Trong năm, Việt Nam có rất nhiều các lễ tết cổ truyền. Mỗi một ngày tết lại mang một một ý nghĩa riêng chẳng hạn như Tết Nguyên Đán đánh dấu cho việc kết thúc năm cũ chào đón năm mới, Tết thanh minh mọi người cùng nhau đi tảo mộ,… Một trong những ngày tết được rất nhiều các bạn nhỏ háo hức chờ đợi đó chính là Tết Trung thu.
Ngày Tết Trung thu diễn ra vào thời điểm giữa mùa thu là ngày rằm tháng 8. Đó là ngày mà mặt trăng sáng, to tròn trên bầu trời. Ông trăng như chiếc đèn khổng lồ soi sáng xuống mặt đất. Đa số các nước Á Đông đều có ngày tết này và ở Việt Nam, truyền thống đón Tết Trung thu của chúng ta là do ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên hiện nay cách đón ngày Tết này của Việt Nam có những nét riêng và mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Nếu như ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 trẻ nhỏ chỉ được bố mẹ tặng quà, đưa đi chơi,… thì ngày Tết Trung thu trẻ có một ngày thực sự là của riêng mình. Trẻ nhỏ được hòa mình vào không khí lễ hội. Điều này khiến cho tất cả những đứa trẻ đều cảm thấy vui mừng, háo hức. Bao giờ cũng vậy, người lớn chuẩn bị cho trẻ những mâm cỗ trung thu thật lớn với đủ các loại hoa quả. Những mâm cỗ này được bày biện và trang trí cầu kì, bắt mắt. Bên cạnh hoa quả còn có bánh dẻo, bánh nướng, hai thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết này. Khi trăng lên cũng là lúc trẻ nhỏ quây quần bên mâm cỗ, cùng lắc lư theo tiếng trống và đoàn múa lân. Trên tay các bạn nhỏ không thể thiếu được đó chính là những chiếc đèn ông sao, đèn lồng,… Mỗi một bạn nhỏ sở hữu cho mình những chiếc đèn khác nhau tạo cho ngày Tết Trung thu thêm màu sắc. Tiếp đến, các bạn nhỏ còn được tham gia vào rất nhiều trò chơi dân gian và nhận những phần quà hấp dẫn. Trăng lên đến đỉnh đầu, trăng tròn vành vạnh cũng là lúc trẻ nhỏ ùa nhau vào phá cỗ trăng rằm. Người lớn, trẻ nhỏ cùng nhau phá cỗ, trò chuyện và hát cho nhau nghe.
Có lẽ, ấn tượng nhất và khiến trẻ háo hức nhất chính là múa sư tử hay múa lân. Đằng sau những màn múa sư tử đầy ấn tượng là sự vất vả tập luyện của các anh, các chú. Họ điều khiển sư tử và nhảy múa theo nhịp trống khiến cho các bạn nhỏ thích thú reo hò. Nhiều nơi còn có chú Cuội và chị Hằng tới để dẫn chương trình tạo thêm sức hấp dẫn cho ngày Tết Trung thu.
Không chỉ là ngày tết dành cho thiếu nhi, Tết Trung thu còn thể hiện mong ước về một mùa màng bội thu. Người nông dân Việt Nam khi nhìn trăng cũng có thể đoán biết được thời tiết, dự báo được tình hình mùa màng sắp tới.
Bao nhiêu năm qua đi, rất nhiều ngày lễ của phương Tây đã du nhập vào Việt Nam tuy nhiên mức độ mong chờ của tất cả mọi người đối với ngày Tết Trung thu vẫn không hề thay đổi. Đây cũng chính là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam vì vậy nó cần được lưu giữ.
Bình luận (0)