Hồi còn nhỏ, trước khi đi ngủ, mẹ thường kể cho tôi nghe những mẩu chuyện ngắn mà ý nghĩa. Đó là câu chuyện về cậu bé Tích Chu ngày đêm lặn lội đến suối Tiên mang nước về cho bà, đó là cậu bé Nha Xoa nhỏ tuổi nhưng quyết chí lên núi phá hoang để kiếm cái ăn cho gia đình, đó là Hàn Bá Du đã khóc rất lớn khi bị mẹ đánh, không phải khóc vì đau mà khóc vì cảm thấy không đau nữa, mẹ đã già rồi... Thế nhưng, trong tâm hồn non nớt của tôi khi ấy, tôi nhớ mãi câu chuyện về một em bé nhà nghèo có mẹ ốm nặng. Thương em không có đủ tiền chữa bệnh cho mẹ, Phật trao cho em bông cúc và nói số cánh hoa trên bông cúc chính là số năm mẹ em còn sống được. Em nhận lấy bông cúc, đứng ven đường và lặng lẽ tước nhỏ từng cánh hoa, nhờ thế mà mẹ em sống được rất lâu. Hành động ấy cứ khiến tôi nhớ mãi - nhớ về một em bé mạnh mẽ, kiên cường nhưng cũng rất lạc quan , nhớ về thứ tình mẫu tử giản dị nhưng vô cùng mãnh liệt.

Cô bé ấy có một tấm lòng vô cùng hiếu thảo với người mẹ của mình. Nhà em nghèo nhưng mẹ lại mắc bệnh nặng, em phải lặn lội đi đường xa tìm kiếm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Một đứa bé có khi cũng chẳng biết phải tìm loại thuốc gì, thuốc đó có hình dạng như thế nào, thế nhưng em vẫn kiên trì cố gắng đi tìm kiếm một vị thuốc có thể chữa khỏi căn bệnh đó. Không một lời oán trách, không một lời than thở! Chỉ bởi vì em muốn cứu mẹ! Khi được Phật trao cho bông cúc, em thấy số cánh hoa trên bông cúc ấy không nhiều, nhưng vì mong muốn mẹ có thể sống lâu thêm, thế nên em đã tước nhỏ cánh hoa ra thành nhiều cánh nhỏ. Hành động này tuy không đặc sắc bằng "lên núi đao, xuống biển lửa" nhưng thử hỏi trong tình huống ấy có mấy ai nghĩ được cách tước nhỏ cánh hoa ấy ra? Liệu chúng ta có làm được thế không? Hay là chấp nhận số năm ít ỏi mà mẹ có thể sống được?

Cô bé ấy còn có một sự lạc quan hoàn toàn trái ngược với nghịch cảnh lúc ấy. Mẹ cô tuy mắc bệnh nặng nhưng lúc nào cô cũng ngóng trông vào một điều kì tích sẽ xuất hiện. Cô không chán nản buồn bã, không khóc lóc than vãn mà luôn ấp ủ một ước mong một ngày nào đó mẹ sẽ khỏi lại. Chính sự lạc quan ấy đã tiếp thêm động lực, sức mạnh để cô bé bước tiếp trên hành trình tìm kiếm vị thuốc chữa bệnh. Thử hỏi, nếu cô bé không có sự lạc quan ấy mà ngày ngày ở bên cạnh mẹ khóc lóc, mẹ cô có thể khỏi bệnh hay không? Hay là bệnh chưa chữa khỏi mà tâm trạng của mẹ cô bé cũng ngày càng suy sụp. Lúc ấy, dù có vị thuốc tiên nào đi nữa cũng chẳng thể chữa khỏi cho mẹ cô, bởi tâm lý người bệnh mới là thuốc dẫn quan trọng nhất. Và chính sự lạc quan ấy đã khiến trong lòng mẹ cô nhen nhóm lên ngọn lửa của sự hi vọng, của sự chờ mong.

Tình yêu, sự lạc quan là những điều tuyệt vời nhất ở cô bé, thế nhưng nếu không có một đầu óc thông minh thì có lẽ số năm mẹ cô sống được cũng chỉ bằng số cánh hoa cúc mà thôi. Khi Phật trao cho cô bông hoa cúc, bông hoa cúc ấy có thể chỉ có 5 cánh, 7 cánh hay 10 cánh, tức là mẹ cô chỉ có thể sống thêm 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm. Với một người bệnh mà nói, từng ấy năm đã là quá đủ rồi, nhưng với một người con hiếu thảo thì con số ấy vẫn còn quá nhỏ, nó không đủ để cô cảm nhận được hết tình yêu của mẹ, nó không đủ để cô có thể trưởng thành rồi bù đắp những công ơn cao hơn núi của mẹ. Có lẽ Phật cũng không thể ngờ cô sẽ tước nhỏ những cánh hoa để kéo dài mạng sống cho mẹ. Cô rất thông minh mà đúng không? Bởi đâu phải ai cũng nghĩ ra được cách ấy. Cô đã tận dụng sự giúp đỡ của Phật để giúp mẹ sống thật lâu, và cũng nhờ cô mà hoa cúc ngày nay mới có nhiều cánh như thế. Là hoa cúc cứu sống mẹ cô hay nhờ cô mà hoa cúc mới "sống" mà có nhiều "đôi cánh" thon thon như thế? Là hoa cúc vốn dĩ đã có thể cứu người hay nhờ cô mà hoa cúc mới trở thành một thần dược để chữa bệnh?

Một cô bé, mang trong mình tình yêu đi kiếm tìm vị thuốc chữa bệnh cho mẹ. Một cô bé, mang trong mình sự lạc quan xua đi những lo âu cho mẹ. Một cô bé, mang trong mình sự thông minh mà kéo dài mạng sống cho mẹ. Thật ra, cô cũng giống như bông hoa kia, nhỏ bé mà lại mang sức mạnh phi thường, nhỏ bé mà tỏa ra một vầng hào quang, mang lại cho người ta sức sống. Cô là một đóa hoa, nhưng đóa hoa ấy là đóa hoa hiếu thảo.

Trẻ con ngày nay phải học biết bao kiến thức, nào toán, nào lý, nào văn một cách vô cùng bài bản, nhưng có bài giảng nào nói chi tiết về công lao của cha mẹ, nói chi tiết về nghĩa vụ của người con trong trường học hay chưa? Với tôi, học sinh ngoài học kiến thức trong sách vở cũng nên học tập trong những câu chuyện cổ tích, những mẩu chuyện ngắn mà ý nghĩa như trên. Tuy cô bé đó chỉ là nhân vật không có thực, được tạo nên trong trí tưởng tượng của người xưa, vậy nhưng từ cô bé đó ta học được biết bao điều lạ, bao điều hay, cho ta biết thế nào là hiếu thảo, thế nào là thông minh, thế nào là tình mẫu tử, từ cô bé đó ta cũng học được cách phải thật lạc quan, yêu thương cha mẹ mình. 

 

                                                                                                                                           "Cha mẹ thương con tựa biển trời

                                                                                                                                            Làm sao đền trả được người ơi

                                                                                                                                            Nếu không có hiếu đừng bất hiếu

                                                                                                                                            Bất hiếu làm ta khổ muôn đời".

                                                                                                                                                                   (Margaret Truman)