Khi đất nước đã hòa bình, thịnh vượng, cũng là lúc chúng ta có đủ thời gian để suy ngẫm về những công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Việt Nam ta từ xưa đến nay trải qua bao cuộc chiến tranh đẫm máu, đó là "nỗi đau của toàn dân", nhưng cũng nhờ thế mà ta mới biết được Việt Nam cũng có biết bao nhân tài, bao tướng sĩ vô cùng tài giỏi. Một trong số đó đã được sử sách chép lại, đồng thời cũng được trao danh hiệu "một trong mười vị đại tướng vĩ đại nhất thế giới" đó là đại tướng Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo). Đây cũng là nhân vật anh hùng mà tôi ngưỡng mộ từ lâu.

Trần Quốc Tuấn là con trai thứ ba của Trần Liễu. Ông là một người thông minh xuất chúng, có tài quân sự và thấu hiểu lòng người. Có thể nói, ở ông hội tụ cả tài và đức. Nhớ hồi đó, quân Mông Nguyên là một đội quân hùng mạnh mà bất kì quốc gia nào cũng phải nể sợ. Chúng ngang ngược càn quét, xâm chiếm các nước nhỏ. Nước ta lúc ấy chưa được rộng lớn như bây giờ nhưng lại có những tài nguyên phong phú, thế nên không tránh khỏi bị bọn chúng nhăm nhe, nhòm ngó. Biết lực lượng địch đông đảo trong khi lực lượng quân ta còn ít, Trần Hưng Đạo đã sáng tạo ra chiến lược quân sự vô cùng đúng đắn: Khi thế giặc đang mạnh, ông không cho quân ta đối đầu trực tiếp mà cho quân rút lui để bảo toàn lực lượng, đồng thời thực hiện "vườn không nhà trống", đưa giặc vào thế bị động, tạo thời cơ để quân nhà Trần phản công tiêu diệt địch hoàn toàn.

Đại tướng Trần Hưng Đạo còn là người luôn đặt lợi nước lên trên thù nhà. Trong đợt chống quân Mông Nguyên thứ hai, thấy rõ ngành trưởng, ngành thứ xung khắc, ông và Trần Quang Khải nếu không chung sức chung lòng thì cuộc chiến sẽ dẫn đến thất bại. Vì thế ông chủ động giao hảo hòa hiếu với Quang Khải, còn mời Quang Khải đến chơi cờ, sai người chuẩn bị nước tắm và tự mình tắm cho Quang Khải. Hiềm khích giữa hai người vì thế vĩnh viễn được xóa bỏ, tạo nên chiến thắng vang dội năm 1285.

Đối với lĩnh vực quân sự của nước nhà, ông là tướng trụ cột của triều đình. Ông đã tốn rất nhiều tâm huyết để viết nên hai bộ binh thư: "Binh thư yếu lược" và "Vạn Kiếp Tôn bí truyền thư" để răn dạy các tướng đời sau. Ông cũng là người viết nên "Hịch tướng sĩ" - bộ hịch hào hùng của dân tộc, để động viên, khích lệ tinh thần, ý chí của các tướng sĩ. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh vị tướng lĩnh oai phong lẫm liệt, đứng trên cao mà nói với toàn tướng sĩ những lời nói đanh thép, trang nghiêm. Ở ông, tôi thấy được tình yêu nước nồng nàn, mãnh liệt, thấy được sự căm phẫn đối với quân Mông - Nguyên và cả một tấm lòng chân thành khi bày tỏ nỗi lòng với các tướng sĩ. Ông muốn các tướng sĩ hiểu rằng bọn giặc sang xâm lược nước ta, đi lại nghênh ngang lại luôn miệng sỉ mắng triều đình, đó chính là nỗi nhục. Vậy mà bọn họ lại không biết lo, không biết tức, không biết căm, thêm cả thảnh thơi vui thú chọi gà, đánh bạc,... rồi sẽ dẫn đến phần mộ tổ tiên bị giẫm đạp, vợ con lang thang khắp cõi, bản thân mình phải làm trâu làm ngựa cho giặc,.. Những lời ấy của Trần Hưng Đạo trong "Hịch tướng sĩ" mới tuyệt làm sao! Ông nói ngắn gọn nhưng đã đánh vào sâu thẳm trái tim của mọi người. Điều đó đã khích lệ tướng sĩ quyết tâm chiến đấu với giặc, mang lại chiến thắng cho toàn dân. 

"Là tướng nhân, ông thương dân thương quân lính như chính bản thân mình.

Là tướng nghĩa, ông coi việc đúng hơn là cái lợi ích đơn thuần.

Là tướng trí, ông vận dụng binh pháp, tiến thoái theo đạo trời hành sự."

Những điều ông đóng góp cho đất nước to lớn xiết bao, không sao kể hết. Việt Nam và cả thế giới tự hào khi có vị đại tướng vĩ đại đến vậy!