Thời tiết oi bức nói trên là kết quả của sự giao nhau giữa những đợt nóng bất thường đang tích tụ tại khu vực. Thông thường những cơn gió mậu dịch sẽ mang lại giúp cho biển dịu mát hơn, song vì những đợt nóng chưa từng thấy đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 5 do sự kết hợp của các nhân tố gắn với biến đổi khí hậu đã làm nhiệt độ nước vùng phía Đông biển Ca-ri-bê tăng vụt và liên tục giữ ở mức cao trong vài tháng, mức kỷ lục trong suốt 150 năm qua.
Cái nóng gay gắt đã cắt đứt mối quan hệ cộng sinh vốn vẫn được duy trì giữa san hô và loài tảo có tên Zooxanthellae. Zooxanthellae cung cấp cho san hô những dưỡng chất cần thiết tạo ra từ quá trình quang học và để đổi lại, san hô lại cho chúng một nơi sinh sống và điều kiện tiếp cận ánh mặt trời. Loài tảo này cũng tác động tới màu sắc của san hô, loài mà bản thân rất ít màu sắc. Nhưng vì nhiệt độ nước biển tăng, loài tảo Zooxanthellae đã biến mất. Dải san hô trở lại màu trắng tuyết, màu sắc của lớp đá bên trong mà chúng vốn có từ nhiều thế kỉ. Hiện tượng này được gọi là quá trình tẩy trắng san hô.
Những đợt sóng nóng để lại những vệt dài san hô bị tẩy trắng, hình ảnh chưa từng thấy ở vùng Caribe. Cuối năm 2005, 90% san hô trên đảo Virgin và 52% san hô ở khu vực French West Indies (gồm 4 vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền Pháp, nằm ở vùng biển Ca-ri-bê, thuộc Đông Ấn Độ Dương) đã bị ảnh hưởng.
Hiện tượng tẩy trắng san hô không phải hoàn toàn là không thể cứu vãn. Nếu nước giảm nhiệt đúng lúc, tảo Zooxanthelle có thể sẽ quay lại và giúp san hô trở lại bình thường. Tuy nhiên, điều này là không thể đối với một vài khu vực thuộc phía Đông Ca-ri-bê. Ngay khi hầu hết quá trình phục hồi bắt đầu, vi khuẩn gây bệnh sẽ ảnh hưởng tới những rạn san hô ở độ sâu dưới 60 feet (khoảng 18m). Đến 2007, khoảng 60% san hô ở đảo Virgin và 53% ở Viện bảo tồn Thiên nhiên La Parguera của Puerto Rico đã chết, trở thành thảm họa chưa từng có.
Sự bùng nổ dịch bệnh ở san hô Đông Ca-ri-bê diễn ra đồng thời với những gì mà loài san hô toàn cầu đang phải trải qua vài thập kỷ nay. Trong một thời gian dài san hô đã phải chịu đựng sự ô nhiễm đất, nạn phá hủy môi trường sống và việc đánh bắt quá mức. Giờ đây chúng còn phải đương đầu với biến đổi khí hậu, một tác nhân khiến quá trình suy thoái toàn cầu diễn ra nhanh hơn.
Điều này khiến sự cân bằng sinh thái bị đe dọa. Dải đá ngầm là nơi sinh sống của hơn 800 loài san hô, 4000 loài cá và rất nhiều loài động vật không xương khác. Nhiều nhà khoa học còn cho rằng có tới hàng trăm nghìn sinh vật biển khác đang sống ở khu vực đá ngầm chưa được biết tới.
Ảnh hưởng của sự suy thoái này là vô cùng nguy hại đối với sinh vật biển cũng như đối với sức khỏe con người. Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, những rạn san hô tạo ra ¼ lượng cá và thức ăn cho 1 tỷ người trên toàn cầu. San hô còn bảo vệ bờ biển khỏi những cơn bão dữ dội có khả năng trở nên khủng khiếp hơn khi mức nước biển tăng cao do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, ngành du lịch, một ngành quan trọng trong nền kinh tế của vùng duyên hải khu vực nhiệt đới, hàng năm mang lại hàng tỷ USD lợi nhuận, có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu những dải san hô mất đi vẻ hấp dẫn của nó.
Những dải đá ngầm dưới biển cũng đồng thời là nguồn cung cấp dược liệu lâu dài cho con người. Gắn với đá ngầm, san hô và các loài động vật không có khả năng di chuyển dưới biển đã tạo ra một loạt các hỗn hợp hóa học nhằm ngăn chặn các loài săn mồi, chiến đấu với bệnh tật và chống chọi với các sinh vật cạnh tranh. Hai loại thuốc ngừa virus là Fvidarabine và Azidothymidine cùng thuốc chống ung thư Cytarabine đã được phát triển dựa trên chất hóa học lấy từ bọt biển vùng thềm lục địa Caribbe. Một loại thuốc khác có tên Dolastatin 10, tách được từ loài thỏ biển (Dolabella auricularia) Ấn Độ Dương cũng đã được công nhận là một loại thuốc chữa bệnh ung thư vú, ung thư gan và máu trắng. Sẽ còn nhiều dược phẩm và các hóa chất có ích khác nữa một ngày nào đó có thể được tạo ra nhờ những loài sinh vật ở dải đá ngầm này, các chuyên gia cho biết.
Chính vì vậy, bảo vệ hệ sinh thái này là một việc vô cùng cấp bách. Nói về việc này, Caroline Rogers, một nhà sinh thái học chuyên ngành biển tại đảo Virgin cho biết: “Chúng ta phải bảo vệ chúng vì những lí do kinh tế, sinh thái, mỹ thuật hay thậm chí chỉ vì lí do tinh thần. Con người cần sống hài hòa với thiên nhiên và với những hệ thống hỗ trợ cuộc sống vượt trên con người. Sự mất đi những rạn san hô là một thảm họa, đồng nghĩa với việc chúng ta đang mất đi thứ mà chúng ta còn hiểu quá ít về nó”.
Bình luận (0)