Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ vốn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Từ ngàn năm qua, phẩm chất quý báu ấy là sợi chỉ kết nối tình cảm gia đình và dân tộc tạo nên một lối sống nghĩa tình, đằm thắm của dân tộc Việt Nam. Có rất nhiều câu chuyện đã ca ngợi về những tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, nhưng tôi ấn tượng nhất là câu chuyện Sự tích hoa cúc trắng. 

      Cô bé trong câu chuyện là một người con rất hiếu thảo và vô cùng yêu thương mẹ, là một người con có tấm lòng lương thiện bao la và nhân hậu đã rung động đến lòng Phật . Con đường tìm thuốc cho mẹ tuy rất gian nan, trở ngại và đầy khó khăn nhưng với tấm lòng hiếu thảo và ý chí kiên cường cô đã chiến thắng mọi hiểm nguy để lấy được vị thuốc quý Phật trao. Nhưng cặp từ hô ứng trong câu nói của Phật làm cô gái nhỏ dường đang bâng khuâng : ''Hoa cúc có bao nhiêu cánh, người mẹ sẽ sống thêm bấy nhiêu năm''. Làm thế nào để mẹ sống lâu hơn được nhỉ?'' - có lẽ cô đã băn khoăn như thế. Nhờ sự thông minh nhanh nhẹn cô đã nghĩ ra cách để mẹ sống được lâu hơn. Đó là một cách báo hiếu tuyệt vời: ''Vì muốn mẹ sống thật lâu, cô bé dừng lại bên đường tước cánh ra nhiều cánh nhỏ ''. Đọc đến đây, tôi vô cùng xúc động trước việc làm của cô bé. Hành động của cô chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương chan chứa đối với người mẹ kính yêu. Và nhờ cô, loài hoa cúc ấy - hoa Liêu Chi đã đại diện cho những tấm lòng hiếu thảo trong trắng nhất, tinh khiết nhất. Cô chính là một chuẩn mực cho lối sống hiếu thảo - một trong những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

       Lòng hiếu thảo là tấm lòng biết ơn, kính trọng và yêu mến của bậc con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đạo làm con là phải hết lòng phụng dưỡng báo đáp các bậc sinh thành nên hiếu thảo là những tình cảm tự nhiên nhất và cũng là những đạo đức cơ bản nhất của con người. Vì sao ta phải hiếu thảo với mọi người trong gia đình? Bởi cha mẹ chính là người đã có công mang nặng đẻ đau ta, cho ta một cơ thể khỏe mạnh, . Không chỉ vậy, họ còn ban cho ta một trái tim biết yêu thương, dạy ta đạo đức làm người và nuôi ta khôn lớn thành người với tất cả sự trân quý để ta lớn lên thật tốt, thật toàn vẹn để không thua kém bất cứ ai.  Cha mẹ, người thân luôn luôn là cội nguồn của yêu thương, là chỗ dựa lớn nhất luôn cỗ vũ và dõi theo chúng ta trên từng nấc thang của sự trưởng thành, là bến đỗ bình yên luôn dang vòng tay tha thứ cho những lỗi lầm của chúng ta. Ai đó đã nói rằng “mồ côi khổ lắm ai ơi” quả đúng không sai. Chính vì thế, bổn phận làm con là phải yêu thương kính trọng cha mẹ, chăm sóc cha mẹ khi già yếu, thành tâm thờ phụng họ khi họ qua đời.

        Lòng hiếu thảo được biểu hiện bằng những tình cảm, hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Đối với lứa tuổi học sinh là cung kính, lễ phép với ông bà, ra sức học tập và rèn luyện đạo đức để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Lòng hiếu thảo luôn mang đến hạnh phúc và bình yên cho gia đình. Nó mang đến sự gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình và giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. Bởi mỗi một mái ấm là một tế bào nhỏ trong xã hội, nếu mỗi gia đình mang những tấm gương hiếu thảo, chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp biết bao! Ấy thế nhưng thật đáng buồn biết bao, khi đâu đó vẫn có một bộ phận con người đáng lên án, phê phán gay gắt. Họ bất hiếu đến mức làm những hành vi ngược đãi hay đối xử thô bạo, tàn nhẫn với cha mẹ, chính những người đã nuôi lớn, có công nuôi dưỡng, mang nặng đẻ đau, yêu thương họ. Hay như những người bỏ rơi, mặc kệ cha mẹ khi họ gặp khó khăn, chỉ chăm chăm ích kỉ lo lắng cho bản thân mình. Những con người đã đánh mất lương tâm đó không xứng đáng được xã hội dung thứ. Họ không biết rằng một điều xót xa rằng: “Mẹ còn chẳng biết là may/Mẹ mất mới tiếc những ngày làm con.”  

 

       Tôi rất xúc động khi biết cô bé Trịnh Thị Lan (Thanh Hóa) mới 13 tuổi đã trở thành lao động chính trong gia đình, chăm sóc cho người bà gần 90 tuổi và người mẹ bị bệnh tâm thần của mình mà không một lời than vãn. Đó là ngoài xã hội, nhưng trong văn học không thiếu những tấm gương hiếu thảo với cha mẹ. Vua Thuấn tuy lớn lên trong sự la mắng của cha, sự hãm hại của mẹ kế và em trai nhưng vẫn giữ được sự hiếu thuận mà hòa giải được khúc mắc gia đình. Chàng Chử Đồng Tử đã táng cha với chiếc khố duy nhất trong nhà. Thúy Kiều đã vì chữ hiếu mà đánh đổi cả cuộc đời, bán mình chuộc cha, từ bỏ mối duyên tình nồng thắm của mình với Kim Trọng. Lục Vân Tiên vì khóc thương mẹ mất mà mù lòa cả hai mắt.    

Đừng bao giờ đợi đến khi ta lớn lên, có địa vị, có tiền bạc và danh vọng thì mới báo đáp công ơn của cha mẹ. Ngay bây giờ bạn cũng có thể thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, bởi đó đơn giản là một lời hỏi thăm ân cần khi cha mẹ mệt mỏi, là một cốc nước khi cha mẹ đi làm về, hay là những hành động chăm sóc khi cha mẹ đau ốm. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc mà bạn còn được ở bên cha mẹ, được cha mẹ yêu thương. Hãy dành thật nhiều thời gian bên cạnh yêu thương, săn sóc mẹ cha, đừng để đến khi không còn đấng sinh thành trên đời này nữa mới nhận ra những sai lầm của bản thân, để rồi rơi những giọt nước mắt chua xót, muộn màng. Ca dao Việt Nam đã có câu:

                                                                                         

                                                                                     “Công cha như đức cao dày

                                                                            Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ

                                                                                       Nuôi con khó nhọc đến giờ

                                                                             Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”