Tôi rất thích một câu nói: "Lòng không có, tâm ắt không phiền." Ấy không hẳn là gọi mời ta thờ ơ với thế gian vạn sự, mà chính là dạy ta cách sao cho tâm thật rộng để chứa đủ chúng sinh, đến mức mà với cái tâm trong như nước ấy, lòng ta cũng không vấn vương gì nhiều, để nói một cách rõ ràng và cụ thể hơn, thì có nghĩa là mọi chuyện trên đời thật dễ nhớ và cũng thật dễ bỏ qua, mà điều kiện tiên quyết để ta làm được điều ấy lại chính là lòng khoan dung. Khoan dung với mọi điều sống và cả điều không sống, dịu dàng với những người ta gặp và chưa gặp, mở lòng với tội lỗi và công trạng. Làm được điều ấy, ta cũng vừa hay chạm đến cửa nẻo an yên sâu trong tâm hồn.

  Có người từng nói: "Trưởng thành là khi ta trở nên dịu dàng với cả thế giới." Song, chưa ai dạy ta làm cách nào để trưởng thành, hay làm cách nào để giác ngộ được cái gọi là "dịu dàng" ấy. Bản thân tôi cũng vậy, tôi đã luôn sống như một đứa trẻ cho đến khi có một người khác tới, dạy tôi cách dịu dàng qua những câu nói, từng cử chỉ. Bằng thật tâm, tôi thấy mình may mắn hơn cả khi gặp được người như vậy.  Người trở thành vị thiền sư già ấm áp mà sâu sắc, còn tôi bằng từng này tuổi - chợt bé lại như chú tiểu nghịch ngợm trong câu chuyện kia.

  Đột nhiên, tôi chợt nghĩ hơi xa, nghĩ rằng liệu một ngày chú tiểu kia trưởng thành, phải chăng chú sẽ lại giống thầy mình, dạy lại cho một chú tiểu khác những gì chú học được rồi đúc kết sau ngần ấy năm. Cũng chính vì thế, hôm nay, xin mạn phép trở thành vị thiền sư chia sẻ những gì tôi học được trong câu chuyện nọ.

  Điểm đầu tiên, điểm nổi bật nhất khiến ta phải chú ý ngay lần đầu đọc: Cách xử sự của vị thiền sư - cũng chính là cái lõi của bài văn này - lòng khoan dung. Có thể nói rằng cách dạy dỗ chú tiểu của ngài nói riêng và những vị sư ta thường thấy trên màn ảnh, câu chuyện,... hay bất kỳ nơi đâu có tư tưởng phật giáo luôn rất đặc biệt. Chúng mang cái khoan hậu và nhân từ quá đỗi gần gũi, dễ nghe và dễ hiểu nhưng bên trong lại ẩn giấu những chi tiết đáng ngẫm nghĩ. Ta dễ dàng nhận thấy điều ấy qua lời nói, thái độ của ngài, song hiếm ai hiểu được hình ảnh bờ vai của vị thiền sư được gửi gắm trong câu chuyện trên. Vậy ta biết, sự khoan dung có thể được thể hiện qua cái dễ để ý và cái khó để ý, để rồi ta đặt ra hai câu hỏi: Khoan dung là gì và nó được thể hiện ra sao?

  Khoan dung - với một định nghĩa giản dị - là sự rộng lượng tha thứ với vạn vật, là sự mở lòng, yêu thương không từ bất kể điều gì, tựa như Đấng Thiên Chúa rộng lòng mang trên đầu mão gai, chịu đớn nhục thay cho chúng ta, hay câu niệm ta vẫn thường hay nghe của nhà Phật: Từ bi hỷ xả. Tất cả những điều ấy đã nói lên rằng khoan dung nghĩa là gì.

  Để biết khoan dung được biểu hiện thế nào, ta đến với điểm thứ hai: Cái ghế và chú tiểu. Ta biết nhờ có cái ghế, chú tiểu đã lén ra ngoài chơi, điều đó tương tự với lỗi lầm ta mắc phải, có thể là chuyện nhỏ như trốn ra ngoài, cho đến những chuyện lớn hơn và hơn nữa. Trước việc ấy, vị thiền sư chỉ lặng im thế chỗ vào chiếc ghế, lặng im đưa bờ vai để chú tiểu leo xuống, cũng lặng im không trách móc, cho đến cùng, ngài mới nói, nhưng không phải để trách móc mà là để nhắc cậu, trời đã khuya, cậu nên thay áo đi thôi. Lòng khoan dung không đâu xa, nó nằm ngay trên bờ vai vị thiền sư già, bờ vai vẫn luôn được biết tới như một biểu tượng cho sự vững chãi và ấm áp. Quả vậy, trước lỗi lầm nọ của chú tiểu, người thầy của cậu đã đưa bờ vai mình cho cậu, hết mực độ lượng với những gì cậu đã làm. 

 Khoan dung, theo một cách khách quan hơn bao giờ hết, không bao giờ là lỗi thời tự cổ chí kim, đặt khoan dung cạnh bên trừng phạt, trong một vài trường hợp, khoan dung lại có sức nặng hơn nhiều, con người ta làm từ xương từ thịt thì ai cũng như nhau, dù có người vạm vỡ, có người ốm nhom. Nhưng tâm trí của mỗi người thì lại khác, vốn là vật vô hình không nhìn thấy được, lòng người là thứ khó nắm bắt nhất, và ta ví lòng khoan dung như một sợi dây thừng có khả năng nắm bắt con ngựa bất kham như lòng người. Không phải tự nhiên mà thời đại ngày nay người ta phát minh ra biện pháp "Kỷ luật không nước mắt" hay cân nhắc cho các điều khoản khoan hồng trên phương diện pháp luật.

  Tỉ như chú tiểu trong câu chuyện trên, liệu có phải vì vị thiền sư bỏ qua dễ dàng, không trách phạt cậu nên chú tiểu sẽ sớm quên đi bài học này? Rõ ràng là không, không những thế, bài học này sẽ luôn luôn khắc ghi trong lòng cậu, hình phạt cậu nhận được hoàn toàn không đến từ những câu nói trách móc hay đòn roi, mà là từ chính lương tâm cậu, cậu sẽ khắc khoải vì lỗi lầm của mình đã dẫn đến việc thầy phải quỳ gối dưới nền đất trong đêm sương hàn, sẽ tủi hổ vì đối diện với tội lỗi rành rành như thế, thầy vẫn thật vị tha với cậu. Và rồi, cậu sẽ giác ngộ ra lòng khoan dung, có lẽ là một trong những bài học đầu đời của cậu.

 Chúng ta ai cũng đã từng là một chú tiểu, nhưng có người thì đã trở thành vị thiền sư, có người chưa, tôi không dạy và nói vì sao chúng ta nên khoan hồng, nên thứ tha thế này hoặc thế kia, vì như thế thật hết sức cứng nhắc, tôi chỉ hy vọng bạn hiểu rằng, chúng ta chỉ có một cuộc đời, hà tất phải chất đầy nó với những tâm sự nặng trĩu hay lời nói hằn học, cuộc đời là một chuyến đi dài, khi đối diện mọi thứ với một đôi mắt sáng và một tấm lòng cao cả, bạn sẽ thấy cảnh vật ngày hôm nay còn đẹp hơn hôm qua gấp bội lần.