Trẻ em là niềm hy vọng của gia đình, của giòng tộc, là tương lai đất nước. Mọi sự ưu ái, tốt đẹp có thể có được sẽ phải dành phần cho trẻ em cả về mặt tình cảm, vật chất, tinh thần và pháp chế xã hội. Nước ta xưa nay về đạo lý: ông bà, cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi, dạy cháu, con thành người, dựng vợ gả chồng, xây tạo gia đình mới, nối dài gia tộc; Nhà nước thì có những thiết chế xã hội để bảo đảm trẻ em được quyền an toàn, được thương yêu, được chăm sóc, nuôi dưỡng, được học hành, được vui chơi, được phát triển đúng hướng và được bảo vệ theo luật pháp. Tuy nhiên, trong tất cả thứ ấy, thì tình cảm, sự chăm sóc của cha mẹ đối với con cái là không gì thay thế được. Tuy nhiên hiện nay, do điều kiện không có việc làm ở quê nhà, nhiều cha mẹ trẻ đã phải ly hương vào các thành phố lớn để kiếm việc, nhưng không thể mang con theo vì tiền gửi trẻ có khi cao hơn cả tiền lương của cha mẹ. Vì thế, cha mẹ đành phải gửi con về lại quê nhà cho ông bà nuôi, dạy; mẹ con, cha con đành phải chia xa, một năm có khi về thăm con được vài lần, vài ngày, rồi lại ra đi…thật là ray rức mọi bề. Ông bà cũng phải làm việc để nuôi thân nên thời gian chăm cháu cũng không nhiều; tuổi già sức yếu nên tiền kiếm được cũng ít đi, dù thương cháu, cố gắng nhín nhịn phần mình nhưng cũng khó để trang trải được cho cháu phần thiết yếu. Lại thế hệ ông – cháu cách xa nhau, ngành giáo dục cải cách liên tục nên kiến thức ông bà cũng không còn theo kịp, cháu học mà bí điều gì, hỏi ông bà cũng đành “ngớ ra” và chịu phép. Khi đi nhà trẻ, đi học ở trường lớp, thấy bạn có cha mẹ đón đưa, chắc rằng lòng bé cũng từng có lúc bâng khuâng, nhiều bâng khuâng tích lũy tháng ngày có thể sẽ làm cho lòng bé khó được hồn nhiên, vui tươi như trẻ khác. Vắng cha mẹ, không có người để bé thỏ thẻ tâm sự, thiếu sự giám sát, uốn nắn thường xuyên, cháu cứ phát triển vô tư như cành non vươn lên, gặp cây cành nào bám lấy cây cành đó, nghe lời nói nào ghi nhận lời nói đó, thấy hành vi nào của người lớn và của bạn lớn cũng bắt chước làm theo, chưa kể những hành vi bạo lực từ các kênh truyền hình, các game chiến đấu làm bé thấm dần và hình thành nhân cách sau này. Gần 80% dân số sống ở nông thôn, chắc con số trẻ em xa cha mẹ cũng không nhỏ.
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo, tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước. Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tố đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời (Trích từ bách khoa toàn thư Wikipedia). Có những sự việc Nhà nước bao cấp rất lâu, rất nhiều, nhưng tôi ngạc nhiên sao việc nhà trẻ, mẫu giáo đã từng một thời bao cấp (và làm rất tốt) thì nay lại hạn chế vô cùng, một số ít cơ sở công lập lại chỉ dành cho những trẻ em có hộ khẩu thường trú địa phương, lương công nhân lãnh 2 – 3 triệu đồng/tháng làm sao gửi trẻ với giá 2 -3 triệu đồng/em/tháng ở những cơ sở tư nhân, chưa kể một số cơ sở giáo dục mầm non chưa đạt chuẩn, đã xảy ra nhiều tai nạn đau lòng, làm nhức nhối xã hội.
Chương trình Xây dựng Nông thôn mới với chủ trương thật tốt đẹp, triển khai đã lâu mà sao cứ thấy hiệu quả còn mãi xa xôi, mong rằng chương trình sớm thành công; Nội dung VTV2 có chương trình “Sinh ra từ làng” thật hấp dẫn, rất thực tế, mà ai cũng mong muốn, rất mong được các ngành, các cấp tận tâm hỗ trợ, chỉ bảo tận tay cho dân làm, có đầu vào, đầu ra thật tốt thì câu “ly nông chứ không ly hương” sẽ sớm thành sự thật để nông thôn ta không còn cảnh cha mẹ phải xa con vì sinh kế, cho các cháu được nuôi dạy trong vòng tay đong đầy yêu thương của cha mẹ và ông bà
Bình luận (0)