho ai, nếu bạn không muốn người ta đùn đẩy những chiếc gai vào chân bạn! Hãy sống mà cảm thấy lòng mình thanh thản nhất, là khi bạn làm mọi việc mà bạn luôn đối đầu với nó, luôn tìm cách giải quyết và nếu có lầm lỡ, bạn chính là người có trách nhiệm điều đó. Chúc bạn thành công !
Bình luận (0)