Đề tài người phụ nữ là một trong những hình tượng văn học Việt Nam , từ những câu ca dao xưa:                                                          "Thân em như trái bần trôi, 

        Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu “

Đến thời văn học trung đại hình tượng ấy một lần nữa được các thi nhân đồng cảm và sẻ chia . Phần lớn các tác phẩm thời kì này đều nói đến số phận thiệt thòi bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ. Nhân vật Thuý Kiều là một ví dụ điển hình của người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Mở đầu cho cuộc đời  trắc trở đau khổ , tình duyên lận đận hẩm hiu của Kiều là đoạn trích “ Trao Duyên” . Với 12 câu thơ đầu, đại thi hào Nguyễn Du đã thể hiện thật sâu sắc nỗi đau đớn dằn vặt của Thuý Kiều sau khi phải bán mình chuộc cha và em đành ngậm ngùi trao lại duyên cho em gái Thuý Vân mong em thay mình kết duyên với Kim Trọng. 

        Mở đầu đoạn trích là lời nhờ giản dị bình thường như những lời chị nhờ em gái nhưng lại ẩn chứa cả lí lẫn tình khiến nó trở nên bất thường: 

            “…Cậy em em có chịu lời,                                                                                                             

         Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa “

Trọng lượng của hai câu thơ vào vào bốn chữ: “ cậy “ “chịu “ “lạy “ “thưa” khiến giai điệu ngân lên gây ấn tượng với người đọc . Tác giả đã dùng  từ thật chính xác thể hiện sự uỷ thác một sự việc quan trọng chị cho em gái. Thuý Kiều nói “cậy” chứ không phải nhờ , mặc dù cả hai đều mang ý nhờ vả  ,nhưng “cậy” mang nặng tình nghĩa hơn. Cũng như dùng từ “chịu” chứ không phải nhận lời . Bởi nhận lời thì có thể từ chối nhưng chịu lời mang ý nghĩa ép buộc.Như vậy ta thấy được sự khẩn thiết trong lời nhờ , Kiều đặt trọn niềm tin vào Vân. Chịu ở đây còn mang ý nghĩa ép buộc, vì một người thâm thuý như Thuý Kiều có thể hiểu rõ những thiệt thòi mà em phải chịu khi đồng ý . Vậy nên nàng không dùng uy lực của một người chị cả trong gia đình bắt ép mà ta còn thấy trật tự trong gia đình đã bị đảo lộn qua lời nói và hành động của Thuý Kiều: “ lạy rồi sẽ thưa” – đây là hành động của kẻ bề dưới với kẻ bề trên. Mặc dù họ vẫn xưng hô chị -em nhưng vai vế giờ đây đã khác: chị vai lép vế luỵ phiền nhờ em – một ân nhân ban ơn . Qua đó ta thấy được sự khéo léo thông minh của Thuý Kiều khi thuyết phục em cũng là tài năng ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Du . 

         Sáu câu tiếp theo là những lé lẽ trao duyên Kiều muốn tâm sự cùng em. Trước hết nàng giãi bày hoàn cảnh mình và Kim Trọng :                                                                    “ Giữa đường đứt gánh tương tư” 

“Giữa đường”- ẩn dụ cho mối tình đang yên bình hạnh phúc tưởng như sẽ ra hoa kết trái nhưng lại “ đứt gánh tương tư “- thành ngữ thể hiện những khó khăn ập đến khiến sợi tơ dây mỏng manh chẳng thể nối mối lương duyên vẹn toàn. Không chỉ có sự day dứt khi tình duyên dang dở đang đè nặng lên đôi vai gầy của Kiều. Mà còn là sự dằn vặt khi nói lời trao duyên với em gái . Bởi có lẽ đối với Kiều và Kim Trọng đó là mối tình đẹp nhất nhưng với Vân đó chỉ là sợi” tơ thừa “phiền toái . Nhưng biết làm sao giờ khi duyên cũng đã trao. Kiều “ mặc em “ định liệu , uỷ thác mọi trọng trách cho Vân  thay mình là “ keo loan”- hàn gắn mối tơ duyên với Kim Trọng. 

