Một nhà bác học từng nói “Những gì tôi biết chỉ là một hạt cát, những gì tôi chưa biết là cả một đại dương bao la”. Quả thật, con đường đi đến tận cùng của tri thức quá xa vời. Vậy phải chăng con người sẽ chẳng bao giờ trở thành nhà thông thái thực sự? Không hẳn, bởi Môngtexkiơ cho rằng: “Những con người thông thái thực sự cũng tựa như những bông lúa: khi còn lép, chúng vươn cao đầu lên đẩy kiêu ngạo; nhưng khi hạt đã đầy và chắc, chúng bắt đầu khiêm nhường cúi đầu xuống”.

Câu nói của Môngtexkiơ là sự so sánh thú vị giữa đạo lý sống của con người với hình ảnh bông lúa. Khi bông lúa mới trổ, hạt thóc còn lép, nó vẫn vươn thẳng lên để đón lấy ánh sáng và tinh túy. Sau một thời gian, hạt lúa đầy và chắc, bông lúa trĩu xuống để nhìn lại thành quả mà nó đã tạo ra – đó là những hạt thóc mẩy vàng. Con người cũng vậy, có lúc chúng ta cần phải kiêu hãnh, tự tin, ngẩng cao đầu để tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ nhưng cũng có lúc chúng ta cần phải cúi đầu khiêm nhường học hỏi để cuộc sống để hiểu cuộc sống, hiểu người và hiểu được chính bản thân mình. Biết vận dụng hai điều đó và cuộc sống bạn sẽ trở thành nhà thông thái thực sự. Thông thái là những con người có trí tuệ, có kiến thức uyên bác và có cách sống cách ứng xử khôn ngoan, đúng mực. Như vậy, câu nói của Môngtexkiơ đã khẳng định nhà thông thái thực sự cần khi nào nên ngẩng đầu kiêu hãnh và khi nào nên cúi đầu khiêm nhường.