       “Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em” 

Giai điệu thơ tiếp tục vang lên trong nỗi xót xa nhung nhớ khi Kiều nhớ về những kỉ niệm đẹp bên Kim Trọng :                                                                                                                                                                     

                  “Kể từ khi gặp chàng Kim,                                                                             

    Khi ngày quạt ước , khi đêm chén thề “ 

Điệp ngữ “ khi “ và điệp cấu trúc : “khi ngày “ “ khi đêm” như vẽ  ra trước mắt ta viễn cảnh quá khứ như một thước phim tua chậm làm sống dậy những năm tháng tình yêu tuổi trẻ : từ ngày đầu gặp chàng Kim , Kiều như trúng sét ái tình tương tư. Để đến lần gặp thứ hai họ tặng nhau cây  "quạt “- kỉ vật tình yêu quý giá ước nguyện trăm năm mãi một tình yêu . Và đến lần gặp thứ ba ,trong đêm dưới ánh trăng soi sáng , họ cùng nhau uống chén rượu thề nguyền chung thuỷ. Chao ôi , thật lãng mạn hạnh phúc làm sao! Như vậy điệp ngữ điệp đến ba lần như nhấn mạnh những kỉ niệm tình yêu đẹp cũng chính là nỗi lòng Kiều nhớ nhung nuối tiếc . Bởi hạnh phúc chưa được bao lâu thì 

                   “Sự đâu sóng gió bất kì 

       Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn nguyên “

“Sóng gió” ập tới là khoảng thời gian Kim Trọng về quê chịu tang chú , gia đình Kiều bị mắc oan , nàng buộc phải bán mình chuộc cha và em đồng nghĩa với việc phản bội lại lời thề với Kim Trọng. Trong nội tâm nàng dằn vặt lo âu không biết phải làm gì để chữ tình chữ hiếu “ hai bề vẹn nguyên“. Cuối cùng nàng chọn hy sinh tình yêu đời mình để làm trọn đạo con với cha mẹ . Kiều bộc lộ nỗi niềm đau khổ, day dứt cam chịu mà hy sinh khiến Vân cảm động khó lòng mà từ chối . Mặc dù đã nói hết nỗi lòng mình nhưng Thuý Kiều vẫn lo rằng em không đồng ý nên tiếp tục thuyết phục em : 

            “Ngày xuân em hãy còn dài 

        Xót tình máu mủ thay lời nước non” 

Hình ảnh “ ngày xuân “ ở đây ẩn dụ cho tuổi thanh xuân : khi thanh xuân em còn dài và tươi sáng thì chị sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh thanh xuân đã bị vấy bẩn ô uế không biết tương lai sẽ rao sao. Kết hợp cùng hai thuật ngữ “ tình máu mủ “ đặt song song ngang hàng với “ lời nước non” như muốn nhắn nhủ em rằng : nếu như em thương chị , coi trọng tình chị em ruột thịt thì xin em hãy vì chị mà đồng ý lời trao duyên ấy. Thậm chí nàng còn nhắc đến cái chết : 

                “Chị dù thịt nát xương mòn       

   Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây" 

Hai câu thơ sử dụng hai thành ngữ “ thịt nát xương mòn “ và “ngậm cười chín suối”  rất độc đáo và thâm thuý ẩn ý rằng: Nếu như em đồng ý lời nhờ ấy thì dù chị đây có chết đi cũng cảm thấy an lòng vì trả được nghĩa tình , phần nào đó cảm thấy vui toại nguyện  hơn” . Qua đó tay thấy sự thành công trong việc thể hiện tâm tư tình cảm nhân vật của tác giả. 

       Tóm lại với 12 câu thơ đầu trong giai điệu trầm buồn ngân vang , sự thành công trong ngôn ngữ bậc thầy sử dụng thành ngữ, thuật ngữ, hình ảnh ước lệ độc đáo , tài năng  thể hiện tâm lí nhân vật kết hợp cùng nhiều nghệ thuật đặc sắc như điệp cấu trúc , điệp ngữ, ẩn dụ.., Nguyễn Du đã khẳng định nhân vật Thuý Kiều không chỉ có vẻ bề ngoài hoàn mĩ mà còn rất thông minh khéo léo ,ngời sáng phẩm chất chung thuỷ với tình yêu , hiếu thảo với cha mẹ . Đồng thời tác giả bày tỏ niềm thương cảm trước số phận đầy sóng gió bất hạnh của Thuý Kiều. Qua đó làm ngời sáng giá trị nhân văn của tác phẩm lên án chế độ phong kiến xưa đã coi trọng đồng tiền mà bất công với người phụ nữ để rồi thương xót cho số phận hẩm hiu tình duyên lận đận không được trọn vẹn  của những người phụ nữ xã hội xưa.